Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
07:11 (GMT +7)

Hình tượng hổ trong mỹ thuật Việt Nam

Hổ vốn xưa nay vẫn được coi là loài vật đẹp. Theo quan niệm dân gian người Việt và Trung Hoa, hổ là hình ảnh uy nghi, đầy ấn tượng, hổ tượng trưng cho sức mạnh, được thần thánh hóa. Đương nhiên hổ “sứ mạng” thiêng liêng có khả năng diệt trừ được ma quỷ… Chính vì điều đó cho nên hình tượng con hổ đã trở nên phổ biến trong đời sống văn học, nghệ thuật.


Hổ đã được vẽ thành tranh và tạc thành tượng để thờ ở các đền, đình, miếu, điện... hay trên nghệ thuật gốm Việt. Hình tượng hổ còn được trang trí áo võ quan, miếu võ quan. Thời phong kiến, nếu như rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ được xem là biểu tượng của quan lại (quan võ). Thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) hình tượng con hổ đã có sự thể hiện đa sắc, đa diện trong phong thủy và được định hình trong kết cấu kiến trúc, tên gọi di tích cụ thể, hay khắc dấu trên Cửu Đỉnh. Tất cả góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong việc tạo nên những nét đặc trưng của nền Văn hiến Việt Nam.

Hội họa

Về phương diện hội họa, rất nhiều bức tranh vẽ về loài hổ kể cả hội họa của phương Đông và phương Tây. Ta từng thấy những bức tranh vẽ cảnh hổ đang gầm mặt trời của họa sĩ châu Âu (khoảng thế kỷ XVIII và XIX). Với ý niệm biểu tượng về sức mạnh, không chỉ ở phương Đông, rất nhiều nơi trên thế giới loài hổ được coi là sơn lâm, là chúa tể. Dường như hổ được trao quyền uy thống trị, có vai trò điều phối, chia khu vực sơn lâm cho các dã thú khác. Các họa sĩ Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vẽ rất nhiều bức tranh về loài hổ bằng các chất liệu truyền thống. Ở Việt Nam với bộ tranh dân gian Hàng Trống mô tả về ngũ hổ, tứ hổ, hắc hổ, hoàng hổ, bạch hổ là nét đặc trưng độc đáo và ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông.

Tranh ngũ hổ trong gia đình người Việt không treo nơi bàn thờ gia tiên như tranh ngũ quả mà tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ Thánh hoặc thờ Phật. Một số ý kiến khác cho rằng, những bức tranh ông Hổ được xuất hiện từ đời nhà Trần, sau khi tướng Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên Mông do đó để ca ngợi hào khí của dân tộc trong những ngày tháng đó, những bức tranh hổ đã ra đời như vậy.

Hội họa dân gian Việt Nam đã thần thánh hóa con hổ, khi vẽ tranh hổ, các nghệ nhân dân gian đã thể hiện đủ năm con hổ với năm tư thế và năm màu sắc khác nhau. Tranh ngũ hổ trong dân gian còn gọi là tranh ông Năm Dinh. Hình tượng năm con hổ trong tranh tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương. Các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà còn làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật, thể hiện sức mạnh của loài mãnh chúa sơn lâm.

“Ngũ hổ” - tranh dân gian Hàng Trống

Tết Nguyên đán xưa kia vào những năm Dần (năm con Hổ) người dân hay treo tranh Ngũ Hổ hay Nhất Hổ; đây là bức tranh dân gian đẹp, hàm chứa các giá trị tâm linh, nghệ thuật dân gian theo quan niệm, triết lý nhân sinh quan về vũ trụ của người xưa. Trong ngày xuân, tâm trạng mọi người thanh thản ngồi bên sắc thắm hoa đào, với chén rượu nồng hưởng ngoạn cùng những bức tranh Tết - tranh Hổ, con người thêm phấn chấn - sảng khoái. Những bức tranh Tết tươi màu chính là thông điệp lời cầu chúc điều tốt lành đến mọi người trong gia đình.

Năm nhân vật ở trong tranh Ngũ hổ với ý nghĩa khác nhau. Ở giữa tranh là Hoàng hổ tướng quân (Hổ vàng): hổ được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm (địa khu); trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ. Màu vàng với ý nghĩa thể hiện sự thuận lợi, sự bền vững, lâu dài, thăng tiến cùng niềm tin. Góc dưới bên phải tranh là Thanh hổ (Hổ xanh) tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành Mộc (mộc khu); màu xanh thể hiện sự êm đềm và dịu dàng, tượng trưng cho sức khỏe, sự phát triển. Góc trên bên trái tranh là Bạch hổ (Hổ trắng) tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim (kim khu); màu trắng thể hiện sự ổn định, tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết. Góc dưới bên trái Xích hổ (Hổ đỏ) tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hỏa (hỏa khu); màu đỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc, tượng trưng cho tốc độ, tính lãnh đạo, quyền lực cá nhân. Góc trên bên phải là Hắc hổ (Hổ đen) tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thủy (thủy khu); màu đen thể hiện sự thanh thản, yên tĩnh, tượng trưng cho trí tuệ, sự thông minh.

Từ quan sát thực tế, các nghệ nhân dân gian khi vẽ tranh hổ thờ dường như giữ được những đặc trưng của con hổ hoang dã sống giữa đại ngàn. Với mong muốn hình tượng thần hổ có sức mạnh phi thường. Qua dáng ngồi, dáng đứng, cưỡi mây, lướt gió oai phong, hay đường bệ với mảng khối cơ bắp khỏe mạnh, linh hoạt, các chi tiết mặt, râu, mũi, vằn lông,... sắc nét dữ tợn. Đặc biệt là những con mắt hổ luôn rực lửa nội lực của loài mãnh thú. Bằng kỹ thuật vờn màu, tranh thờ xưa đã biểu đạt rõ nét tính cương - nhu trong thần hổ. Mỗi vị thần hổ lại được gắn với một sắc màu, với một hành (trong ngũ hành), với một phương (trong bốn phương) và những ý niệm đầy tính triết lý.

Theo quan niệm văn hóa phương Đông, người xem tranh hoặc treo tranh thờ đều có thể suy luận theo nhiều hướng khác nhau, chẳng hạn: Ngũ hổ (Hổ vàng, Hổ xanh, Hổ trắng, Hổ đỏ, Hổ đen) thì liên tưởng tới Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh)... Suy luận rộng hơn, mỗi màu sắc trong tranh lại tương đồng với tính cách của từng nhân vật hổ, làm cho tổng thể bức tranh hổ trở nên thần bí, lôi cuốn người dùng (cho mảng tâm linh), người xem (trong giải trí). Sau này, tranh dân gian Hàng Trống lại có thêm hổ độc (vẽ một con hổ): bạch hổ, hắc hổ, hoàng hổ… tuy nhiên tranh ngũ hổ vẫn nổi bật hơn cả.

Quan niệm dân gian xưa cho rằng hổ là con vật có uy lực và bị coi là hung thú, nên khi hổ xuống núi vào nhà thì sẽ hại người. Vì điều này nên việc bài trí tranh hổ trong phòng ngủ (nhất là phòng ngủ vợ chồng) được cân nhắc kĩ lưỡng. Có quan niệm cho rằng nếu trong nhà treo bức tranh hổ sẽ khiến những người ở trong nhà có tâm trạng bất an, nhất là khi đầu hổ hướng vào trong nhà được coi là đại hung; những người làm kinh doanh họ thường không treo tranh hổ, bởi họ quan niệm treo tranh hổ sẽ khiến việc kinh doanh không gặp may mắn.

Giới Phật giáo Hàn Quốc cũng treo tranh thần núi còn gọi là Sansintaenghwa mô tả một cách sinh động, hài hước về sơn thần và hổ. Người Hàn Quốc còn có bức tranh Jakhodo (Ác hổ đồ), tranh chim ác là và hổ. Chim ác là đang đậu trên cành thông xanh ngắt còn hổ thì ngước nhìn cành cây. Đây là hai loài vật rất được chuộng trong nghệ thuật dân gian Hàn Quốc, Chim ác là được quan niệm là dấu hiệu của điềm lành. Hổ là giống vật nhân từ bảo vệ con người khỏi tai ương. Còn cây thông tượng trưng cho tuổi thọ và sự trường tồn. Chính vì điều này nên ta thường thấy người dân Hàn Quốc treo những bức tranh Jakhodo trong nhà vào tháng Giêng âm lịch hàng năm vì có ý nghĩa ngăn ngừa điềm họa, sẽ xua được hung khí để gia đình được an vui.

Điêu khắc

Tượng hổ được tạc ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, trong các di tích văn hoá Ðông Sơn khai quật được xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Hổ chính thức đi vào nghệ thuật tạo hình sớm nhất trong các lăng mộ đời vào thời nhà Trần. Với những tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hóa).

Con hổ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Cọp, Hùm, Kễnh, Khái, Ông Ba Mươi hay Chúa sơn lâm. Mô típ hổ vồ mồi, hổ ngắm trăng, hổ và rồng, hổ và đại bàng… được thể hiện khá rõ nét trong điêu khắc cổ Việt Nam. Việc khai thác mô típ đó thường để diễn tả một sức mạnh, một ý chí và để khai thác chất thơ trong “cái hùng” của hổ - loài chúa sơn lâm. Hổ cũng để lại dấu ấn trên Cửu đỉnh thời nhà Nguyễn. Hình ảnh con hổ được đúc vào Cao Đỉnh sánh cùng với ông mặt trời, biển Đông, con rồng, chim trĩ và hoa tử vi... vô hình trung đã tôn hết vẻ uy quyền, là một trong những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, Thái Bình có độ dài chừng một mét bốn mươi, một tác phẩm điêu khắc đẹp, là một trong những kiệt tác điêu khắc đá của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Mô tả con hổ ở tư thế nằm, dáng vẻ ung dung, hai chân trước sải dài, hai chân sau thu gọn trong bụng, đầu ngẩng cao, đôi mắt lim dim, cái đuôi mạnh mẽ, hai tai dỏng lên như đón nghe một tiếng động nào đó. Khối đá không to như con hổ thực ngoài đời, nhưng các nghệ nhân điêu khắc cổ đã tạc dựng một hình tượng hổ có sức lay động, toát lên thần thái của một chúa sơn lâm không thể lầm lẫn vào những thú dữ khác. Tất cả được quy vào nhịp điệu và kết cấu khối đơn giản trong cơ học bản thân của mãnh thú.

Tượng hổ tạc bằng đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình)

Hình tượng hổ tạc bởi các khối tròn bằng đá thì có ở nhiều nơi. Song hổ chạm nổi, chạm lộng trên gỗ cũng khá phổ biến ở đình, đền. Hàng loạt đình làng ở Việt Nam, phần lớn là ở nông thôn, các nghệ nhân dân gian đã để lại đời sau rất nhiều hình mẫu khác nhau về hình tượng con hổ đá. Ở đình Chu Quyến (Hà Tây cũ) trong hoạt cảnh táng mả vào hàm rồng, con hổ chạy theo bước chân Đinh Bộ Lĩnh đang hăm hở và láu lỉnh đưa gói xương cốt vào miệng con rồng, nó vừa há miệng vẫy đuôi vui vẻ. Con hổ ở đây đôi mắt ánh lên, răng hơi nhe ra nhưng nghệ nhân đã tạo cho nó một dáng điệu rất dễ thương. Ở đình Đông Viên (cũng thuộc Hà Tây cũ) con hổ cùng với các chàng trai tinh nghịch xông vào mấy cô gái đang tắm trong đầm sen để đùa giỡn. Tiêu biểu nhất phải kể đến hình ảnh con hổ khắc trên thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ), tấm phù điêu người nông dân đâm hổ ở đình Chảy (Hà Nam), bức chạm khắc gỗ hình con hổ đang chạy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh) và bức chạm gỗ chàng trai cưỡi hổ ở đình Tiên Kỳ (Nghệ An), và còn rất nhiều hình tượng hổ ở nhiều đình miếu nằm rải rác khắp nơi trong nước.

Phù điêu người nông dân đâm hổ ở đình Chảy (Hà Nam)

Theo các nhà phong thủy, tượng hổ mạ vàng được coi là đại diện cho quyền lực, do hổ là con vật linh thiêng và đầy uy quyền thường được thờ phụng. Hổ là biểu tượng cho quyền lực, cho công danh và sự tăng tiến trong kinh doanh. Hổ dùng tiếp khí cho các cát tinh Lục Bạch, Bát Bạch và cũng có thể bổ trợ cho bản mệnh người tuổi Dần và cũng có thể dùng để trấn yểm khi nhà bị phạm vào cấm kỵ hoặc bị sát tinh chiếu hướng.

Gia Bảy (Tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy