Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:46 (GMT +7)

Hiểu thêm về điêu khắc

VNTN - Mỹ thuật (nghệ thuật tạo hình) gồm các ngành cơ bản là: hội họa, đồ họa, điêu khắc. Trong các cuộc triển lãm mỹ thuật thường có đủ ba loại hình này. Tác giả của ba loại hình này được gọi là họa sĩ nếu họ chủ yếu sáng tác tranh hoặc thiết kế bản vẽ trên mặt phẳng (hội họa và đồ họa). Còn những người chuyên sáng tác tạo hình bằng khối thực (chiếm lĩnh không gian ba chiều hay quen gọi là 3D) như: phù điêu, chạm khắc, tượng thì được gọi là Nhà điêu khắc. Tuy nhiên, thực tế vẫn có người là họa sĩ nhưng có tác phẩm điêu khắc rất tốt, và ngược lại.

 

Nhà hát Opera Garnier ở Paris, hình mẫu kiến trúc của Nhà hát Lớn Hà Nội

Hiểu một cách ngắn gọn, điêu khắc là nghệ thuật thực hiện những tác phẩm có không gian ba chiều (tượng tròn hoặc phù điêu hay chạm khắc) bằng cách gọt, đẽo, gò, đắp, gắn... những khối vật liệu rắn chắc như gỗ, đá, kim loại... Điêu khắc dạy trong các trường mầm non hay trường phổ thông được gọi là nặn, vì sản phẩm tạo ra nhỏ nhắn có thể cầm trên tay được. Đối với nhà điêu khắc, sản phẩm của họ đa số là những tác phẩm có khối lượng lớn, vì thế động tác được gọi là tạc, đục, đẽo, mài, cưa cắt… hay đúc thông qua việc đổ khuôn. Ngay từ thời cổ đại, người ta đã biết làm khuôn bằng đất sét hoặc kim loại, họ đã đổ khuôn những chiếc cốc uống nước và nhiều đồ dùng hàng ngày khác.

Ngày nay, có quan niệm nhìn nhận về điêu khắc mở hơn. Ví như về vật liệu, thì ngoài gỗ, đất sét, đá, kim loại đúc…, điêu khắc ngày nay dùng cả dệt may, nhựa, thủy tinh, polyresin (một hợp chất nhựa tổng hợp thường được sử dụng tạo tạc tượng, tượng nhỏ và đồ trang trí nội thất); Composite (vật liệu tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau tạo nên, có tính chất vượt trội hơn hẳn so với các vật liệu ban đầu); Polystone (đá poly giống như đá đúc nhưng vẫn nhẹ, và chúng sẽ không bao giờ nứt hoặc trở nên giòn và vỡ như đá tự nhiên). Có tài liệu cho rằng điêu khắc gồm cả không gian âm thanh, ánh sáng, không gian hư ảo và không gian tâm linh. Điều này trong Từ điển Mỹ thuật không thấy nhắc đến.

Điêu khắc được chia làm nhiều loại, có nhà điêu khắc chuyên tạo khối hình đồ sộ như “dãy núi”; có nhà điêu khắc lại tạo hình khối rất nhỏ đến cực nhỏ (điêu khắc vi mô), như Willard wigan (Anh) là người tạo ra các tác phẩm điêu khắc nhỏ nhất thế giới. Tác phẩm của anh nhỏ đến mức Wigan cần sử dụng kính hiển vi và làm việc giữa các nhịp tim để điêu khắc chúng. Những hình nhỏ, tòa nhà và cột mốc (không thể nhìn thấy bằng mắt thường) được chạm khắc từ những hạt cát và được vẽ bằng lông của một con ruồi. Wigan là nhà điêu khắc vi mô, đã được tôn vinh trong Sách kỷ lục Guinness thế giới, cũng như được trao giải MBE cho các dịch vụ cho nghệ thuật.

Tạm thời, điêu khắc được chia ra 3 thể loại cho dễ phân biệt: tượng - phù điêu - chạm khắc. Nhiều tài liệu xếp thể loại phù điêu và chạm khắc vào cùng một loại.

 

Madonna and Child

Tượng là một tác phẩm điêu khắc nhằm thay thế một cách đại diện một người, một nhóm người hay một con vật, nhóm con vật, hoặc một sự kiện, thông thường thực hiện ở kích thước như thật hoặc có thể lớn hơn. Công cụ chủ yếu là thay thế nhân vật thật với tính chất đại diện. Đôi khi ta bắt gặp những bức tượng triệt tiêu hết chi tiết vụn vặt chỉ còn ấn tượng về khối mà thôi. Định nghĩa một bức tượng thật khó cụ thể hay rõ ràng. Ví dụ tác phẩm điêu khắc một người trên một con ngựa (như Equestrian statues), hoặc điêu khắc hai người (như Madonna and Child) cũng được tính là tượng. Trong tượng tròn lại được chia làm nhiều loại tượng khác nhau. Mỗi loại đều có đặc trưng riêng, ý niệm riêng. Tượng được xây dựng để tưởng niệm một sự kiện lịch sử, hoặc cuộc sống của một người có ảnh hưởng tới xã hội. Được xem là công trình công cộng, để ngoài trời gắn liền với kiến trúc - cảnh quan, loại tượng này được gọi là tượng đài như: tượng đài Thanh niên xung phong, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có tượng để ngoài trời cũng chưa được gọi là tượng đài mà chỉ làm triển lãm hoặc trang trí cho một khuôn viên nào đó, người ta còn gọi là tượng vườn. Tượng được trưng bày trong nhà (chùa, điện, miếu) được gọi là tượng thờ (loại tượng này luôn được tạc toàn thân, tư thế đứng hoặc ngồi là tùy thuộc vào danh tính của nhân vật). Tượng được bày trong nhà hay để trong tủ kính - phòng khách với mục đích là để lưu niệm (tượng chân dung người thân, chân dung lãnh tụ hay nghệ sĩ…), loại tượng này chỉ mang tính chất giải trí. Còn loại tượng chân dung lãnh tụ (chân dung Bác Hồ) đặt trên bục ở sân khấu dưới quốc kỳ là tượng trang trí khánh tiết. Những tượng người mà chúng ta thường thấy là tượng chân dung (cắt ngang vai hay bán thân). Tượng toàn thân thường thấy ở tượng đài, tượng thờ. Cũng có loại tượng chỉ có một phần cơ thể, đấy là loại tượng nghệ thuật - gắn ý tưởng của nhà sáng tác.

Phù điêu là hình thức đắp nổi hoặc khoét lõm với chiều dài, rộng là thực còn phần nổi mang tính ước lệ về khối. Phù điêu được diễn tả trên một mặt phẳng, cách diễn tả xa gần bằng các khối dầy, mỏng và kết hợp đường nét thanh mảnh nông sâu khác nhau cũng tạo hiệu quả về không gian. Những năm gần đây ta thấy xuất hiện nhiều loại “tranh” đúc hay gò đồng/Composite bán ở thị trường. Thực chất sản phẩm đó là phù điêu vì có cả chiều thứ ba nổi lên, ta cảm nhận được qua xúc giác. Còn nếu là tranh thì chỉ có 2 chiều thực còn chiều thứ ba (chiều sâu) là ảo. Thực tế họa sĩ đương đại đã từng dán cả vật thể lên tranh sơn mài, sơn dầu. Song đó chỉ là thứ yếu, là điểm nhấn trong tranh chứ không phải là ngôn ngữ hội họa hay đồ họa. Ví dụ như bức tranh “Khát” (chất liệu tổng hợp - 190 x 190 (cm) của họa sĩ Siu Quý) đoạt giải Vàng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2001 - 2005, đã dùng cả ống nhựa tiền phong gắn lên tranh. Song tác phẩm để lại nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng tranh là mặt phẳng (2D), nếu gắn vật thật lên mặt tranh là không phù hợp. Tuy rằng việc gắn vật thật lên tranh là lối tư duy mới, song cách này cũng khó để phân định tranh thuộc loại hình hội họa hay loại gì. Cách tạo hình kiểu như vậy sẽ không phổ biến trong hội họa, đặc biệt hội họa siêu thực thì rất kỵ không gian pha trộn vừa thực vừa ảo. Minh chứng là qua các triển lãm mỹ thuật loại tranh này ít xuất hiện, có lẽ vì không phổ biến với tư duy của họa sĩ hội họa.

Với chạm khắc nhiều lúc vẫn bị nhầm lẫn. Sản phẩm thế nào thì gọi là chạm khắc?

Trước hết ta cần hiểu về cách tạo hình. Thông thường các nhà điêu khắc dùng hình thức vạch ra những đường nét, hình hài sau đó đục trũng sâu nền để hình ảnh nổi lên và ngược lại. Hình thức này ta thường thấy ở đình làng, chùa, miếu, văn bia, bàn ghế gỗ. Cơ bản hình ảnh được đục từ một bề mặt cứng như gỗ, kim loại hay đá… bằng dụng cụ nhọn sắc hoặc bằng phương pháp ăn mòn hóa học (như cách làm bản khắc in kẽm trong đồ họa). Tùy quan niệm mà người xưa có cách gọi khác nhau. Nếu khối hình nhô cao người ta thường gọi chạm nổi, ngược lại chủ yếu là khắc/đục lõm nền/nét độ sâu vừa phải để đủ nổi hình thì người ta hay gọi là chạm nổi thấp. Còn tạo khối căng tròn như nhân vật đứng sát vào tấm phông, thì thành phẩm sẽ gọi là phù điêu.

Việt Nam xưa nay vốn nổi bật với chạm khắc đình làng. Mỗi khi nói đến chạm khắc các nhà văn hóa luôn nghĩ về đình làng. Nghệ nhân dân gian thổi hồn vào bao khúc gỗ hay khối đá vô tri vô giác để biến chúng trở thành những sứ giả của những câu chuyện, lưu giữ giá trị truyền thống. Bằng sự sáng tạo, các nghệ nhân đã kể cho chúng ta những câu chuyện đời thường chân thật, mộc mạc và gần gũi. Những họa tiết như: hoa lá chim muông, cảnh sinh hoạt thường ngày, là đôi trai gái đùa vui trong đầm sen… được cách điệu ngộ nghĩnh. Hiện nay, những hình ảnh chạm khắc dân gian đó còn được lưu giữ mãi trên các ngôi đình, ngôi chùa và ngôi đền nằm rải rác ở nhiều làng quê Việt Nam, như: đình Phù Lão (Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang); đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang); đình Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang); đình Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh); đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Đình Tây Đằng ( Ba Vì, Hà Tây - nay thuộc Hà Nội)….

Thái Nguyên ta là vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn là nơi có nhiều danh thắng nổi tiếng. Chúng ta có nhiều di tích văn hóa lịch sử lớn được nhà nước xếp hạng bảo tồn như: đền Đuổm, đền Đội Cấn, Chùa Hang, chùa Phù Liễn… Ở các đền chùa không thể thiếu các pho tượng thờ. Song không gian ngoài trời thiếu vắng những tác phẩm điêu khắc. Về tượng đài, có lẽ duy nhất có ở đường tròn Gang Thép (TPTN), còn các bức tượng ở nơi khác như: tượng Bác Hồ ở UBND huyện Đồng Hỷ hay Bảo tàng Quân khu 1 và nhiều cơ quan khác dường như chưa được coi là tượng đài, bởi quy mô chưa phù hợp.

Cách đây ít lâu, kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS tỉnh đã từng có bài đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên với nhan đề “Bàn về điêu khắc đường phố”. Bài viết khiến tôi thấy khá tâm đắc khi nêu ra vấn đề rằng: “…Khi nghệ thuật kiến trúc đường phố phát triển nó sẽ tạo được ấn tượng tốt, thậm chí có tác dụng giáo dục xã hội và thẩm mỹ đô thị… Để tạo dựng đô thị phát triển theo hướng “hiện đại, bản sắc”, thậm chí để tạo “Hồn phố”, để cộng đồng được hưởng thụ giá trị đích thực của nghệ thuật đường phố, cần quan tâm đến bộ môn nghệ thuật kiến trúc đường phố, trong đó có chuyên ngành “điêu khắc đường phố”.

Đúng vậy, kiến trúc với điêu khắc đã hỗ trợ cho nhau cùng phát triển - tạo được một tổng thể thống nhất, đẹp mắt, điển hình có thể kể đến như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình). Không chỉ ở Thái Nguyên mà ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, dường như đã lãng quên/hoặc chưa quan tâm đến điều này. Thiết nghĩ, chúng ta cần một sự thay đổi thực chất về cách nhìn, cách nghĩ đối với điêu khắc. Bởi nghệ thuật này luôn gắn liền với đời sống con người từ cảm thụ thẩm mĩ đến tâm linh. Sự đóng góp của nghệ thuật nhằm tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đa sắc, làm thế nào để Thái Nguyên đẹp, Thái Nguyên hay, là môi trường đáng sống, đáng đến…, hẳn là điều đáng nghĩ, đáng bàn!

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy