
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Tiếp xúc với họ, tôi thấy mình như được truyền thêm nguồn năng lượng tích cực. Tôi chợt liên tưởng, họ là những “nốt nhạc” vui, đang ngân những thanh âm rộn ràng trong “bản nhạc” thiết tha có tên là Cuộc Sống...
Bác sĩ Giang với phương pháp làm việc nhóm và các kĩ thuật điều trị điện quang can thiệp
Phòng làm việc của tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngoài những chồng tài liệu chuyên môn, ở góc phòng còn có một chiếc đàn organ. Bác sĩ Giang cười xuề xòa: “Dạo trước còn có chút thời gian tranh thủ tập, chứ giờ thì lâu lắm không động được đến nó”. Chợt như tôi đang thấy có tiếng đàn vang lên đâu đó giữa không gian tưởng chừng chỉ tồn tại sự đớn đau, âu lo của những bệnh nhân và những cái nhíu mày căng thẳng của bác sĩ trước một ca bệnh khó. Thì ra, sự lãng mạn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, chỉ cần chủ thể muốn.
Là Trưởng Khoa, đồng thời là Phó trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, bác sĩ Giang được nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân biết đến bởi trình độ đáng nể trong chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, như: nút mạch trong can thiệp chảy máu, khơi thông dòng chảy trong các trường hợp tắc mạch, hỗ trợ điều trị các khối u bằng nút mạch (ung thư gan, phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tử cung); và nhiều can thiệp khác… Đây là những tiến bộ vượt bậc của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong những năm gần đây. Nhờ đó mà có những bệnh ngày xưa bắt buộc phải mổ thì bây giờ có thể không cần (chảy máu tiêu hóa hay chấn thương bụng có chảy máu cấp), ngày xưa không làm gì được thì bây giờ điều trị được bằng can thiệp trong đột quỵ cấp, nút mạch trong điều trị ho ra máu. Mỗi năm, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện hàng trăm ca điện quang can thiệp điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, tốt nghiệp Đại học Y Bắc Thái năm 1995. Đã từng tham gia các khóa đào tạo tại các Trường Đại học Y và Bệnh viện trong và ngoài nước. Hiện công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, là thành viên của Hội Điện quang và Y học Hạt nhân Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2005, sau những lần học tập các bậc thầy ở Hà Nội và tại nước ngoài, bác sĩ Giang nhận thấy các kĩ thuật điện quang can thiệp thực sự mang lại hiệu quả rất lớn trong điều trị, vì vậy anh đã cùng đồng nghiệp mạnh dạn ứng dụng và phối hợp với các bác sĩ trong Bệnh viện thực hiện. Được sự đồng thuận của đồng nghiệp và sự ủng hộ của lãnh đạo Bệnh viện, từ chỗ chỉ có 2 bác sĩ có thể thực hiện được, đến nay hầu hết các bác sĩ của Khoa, đã qua đào tạo sau đại học, đều có thể thực hiện tốt các kĩ thuật can thiệp trên máy chụp mạch, máy CT và siêu âm. Ngoài lĩnh vực chẩn đoán chuyên sâu, Điện quang can thiệp cũng chính là thế mạnh của Khoa Chẩn đoán hình ảnh, mà trong đó có sự đóng góp của bác sĩ Nguyễn Trường Giang.
Trình độ chuyên môn là quan trọng, nhưng phương pháp cũng quyết định chất lượng công việc. Vẫn là thừa hưởng những tiến bộ của y học trong và ngoài nước, vốn năng động và quan tâm đến việc tiết kiệm tối đa thời gian, bác sĩ Giang cho rằng việc làm việc nhóm là một kĩ năng vô cùng hiệu quả. “Cần phải tạo sự kết nối tốt giữa các bác sĩ, giữa các chuyên khoa và giữa tuyến điều trị với nhau, bởi trên thực tế, có nhiều bác sĩ giỏi, nhưng mỗi người giỏi một lĩnh vực, nếu kết thành một khối thì ắt chúng ta sẽ giỏi toàn diện” - bác sĩ Giang lí giải. Nghĩ là làm, từ năm 2003, Nguyễn Trường Giang cùng đồng nghiệp đã âm thầm kết nối hình ảnh giữa các trạm làm việc của khoa bằng các máy tính cá nhân, dần dà mạng kết nối hình ảnh nội bộ của khoa hình thành, các bác sĩ chỉ cần ở một vị trí để đọc phim mà không cần phải di chuyển giữa các trung tâm hình ảnh xa hàng trăm mét. Rồi đến năm 2013, với sự phát triển của công nghệ, một vài đơn vị trong và ngoài tỉnh đã kết nối hình ảnh với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Được đầu tư, đến 2019 thì Bệnh viện đã có một hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) tương đối hoàn chỉnh và xây dựng được một Trung tâm lưu trữ hình ảnh vô cùng thuận lợi cho việc theo dõi, điều trị mang lại kết quả tốt. Chính vì kết nối tốt, nên đã tạo nên các mô hình làm việc nhóm. Hiện tại, Nhóm Đột quỵ đang hoạt động rất hiệu quả. Nhóm gồm các chuyên khoa Cấp cứu Thần kinh - Đột quỵ, Chẩn đoán hình ảnh và các khoa liên quan. Hễ có bệnh nhân là cả nhóm hội chẩn và cùng cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất cho từng trường hợp. Sự linh hoạt đó chỉ có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống, vì vậy mà tiết kiệm được thời gian, vật chất cho cả người bệnh lẫn cơ sở y tế. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm các nhóm chuyên khoa như: ung bướu, ngoại khoa và nhiều nhóm chuyên môn sâu khác hoạt động hiệu quả, phát triển như Nhóm Đột quỵ hiện nay. Đó không chỉ là mong muốn của riêng bác sĩ Giang.
Nói về bác sĩ Giang, ông Hà Tiến Quang - bác sĩ Chuyên khoa II, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khẳng định: “Là một trong những bác sĩ được đào tạo bài bản tại nước ngoài nên tiến sĩ Nguyễn Trường Giang có một năng lực chuyên môn cũng như khả năng ngoại ngữ tốt, điều này là lợi thế rất lớn của anh trong việc tiếp cận với các tiến bộ Y học trên thế giới. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của bác sĩ Giang trong các lĩnh vực chuyên môn, đào tạo và quản lí”.
Hợp tác xã Chè Thủy Thuật và câu chuyện làm chè sạch
Được coi là một trong những cơ sở tiên phong trong phong trào sản xuất chè búp theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã Chè Thủy Thuật (vợ Phạm Thị Thủy, sinh năm 1978, chồng Ngô Viết Thuật, sinh năm 1976) đóng tại xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, đã có một quá trình khá dài sản xuất chè với phương châm an toàn, tốt cho sức khỏe.
Vốn xuất thân từ những vùng chè nổi tiếng như Tân Cương, Phúc Xuân của Thái Nguyên, anh chị Thuật Thủy kết duyên cùng nhau và xác định gắn đời mình với cây chè. Biết được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự sinh trưởng của cây chè, anh chị quyết định chọn mua đất sát bờ kênh Núi Cốc thuộc xã Phúc Trìu để lập nghiệp. Năm 1999, đôi vợ chồng trẻ vay mượn khắp hai bên gia đình, mua được 7.000m2 đất, dần dà nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi năm mua thêm một chút, đến nay anh chị đã có 2ha đất trồng chè cho thu hoạch. Có đất, sẵn nghề, anh chị cứ sản xuất theo lối truyền thống như từ nhỏ bố mẹ đôi bên đã làm, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con vẫn được đảm bảo. Nhưng rồi tham gia sinh hoạt tại các tổ chức Hội Nông dân, được tập huấn phổ biến kiến thức,… anh chị nhận thấy nếu cứ giữ nếp cũ, phun thuốc trừ sâu tràn lan, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng, mà người trực tiếp sao sấy sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Vậy là, từ năm 2013, anh chị đăng kí tham gia sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP và thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nên đến năm 2014 thì sản phẩm chè búp tươi của anh chị được công nhận “sản xuất phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)”. Và từ đó, duy trì đến nay, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm được cảm tình của khách hàng.
Tháng 6 năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật ra đời gồm 9 xã viên với tổng diện tích 5ha (4ha chè lai và 1ha chè trung du), đồng thời liên kết với 28 cá nhân trên tổng diện tích 20ha, cùng nhau phát triển sản xuất theo mô hình VietGAP, hướng tới hữu cơ. Hiện tại, sản lượng của HTX Chè Thủy Thuật mỗi tháng khoảng 1 tấn chè búp khô, với nhiều dòng sản phẩm như: Lộc đinh Trà (giá từ 2,2 đến 2,8 triệu/kg), Nhất tâm Trà (từ 1 đến 1,2 triệu/kg), Tôm nõn (từ 5 đến 7 trăm/kg) và chè búp thông thường, trong đó phổ biến nhất là loại chè búp thông thường có giá thành từ 250 đến 350 nghìn đồng/kg. Doanh thu mỗi năm trên 3 tỉ đồng.
Anh Thuật cho biết: Chè sạch phải sạch từ khâu chăm sóc đến khâu chế biến. Từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc an toàn, chỉ dùng đỗ tương, cá, đường, ủ cùng các chế phẩm sinh học để làm phân bón; tuyệt đối không dùng các chất phụ gia trong chế biến. Làm được vậy, cũng đòi hỏi quyết tâm cao và sự đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Bởi bao giờ chả vậy, dùng các sản phẩm hóa học vừa tác dụng ngay giá thành lại rẻ. Thậm chí, chúng tôi phải chấp nhận mất một số khách hàng vì không đáp ứng theo yêu cầu của họ.
Anh Ngô Viết Thuật và chị Phạm Thị Thủy
Với quyết tâm đó, nên từ năm 2016 gia đình đã có ý thức chuyển sang làm chè theo hướng hữu cơ. Chị Thủy nhớ lại: Thực ra cũng không phải chúng tôi tiên tiến gì cả, chẳng qua tôi thấy cây chè khi được chăm bón bằng hóa chất thì chỉ được một thời gian rồi cứ kém dần, nên đã bàn nhau chuyển hướng. Chồng tôi cứ lọ mọ đi hỏi rồi tự mua đỗ tương về bón, lúc đầu còn không biết ủ với chế phẩm nên không thành. Sau này, có anh Nghĩa ở Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn và cho một quy trình ủ phân hữu cơ rồi mua hộ chế phẩm, từ đó mới biết đến những chế phẩm ủ phân chuồng để diệt vi khuẩn có hại. Sau này lại được Trung tâm Khuyến nông, rồi Hội Nông dân giúp đỡ về kiến thức, kĩ thuật. Đến năm 2019 thì được Nhà nước hỗ trợ, được tập huấn, hỗ trợ phân bón, chế phẩm ủ phân và thải độc đất, v.v. Giờ thì HTX tôi yên tâm theo hướng hữu cơ rồi. Theo quy định thì năm 2021, chúng tôi sẽ đủ thời gian để được xem xét, công nhận sản phẩm hữu cơ.
Cần mẫn làm và suy nghĩ tích cực, các sản phẩm của HTX Chè Thủy Thuật đã không phụ công người làm ra. “Nhất tâm Trà” đã đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 2 - năm 2018 và “Lộc đinh Trà” đạt danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 3 - năm 2020. Đồng thời, năm 2019, “Nhất tâm Trà” cũng vinh dự được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP, đạt chất lượng 3 sao. Năm nay, HTX cũng đang mong chờ những tín hiệu vui hơn cho hai sản phẩm “Lộc đinh Trà” và “Tôm nõn” tham gia OCOP lần này.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: HTX Chè Thủy Thuật là một trong những HTX điển hình của tỉnh, thực hiện tốt mô hình phát triển kinh tế tập thể, đồng thời cũng là một trong số ít HTX trong tỉnh tiên phong sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Vậy đó, những nông dân thuần túy, mặc dù chưa học hết chương trình phổ thông, nhưng nhờ ham học hỏi, biết vận dụng tiến bộ kĩ thuật và có ý thức bảo vệ môi trường nên đã chọn cho mình một hướng đi đúng. Hướng đi ấy sẽ mang lại một tương lai bền vững cho gia đình, với nền tảng là hai đứa con đang theo học tại Trường đại học FPT Hà Nội. Những “tế bào” mạnh khỏe đó sẽ góp phần tích cực xây dựng nên một xã hội như chúng ta hằng mong muốn.
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...