Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Hình đại diện

VNTN - Mới 4 giờ sáng, tôi bị chị Vinh dựng dậy bằng cú điện thoại chói gắt:

- Biết tin gì chưa? Anh Tùng mất rồi.

- Sao lại thế? Vừa hôm qua em gặp anh ấy mà.

- Thế mới khổ chứ. Chị em mình đến đấy sớm nhé. Có gì còn giúp gia đình anh ấy.

- Vâng ạ.

Anh Tùng với tôi và chị Vinh trước cùng cơ quan, về hưu cùng tháng, giờ sinh hoạt cùng câu lạc bộ bóng bàn. Mấy anh em hợp nhau ở sở thích đi du lịch bình dân, tự nhiên thành nhóm chơi thân, mỗi tháng không gặp nhau vài lần là thấy trống trải làm sao ấy. Anh Tùng mới 63 tuổi, đang khỏe khoắn là thế mà sao ra nông nỗi này? Tôi triền miên nghĩ ngợi, buồn bã, không tài nào ngủ lại được.

6 giờ sáng, tôi và chị Vinh đã có mặt ở cổng nhà anh Tùng. Quái lạ, nhà im ắng, người ra người vào bình thường, chả có vẻ gì là nhà có đám tang cả.

Chị Vinh lấy điện thoại ra đưa tôi xem:

- Đây nhá, con Hương con anh Tùng thay ảnh đại diện bằng hình đen ngòm lúc 3 giờ sáng, kèm dòng chữ rành rành: Bố ơi!!! Vậy thì không anh Tùng còn là ai?

Nghe tiếng lao xao ngoài cổng, anh Tùng chạy ra. Thấy chúng tôi anh nói ngay: “Tớ vẫn khỏe nhé. Người mất là bố nuôi cái Hương”. À thì ra thế, chúng tôi nhìn nhau, thở dài.

Không biết từ bao giờ, khi trong nhà có người ruột thịt mất, thì chủ “fây” đổi hình đại diện thành một màu đen. Cũng có người cầu kỳ “chia” các biểu tượng khác nhau: Ông (bà) thì để hình hoa sen trắng, cánh hạc về trời; bố/mẹ thì màu đen đặc. Người cẩn thận “chua” kèm dòng thông báo như một cái tin buồn. Người lại kèm bài thơ khóc cha (hay mẹ). Cộng đồng mạng nhìn vào “tín hiệu” thay đổi ấy là biết ai mất mà đến chia buồn với gia chủ hoặc loan báo cho bạn bè cùng biết.

 

Nhưng không phải “chủ thớt” nào cũng rõ ràng mạch lạc như thế. Không ít người “tung lên” một cái “mặt đen” chơ vơ, không một dòng thêm thắt. Mặc cho bên dưới, bạn bè, người quen nhao nhao hỏi: Có chuyện gì thế? Ai mất đấy???. Do không biết cụ thể nên đa số chỉ dám “còm” chung chung, kiểu như: “Xin chia buồn cùng bạn và gia đình”. Còn những người bạn thân như tôi và chị Vinh thì có lẽ sẽ lâm vào tình cảnh như vừa xảy ra ở trên vậy.

Cũng câu chuyện về hình đại diện màu đen, có người “treo” trên “fây” cả năm trời, như ngầm thông báo thời gian gia đình đang có chuyện buồn. Nhưng khổ nỗi người đó liên tục cập nhật các cảnh ăn uống, vui chơi, cười đùa vui vẻ… rất “sái” với hình đại diện. Lại có người quên mình đang “mặt đen”, sáng nào cũng “nhảy” vào “nhà” bạn bè “Chúc ngày mới tốt lành”, khiến người nhận cứ thấy “chờn chợn” vì cái hình đen sì chết chóc.

Quả thật, cái hình đại diện nhà mạng dành cho người chơi “fây” dù chỉ chiếm một diện tích bé xíu nhưng thông tin chứa trong ấy không hề ít. Người dễ tính đăng hình cởi trần, mặc đồ lót, xấu xí, nham nhở làm đại diện; người kỹ càng thì thay ảnh theo mùa, cái nào cái ấy đều chau chuốt xinh đẹp; người nghiêm cẩn thì đưa chứng minh thư, com-lê, cà vạt trịnh trọng… Quả là bách nhân bách tính, xã hội “ảo” cũng thể hiện rõ con người thật ngoài đời.

Trở lại câu chuyện “mặt đen” báo tin buồn. Giá như người đăng “chua” thêm một vài dòng rõ ràng hơn sẽ bớt cho bạn bè nhầm lẫn nguy hiểm. Có thể đưa ra vài mẫu câu: “Vĩnh biệt bố, từ nay các cháu sẽ không còn ông ngoại nữa” (thông báo bố vợ mất); “Con nhớ bà lắm bà nội ơi” (bà nội mất); “Vĩnh biệt dì yêu quý của con” (em của mẹ mất)… Thêm nữa, khi nhà đang có “mặt đen” cũng nên tiết chế đưa hình ảnh “lên sóng” cho phù hợp. Đặc biệt là việc đeo “mặt đen” “nhảy” vào nhà người khác cũng là hành động thiếu tế nhị.

Dù mạng ảo nhưng phản ánh con người thật. Chăm chút cho ngôi nhà “fây” của mình lành mạnh, rõ ràng, tươi mát cũng là cách ứng xử văn minh với cộng đồng mạng.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 2 tuần trước

Không ai bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

“Nơi ấm” cho con

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Một cuộc tư vấn

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Khổ vì… đa tình

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Câu chuyện ngày cuối năm

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Đời mình, mình sống

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước