Họ đã thanh thản sống
VNTN - Có cơ hội được gặp họ giữa những ngày xuân gõ cửa, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chỉ giản đơn là sẻ san chuyện đời thường. Thế nhưng thế giới quan trong tôi như đã mở ra thêm một cánh cửa. Cánh cửa để luôn biết cách sở hữu nguồn năng lượng tích cực - nỗ lực - lạc quan - sống và yêu thương…
Người cũ gặp lại…
Tôi biết chàng trai khiếm thị Nguyễn Văn Đức (xã Quang Sơn, Đồng Hỷ) khi xem chương trình Liên hoan tiếng hát Người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên 2017. Ấn tượng với Đức rất mạnh bởi sự chuyên nghiệp trong giọng hát, cái cách mà anh “thổi lửa” vào ca khúc và làm sân khấu như nóng bừng lên. Đức và những người trình diễn hôm ấy đã hát bằng những rung cảm của trái tim căng tràn nhiệt huyết.
Đức 27 tuổi, đã lập gia đình với một người đồng cảnh, quen nhau từ những ngày học chung trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên. Cặp vợ chồng trẻ đang hạnh phúc với quả ngọt tình yêu là cô con gái nhỏ xinh xắn vừa tròn 3 tháng tuổi. Đức sử dụng điện thoại cảm ứng, cài đặt phần mềm chuyên dụng talkback (phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị), có thể thoải mái đọc báo, chơi facebook, tiếp cận thế giới xung quanh qua internet. Thỉnh thoảng anh gửi cho tôi một đường link YouTube, là những video bản thân tự quay, tự ghép nhạc và làm hiệu ứng… khá “lành nghề”. Nụ cười, giọng kể vô tư, Đức cởi mở khi nói về thân phận, bởi vì nhờ công nghệ thông tin, sự hòa nhập giữa người tàn tật với cộng đồng xã hội đã gần như hoàn toàn bình đẳng.
Nguyễn Văn Đức sở hữu nhiều ưu điểm, đặc biệt là tài năng môn cờ vua.
Mười tuổi thì bắt đầu phát bệnh về mắt, cuộc sống của Đức thu vào bóng tối những mặc cảm khi nhìn chúng bạn được vui đùa, được học hành. Trái tim và lý trí không ngừng đấu tranh khuất phục, Đức quyết tâm theo học trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên hết cấp 2, sau đó xuống Hà Nội vừa học văn hóa vừa học nghề tại trường Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Hiện anh vẫn đang theo học hệ tại chức khoa Luật kinh tế Viện Đại học Mở. Từ tháng 6/2016, Đức mở cơ sở tẩm quất ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ); không gian đi thuê nhỏ gọn với diện tích chừng 20m2, kê được 3 chiếc giường đơn phục vụ khách, có khu bếp, vệ sinh phía sau. Ngồi trò chuyện một lúc thấy mặt giường ấm dần lên, Đức cười bảo: “em sợ chị để tay ra ngoài lạnh nên bật tấm nệm điện cho ấm đấy”. Một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện Đức rất tinh tế và biết cách quan tâm người khác.
Dịch vụ tẩm quất nhộn nhịp theo mùa. Mùa hè lượng khách đông hơn, sang mùa đông thì chủ yếu chỉ làm cầm chừng giữ địa điểm. Những ngày rảnh rỗi, Đức hay nghe nhạc giải trí rồi nghêu ngao hát. Ở trường lớp, sinh hoạt trong hội nhóm, anh năng nổ và hoạt náo bởi tài ca hát của mình. Nhiều năm nay, Đức còn đại diện cho người khuyết tật Thái Nguyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc. Cờ vua, điền kinh, cờ tướng, bật xa, đá bóng…, môn nào cũng giỏi.
Nói rồi Đức chạy đi tìm bàn cờ vua, nhẩn nha chơi với chúng tôi một ván. Bàn cờ dành cho người khiếm thị cũng khác biệt, có chân cắm vào các lỗ để khi di chuyển và định vị nước cờ không bị đổ. Đức từng đoạt Huy chương Đồng môn cờ vua trong Đại hội thể dục thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh. Cảm nhận được sự ngạc nhiên của chúng tôi, Đức vui vẻ giải thích: “Ban đầu chỉ mấy anh em cùng cảnh chơi với nhau, sau đó em lên mạng chơi qua game dành cho người khiếm thị. Ở hoàn cảnh nào thì phải cố gắng để thích nghi với hoàn cảnh ấy. Điều quan trọng là bản thân em không tự ti, em tin mình đang sống có giá trị”.
Những điều Đức đã và đang làm, tôi đồ rằng nhiều người có đôi mắt sáng tinh anh chưa chắc đã biết tới; giá trị sống đã được kiến tạo từ cách nhận diện giá trị bản thân. Tôi nhớ cách đây chừng 4 năm, khi thực hiện bài viết nói về hạnh phúc của người khuyết tật, tôi gặp ông Hà Đức Sinh (xóm Guộc, xã Tân Cương).Gia cảnh khó khăn, tình duyên lỡ dở, câu chuyện giữa chúng tôi chùng xuống bởi những giọt nước mắt ông lén quay mặt lau đi, những ý nghĩ chất chứa nỗi hoài nghi con người, tuyệt vọng với cuộc đời. Không hẹn mà gặp lại như một mối duyên lành, lần này tôi đã nhìn thấy ở ông một sắc diện khác, một đời sống khác. Gian nhà cũ ẩm thấp, xuống cấp trước đây đã được thay thế, tường còn mới màu sơn, nền lát gạch bông sạch sẽ, có thêm khu bếp và vệ sinh khép kín khá rộng rãi nữa. Khoảng sân trước nhà chẳng còn thấy rêu xanh trơn trượt bởi được bắn mái tôn tránh nắng mưa. Từng lang thang khắp trong nam ngoài bắc, ngược đường lên tận Hà Giang, Cao Bằng, làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi con trai học đại học với đôi chân bại liệt, ông những tưởng nhiều lúc mình phải bỏ cuộc. Nhưng sau lần tai nạn trên đường lên Cao Bằng (năm 2014) với mục đích tha phương mưu sinh, thương tật càng nặng thêm khi một bên tay trái không còn cử động được; cậu con trai đã phải bỏ dở chương trình học đi làm công nhân Samsung, ông đã nghĩ khác: Phải sống cho mình, sống thật ý nghĩa ở hiện tại. Ông mở lòng gặp gỡ, chia sẻ với mọi người, là cá nhân năng nổ kết nối, tích cực trong hoạt động từ thiện của Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên, của xã Tân Cương. Hẳn là nhiều người sẽ ngạc nhiên, bởi chính ông là người đang cần được quan tâm, hỗ trợ, vậy nhưng bản thân vẫn làm việc thiện, hướng tới những số phận bi đát hơn. Từ ngày con trai sắm cho chiếc điện thoại smartphone đăng ký gói dịch vụ mimax, ông có tài khoản facebook, nhờ đó mà quen biết nhiều người đồng cảnh ngộ, đời sống tinh thần được dưỡng nuôi khi những bài thơ ông rút ruột viết ra được bạn bè đón nhận; những gánh nặng được sẻ san bằng những lời động viên, an ủi. Ngoài 50, ông mày mò học vi tính, sử dụng word, trình truy cập internet…, tất cả chỉ bằng một cánh tay còn hoạt động được. Trong cuộc chuyện với ông, nụ cười đã ấm trên gương mặt, ông bảo rằng, cuộc đời còn nhiều người tốt, nhiều thứ đáng để ta vui sống; quá khứ buồn đau giờ không nhắc nữa.
Qua những tháng ngày vất vả, ông Sinh đã mở lòng vui sống
Nhìn họ, thấy đời bình yên hơn
Dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài duyên dáng, đôi tay mềm xinh xắn di chuyển trên màn hình chiếc điện thoại, giọng cười giòn tan, chị Nguyễn Bích Thuận dí dỏm bảo: “Nhìn mình thế này nhiều người hay trêu, bảo khiếm thị gì mà bấm điện thoại nhanh nhách thế. Nhưng quen rồi, giải thích là họ hiểu ngay”. Hơn mười năm trước, từ miền đất Hà Giang đá núi, chị đã tìm đường xuống Hà Nội theo sự gợi ý của người quen để có thể học vi tính và làm những công việc phù hợp với người khiếm thị. Lúc ấy, chị ngỡ ngàng vì không tin được, rằng người mù có thể học vi tính và làm chủ cuộc sống. Hơn 2 năm nay, chị là cộng tác viên tại một trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho những người khuyết tật ở Hà Nội. Trung tâm nhận nuôi nhiều trường hợp trẻ em, người già khuyết tật nên thường tổ chức biểu diễn nghệ thuật lưu động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trường học…, nhằm gây quỹ hoạt động. Giọng nói trong trẻo, cái cách mà chị thân thương trò chuyện tựa như chúng tôi đã biết nhau thật lâu, đủ để thấu hiểu, tự nhiên mà bộc bạch. Giọng hát cao vút, kỹ thuật thanh nhạc nhuần nhuyễn chẳng kém cạnh gì ca sĩ chuyên nghiệp, dường như đó là món quà trời xanh bù đắp cho thiệt thòi đôi mắt của chị; để chị có thể dùng nó mà bảo bọc những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Hỏi chuyện về hạnh phúc riêng tư, tôi đã rất dè chừng vì sợ mình sẽ đụng chạm vào một phần sâu thẳm nào đó mà nhân vật không muốn nhắc. Nhưng khác với nỗi lo ngại của tôi, chị khảng khái chia sẻ: Với nhiều người bình thường mà việc kiếm tìm hạnh phúc còn chật vật, huống gì mình là người khuyết tật. Khi xây dựng gia đình phải giao lưu đối nội đối ngoại, nhiều việc dồn lên vai người phụ nữ, thực sự là tôi không dám nghĩ. Bằng lòng với thực tại là bản thân đang nỗ lực sống tử tế, sống có ích. Tôi tìm kiếm được hạnh phúc khi nhìn vào những hoàn cảnh cơ cực hơn và thấy mình vẫn may mắn. Tôi được hát, được đi nhiều nơi, gặp gỡ bao người, vẫn có thể tự làm được những việc vặt, tự kiếm tiền để sống mà không phụ thuộc gia đình, vẫn cảm nhận được thế giới xung quanh thay đổi ra sao, phát triển tới mức nào…, từ lâu sự tự ti, mặc cảm đã không còn làm khó tôi nữa.
Công việc tạo ra thu nhập thường xuyên của chị là nhân viên tại một cơ sở tẩm quất trên đường Phủ Liễn, thành phố Thái Nguyên. Tự nuôi sống mình với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, chị cũng phải “liệu cơm gắp mắm”. Chị hồn nhiên khoe: Người khiếm thị có những kỹ năng sinh tồn rất đặc biệt. Dựa vào cảm giác vẫn có thể nấu được nhiều món ăn ngon và phức tạp như nem rán, đồ kho, xào… Tôi thích đọc sách, nhất là mảng văn học; nhờ công nghệ thông tin nên có thể đọc online, báo điện tử. Các tin tức, sự kiện nóng hổi hàng ngày tôi đều nắm bắt được hết. Thế chẳng đã đủ để vui sống rồi sao?
Mấy ngày mưa rả rích, chiếc xe máy lem luốc toàn bùn đất, tôi ghé một điểm rửa xe trên đường Mỏ Bạch. Hai người phụ nữ ú ớ nói và chỉ tay ra hiệu, ý bảo tôi chỗ để xe. Trong lúc đợi, tôi gọi một ly nước nhân trần nóng ngồi nhâm nhi. Người bán nước nghe tôi nói thì ra dấu tay và chỉ vào ca nước cốt nhân trần đã nấu sẵn gật gật đầu, tôi chợt hiểu ý mà gật đầu lại. Hóa ra điểm rửa xe này đã có tuổi thọ hơn hai mươi năm, cả ba người phụ nữ này đều là người khiếm thính và khiếm khẩu. Chị Vũ Thúy Hòa (45 tuổi) nhà ở phường Thịnh Đán, chị Đặng Thị Hậu (48 tuổi) ở Tân Long và Nguyễn Thu Hường (32 tuổi) ở phường Quang Trung cùng nhau làm. Chị Hòa là chủ, giờ chỉ ngồi bán nước, quán xuyến là chính, còn chị Hậu, chị Hường làm thuê với mức thù lao 100 nghìn đồng/ngày/người.
Với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, chị Hậu, chị Hường có thể tự nuôi sống mình và con.
Trong ba người, chị Hường có thể nghe và nói được chút ít. Muốn hỏi chuyện phải nói to, chậm và diễn đạt dễ hiểu nhất thì Hường mới có thể trả lời hoặc “dịch” lại cho chị Hòa, Hậu cùng hiểu. Các chị hoặc là lủi thủi một mình, hoặc là làm mẹ đơn thân. Con gái chị Hậu đã học lớp 6, con trai chị Hường chưa đầy 3 tuổi. Các chị tìm đến nhau, san sẻ cho nhau miếng cơm manh áo, tự lực mưu sinh, chăm sóc con, cho chúng đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Hỏi mỗi ngày rửa được bao nhiêu chiếc xe, chị Hường lẩm nhẩm tính, chừng 30, 40 gì đó. Hỏi thu nhập một ngày, chị Hòa xòe bàn tay ra, cười vui vẻ, là 500 nghìn đấy!
Ngồi một lúc thì thấy 2 chiếc xe ô tô, thêm vài chiếc xe máy nữa tấp vào. Dắt xe đã rửa sạch ra vị trí giao cho khách, chị Hậu lên tiếng, chỉ vào chiếc bánh xe sau bẹp dí của tôi, rồi lặng lẽ lấy bơm bơm đầy hơi, thăm dò, xem xét. Được một lúc chiếc bánh xe lại xẹp xuống như cũ, chị ra hiệu ý nói đã thủng săm và tận tình chỉ cho tôi chỗ vá.
Mưa bụi và lạnh cóng, nhưng tôi bỗng thấy mình vui lạ. Những mảnh đời thiệt thòi trong xã hội, cách mà họ đang sống - đầy tin yêu với con người, với cuộc đời. Họ tự tin và giản đơn tự biết biến mình thành gương sáng. Họ khiến tôi tin rằng, nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường, và… mọi cánh cửa đều có thể mở ra!
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...