Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:35 (GMT +7)

Hồ Chí Minh – Người đầu tiên khởi xướng tư tưởng Mở cửa, Hợp tác và Hội nhập của cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

1. Mở đầu

Trong số hàng nghìn trang viết của Bác Hồ trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 có một tài liệu đặc biệt, đó là "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tr.520). Với 650 trang viết sách khổ lớn được Bác viết trong một năm (1945-1946), đây là những tài liệu quan trọng phản ánh thời kỳ rực rỡ nhưng vô vàn gian khó của Việt Nam trong những ngày tháng còn non trẻ của nhà nước cách mạng Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những bài viết này được Bác viết và ghi rõ thời gian ngày, tháng, năm. Lọt vào giữa bài "Lời kêu gọi Quốc hội và chính phủ Pháp" (7/12/1946) và "Trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của Lêông Blum" (ngày 12/12/1946) là Lời kêu gọi Liên hợp quốc (không có ngày, tháng, chỉ có năm 1946). Trong lần xuất bản trước đó, Hồ Chí Minh toàn tập, năm 2000, tập 4, trang 467-471, còn cho ta biết thêm "Bút tích tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam".

Các chi tiết trên đây cho ta biết, tài liệu này được Bác viết (và gửi cho Liên hợp quốc) bằng tiếng Pháp. Qua nội dung bức thư và thời gian dù không ghi ngày, tháng viết thư cũng cho ta biết là bức thư được Bác viết vào cuối tháng 12/1946.

Xác định cụ thể thời gian của tài liệu này, ta thấy sự kỳ lạ và tài tình của Người trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay từ lúc ấy, vừa mới giành được chính quyền, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn quá non trẻ, lại phải đương đầu với vô vàn khó khăn trong kiến quốc lại phải ngay lập tức đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân đế quốc Pháp mà Bác đã nhìn tới một tương lai mới mẻ của cách mạng Việt Nam trong xu thế của thời đại: mở cửa và hội nhập. Xu thế ấy sau 40 năm đã trở thành hiện thực vào năm 1986 mở ra thời kỳ mới của Tổ quốc ta.

2. Tư tưởng Hợp tác, Mở cửa và Hội nhập của Bác Hồ

Lời kêu gọi Liên hợp quốc "kính gửi Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác". Đối tượng của Lời kêu gọi trước hết là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trừ Pháp lúc đó đang là kẻ xâm lược Việt Nam và những nội dung trong thư đã được chính phủ nước ta đề nghị nhưng Pháp đã khước từ) và các nước thành viên khác, tức là tất cả các nước trên thế giới.

Lời kêu gọi có 9 nội dung, thì nội dung thứ 8 là quan trọng và đáng chú ý nhất, nêu lên tư tưởng và "chính sách Mở cửa và Hợp tác trong mọi lĩnh vực" của nước ta ngay từ lúc ấy (1946).

Các nội dung từ 1 đến 9 phản ánh thực tế của cách mạng Việt Nam 1945-1946: sự ra đời của Nhà nước Việt Nam; sự ngoan cố và hiếu chiến của thực dân Pháp đang trở lại xâm lược Việt Nam; vị trí và vai trò của cách mạng tháng Tám 1945 trong mặt trận đồng minh đánh bại chủ nghĩa Phát xít trên thế giới. Những tiền đề này là cơ sở thuyết phục các nước trên thế giới về nội dung thứ 8.

"Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước".

Toàn vẹn lãnh thổ bởi lúc đó - năm 1946 sau Hội nghị Fontainebleau, thực dân Pháp đã không thực hiện mà “nặn ra nước Cộng hòa Nam Kỳ với một chính phủ bù nhìn tay sai, tiếp tục khủng bố những người yêu nước Việt Nam". Trong thư, Bác nêu lên vấn đề quan trọng nhất là độc lập dân tộc để bảo đảm cho "trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ các nguyên tắc", và sẵn sàng "mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực" mà Bác nêu dưới đây.

"Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó, và bày tỏ mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối các nước có chủ quyền".

Phải thấy rằng hoàn cảnh lúc đó, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và phức tạp. Cho đến hết năm 1946 chưa có nước nào trên thế giới công nhận nước ta. Kể cả Liên Xô và các nước trong phe XHCN. Trung Quốc thì mãi năm 1949 mới giành được chính quyền, năm sau, năm 1950 mới công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những năm 1950 nước ta mới được một số nước công nhận. Có lẽ (vô tình) nước Pháp trong dịp đón Bác sang Paris và ký các hiệp ước 6/3/1946 và Fontainbleau với chuyến đi dài bằng đường biển qua Thái Bình Dương, xuyên qua kênh đào Suez, qua châu Phi vào Địa Trung Hải, con tàu chở Bác với lá cờ đỏ sao vàng làm cho thế giới ngạc nhiên: có một quốc gia mới ra đời. Rồi những cuộc đón tiếp long trọng với nghi thức đón tiếp Nguyên thủ Quốc gia của Chính phủ Pháp đối với Bác ở Paris, trung tâm của thế giới lúc đó đã là sự công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên của nước Pháp trên thế giới.

Ta cũng biết chính phủ Mỹ đã từng giúp đỡ huấn luyện bộ đội Việt Nam từ năm 1941 nhưng sau đó không còn ủng hộ chính phủ của Hồ Chí Minh bởi họ cho rằng chính phủ của Hồ Chí Minh là cộng sản. Họ biết lực lượng lãnh đạo cách mạng tháng Tám là Đảng cộng sản Đông Dương. Họ sợ cộng sản sẽ sáp nhập toàn cõi Đông Dương làm một như tên gọi của Đảng lúc đó. Ta cũng biết Bác Hồ khôn khéo biết chừng nào. Đảng Cộng sản Việt Nam tự tuyên bố giải tán, chỉ còn lại một trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Marx - Lenine. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam tháng 11-1946, Bác tuyên bố: "Tôi chỉ có một đảng là đảng Việt Nam". Cũng thời gian đó, Bác thành lập chính phủ có 18 Bộ thì có đến 9 vị bộ trưởng không phải là đảng viên, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có 333 đại biểu thì có đến 213 vị là người các đảng phái khác. Bác mời Hoàng đế Bảo Đại làm cố vấn tối cao. Có lúc Bác gợi ý và mời ông làm chủ tịch nước. Có người hỏi Bác, Bác trả lời: "Người ta nói mình đỏ quá rồi đấy". Cũng chính Bác đã thả tự do cho ông Ngô Đình Diệm đang bị bắt giữ ở miền Bắc.

Để tranh thủ dư luận quốc tế, ngay mục 1 của nội dung thứ 8, Bác đã nêu lên vấn đề nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước Lào và Campuchia.

Trên cơ sở đó Bác nêu vấn đề thứ hai của nội dung thứ 8 là: "Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.

Điểm a) của nội dung này nêu: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

Ta thấy ở mục này Bác đã nêu rõ chính sách "mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực" nghĩa là hợp tác toàn diện và hợp tác rộng rãi, không chỉ với Liên Xô và các nước XHCN (phe ta) khác mà với cả “các nhà tư bản, nhà kỹ thuật”. Nghĩa là với các nước tư bản trong "tất cả các ngành kỹ nghệ".

3. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện tư tưởng Mở cửa, Hợp tác và Hội nhập mà Bác Hồ đã nêu lên từ năm 1946

Ta biết là mãi đến năm 1960, Khrusev - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô mới nêu vấn đề "chung sống hòa bình" mà thế giới đã chao đảo, ông bị “đánh” tới tấp, dưới chiêu bài chống "Chủ nghĩa xét lại hiện đại". Ngay từ năm 1946, mà Bác Hồ đã nêu lên vấn đề “Hợp tác” và "Mở cửa" như vậy, quả là "con mắt tinh đời".

Đất nước ta phải chấp nhận hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài 30 năm, tiếp đó là chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc và chiến tranh ở biên giới Tây Nam chống lại bọn Pol Pot nên không có điều kiện thực hiện những chính sách mà Bác đã vạch ra. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ 6, năm 1986, những tư tưởng Mở cửa, Hợp tác của Bác Hồ khởi xướng mới được thành hiện thực.

Tháng 9/1977 nước ta đã gia nhập Liên hợp quốc và tham gia tích cực vào các tổ chức Quốc tế, vào UNESCO… và 20 năm sau (1997) nước ta là thành viên của Tổ chức Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN). Vấn đề Mở cửa và Hợp tác mà Bác nêu lên từ năm 1946 thì đến Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mới được thực hiện rộng rãi. Năm 1990 bình thường hóa với Trung Quốc, tháng 7/1995 bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, tháng 11/2007 ký Quy chế quan hệ thương mại Bình thường và vĩnh viễn với Mỹ… Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng đã nêu lên "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển", sau đó cụ thể hóa bằng "chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa". Đến nay nước ta đã có quan hệ với tất cả các nước, và đã có rất nhiều nước đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, ngày 23/5/2016 Tổng thống Mỹ Barack Obama Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam từ năm 1975. Năm 2001, "Hiệp định thương mại Việt - Mỹ" được ký. Tháng 11/2006, Việt Nam là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2018, nước ta đã tích cực vận động và tham gia Tổ chức kinh tế CPTTP với 11 nền kinh tế thế giới.

Điểm b) của nội dung thứ 8 trong bức thư này Bác nêu rõ: “Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế”.

Đến nay điều này đã thành hiện thực. Sân bay, hải cảng nước ta đã đón nhận các hãng hàng không nhiều nước. Tàu vận tải và tàu quân sự các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Pháp, Úc… đã đến Việt Nam hàng chục năm nay. Trong đó hải cảng quân sự Cam Ranh là một điểm đến hấp dẫn nhiều cường quốc quân sự.

Điểm c) của nội dung này Bác viết: "Nước Việt Nam chấp nhận mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế…". Đến nay Việt Nam đã tham gia tích cực trong WTO, AFTA, ASEAN, CPTPP là những tổ chức kinh tế lớn, có uy tín nhất của thế giới.

Điểm d) nội dung này là điểm cực kỳ đáng chú ý. Bác viết: "Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân".

Thực tế những năm gần đây nước ta đã có nhiều đoàn quân sự tham gia trong quân đội do Liên hợp quốc tổ chức giữ gìn hòa bình ở một số nước như Bác đã nêu lên ở bức thư này.

4. Kết luận

Như vậy vấn đề Hợp tác, Mở cửa trong xu thế toàn cầu hóa của thời đại của Việt Nam đã có từ rất sớm, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời (năm 1946) chứ không phải từ năm 1986 như nhiều người hiểu. Và như vậy, các ông Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh… không phải người khởi đầu mà chỉ là những người thực hiện tư tưởng của Bác Hồ. Chính Hồ Chí Minh mới là người Việt Nam đầu tiên đưa ra tư tưởng Mở cửa, Hợp tác, Hội nhập toàn diện với thế giới với tầm nhìn xuyên thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H. 2011.

2. Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân. H. 2011.

3. Sơn Tùng, Cuộc gặp gỡ định mệnh, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2008.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy