“Hậu phương” của những người chơi ảnh nghệ thuật
VNTN - Nhiếp ảnh là một trong số ít chuyên ngành có nhiều cái nhất mà đa phần các chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật không có, như tính thông tin, tuyên truyền quảng bá nhanh nhất, phản ánh trực diện trung thực nhất, sản phẩm được thực hiện nhanh nhất, hay người thực hiện công việc cơ động nhiều nhất hoặc quyết định thực hiện bấm máy ghi hình nhạy cảm nhất.
NSNA Khánh Vân và vợ trong một lần đi sáng tác
Trong nhiếp ảnh nghệ thuật thì các nhiếp ảnh gia vất vả nhất, tác phẩm ảnh nghệ thuật đặc sắc trường tồn theo thời gian dài là hiếm nhất, và đặc biệt tổn hao kinh tế và đầu tư thời gian cũng nhiều nhất. Biết trước những gì đang chờ đợi phía trước họ vẫn hăm hở bước vào cuộc chơi bằng đam mê cháy bỏng của mình. Đứng sau họ là những người bạn đời - “hậu phương vững chắc”, luôn “kín đáo” ủng hộ, động viên, chăm lo tổ ấm. Họ âm thầm chờ đợi “bạn đời” trở về sau mỗi chuyến đi, lặng lẽ nở nụ cười mãn nguyện khi thấy thành quả “lao động” của “bạn mình” được trưng bày triển lãm hay đoạt giải ở cuộc thi nào đó.
Chị Thanh vợ của NSNA Khánh Vân, nguyên là một giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng là người đồng hành, hỗ trợ chồng mình hơn 30 năm qua từ khi anh rời quân ngũ và chọn nghề chụp ảnh mưu sinh. Chị kể rằng những năm tháng khi anh mới làm nghề, công việc ở trường bộn bề, con cái còn nhỏ dại, nhà cửa còn chật chội, ọp ẹp, thiếu thốn đủ thứ nên vất vả lắm. Nghề ảnh có lúc rất bận nhưng cũng nhiều khi ngồi chơi cả ngày, anh Khánh Vân lăn lộn với công việc một mình. Khi nhiều việc anh thích lắm và đi tối ngày. Anh vui bao nhiêu thì chị buồn bấy nhiêu bởi khi đó việc nhà cửa, con cái không có anh chia sẻ. Cứ thế, năm tháng qua đi, con cái trưởng thành chị có thêm thời gian để hỗ trợ, chăm sóc cho anh. Ngày chị nghỉ chế độ cũng là lúc anh bước sang thử sức với nhiếp ảnh nghệ thuật, anh đi nhiều hơn, xa hơn, vắng nhà dài ngày hơn, rồi những câu chuyện “nước trôi sóng đẩy” từ đâu đó khiến chị trằn trọc, hoài nghi mỗi lần anh đi “săn lùng nghệ thuật”. Có lần anh em tụ tập tại nhà anh bàn chuyện đi sáng tác ngoại tỉnh dài ngày chị nói: “Anh em các ông giống y chang mấy lão thợ may, cứ nhè mấy chỗ chị em “dễ nhột” mà đụng chạm, vuốt ve, đo đi chỉnh lại…”. Câu nói đùa tếu song có chút cảnh báo nhắc nhở tế nhị, âu cũng tại trong làng nhiếp ảnh có không ít những cuộc chia ly sau những sự “đụng chạm vuốt ve” đó. Hôm tôi báo tin anh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chị cười: “Chưa là nghệ sĩ đã đi nhiều, giờ là nghệ sĩ chắc nhà chỉ là quán trọ chú nhỉ, chỉ mong sao anh em chú không ốm đau, không quên quán trọ là được”. Nhìn ánh mắt chị tôi hiểu niềm vui không nhỏ đang bùng lên.
Anh Dương (chồng chị Thúy)
Nhiếp ảnh Thái Nguyên may mắn có cả “hậu phương” thuộc phái mạnh, anh không có nhiều thời gian rảnh rỗi để hỗ trợ, chia sẻ với vợ mình trong hành nghề mưu sinh cũng như tham gia sân chơi ảnh nghệ thuật. Chị Thúy cũng đam mê nhiếp ảnh khi có trong tay kinh nghiệm nghề ảnh. Tuy nhiên, là phụ nữ chị bận bịu hơn nhiều với vai trò quản gia, những công việc không tên của tổ ấm gia đình, con trẻ nhỏ dại, thêm nữa chị cũng mưu sinh bằng nghề chụp ảnh. Do đặc thù công việc của ngành an ninh anh vắng nhà thường xuyên, mỗi khi có thời gian ở nhà anh luôn ôm đồm mọi việc để chị có chút thời gian dành cho đam mê mình theo đuổi. Anh tôn trọng sở thích riêng tư của chị và luôn tìm cách tạo cho chị có nhiều cơ hội hiện thực hóa ý tưởng đang ấp ủ. Chị đáp lại sự tôn trọng ấy bằng những tác phẩm đoạt giải và trưng bày triển lãm ở các cuộc thi chị tham dự. Tôi tâm đắc câu anh nói: “Mỗi người đều có sở thích riêng, khi đã đam mê họ thường dồn hết tâm trí cho nó, mình nên tôn trọng cái riêng tư đó, nhất là văn học nghệ thuật nó là tinh túy của văn hóa. Nó là sân chơi rất rộng lớn, tốt đẹp. Tôn trọng những người hoạt động văn học nghệ thuật là tôn trọng chính mình. Em cảm ơn vợ em vì cô ấy chọn sân chơi ý nghĩa đó và luôn trọn vẹn với gia đình”.
Rất thiếu sót nếu không nói đến một “sân sau” của bạn tôi - NSNA Quang Luận. Mỗi lần anh đi tác nghiệp về, ngồi chọn ảnh làm hậu kỳ vợ anh thường ngồi kế bên xem ảnh. Sau khi anh hoàn tất công việc chị nhắc anh đưa bản gốc và hình đã chỉnh sửa xong ra so sánh, góp ý với anh về bố cục, ánh sáng, sắc độ… Đã không ít lần chị mạnh dạn rủ anh đi chụp lại, thậm chí vào vai “đạo diễn” dàn dựng lại ý tưởng của anh, theo chị sẽ không ảnh hưởng đến nội dung và thẩm mỹ của hình ảnh nếu được dàn dựng kỹ lưỡng, tự nhiên. Không ít ảnh anh dự thi có “tác động” của chị và trong số đó có một số tác phẩm đã được chọn triển lãm thậm chí đoạt huy chương Khu vực Miền núi phía Bắc.
Lần đó sau khi nhận huy chương anh giãi bày: “Tác phẩm này do bà xã kéo tôi đi chụp lại. Vẫn góc đó cùng những đồ vật đó, chỉ khác là bà ấy sắp đặt lại và đưa thêm nhân vật vào chỗ hôm trước tôi chụp không có, khi về mang ra so sánh thì quả thực ảnh tôi chụp hôm trước kém hơn nhiều”. Còn chị thì cười khiêm tốn: “Em biết gì đâu, xem ảnh em thấy chỗ đấy trống trải nên nghĩ nếu có ai ngồi làm việc gì đó ảnh sẽ đỡ loãng và sinh động hơn. Thấy anh bảo chỗ đó gần thế là em rủ nhà em đi chụp lại, may mắn thôi anh ạ”. Quả thật bạn tôi may mắn có người bạn đời không những tâm đầu ý hợp trong cuộc sống mà còn tinh tế với sân chơi của chồng.
“Hạnh phúc”, một trong những tác phẩm của tác giả Quang Luận có sự góp ý về ý tưởng của vợ
Văn học nghệ thuật là nơi tụ hội của nhiều chuyên ngành, phần lớn các tác phẩm của văn nghệ sĩ thành công từ sự thăng hoa của cảm xúc. Cảm xúc trừu tượng, lãng mạn vô hình có thể đưa tác phẩm lên đỉnh cao danh vọng cho tác giả, song cũng có thể gây nên “tai nạn” nghề nghiệp cho chính người tạo ra nó. Nhiếp ảnh là một trong số chuyên ngành “nhạy cảm” như thế. Một áng văn hay, một tứ thơ lãng mạn, một chân dung đẹp hoặc một bức họa phù hoa cũng làm xiêu lòng độc giả, người xem. Cũng không thiếu những “bản thảo tiểu thuyết” tình cảm lãng mạn đỉnh cao không được in, nhưng hiện hữu giữa đời thường trong làng văn học nghệ thuật đẹp như mơ rồi bỗng chuyển thành bi kịch. Trong hoàn cảnh đó số nhiều “hậu phương” đóng vai trò “nhà truyền giáo” dẫn dắt “tác giả đa đoan” kia chuyển hướng đam mê mà không làm mất đi sự tôn trọng sở thích riêng tư của “bạn đời”.
Một mảng không thể thiếu trong ảnh nghệ thuật và rất “nhạy cảm”, từ lâu đã trở thành những cơn “sóng ngầm” của làng ảnh thuần chất Á Đông - ảnh nude. Mảng này được các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khai thác âm thầm nhưng không kém phần sôi động. Với các tay máy thuộc phái yếu thì chẳng có gì phải suy xét, song với cánh mày râu lại là cả một “thế giới thời sự đa chiều” giữa các tác giả với nhau. Và cũng là những cơn “sóng ngầm khốc liệt” giữa các nhiếp ảnh gia với “hậu phương”…! Trong mảng đề tài này nhiều người đã thành danh như Thái Phiên hay Dương Quốc Định nhưng ngược lại một vài tay máy đã phải âm thầm buông bỏ sở thích để cho “biển yên sóng lặng”. Nhưng cũng mảng đề tài dễ gây “sóng gió” này không ít “hậu phương” đã tích cực “tiếp tay” cho các nhiếp ảnh gia thực hiện và hoàn tất ý tưởng, từ sắp đặt dàn dựng đến phông đèn dụng cụ (trong studio) hay chỉnh sửa trang điểm, uốn nắn tư thế (ngoại cảnh)… những “đụng chạm nhạy cảm” đồng giới dễ giúp “mẫu” đỡ ngại ngùng và nhập tâm hơn.
Văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, để tạo ra những tác phẩm có giá trị luôn cần sự thăng hoa cảm xúc của các tác giả, để giữ thăng bằng giữa cảm xúc và thực tế đời thường tạo động lực sáng tạo cho các tác giả có lẽ không ai ngoài “hậu phương” của họ. Với những “cặp đôi hoàn hảo” như vậy chắc chắn sẽ có những “sản phẩm” chất lượng tốt, giá trị cao để phục vụ xã hội.
Việt Hùng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...