Hỗ trợ người có công về nhà ở: Chậm chồng chậm
VNTN - Sau nhiều năm chờ đợi, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 - 2018, gần 800 gia đình người có công với cách mạng (NCC) ở thành phố Thái Nguyên đã nhận được tiền hỗ trợ về nhà ở. Đây là tiền được thực hiện theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 (sau đây gọi tắt là Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định 22 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2013, nhưng phải sau 5 năm, NCC mới nhận được tiền hỗ trợ, dẫn đến nhiều hệ lụy buồn trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”. |
Ông Hoàng Tú, tổ 17 (Gia Sàng) cho biết: Trung tuần tháng 4 - 2018, tôi được chính quyền địa phương đặc cách cho nhận tiền hỗ trợ làm nhà ở mới. Nhưng tôi không thấy thoải mái, vì để nhận được tiền hỗ trợ, tôi phải mất rất nhiều công sức đến “gõ cửa” các cơ quan chức năng Nhà nước... Được biết, ông Tú có bố và em trai là liệt sĩ, và hiện đang thờ cúng 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân ông từng tham gia phục vụ trong quân đội, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về còn mang theo vết sẹo đạn bom trên cơ thể.
Theo ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Hỗ trợ NCC T.P Thái Nguyên: Chính sách hỗ trợ NCC về nhà ở luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Quyết định 22, một Quyết định thể hiện sự quan tâm, ưu tiên chăm lo, bảo đảm vấn đề nhà ở đối với NCC. Do vậy trong quá trình triển khai, Thành phố thực hiện đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, với tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm cho NCC ổn định cuộc sống và an sinh xã hội.
Để công tâm, khách quan, tạo niềm tin đối với các gia đình NCC và nhân dân, Thành phố chia 2 nhóm đối tượng thực hiện. Nhóm ưu tiên 1, gồm NCC là hộ nghèo, già yếu, bệnh tật; nhà ở quá hư hỏng, có nguy cơ sập đổ. Kết quả năm 2013, Thành phố thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 25 gia đình, trong đó 14 hộ xây dựng mới (40 triệu đồng/hộ), 11 hộ sửa chữa (20 triệu đồng/hộ). Năm 2014, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc rà soát, bổ sung đối tượng NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22, Thành phố được tỉnh thẩm định, phê duyệt 2 đợt. Đợt 1 có 650 hộ, trong đó 172 hộ xây mới, 478 hộ sửa chữa. Đợt 2 có 276 hộ, trong đó có 51 hộ xây mới, 225 hộ sửa chữa.
Cụ Trần Quang Ân, bố liệt sĩ, tổ 22, phường Túc Duyên cho biết: Tôi sẽ kiện đến cùng nếu cán bộ phường không thực hiện nghiêm Quyết định 22 về việc hỗ trợ người có công về nhà ở.
Tính đến thời điểm trong năm 2014, địa bàn Thành phố Thái Nguyên có tổng số 951 trường hợp NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22. Nhưng chỉ có 25 trường hợp được thẩm định từ năm 2013 đã nhận tiền hỗ trợ; 926 trường hợp được xét trong năm 2014 phải “xếp hàng chờ đợi”. Rồi do có sự thay đổi về điều chỉnh địa giới hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tháng 5 - 2015, thành phố Thái Nguyên thực hiện chuyển hồ sơ của 16 trường hợp NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 về T.P Sông Công. Theo đó, số hộ NCC được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn Thành phố còn 910 hộ.
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành phố Thái Nguyên quyết tâm không để sót đối tượng NCC phải sống trong tình trạng khó khăn về nhà ở. Tháng 12/2016, Ban Hỗ trợ NCC thành phố tiếp tục thẩm định, lập danh bổ sung 366 trường hợp NCC có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, trong đó 85 hộ đề nghị xây mới; 281 hộ đề nghị sửa chữa. (Hiện các hộ này đang được Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung). Tiếp đến, tháng 8/2017, theo điều chỉnh địa giới hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thành phố Thái Nguyên tiếp nhận 382 trường hợp NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 từ các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình bàn giao sang, trong đó có 104 hộ xây mới; 278 hộ sửa chữa.
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/7/2017, tại Điều 1, khoản 3, ý a nêu rõ: “Đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được Nhà nước cấp kinh phí mà đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì sẽ hoàn trả ngay cho các hộ gia đình này sau khi có kinh phí phân bổ từ ngân sách Trung ương trong năm 2017. |
Sau các đợt thực hiện thẩm định, bàn giao và tiếp nhận hồ sơ NCC đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22, đến tháng 8/ 2017 Thành phố có tổng số 1.683 trường hợp NCC được các cấp, ngành chức năng thẩm định, đề nghị chính phủ hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22, trong đó 416 hộ xây mới; 1.267 hộ sửa chữa, nhưng mới có 25 hộ được nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều hộ NCC sau khi nhận được quyết định hỗ trợ, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ, song vì nhà ở xuống cấp nên đã đi vay mượn làm nhà, sửa nhà để ở. Nhiều hộ làm nhà, sửa nhà đã xong, dọn vào ở mà lòng canh cánh lo vì chưa thấy tiền hỗ trợ. Người viết vẫn còn nhớ, cuối năm 2014, đến thăm ngôi nhà mới của gia đình ông Lương Ngọc Đàm, tổ 8, phường Thịnh Đán. Ông Đàm buồn rượi, nói cụt câu: Có lẽ tôi phải bán nhà để trả nợ.
Ông Đàm có bố là liệt sĩ, bản thân là nạn nhân chất độc da cam. Ông là một trong hàng trăm hộ có tên trong quyết định hỗ trợ về nhà ở cho NCC của tỉnh năm 2014. Ông kể: Bản thân đau ốm, vợ nằm liệt một chỗ, các con cũng chẳng khỏe mạnh gì, cảnh nhà sắp đổ nên tôi vay mượn, cố gắng sửa lại nhà, hết 180 triệu đồng, riêng tiền đi vay lãi là 120 triệu đồng. Cuối tháng 6/2018, tôi được nhận tiền hỗ trợ sửa nhà theo Quyết định 22. Tôi mang số tiền này đi trả nợ, và hiện còn vay 7 triệu đồng mà chưa biết trông vào đâu để trả.
Tại phường Túc Duyên, ở tổ 22 có cụ Trần Quang Ân, 90 tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng. Cụ Ân là bố liệt sĩ. Cụ bức xúc: Năm 2014, tỉnh và thành phố đã phê duyệt cho tôi được hỗ trợ làm nhà mới. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì phường lại điều chỉnh, đề nghị với thành phố cho tôi hưởng tiền hỗ trợ sửa nhà ở… Giây lát cụ dừng lời vì tức nghẹn, cụ tiếp tục câu chuyện: Năm 2014, cán bộ phường đến nhà thẩm định, thấy tôi sửa cái chòi cạnh nhà, nên ghi vào biên bản là sửa nhà. Còn thực trạng ngôi nhà cấp 4 gia đình tôi đang ở được xây từ năm 1972, tường mọt, móng mục, dù rất nhiều lần sửa chữa như thay mái, sửa tường nhưng thực sự nguy hiểm.
Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng chính sách phường Túc Duyên cho biết: Hiện cụ Ân chưa chịu nhận tiền hỗ trợ sửa nhà. Cụ có ý kiến là được nhận tiền hỗ trợ làm nhà ở mới. Còn bà Nguyễn Thị Thúy Nga, cán bộ Lao động Thương binh - Xã hội của phường cho biết: Phường Túc Duyên có 28 trường hợp NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22. Hiện đã có 15 hộ đến nhận tiền, còn lại 7 hộ do vướng mắc, Hội đồng chính sách phường đang xin ý kiến chỉ đạo của Thành phố.
Cụ Ân cho biết thêm: Tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở theo Quyết định 22 của Chính phủ, nhưng phường đề nghị chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng cho tôi sửa nhà. Tôi sẽ lên Thành phố, lên tỉnh và lên Chính phủ để hỏi việc điều chỉnh này của phường Túc Duyên là quan liêu, vô trách nhiệm với gia đình NCC, hay vì tư lợi cá nhân của một số cán bộ...
Cũng ở phường Túc Duyên, bà Nguyễn Thị Tám, 90 tuổi thắc mắc: Năm 2014, phường Túc Duyên đến nhà tôi thẩm định, biên bản ghi rõ gia đình tôi đủ điều kiện để được hỗ trợ sửa nhà theo Quyết định 22. Thực trạng nhà tôi lúc đó bị thấm dột, nên gia đình tôi đã sửa chữa lại nhà để ở. Nhưng mới đây, khi đi nhận tiền hỗ trợ thì được cán bộ phường trả lời: “Không đủ điều kiện”.
Ông Nguyễn Văn Doanh (bên trái), Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng chính sách phường Túc Duyên trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Lương, tổ 22 bệnh binh 2/3, về việc gia đình ông Lương “không đủ điều kiện” hỗ trợ sửa chữa nhà ở.
Qua xác minh lại của chúng tôi: Chồng bà Tám là ông Trần Văn Quy, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn bản thân bà Tám được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ. Nhưng trong danh sách phường Túc Duyên lập, lại ghi “Gia đình liệt sĩ”. Như vậy, theo Quyết định 22 thì trường hợp gia đình bà Tám có đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22.
Ngoài gia đình bà Tám, phường Túc Duyên còn có 5 trường hợp NCC khác được tỉnh, thành phố phê duyệt hỗ trợ về nhà ở từ năm 2014, nhưng ngày 20/6/2016, UBND phường Túc Duyên ban hành Văn bản số 133/UBND, điều chỉnh, đưa các hộ: Ông Nguyễn Văn Hoàn, tổ 21; ông Nguyễn Đình Chi, tổ 17; ông Lê Văn Nho, tổ 9; ông Nguyễn Ngọc Lương, tổ 22 và gia đình bà Vũ Thị Nguyên, tổ 11 ra khỏi danh sách hỗ trợ sửa nhà, cũng với lý do: “không đủ điều kiện”. Trong khi đó ông Hoàn, ông Chi là nạn nhân chất độc da cam; ông Nho, bà Nguyên là gia đình liệt sĩ; ông Lương là bệnh binh 2/3. Biết chúng tôi tìm hiểu về việc thực hiện Quyết định 22 của các cấp, ngành tại Thành phố, ông Nguyễn Văn Kỳ, tổ 1, phường Túc Duyên tìm gặp, nói bức xúc: Mẹ tôi là Đỗ Thị Tuất, 97 tuổi. Mẹ có 1 người con là liệt sĩ. Mẹ ở cùng tôi. Vì nhà ở xuống cấp nên cuối năm 2013 mẹ con tôi xây lại nhà ở. Đầu năm 2014, cán bộ phường đến thẩm định, vận động tôi nên nhận tiền hỗ trợ chứ không nhận tiền xây mới. Nhưng mẹ đã không chờ đợi được tới ngày nhận tiền hỗ trợ. Mẹ mất hôm 24/5/2018. Đời mẹ khó nhọc, ngày mẹ mất, phường cũng không có ai là đại diện đến thắp cho mẹ nén nhang.
Hầu hết những NCC đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nên khi được bình xét, thẩm định hỗ trợ về nhà ở đều phấn khởi, mong đợi tiền hỗ trợ từng ngày để giải quyết khó khăn về kinh tế. Mẹ Tuất và nhiều trường hợp NCC khác đã không chờ đợi được, đành để con cháu, người thân phải nhận bù. Với cụ Nông Thị Bướm, xóm Nhị Hòa, phường Đồng Bẩm có may mắn hơn. Cụ Bướm là mẹ liệt sĩ, được hỗ trợ tiền làm nhà mới theo Quyết định 22. Hơn 90 tuổi, nằm ốm một chỗ, nên các con, cháu đến phường nhận tiền mang về phụng dưỡng cụ.
Tiếp tục “hành trình” tìm đến với NCC được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22, chúng tôi gặp bên những ngôi nhà “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng) những chủ nhân hân hoan, phấn chấn. Nhiều người có chung tâm sự: Số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng như một chất xúc tác tinh thần, tình cảm, khuyến khích các gia đình NCC tập trung công sức làm nhà, sửa nhà ở. Nhưng giá như số tiền ấy đến tay NCC ngay sau khi hoàn thiện công trình, thì tiền ấy sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Có gì đau xót bằng việc NCC mang đơn đến công sở, kiện - đòi tiền hỗ trợ theo chế độ chính sách nghiễm nhiên họ được hưởng. Và có gì buồn hơn việc NCC vì vay mượn tiền làm nhà, sửa nhà phải rơi vào hoàn cảnh nợ nần, trong khi đó tiền hỗ trợ nhà ở cho NCC hằng năm còn “treo trên giấy”. Và theo như Quyết định số 1901/QĐ-UBND ngày 28/3/2018 của UBND T.P Thái Nguyên. Quyết định phê duyệt hỗ trợ nhà ở cho 810 hộ. Theo đó, cả 2 lần thực hiện giải ngân (lần 1 năm 2013, lần 2 năm 2018), Thành phố Thái Nguyên mới có 835 trường hợp NCC được nhận tiền hỗ trợ về nhà ở. Vậy là còn 848 gia đình NCC (trên 50%) đang sinh sống trong những ngôi nhà bị xuống cấp, hoặc đã sửa, đã làm mới nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Quyết định 22.
Ông Hoàng Tú, tổ 17, phường Gia Sàng kể chuyện 5 năm mang đơn đi đòi tiền hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22.
Thiết nghĩ: Quyết định 22 - chính sách thể hiện đạo lý của một dân tộc có truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, nhưng vì các cấp, ngành chưa triển khai đồng bộ, chưa thực hiện kịp thời, dẫn đến hiện trạng chậm chồng lên chậm. Và có lẽ không riêng tôi, mà tất cả mọi người trong xã hội đều mong muốn các cấp, ngành chức năng Nhà nước, đừng vì bất cứ lý do gì mà trì hoãn công việc tri ân dành cho NCC với đất nước.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...