Hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch: Công khai, minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực
VNTN - Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, với diện đối tượng thụ hưởng rộng, lớn nhất từ trước tới nay. Để chính sách hỗ trợ nhanh chóng đến với người dân, các cấp ngành, địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện trên tinh thần công khai, minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.
Tích cực phối hợp thực hiện
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng người đúng đối tượng, tránh xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ, đảm bảo không trùng lặp. Các sở, ngành, cơ quan cũng đã chủ động phối hợp rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh thực hiện thủ tục hỗ trợ.
Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân thuộc nhóm người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh thông qua 173 điểm giao dịch thuộc các Bưu điện huyện, thị xã, thành phố và các điểm Bưu điện Văn hóa xã của Bưu điện tỉnh; địa điểm chi trả tại nhà văn hóa xóm, bản, tổ dân phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc tổ chức chi trả tại các điểm chi trả đều có sự chỉ đạo, tham gia, phối hợp thực hiện và giám sát của các ngành, đoàn thể ở cơ sở nhằm đảo bảo việc chi trả công khai, minh bạch, an toàn và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Đơn cử như tại Lân Quang - một trong những xóm khó khăn nhất của xã Tân Long, một xã miền núi còn khó khăn của huyện Đồng Hỷ, 120 hộ nghèo, cận nghèo trên tổng số 130 hộ dân của xóm đều đã được nhận đủ tiền hỗ trợ 3 tháng với mức 250.000 đồng/khẩu/tháng. Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quang cho biết: Bà con nhân dân trong xóm bản phần đa còn khó khăn, trong mấy tháng đại dịch không kiếm được tiền mua gạo, nay nhận được sự hỗ trợ thì phấn khởi lắm, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ. (Ảnh: A.T)
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 18/5, đã chi trả cho nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội là 156.793 người (đạt 95,42%) với tổng số tiền 153.288 triệu đồng. Đối với các nhóm đối tượng còn lại (người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động...) đang được các địa phương, cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp, thống kê, lập danh sách, xác minh, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để hỗ trợ theo quy định.
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
Một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là công tác thống kê, rà soát, lập danh sách đối tượng yêu cầu độ chính xác cao, số đối tượng được hưởng chế độ nhiều trong khi đội ngũ cán bộ thực thi ở cơ sở mỏng, trình độ chuyên môn không đồng đều, phải đẩy nhanh tiến độ cũng tạo ra những áp lực nhất định. Đặc biệt quá trình rà soát, xác minh để thực hiện hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng như: lao động tự do, lao động mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp,… còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, phường Trưng Vương (thành phố Thái Nguyên) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và thành lập 10 Tổ công tác ở 10 Tổ dân phố của Phường. Các Tổ công tác tiến hành rà soát, thống kê, xét duyệt từng đối tượng, lập danh sách gửi lên Phường. Ban Chỉ đạo tiếp tục xét duyệt lại từng trường hợp rồi mới chốt danh sách gửi các cấp có thẩm quyền. Cách làm như vậy vừa đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, vừa minh bạch, công khai, tránh xảy ra tiêu cực, được người dân đồng thuận.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, bên cạnh thuận lợi là nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao của bà con nhân dân thì Ban Chỉ đạo và các Tổ công tác của phường Trưng Vương cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc tập trung vào nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Như ông Đặng Thế Sơn, Chủ tịch phường Trưng Vương, Trưởng Ban chỉ đạo chia sẻ: Khó khăn thứ nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về độ tuổi người lao động không có giao kết hợp đồng lao động để xác định tính toán hỗ trợ cho thống nhất. Thứ hai là nhóm công việc được hỗ trợ chỉ bao gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, trên thực tế có rất nhiều những ngành nghề khác cũng bị tác động bởi đại dịch COVID-19 và đều phải nghỉ làm, ngừng hoạt động, như: các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (cắt tóc, gội đầu, làm móng, spa...) lại không được hỗ trợ do đó gây ra tranh luận trái chiều trong bà con nhân dân. Thứ ba là nhóm người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn nhưng lại đi lao động tự do không có đăng ký tạm trú ở địa phương khác và không có giao kết hợp đồng lao động; ngược lại người lao động tự do, tại địa bàn nhưng lại có khẩu ở địa phương khác, không có đăng ký tạm trú tại địa phương. Xác nhận những trường hợp này là rất khó khăn.
Có thể thấy rằng, đối với nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội việc thực hiện chính sách hỗ trợ có phần thuận tiện, kịp thời hơn bởi đã có danh sách quản lý trước đó, chỉ phải rà soát để tránh hỗ trợ trùng lặp. Còn đối với những nhóm đối tượng khác, công tác rà soát, tổng hợp, thống kê, lập danh sách, xác minh, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là cả một quá trình đòi hỏi thời gian và nhân lực. Song mong rằng, với sự nỗ lực, tích cực, tập trung triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương, chế độ hỗ trợ sẽ sớm đến tay tất cả người dân gặp khó khăn trong đại dịch một cách chính xác, minh bạch và công khai.
BÍCH HỒNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...