Hạnh phúc là cho đi
VNTN - Họ chỉ là ba trong số rất nhiều những Hội, Nhóm, CLB thiện nguyện ở Thái Nguyên. Dù mang những cái tên khác nhau, hoạt động khác nhau, song tất cả đều có chung một điểm khởi phát, ấy là những trái tim ấm nóng muốn được kết nối, sẻ chia yêu thương, để mỗi ngày trôi qua, cuộc sống với họ trở nên ý nghĩa hơn.
“Vì mình còn trẻ, nên mình vẫn phải đi”
Nếu ở thành phố Thái Nguyên, một ngày nào đó dù trời đương nắng to hay mưa phùn ẩm ướt mà bạn vẫn trông thấy những tốp sinh viên cặm cụi lượm ve chai; hay tình cờ đến trường Đại học Sư phạm thấy một nhóm sinh viên kê bàn bán giấy thì hãy tin rằng mình vừa trông thấy những trái tim căng đầy nhiệt huyết của Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên.
CLB được thành lập ngày 25/08/2010, nằm dưới sự quản lý của Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên, với hơn 400 thành viên đều là sinh viên các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Hiện tại, CLB gồm các phân cụm: Sư Phạm, Nông Lâm, Y tế, Công nghiệp và Ngoại Khoa Kinh Công (Ngoại ngữ - Khoa học - Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Công nghệ thông tin và Truyền thông). Bên cạnh những hoạt động tình nguyện “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, CLB luôn hướng tới những chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa: Trung thu cho em - Cùng em tới trường, Ấm áp mùa đông, Tết vùng cao... Để có được nguồn kinh phí cho những chương trình ấy, ngoài việc kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, CLB chủ yếu tự chủ động gây quỹ bằng nhiều hoạt động khác nhau.
Đã hơn 7 năm nay, “ve chai nuôi dưỡng ước mơ” - hoạt động định kỳ hàng tháng luôn nhận được sự tham gia hưởng ứng cao của các thành viên. Với tinh thần “không bỏ sót dù những thứ nhỏ nhất” cùng sự hăng hái, nhiệt tình sẵn có của sinh viên, sau mỗi buổi hoạt động, ngoài niềm vui có thêm khoản tiền để gây quỹ thực hiện những việc làm thiện nguyện đáng trân trọng, các bạn sinh viên trẻ còn được hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, ngay cả với những thứ tưởng đã bỏ đi.
Để gây quỹ tổ chức chương trình “Trung thu cho em - Cùng em tới trường lần thứ V” tại xã Yên Đổ, Phú Lương, những con người trẻ tuổi chẳng ngại vất vả ấy lại nghĩ ra hoạt động “Sữa đậu cho em ước mơ”. Một tuần trời, cứ giữa sáng tới trưa muộn, giữa chiều tới tối sẩm, tại cổng ký túc xá trường Đại học Sư phạm, người ta lại thấy có tốp sinh viên ngồi bán sữa đậu, mỗi cốc giá 5 nghìn đồng, sẵn sàng “síp” tận nơi người dùng. Thành quả cho những giọt mồ hôi ấy là số tiền 3,5 triệu có thể mua thêm chút sách vở, đồ dùng học tập hay bánh trung thu, đèn ông sao cho các em nhỏ nơi xã nghèo được vui phá cỗ trông trăng.
Và còn nhiều nữa những hoạt động gây quỹ khác, như: Quỹ giấy yêu thương (bán giấy kiểm tra, giấy A4 có dòng kẻ), tô tượng, bán móc khóa gây quỹ từ thiện...
Nước da ngăm ngăm - dấu ấn của nắng gió, dáng người khỏe khoắn, cách nói chuyện tự tin, thân thiện, ấy là những cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với Chủ nhiệm CLB, Hầu Thị Bích Ngọc (sinh viên năm 4, trường Đại học Sư phạm). Không bặp ngay vào những chương trình dù rất ý nghĩa trong những ngày mình đang là Chủ nhiệm này, Ngọc lại say sưa chia sẻ với tôi về chương trình đầu tiên em tham gia khi mới là thành viên. “Đó là chương trình Ấm áp mùa đông 2015 diễn ra ở Phù Trì, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai. Chúng em, mỗi người cõng trên lưng 7-8 kg quần áo, chăn ấm ủng hộ, ngoài ra còn cả tư trang, 2lít nước uống và bát đũa cá nhân, đi bộ 10 cây số tới điểm tập kết. Hôm sau lại đi bộ 5 cây số đường rừng để đến tận nhà trao quà cho các em nhỏ nhà xa không tới dự chương trình được. Nhà các em toàn nhà sàn với những tấm vách tre nứa mỏng tanh, thưa thếch, gió lùa bốn phía, vào nhà mà lạnh như ở ngoài”. Ngọc dừng lời, đôi mắt em như còn nguyên những cảm xúc cách đây đã hai năm: “Có em học sinh, lớp 4 rồi mà bé như đứa trẻ mẫu giáo. Trời rét cắt da cắt thịt, chúng em ai nấy đều áo mũ, tất giầy ấm áp. Thế mà em ấy chỉ mặc độc một chiếc áo mùa hè mỏng tanh chùm qua mông, không quần, không dép, môi tím tái, người co ro!”.
Cứ thế, Ngọc nhiệt thành kể cho tôi nghe rất nhiều những kỉ niệm về các chương trình từ thiện đến với trẻ em vùng cao của CLB Sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên. Khi được hỏi: “Các em nhận được gì sau mỗi chuyến đi?”, câu trả lời dung dị nhưng chứa đựng biết bao nhiệt huyết của tuổi trẻ: Chúng em nhận được những bài học không có trong sách vở trường lớp và học được hai chữ Cống hiến. Chúng em vẫn thường bảo nhau: Vì mình còn trẻ nên mình vẫn phải đi”.
CLB Sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên bên các em nhỏ tại điểm trường Tam Hợp, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa.
“Cho đi là còn mãi”
“Cho đi là còn mãi. Mình cho đi vật chất nhưng nhận lại còn nhiều hơn, đó là niềm vui, cảm giác hạnh phúc khi mang đến những điều tốt đẹp cho người khác, rồi lúc gặp khó khăn, mình sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp tương tự”, ấy là thông điệp mà anh Trần Triệu Tuấn (35 tuổi, công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên), người khởi xướng cũng là Trưởng nhóm Cho bạn - Cho tôi nói về ý nghĩa cái tên của Nhóm.
Những ngày đầu thành lập (11/2015), Nhóm chỉ có 10 người, đến nay là 30 thành viên, với nhiều công việc khác nhau, song đều chung một mong muốn là làm những điều bền vững, lâu dài cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Khác biệt so với nhiều nhóm, hội, CLB từ thiện khác, Cho bạn - Cho tôi không chỉ tặng vật chất (hỗ trợ học phí, gạo, gà con cùng cám nuôi...) mà còn góp cả công sức để thực hiện những món quà ý nghĩa. Đến với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa xuống cấp, Nhóm luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ rồi trao đổi với chính quyền địa phương, xong bắt tay vào chuẩn bị, tự mình thực hiện công việc như sửa mái, chát tường, làm sân..., tuy vất vả nhưng thấy món quà của mình ý nghĩa hơn.
Công trình lớn nhất mà Nhóm thực hiện là xây cây cầu sắt mới dài 14m, rộng 1,4m cho hai hộ gia đình tại xóm Đồng Phiêng, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ năm 2016 với trị giá gần 100 triệu đồng. Nhớ về kỉ niệm đó, anh Tuấn chia sẻ: “Đường vào nhà hai hộ gia đình phải qua một con suối khi mùa lũ nước to không thể qua nổi. Một trong hai hộ gia đình thuộc hộ nghèo, lại có hai con đều bị khuyết tật bẩm sinh. Nhóm làm cây cầu trong hai tuần, đúng dịp 30/4 - 1/5, người ta nghỉ lễ đi chơi, còn anh em thì vẫn hì hụi làm. Bù lại, cây cầu hoàn thành đúng ngày kỉ niệm Thống nhất đất nước 30/4, nên với Nhóm nó ý nghĩa vô cùng”.
Nhóm Cho bạn - Cho tôi hỗ trợ xây dựng cây cầu sắt cho hai hộ
gia đình tại xóm Đồng Phiêng, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ.
Vừa qua, để đến với điểm trường Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn ngày 13/1/2018, ngoài tặng chăn, tất, quần áo mới, gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác, các thành viên Cho bạn - Cho tôi còn tự tay làm đồ chơi cho các em học sinh vùng cao. Từ những phế liệu tưởng như đã bỏ đi như lốp xe, gỗ thừa..., qua bàn tay tỉ mẩn, chăm chút của Nhóm đã trở thành những chiếc ghế ngồi, xích đu, bập bênh, ngựa gỗ... đẹp đẽ như mới. Anh Tuấn bùi ngùi: “Gần 100% xã là các hộ đặc biệt khó khăn, tỉ lệ mù chữ 50%. Các mẹ trẻ lắm, 18-20 tuổi đã hai con, kinh tế éo le, lo cho con cái ăn đã khó, nói gì đến chuyện mua đồ chơi cho chúng. Nhìn lũ trẻ chân trần, áo sơ mi cũ nát, chân tay mặt mũi đen nhẻm, thấy đồ chơi mắt bừng sáng mới thấu các em thiếu thốn, thiệt thòi thế nào”. Cất những dư âm của chuyến đi sang một bên, anh Tuấn chia sẻ thêm: Ngoài đến với từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thì từ năm 2017, cứ 6 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, Nhóm lại phát miễn phí 1.200 lít nước lọc cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện A Thái Nguyên. Và dự định kể từ năm 2018, Nhóm sẽ phát triển thêm việc đưa những đồ chơi tự làm đến tận tay các em nhỏ vùng thiếu thốn.
Thấy anh Tuấn say sưa chia sẻ, dường như những hoạt động thiện nguyện của Nhóm mang đến cho anh nhiều niềm vui, hạnh phúc. Tôi tò mò không biết những việc làm ý nghĩa của anh có tác động tích cực tới các con, anh chỉ cười: “Hai con thích xem hình ghi lại những hoạt động, chuyến đi của bố, thậm chí con gái lớn (6 tuổi) còn đòi dậy từ 5 giờ sáng đi phát nước từ thiện với mình”. Nghe anh nói càng thấy thấm hơn cái tên của Nhóm Cho bạn - Cho tôi, dường như sau những “cho đi”, anh đã nhận được về ít nhất là hình ảnh một ông bố đáng tự hào trong mắt những đứa con.
“Vì chúng tôi thấu hiểu...”
Tôi tìm đến Hội Từ thiện Hoàng Gia khi chị Hội trưởng Đào Thị Loan (32 tuổi) đang tất tả làm nem bán lấy tiền cho chuyến đi tặng quà 95 cháu nhỏ ở miền rừng núi heo hút Khuổi Chạo, Sảng Mộc, Võ Nhai ngày 19 âm sắp tới. Dự định sẽ có 95 suất quà trị giá gần 50 triệu đồng gồm: gạo, mì tôm, mắm muối, tất, ủng, quần áo ấm và một bữa ăn ngon cho các cháu vui đón Tết. Chị mừng vui khoe: “Hôm nay được 157 cái nem bằng 1.256.000đ, thế là được một tạ gạo cho các con rồi”.
Hội Từ thiện Hoàng Gia mới ra đời đầu năm 2017, khởi nguồn từ Nhà hàng Hoàng Gia (Xuân Phương, Phú Bình) do hai vợ chồng chị Loan làm chủ. Vốn xuất thân từ một gia đình nghèo của xã Đào Xá, huyện Phú Bình, nên chị Loan thấu hiểu sự nghèo khổ là như thế nào. Bởi vậy trong chị luôn âm ỉ cháy một mong muốn được sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, song bản thân lại luôn tự ti với suy nghĩ “nhà chồng sẽ không hiểu... ốc còn không mang nổi mình ốc”. Thấu hiểu vợ, anh Hoàng Đức Hiếu (37 tuổi) đã khởi xướng ý tưởng nấu cháo phát miễn phí cho các bệnh nhân. Thế là đều đặn, 5 giờ sáng thứ 3 hàng tuần, hai vợ chồng chị Loan lại chở hai nồi cháo (gần 400 suất) trị giá hơn 1 triệu đồng đến Bệnh viện Đa khoa Phú Bình. Dần dà, nồi cháo của anh chị được nhiều người hưởng ứng, muốn tham gia, và Hội Từ thiện mang tên chính nhà hàng của anh chị được ra đời, mở rộng hoạt động đến các hoàn cảnh leo đơn, khó khăn trong và ngoài huyện. Hội có trên 10 người luôn sát cánh, kề vai bên nhau trong các hoạt động, hầu hết đều là những người làm kinh doanh buôn bán tư nhân, nhưng chẳng ai bận tâm chuyện Hội chỉ mang tên mỗi nhà hàng của vợ chồng chị. Bởi với họ: “Nó ra đời như thế nào thì để cho nó đúng như thế. Cái tên không quan trọng, quan trọng là những gì Hội làm”.
Hội Từ thiện Hoàng Gia phát cháo miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình.
Chị Loan tâm sự: “Mỗi chương trình đến với bản nghèo, Hội đều cố gắng nấu một bữa ăn mang từ nhà lên. Nó đơn giản lắm, có khi chỉ là một bát xôi với giò lụa nhưng đối với các cháu, nó như là “cao lương mĩ vị” vậy.” Rồi chị bùi ngùi nhớ lại chuyến đi của Hội đến xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ. Hình ảnh những đứa trẻ lấy cơm trắng bỏ trong túi bóng mang đi từ sáng ăn với muối không, chẳng có một miếng thịt, miếng rau nào cả đến giờ vẫn còn ám ảnh chị. Chị bảo: “Đấy là những em còn có, chứ nhiều em đói, không có gì ăn, cứ nhìn sang bạn mà thèm”. Dừng lời vài giây như để kiềm chế sự nghẹn ngào sắp trực rơi ra nơi khóe mắt, chị lại tiếp tục tâm sự: “Nhà chị làm nhà hàng, có những lúc khách bỏ nguyên phần thức ăn, hay những khi dọn phòng hát, thấy khách bật bia bừa phứa, đổ lênh láng ra phòng, dù chị được tiền thật đấy, nhưng cứ nghĩ đến bọn trẻ vùng cao quanh năm thiếu ăn mà không khỏi xót xa”.
Sau rất nhiều chia sẻ về các hoạt động, những chuyến đi thiện nguyện của Hội, chị Loan trải lòng: “Hội xuất phát là những người làm kinh doanh buôn bán, nên nhiều khi cũng bị những cái nhìn có phần không thiện cảm, kiểu như “Những người kinh doanh họ làm từ thiện đôi khi vì mục đích khác”. Nhiều lúc nghe thấy cũng buồn nhưng rồi cũng thôi. Làm từ thiện đâu phải để người khác nhìn nhận, đánh giá mình thế nào, mà đơn giản là xuất phát từ tâm, cho đi thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản.”
Tôi nhớ đến câu nói trong fanpage của Hội: “Chúng tôi học cách cho đi, không phải vì chúng tôi có quá nhiều. Mà bởi, chúng tôi hiểu rõ cảm giác của những người không có gì trong tay”, giờ thấy đó không chỉ là câu nói hay mà còn là câu nói thật
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...