Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
06:47 (GMT +7)

Hành trình mới

VNTN - Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã chính thức bắt đầu một hành trình mới. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng: Tạp chí sẽ lớn mạnh và vươn xa. Đó là bởi, nó được xây nên từ một nền móng vững chắc, với một khối gắn kết chặt chẽ gồm đông đảo cộng tác viên và bạn đọc cùng bước đi trên con đường ấy


 

Mùa xuân, mùa con người và vạn vật trên thế giới “lớn lên” thêm một tuổi, đem đến cho mỗi người hy vọng và những dự định tốt đẹp nhất, những niềm vui và hạnh phúc. “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (Hồ Chí Minh). Nhìn rộng ra, “mùa xuân” và sự “khởi đầu” đó không chỉ đúng với thiên nhiên và con người, mà còn chiếu rọi vào muôn vàn sự vật, hiện tượng. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên ra đời vào thời khắc ấy, khi đất trời giao hòa, đất nước vững vàng vượt qua bao cam go, thử thách, bước vào những chặng đường mới đầy hứa hẹn.

Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới vật chất đều luôn vận động và phát triển. Sự phát triển đi lên đó không phải diễn ra theo đường thẳng, mà theo đường xoáy trôn ốc, nghĩa là nó dường như lặp lại nhưng cao hơn. Điều này đã được khẳng định trong các nguyên lý của triết học Mác - Lê nin. Đặc biệt, nó hoàn toàn trùng khớp với sự vận động của tạp chí - báo - tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên!

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bắc Thái sau khi thành lập khoảng hơn một năm đã kịp cho ra đời cuốn tạp chí Văn nghệ Bắc Thái (số 1 xuất bản tháng 3 năm 1988). Những bài viết đăng trên tạp chí khi đó đã tập hợp được nhiều cây viết là những văn nghệ sĩ “gạo cội” của tỉnh, của Khu Tự trị Việt Bắc (trước đây).

Tuy vậy, sau khi ra đời, Tạp chí của Hội phát hành không đều và số lượng rất hạn chế nên ít người biết đến sự tồn tại của nó, chỉ với vài ba số rồi dừng. Phải tới tháng 6/1991, Hội VHNT mới chính thức cho ra mắt Báo Văn nghệ Thái Nguyên và hoạt động chuyên nghiệp, đều đặn suốt gần 30 năm qua.

Với 1.046 số báo đã xuất bản, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã từng bước lớn mạnh, mà cho đến những số cuối cùng, có thể nói đã tạo được một vị thế chững chạc, khẳng định tên tuổi của mình trong làng báo chí văn nghệ cả nước, chiếm được cảm tình, mến mộ của độc giả.

Với đặc thù là tờ báo chuyên ngành về văn học nghệ thuật, nên thông tin thẩm mỹ luôn được ưu tiên, chiếm khoảng 80%, gồm các sáng tác văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên và cả nước. Bên cạnh đó, mảng thông tấn báo chí cũng được chú trọng phản ánh. Các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương và cả nước, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo… thường xuyên xuất hiện trên các bài viết, phóng sự, với những hình thức thể hiện đa dạng và thể loại phong phú.

Thực hiện Quyết định số 362-QĐ/TTg, ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, từ ngày 01/01/2021, Báo Văn nghệ Thái Nguyên được chuyển đổi thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Đây là một bước nhảy, nghĩa rằng “nó đã không còn là nó” nữa, mà chuyển sang một cái “khác với nó”, cả về nội dung và hình thức.

Theo Luật Báo chí 2016, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (VNTN) thuộc loại hình Tạp chí khoa học và được định nghĩa: “là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành”. Như vậy, Tạp chí VNTN sẽ phải chuyển sang làm tròn sứ mệnh mới: tập trung đăng tải các thông tin, bài viết nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác văn học, nghệ thuật nhằm định hướng sáng tạo và định hướng thẩm mỹ, bồi dưỡng lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thông qua đó tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với văn nghệ sĩ: thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.

Tạp chí VNTN là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, diễn đàn của giới văn nghệ sĩ Thái Nguyên và những người yêu văn học nghệ thuật. Cho dù về hình thức, VNTN trở thành tạp chí thay cho báo, song điều đó không làm cho nhiệm vụ chính trị của nó thay đổi. Đúng như người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã từng khẳng định: Nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời gian tới là trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục, sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước. Đây cũng là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật. Không ai áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà ngược lại, phải hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Trại Sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2020 là một trong những hoạt động chuẩn bị cho Hành trình mới của Văn nghệ Thái Nguyên. Ảnh: Đ.T
Trại Sáng tác văn học thanh thiếu nhi năm 2020 là một trong những hoạt động chuẩn bị cho Hành trình mới của Văn nghệ Thái Nguyên. Ảnh: Đ.T

Chặng đường mới đã mở ra. VNTN đã sẵn sàng bước tiếp với sứ mệnh vừa tuyển chọn, giới thiệu những sản phẩm văn chương có chất lượng để đưa tới độc giả, vừa là nơi nâng niu, ươm mầm tài năng cho thế hệ tương lai. Để đáp ứng được yêu cầu của một tạp chí chuyên ngành về văn học nghệ thuật, chắc chắn VNTN sẽ quan tâm, ưu tiên đăng tải những tác phẩm có hàm lượng tri thức và giá trị thẩm mỹ cao.

Các chuyên mục của Tạp chí không có sự thay đổi nhiều, trừ khuôn khổ, hình thức trình bày, số trang, số kỳ là khác. Tuy vậy, Tạp chí sẽ ưu tiên sử dụng các bài viết dưới dạng bút ký, tạp văn, phóng sự văn học để truyền tải nội dung. Mỗi số Tạp chí ra đời, VNTN lại giới thiệu được nhiều hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật, mang lại nhiều hơn những món ăn tinh thần đậm tính nhân văn cho người đọc.

Xét theo quy luật, chắc chắn Văn nghệ Thái Nguyên sẽ đi lên chứ không thể lùi lại. Nhưng điều ấy có trở thành hiện thực hay không, nhanh hay chậm, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ lãnh đạo Hội, Tòa soạn, và đặc biệt là các cộng tác viên thường xuyên, những người vẫn hằng ngày chăm chút, gom gộp công sức của mình vào khu vườn Văn nghệ.

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã chính thức bắt đầu một hành trình mới. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng: Tạp chí sẽ lớn mạnh và vươn xa. Đó là bởi, nó được xây nên từ một nền móng vững chắc, với một khối gắn kết chặt chẽ gồm đông đảo cộng tác viên và bạn đọc cùng bước đi trên con đường ấy.

Trần Văn Thép

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy