Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
05:24 (GMT +7)

Hậu sinh khả úy

VNTN - Dịch một cách máy móc thì hậu sinh khả uý có nghĩa là "sinh sau đáng sợ". Nhưng như chúng ta đã biết, câu thành ngữ này hàm ý nói thế hệ sau bao giờ cũng giỏi giang hơn thế hệ trước, vì đó là quy luật, cho nên hầu như ai cũng hiểu theo ý nghĩa này. Nó cũng phù hợp với mong ước "con hơn cha là nhà có phúc" của nhân dân ta từ bao đời nay.

Dĩ nhiên, đã là quy luật thì không nên và không thể cưỡng lại. Tiếc rằng lâu nay, ở đâu đó vẫn có những người cố tình tỏ ra không tin tưởng vào lớp trẻ với lý do: trẻ người non dạ, chưa được thử thách, không có kinh nghiệm, thiếu lập trường, dễ bị lôi kéo bởi lối sống thực dụng và văn hóa phương Tây... Có điều, những lý do đó không phải là nhận định của quần chúng nhân dân nói chung mà là biểu hiện "ngầm" qua cách hành xử của một số quan chức trong giới lãnh đạo các cấp.

Tuy nhiên, trong thời buổi chạy chức, chạy quyền trở nên phổ biến đến nỗi trong đời sống ngôn ngữ đương đại đã xuất hiện cụm từ "thị trường quan chức" thì dư luận sẽ có quyền nghi ngờ về động cơ thật sự của những người không tin tưởng vào lớp trẻ, trong khi chính họ lại chỉ muốn "trẻ mãi" hoặc "trẻ lại". Đâu phải ngẫu nhiên khi gần đây, chỉ mới manh nha chuyện nâng tuổi nghỉ hưu mà lập tức đã có lời cảnh báo coi chừng lại tạo điều kiện cho những kẻ tham quyền cố vị đang đầy rẫy hiện nay. Và ai cũng biết, một khi tham quyền cố vị thì sẽ chẳng bao giờ muốn cấp dưới tài giỏi hơn mình.

Ảnh minh họa   Nguồn: tinhdoanbinhphuoc.vn

Chắc hẳn những ai có đủ "thâm niên" để không tin tưởng vào lớp trẻ hiện nay vẫn chưa thể quên rằng, chính họ cũng đã từng khao khát được cống hiến, được thử thách, được thăng tiến... thuở mới vào đời, và tất nhiên cũng không thể tránh khỏi những trở ngại nào đó do những người thuộc "lớp trước" tạo ra. Vậy thì tại sao bây giờ lại tự cho mình có quyền không tin vào lớp trẻ cho dù vẫn thừa biết là không làm thì không có cơ hội thử thách, không có lần đầu thì không thể có lần tiếp theo, không va chạm thì đừng đòi hỏi có kinh nghiệm...? Ranh giới giữa việc không tin tưởng với việc không tạo điều kiện dẫn đến kìm hãm chỉ là một "sợi tóc" mà thôi.

Cũng may là trong khi "thị trường quan chức" đang hết sức sôi động thì vẫn có những người chủ động "treo ấn từ quan" chính vào lúc được tín nhiệm ở mức rất cao. Điển hình là việc ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, sinh năm 1957 nhưng đã xin nghỉ hưu từ hơn một năm nay. Là người được UNESCO trao Giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khu phố cổ Hội An năm 2001, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2005 và được trao "Giải văn hóa Phan Châu Trinh" năm 2012... Vậy mà ông vẫn tâm sự với báo Người Lao động (6-6-2015) rằng, không muốn mình làm một tàu lá chuối.

Triết lý của ông Nguyễn Sự rất đơn giản. Đó là: trong khi lá vàng ở tất cả các loài cây khác đều tự động rụng xuống cho lá xanh vươn lên thì những tàu lá chuối vẫn cứ bám vào thân cây cho dù đã héo quắt. Bọn chúng bám chặt đến nỗi muốn tách ra thì chỉ còn cách cắt bỏ. Theo ông, "ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Nếu tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội để thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển".\

Người ta tâm đắc với những lời bộc bạch gan ruột của ông Nguyễn Sự, vui và buồn xen lẫn, bởi không khó để nhận ra những "tàu lá chuối" đã héo khô ở chỗ này chỗ khác mà chưa ai dám "cắt bỏ". Chẳng rõ có mối liên hệ nào giữa việc phần lớn những người du học không muốn về nước với việc rất hiếm thấy "U30" tại các buổi Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri được phát trên truyền hình. Nhưng dù sao thì những người cố tình không tin tưởng vào lớp trẻ sớm muộn gì cũng đến lúc phải "nhường ngôi". Biết thế, nhưng thực hiện đến đâu còn là câu chuyện của tư duy, mà thay đổi tư duy là điều không dễ!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy