Hãy là những F0 mạnh khỏe
Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, kể từ ngày 11/1/2022, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà, nơi cư trú, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Số ca mắc cộng đồng tăng cao, đồng nghĩa với số lượng F0 được điều trị tại nhà cũng tăng lên. Cùng với việc làm sao để những F0 có thể điều trị hiệu quả tại nhà, thì vấn đề về kiểm soát, điều trị các triệu chứng kéo dài của Covid (hay còn gọi là hậu Covid) cũng được người dân quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Hoàng Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bác sĩ Hoàng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên
Sau 3 tháng chính thức thực hiện việc điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh, ông có đánh giá gì về hiệu quả của việc này?
Bác sĩ Hoàng Anh: Trước diễn biến của dịch COVID-19 như hiện nay, việc tự cách ly điều trị và chăm sóc tại nhà rất cần thiết, phù hợp và góp phần giảm tải cho hệ thống y tế. Người bệnh được nghỉ ngơi, có đầy đủ điều kiện sinh hoạt, chăm sóc thể chất, tinh thần, đây là yếu tố hết sức quan trọng giúp F0 mau khỏi bệnh. Hiện nay trên 90% người mắc Covid trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được điều trị, chăm sóc tại nhà. Số F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh đã lên tới hàng trăm nghìn người. Điều này cho thấy hiệu quả của việc điều trị F0 tại nhà là rõ rệt.
Rất nhiều người dân có câu hỏi về vấn đề sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, đặc biệt khi hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống nhà thuốc bán công khai loại thuốc này. Vậy, khi nào thì những F0 điều trị tại nhà cần sử dụng Molnupiravir, thưa ông?
Bác sĩ Hoàng Anh: Thuốc Molnupiravir không nhất thiết dùng cho tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, mà chỉ dùng cho những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc trung bình nhưng có nhiều khả năng bệnh tiến triển nặng - chủ yếu là những người cao tuổi hoặc những người có bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh phổi, tiểu đường, béo phì hoặc có tổn thương hệ miễn dịch…
Molnupiravir là thuốc cần phải được bác sĩ kê đơn, không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp và không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Không sử dụng Molnupiravir cho trẻ em vì lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Không sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nó có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Đối với phụ nữ cho con bú, không nên cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng. Nam giới dùng thuốc được khuyến cáo sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng, vì tác động lên tinh trùng vẫn chưa được hiểu rõ.
Những người được kê đơn dùng thuốc Molnupiravir sẽ cần phải bắt đầu uống thuốc trong vòng năm (05) ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên để đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc một cách nghiêm ngặt theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu không thực hiện đúng, đầy đủ thuốc sẽ không có hiệu quả tốt.
Nhiều thông tin cho rằng, mặc dù những triệu chứng của COVID-19 ở người nhiễm bệnh đã không còn quá nặng nề, song ở nhiều người bệnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, diễn biến bệnh thường nặng nề hơn và dễ trở nặng nếu như không được chăm sóc kịp thời. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Bác sĩ Hoàng Anh: Triệu chứng, diễn biến và hậu quả của Covid là khó lường trước, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nghiêm trọng do vậy không nên chủ quan nhất là với người cao tuổi, người có bệnh nền.
Việc theo dõi sức khỏe thường xuyên, theo đúng hướng dẫn là rất cần thiết, để có thể tiếp cận được với cán bộ y tế và cơ sở y tế sớm ngay khi có diễn biến, chữa trị kịp thời, hạn chế để lại những hậu quả xấu đến sức khỏe.
Đối với trẻ nhỏ, cần theo dõi các dấu hiệu như: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa… Việc theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, xử trí kịp thời là hết sức quan trọng.
Để làm tốt điều đó, mọi người cần tìm hiểu kỹ tài liệu “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19” theo Quyết định số 604/QĐ-BYT ngày 14/3/2022 của Bộ Y tế.
Để hỗ trợ nhiều nhất cho người dân, hiện nay Thái Nguyên đã kích hoạt tổng đài chăm sóc sức khỏe F0, mọi người dân có thể tiếp cận với dịch vụ thông qua số điện thoại 0208.6.26.27.28 để được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất.
Sau khi khai báo y tế tại cơ sở, các F0 sẽ tự điều trị và theo dõi tại nhà
Một trong những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là những người đang và đã là F0 – đó là vấn đề hậu Covid. Ông có thể cho biết, đâu là những triệu chứng đáng quan tâm và người dân cần hiểu đúng về hậu COVID-19 như thế nào ạ?
Bác sĩ Hoàng Anh: "Hội chứng hậu COVID-19" được định nghĩa là các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện dai dẳng mà không thể giải thích bằng các chẩn đoán thay thế, xảy ra ít nhất sau 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19.
Hậu Covid ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất với các triệu chứng, mức độ biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân. Trên thực tế, ngay cả những người nhiễm Covid thể nhẹ cũng có thể gặp các vấn đề của hậu Covid.
Chẩn đoán xác định "Hội chứng hậu COVID-19" lại không được rõ ràng bởi những biểu hiện này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác.
Ví dụ, biểu hiện của các triệu chứng không điển hình ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý nền hoặc các tác dụng phụ của các thuốc đang sử dụng, hoặc các hội chứng sau nhiễm trùng, thậm chí cả những thay đổi tâm lý liên quan đến quá trình nhiễm COVID-19…
Có rất nhiều yếu tố, ảnh hưởng sinh lý bệnh là nguyên nhân và/hoặc làm tăng mức độ ảnh hưởng của hội chứng hậu Covid như:
· Tình trạng bệnh lý nền;
· Tình trạng miễn dịch của cơ thể;
· Các di chứng tim mạch - phổi sau bệnh COVID-19;
· Tình trạng tác động của virus lên các cơ quan khác trong cơ thể như hệ thống nội tiết, tim, thận, phổi, thậm chí cả gen…
· Ngoài ra, các yếu tố chưa biết hoặc chưa được xác định rõ ràng có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các triệu chứng kéo dài như hoàn cảnh tâm sinh lý, xã hội... liên quan đến COVID-19.
Theo thông tin từ Cổng Tiêm chủng quốc gia, Thái Nguyên hiện đang là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin và nằm trong top đầu về hiệu quả sử dụng vắc xin ngừa COVID-19. Xin ông cho biết, hiện nay, tỉnh đang có những chuẩn bị như thế nào về việc tiêm chủng cho trẻ từ 2 đến 11 tuổi, cũng như tiêm chủng mũi thứ 4?
Bác sĩ Hoàng Anh: Mặc dù Thái Nguyên được triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đồng loạt trên diện rộng muộn hơn so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, tuy nhiên đến thời điểm này Thái Nguyên nằm trong nhóm những tỉnh đứng đầu về tỷ lệ bao phủ vắc xin cũng như tỷ lệ người được tiêm đủ mũi cơ bản.
Công tác tiêm mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi vẫn đang tiếp tục được triển khai khẩn trương, ngay khi có vắc xin được phân bổ từ trung ương, tỉnh lập tức triển khai tới các huyện/thành phố/thị xã và tới các điểm tiêm chủng trong toàn tỉnh để đảm bảo những người đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tiếp cận vắc xin sớm nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất.
Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho việc triển khai tiêm vắc xin Covid cho nhóm đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Công tác rà soát, lập danh sách đã được thực hiện đầy đủ, dự kiến là có khoảng 167.000 trẻ trong độ tuổi sẽ được tiêm vắc xin Covid trong thời gian tới đây, ngay khi có quyết định của trung ương và khi có vắc xin dành cho nhóm đối tượng này.
Chính phủ cũng đang tiếp tục xem xét, nghiên cứu việc triển khai tiêm vắc xin Covid cho trẻ dưới 5 tuổi.
Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ của ông.
Đồ họa “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19” (Nguồn:nld.com.vn)
Phương Thảo (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...