Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:17 (GMT +7)

Hành động vì tương lai tươi đẹp của trẻ em

Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống

Không thể phủ nhận, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng thực tế cho thấy cũng còn không ít  khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn nhất là đuối nước,… vẫn còn xảy ra nhiều trong xã hội. Tháng hành động vì trẻ em là dịp để mỗi tổ chức, cá nhân cùng nhìn nhận và chung tay vì tương lai tốt đẹp hơn của trẻ.


Các em nhỏ thích thú với trò chơi bắt nòng nọc trên cánh đồng làng (ảnh chụp tại xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ)

Còn nhiều thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo đến trẻ em và công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Từ khi phê chuẩn Công ước đến nay, Việt Nam đã quan tâm xây dựng chính sách, đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đạt được nhiều thành tựu tiến bộ trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phát triển thể chất, chăm sóc y tế, dinh dưỡng…

Các bé Trường Mầm non Ba Hàng, TP. Phổ Yên vui Tết Thiếu nhi (1/6/2022)

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này hiện nay vẫn đang tồn tại không ít hạn chế. Điều này được bộc lộ qua việc liên tiếp các vụ xâm hại tính mạng, sức khỏe đối với trẻ em ở nhiều nơi trong cả nước diễn ra trong thời gian gần đây.

Có lẽ không ai trong chúng ta có thể thờ ơ với tính chất nghiêm trọng và tần suất quá dày của các vụ việc đã đoạt đi mạng sống của không ít em nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn, rất ngắn.

Dư luận phẫn nộ trước vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh bị "mẹ kế" đánh tử vong (tháng 12/2021) và vụ việc bé gái 3 tuổi tại Hà Nội bị "bố dượng" bắn đinh vào đầu, sau cũng không qua khỏi (tháng 1/2022).

Tiếp đó liên tiếp các vụ việc trẻ em rơi từ tầng cao của chung cư xuống tử vong, như vụ việc bé gái 13 tuổi rơi từ tầng 28 chung cư Palm Heights (phường An Phú, TP. Thủ Đức) vào ngày 2/1/2022; Một bé trai sống tại khu đô thị Times City (Hà Nội) bị rơi xuống từ tầng 31 vào ngày 27/1; Tiếp đó 22/3, một học sinh lớp 9 đã rơi từ tầng 26, của một tòa nhà tại  khu đô thị ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội…

Bên cạnh đó, theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), chỉ từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, Việt Nam đã có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước.

Còn đối với tỉnh Thái Nguyên, thực tế, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Khu vui chơi ngoài trời tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ

Điều này được chứng minh qua nhiều con số cụ thể. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 99,9%; Trẻ 5 tuổi được đến trường đạt 100%; 90,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; 79,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em…

Trong nhiều năm liền, Cục Trẻ em công bố xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em, Thái Nguyên luôn được xếp hạng trong nhóm 10 tỉnh có chỉ số thực hiện quyền trẻ em tốt nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ quan chức năng thừa nhận, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ dễ bị tổn thương còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, bạo hành, tai nạn thương tích, nhất là đuối nước vẫn xảy ra thường xuyên.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, chỉ tính năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 61 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 55 trẻ em bị xâm hại tình dục; 93 vụ tai nạn, thương tích, có 23 trẻ em tử vong, trong đó 12 trẻ em tử vong do đuối nước.

Con số này không dừng ở đó, khi những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông vẫn liên tiếp đưa tin về các trường hợp trẻ em bị đuối nước thương tâm khác trên địa bàn. Mới đây nhất vào ngày 4/6, tại tổ 18, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên xảy ra vụ đuối nước khiến 2 cháu nhỏ (là anh em họ) cùng sinh năm 2020 tử vong.

Do thiếu khu vui chơi, nhất là các bể bơi đủ tiêu chuẩn nên nhiều trẻ em ở khu vực nông thôn  vẫn thường tắm sông, suối trong những ngày hè, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (Ảnh chụp tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ)

Xét ở phạm vi địa bàn tỉnh hay trên toàn quốc thì chắc chắn con số này cũng chưa phải đã là tất cả. Thậm chí, ngay cả con số hơn 600 nghìn cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em “111” trong năm 2021 để được tư vấn, can thiệp liên quan đến quyền trẻ em cũng chưa phải đã thống kê đầy đủ những trường hợp trẻ em bị tổn thương cần được bảo vệ.

Trong khi đó, cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, các khu vui chơi, nhà văn hóa dành cho trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong dịp nghỉ hè. Cùng với đó là nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân về quyền trẻ em còn chưa đúng mức.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ bằng việc làm thiết thực

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, tháng hành động vì trẻ em năm 2022 có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người hãy cùng nhau hành động vì trẻ em.

Tháng hành động diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6, với các thông điệp: Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; pháp luật nghiêm trị mọi hàng vi xâm hại, bạo lực trẻ em…

Tiết mục múa “Giấc mơ trưa” do các bạn thiếu nhi của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh biểu diễn

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 càng có ý nghĩa hơn khi hơn hai năm qua, dịch COVID-19 hoành hành, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời tác động tiêu cực đến tâm lý, sự phát triển thể chất, nhân cách của trẻ em.

Đây cũng là dịp thúc đẩy sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Vận động toàn xã hội chung tay, góp sức tích cực hơn nữa để cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em ở miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường lành mạnh và an toàn.

Ý nghĩa tốt đẹp của tháng hành động vì trẻ em đã được lan tỏa rộng rãi khi ngay trong ngày phát động (30/5), Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của 30 cơ quan, doanh nghiệp với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh trao học bổng cho 20 em có hoàn cảnh đặc biệt, đạt thành tích cao trong học tập trên địa bàn tỉnh

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ghi dấu sự san sẻ, yêu thương đối với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó phải kể đến là Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên. Gần 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh, Sam Sung là một trong những Công ty luôn tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội và đặc biệt quan tâm tới những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua chương trình “Sam Sung đồng hành” và “Con đường ước mơ”, từ năm 2018 đến nay, Công ty đã giúp cho 43 trẻ em tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được nhận các phần quà hỗ trợ trị giá  gần 2,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng hành động vì trẻ em năm 2022, từ chương trình “Con đường ước mơ”, Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên đã dành tặng 100 triệu đồng cho em Thiều Đại Thắng, ở xóm 2, xã Phúc Tân, TP. Phổ Yên.

Thiều Đại Thắng sinh năm 2015, mắc bệnh máu khó đông, thường xuyên phải về Viện Huyết học Hà Nội điều trị. Mẹ em không có việc làm ổn định lại một mình nuôi 2 con. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo.

Số tiền 100 triệu đồng dành tặng em Thắng do cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc tại Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên quyên góp để hỗ trợ em Thắng điều trị bệnh.

Đại diện Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam Thái Nguyên trao quà cho các em nhỏ mồ côi, sức khỏe yếu

Ngoài ra, trong dịp này, Công ty còn dành 3 phần quà khác 3 em mồ côi cha mẹ hoặc mồ côi cha, mẹ bỏ đi. Bản thân các em thường xuyên đau yếu phải sống nhờ họ hàng đều là hộ nghèo. Các phần quà dành cho các em mỗi suất là 30 triệu đồng tiền mặt.

Cùng đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hưởng ứng tháng hành động theo những cách khác nhau.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, bởi vậy Tỉnh đoàn đã có hành động thiết thực để bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ trước nguy cơ này.

Trong tháng hành động vì trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh triển khai các lớp dạy bơi miễn phí, tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, luật trẻ em thông qua các đội tuyên truyền măng non ở các nhà trường và các địa phương...

Trẻ nhỏ sống ở khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn thường phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn (ảnh chụp tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai)

Những đóng góp kể trên là vô cùng ý nghĩa, song với trên 36.000 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gần 3.800 trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hiện nay thì vẫn cần nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm, sự quan tâm thiết thực từ các cơ quan, ban ngành, chức năng, ý thức trách nhiệm và sự quan tâm, chăm sóc của mỗi gia đình đối với trẻ. Và, việc làm này không chỉ cần có trong tháng hành động vì trẻ em mà phải là thường xuyên, liên tục.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước