Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
03:26 (GMT +7)

Hiệu quả từ những chính sách dân tộc ở Linh Thông

Nằm cách trung tâm huyện Định Hóa gần 20 km, Linh Thông có nhiều đồi núi rải rác trên khắp địa bàn tạo nên địa hình tương đối phức tạp cho xã vùng cao này. Đổi lại, khung cảnh thiên nhiên nơi đây lại vô cùng thơ mộng. Nếu đến đây vào buổi sớm, nhất là sau những cơn mưa rào bất chợt của những ngày hè tháng 6 bạn sẽ được chiêm ngưỡng một “bức vẽ” không thể xanh mát hơn.

Ngay tại sân trụ sở UBND xã, phóng mắt nhìn ra là cánh đồng lúa xanh nõn chạy dọc con đường bê tông phẳng phiu, thẳng thắp. Xa hơn là những triền rừng xanh ngăn ngắt, thành quả của người dân Linh Thông đã nhiều thập kỷ nay đoàn kết giữ rừng. Vắt ngang những mảng xanh thẫm ấy là vô số vầng mây sà thấp như muốn ôm lấy cây rừng. Cảnh tượng thiên nhiên đẹp đẽ ấy thường kéo dài đến nửa buổi sáng, trước khi mặt trời kịp lên cao chói lọi.

Ở Linh Thông, đường bê tông đã chạy vào tận trung tâm các xóm

Niềm nở rót trà mời khách, đồng chí Chủ tịch UBND xã Linh Thông Lưu Viết Viên vui mừng thông tin: Trong những năm gần đây, kinh tế của xã đã đạt được những thành tựu đáng kể, tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực đã góp phần quan trọng giúp đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.Sự thân thiện, nhiệt tình và tâm huyết của những cán bộ chủ chốt ở Linh Thông như anh Viên cũng đã trở thành một phần lý do khiến tôi cảm thấy yêu mến hơn mảnh đất và con người ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Xã Linh Thông sau khi thực hiện sáp nhập đến nay có 9 xóm. Dân số toàn xã là 3.112 người, với 740 hộ. Nhân dân trong xã gồm 8 dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm: Tày, Nùng, Kinh, Sán Chỉ, Dao, Hoa và một số ít dân tộc khác. Trong đó, dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao nhất với 80%.Chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn xã Linh Thông, Chủ tịch xã Lưu Viết Viên cho biết: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo từng giai đoạn (Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016) và Thông tư số 02 năm 2017 hướng dẫn thực hiện Quyết định này của Uỷ ban Dân tộc, cùng với đó là Công văn số 2287 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách đặc thù theo Quyết định 2085, xã Linh Thông đã nhanh chóng ban hành các văn bản rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định.

Diện mạo xóm thôn ở Linh Thông đã có nhiều thay đổi, các ngôi nhà xây vững chãi thay thế cho những ngôi nhà dột nát

Tiếp đó, xã đã mời các trưởng xóm lên họp triển khai thực hiện. Tại xóm, người dân được hướng dẫn viết đơn đề nghị thực hiện dự án, chính sách, tổ chức họp dân bình xét, lựa chọn đối tượng thụ hưởng đảm bảo công bằng, dân chủ và khách quan. Nhờ vậy, mọi chương trình khi triển khai đều được bà con hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.

Đến nay, rất nhiều công trình, mô hình sản xuất là kết quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang hiện hữu trên địa bàn xã, giúp đời sống của đồng bào phần nào vơi bớt khó khăn. Gần đây nhất có thể kể đến công trình cầu Nà Lĩnh xóm Bản, cầu Nà Chú, kênh Đồng Khán xóm Nà Mỵ, duy tu sửa chữa đường giao thông nông thôn Tân Trào, Nà Chú.

Đặc biệt trong mấy năm trở lại đây, UBND xã Linh Thông đã triển khai 2 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và thiết bị sản xuất, chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho 77 hộ dân là hộ nghèo. Những dự án này thực sự đã trở thành “cú hích” cho nhiều hộ gia đình vươn lên trong cuộc sống.Là người theo sát việc triển khai thực hiện các dự án, anh Nguyễn Văn Tuân, công chức Văn hóa - xã hội xã Linh Thông chia sẻ. Nhìn lại quá trình thực hiện dự án trong thời gian qua có thể khẳng định, dự án bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2019, kinh phí thực hiện dự án là 262,8 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 127 triệu đồng và 135,8 triệu đồng do nhân dân đối ứng. Thực hiện dự án này, 10 hộ nghèo ở 6 xóm đã được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ (mua bò) và 5,1 triệu đồng/hộ (mua trâu), phương thức mua tập trung, cấp phát giống. Cùng với đó 16 hộ nghèo thuộc 8 xóm được hỗ trợ mua máy băm cỏ tổng hợp, mức hỗ trợ 4,8 triệu đồng/hộ; 25 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy cắt cỏ với mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/hộ.

Năm 2020, dự án tiếp tục được thực hiện với kinh phí trên 263 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 204 triệu đồng, nhân dân đối ứng 59,7 triệu đồng để hỗ trợ 6 con trâu và 11 con bò sinh sản cho 17 hộ nghèo. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ. 9 hộ nghèo khác được hỗ trợ 9 bộ máy cày dắt tay với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ…Từ năm 2020 đến nay, dựa trên nguồn vốn được phân bổ, đã có 5 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề với số tiền gần 42 triệu đồng để mua máy cắt cỏ và máy cày (trong đó nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng) và 53 hộ được hỗ mua téc nước sinh hoạt.

Mặc dù nguồn lực đầu tư không quá lớn xong đã có tác động tích cực tới nhận thức của bà con trong việc thay đổi tư duy và phương thức sản xuất. Đơn cử như việc chăn nuôi trâu, bò trước đây, bà con ở các xóm hầu hết chỉ chăn thả tự do nhưng sau khi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được hỗ trợ máy móc, nhiều gia đình đã thực hiện bán chăn thả, giúp trâu, bò sinh trưởng nhanh và gia tăng được hiệu quả kinh tế một cách rõ rệt.

Với đặc thù là một trong những xã còn nhiều khó khăn nhất của huyện Định Hóa, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng là vô cùng thiết yếu. Trong khi đó đây lại là phần việc cần rất nhiều nguồn lực. Bởi vậy, việc linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình hỗ trợ của trung ương, của tỉnh với các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn như chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số… đã phát huy hiệu quả. Từ các chính sách này đã tác động tích cực, làm chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Lưu Viết Viên thông tin thêm về kết quả từ việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương năm 2022: Nhờ cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nên trong năm 2022 xã duy trì thực hiện 3 mô hình là mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh, mô hình cánh đồng một giống, mô hình nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, chúng tôi thực hiện cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Người dân được đưa ra ý kiến, được quyền quyết định việc thực hiện các chương trình, dự án trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi…

Bên cạnh được phát huy quyền làm chủ, địa phương còn phát huy tối đa hiệu quả của cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, như làm đường giao thông nông thôn Nhà nước hỗ trợ 100% nguyên vật liệu, người dân chỉ đối ứng ngày công lao động; chính sách hỗ trợ lãi vay tín dụng phục vụ phát triển sản xuất với lãi suất thấp, thời hạn vay dài… Dẫn chúng tôi đi thăm quan căn nhà cấp 4 đang hoàn thiện, chỉ tay về phía chiếc téc nước sáng bong, anh Lưu Văn Bắc, xóm Nà Chát không giấu nổi niềm vui. Anh bộc bạch: Lần đầu tiên tôi có được cảm giác an cư. Gần 20 năm sống cảnh gà trống nuôi con (vợ anh Bắc bỏ đi đâu không rõ từ khi con anh mới vài tháng tuổi) không có nguồn thu nhập ổn định. Dù đã rất nỗ lực xong trông vào vài mảnh ruộng nhỏ không thể giúp 2 bố con tôi thoát khỏi cảnh nghèo. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước 60 triệu đồng để xoá nhà dột nát tôi không biết đến khi nào mới có thể làm cho con được mái nhà vững chãi. Mới đây, bố con tôi còn được hỗ trợ một téc chứa nước. Vậy là từ nay, bố con tôi sẽ không còn phải ăn nước đục vào những ngày trời mưa to nữa.

Anh Lưu Văn Bắc, xóm Nà Chát không giấu nổi niềm vui khi được hỗ trợ xây nhà mới và các vật dụng thiết yếu

Trong lộ trình phấn đầu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới trong năm 2023 này, gia đình anh Bắc chỉ là một trong số 102 hộ dân trên địa bàn xã được hỗ trợ 60 triệu đồng và được vay 40 triệu đồng để xây nhà xóa nhà dột nát.Những chính sách trên đã góp phần thúc đẩy các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Riêng trong năm 2022, toàn xã đã giảm được 205 hộ nghèo và cận nghèo. Toàn xã có 665/734 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 90,6%, 9/9 xóm đạt xóm văn hóa. Đến nay, số hộ nghèo trong toàn xã còn 127 hộ chiếm 17,07%, 109 hộ cận nghèo chiếm 14,7%.

Dẫu còn không ít gian nan trên hành trình “về đích”, song có thể thấy Linh Thông đã và đang tạo được bước chuyển biến tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy