Hành động để định nghĩa sự thay đổi
Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”
Từng chút, từng chút một, sự chuyển mình vượt khó quy tính bằng nhiều năm, nhưng thời gian không phải yếu tố quyết định nên thành quả nếu không có sự “thức tỉnh” của tư duy. Tới thăm vườn cây trái trù phú đang ngày càng mở rộng ở Phương Giao hôm nay - nơi bao năm luôn là miền đất khó nhất nhì huyện Võ Nhai, khiến chúng tôi tin rằng, “hành trình ngàn dặm” luôn bắt đầu bằng những bước chân sẵn sàng dấn bước.
Dân thấy, dân tin
Năm 2015, Phương Giao khánh thành Nhà văn hóa xóm đầu tiên ở xóm người Dao Là Khoan. Công trình thiết thực làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con, nhưng không phải muốn làm là làm được. Để có mặt bằng, có công có của góp sức từ nhân dân, trước đó các cán bộ xã phải tập trung xuống xóm họp bàn, làm công tác tư tưởng để dân hiểu ngọn nguồn. Được Nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí (150 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới), công trình hoàn thiện có tổng kinh phí khoảng 220 triệu đồng. Vậy là thiếu 70 triệu nữa. Xóm có 60 hộ, xã phải vận động đối ứng thêm hơn 1 triệu đồng/hộ. “Khó lắm đấy, nhưng sát sao động viên, phân tích lợi ích công trình, dân đóng góp cũng đâu vào đấy. Khi khánh thành, chúng tôi đề nghị xóm mời hết các cán bộ của các xóm khác đến dự và đánh giá; UBND xã trích 1,5 triệu đồng để làm quỹ hoạt động” - Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thức vui vẻ khi nhắc đến nét thay đổi này. Anh bảo, “cũng từ chủ trương đó mà các xóm có sự ganh đua lẫn nhau, phong trào tự khắc đến. Tính đến nay, xã đã có 8/13 xóm có Nhà văn hóa, các xóm còn lại đang chuẩn bị mặt bằng, đồng thời tuyên truyền vận động người dân đóng góp, đối ứng để đăng ký xây dựng khi có nguồn vốn hỗ trợ. Người dân của mình là cứ phải thấy kết quả thì mới tin và nghe theo, chứ tuyên truyền suông thì không được”.
Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ích Khuyến đã bắt đầu mùa kết trái
Để tinh thần “thấy và tin” rồi hành động ấy phát huy hiệu quả, từ năm 2015, Phương Giao đã chủ trương khuyến khích, định hướng cho nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa một vụ bấp bênh, vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp. Trên tuyến đường trải dài từ Đông Bo (Tràng Xá) qua Phủ Trì - Xuất Tác - Đồng Dong (xã Phương Giao) nối sang xã Tân Thành (Bắc Sơn, Lạng Sơn) (thuộc dự án đường giao thông cấp 5 miền núi) cơ bản đã hoàn thiện, từ trung tâm UBND xã chạy khoảng 4km, chúng tôi bắt gặp những khu vườn xen canh rộng thênh thang, là ngô, nhãn, bưởi, ổi đang sum suê kết trái. “Chúng là bộ mặt mới của xóm Phương Đông, xóm điểm trong mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả của xã đấy” - anh Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ địa chính, xây dựng và nông nghiệp xã vui vẻ nói. Đã mấy năm mới có dịp trở lại đây, nhìn màu xanh ngút ngát trải ra trước mắt, ngạc nhiên xen lẫn niềm thích thú, cảm nhận rõ sự trù phú, khởi sắc của vùng đất này.
Chỉ với 61 hộ dân, hơn 320 nhân khẩu, nhưng Phương Đông có diện tích khá rộng lên tới mấy chục ha. Riêng diện tích trồng lúa là 10ha; trong vòng 5 năm qua, có hơn 30 hộ gia đình thực hiện chuyển đổi, đẩy mạnh trồng cây ăn quả với khoảng 35 - 40ha. Ngoài bưởi, nhãn, ổi đã cho thu hoạch, 2 năm nay bà con còn trồng thêm cam và mít. Anh Nguyễn Ích Khuyến, Bí thư chi bộ xóm tiên phong chuyển đổi 2ha trồng nhãn và bưởi. Cùng một mảnh đất, trước kia trồng ngô mỗi vụ thu khoảng 2 triệu đồng, nay chuyển trồng 100 gốc bưởi, lứa quả bói nên anh không tham để nhiều, mỗi cây chỉ trên dưới chục quả. Đầu vụ bán ra là 15 - 17 nghìn đồng/quả, cuối mùa cũng vẫn trên 10 nghìn đồng/quả, tính ra thu nhập gần 20 triệu đồng. Anh Khuyến bảo: so với làm nông nghiệp thì hiệu quả gấp cả chục lần. Hàng năm, xóm được các cán bộ khuyến nông huyện về tập huấn ít nhất 2 - 3 đợt, giúp bà con bổ sung kiến thức khoa học kỹ thuật, nên việc áp dụng chăm sóc cây ăn quả cũng tương đối dễ dàng.
Mô hình ngựa cái sinh sản hứa hẹn mang lại hiệu quả tốt trong tương lai
Có diện tích đất vườn tạp, soi bãi tương đối lớn (gần 2ha), gia đình anh Lê Văn Hào có gần 1000 gốc cây ăn quả, gồm bưởi, nhãn và mít có tuổi từ 2 - 5 năm. Xen canh để tận dụng tối đa diện tích, anh Hào còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động lên đến 150 triệu đồng, nhờ nguồn vốn hỗ trợ tưới tiêu của khuyến nông huyện và đối ứng một phần. Tùy từng thời điểm, cây nào cần nước thì sẽ mở van ở cây đó, cây không cần thì khóa lại. Anh Hào xởi lởi: Năm trước cây bưởi đã cho quả bói. 300 gốc bưởi Diễn năm đầu quả chưa thật ngon nên tôi chưa bán mà cho bà con chòm xóm ăn miễn phí thôi. Còn 120 gốc bưởi Hoàng chỉ để 300 quả, mỗi quả bán ra 15 nghìn đồng, tính sơ cũng được cả tấn ngô rồi đấy. Kể cả sau này bưởi có rẻ cỡ 5 nghìn/quả, thì một cây bưởi trên diện tích 6m2 có cả trăm quả vẫn cho thu 500 nghìn đồng; so với trồng lúa, ngô thì nhàn hơn nhiều.
Sản phẩm làm ra an toàn, chất lượng, nên năm qua bà con thu hoạch cung không đủ cầu. Bưởi Diễn cho thu từ cuối tháng 10, tháng 11 hàng năm, nhưng có thể bảo quản để bán đến tận tháng 3 năm sau. Chỉ cần để nơi thoáng mát, khô ráo, càng lâu bưởi càng ngon ngọt, nên việc tiêu thụ không khó. “Nhà ít nhân lực lao động thì trồng cây ăn quả sẽ dễ. Phải đi đầu cho bà con noi theo, chứ đeo đuổi mãi cây ngô cây lúa cực nhọc lắm. Miền xuôi trồng hoa làm giàu thì miền ngược mình trồng cây ăn quả tiêu thụ cho miền xuôi, kinh tế sẽ cao lên thôi” - anh Hào chia sẻ thêm.
Tìm được thế mạnh cho từng vùng đất là việc hết sức quan trọng để giúp bà con ổn định cuộc sống. Hơn 2 năm trở lại đây, Phương Giao còn được biết đến với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng ở xóm Làng Cũ. Từ năm 2016, Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật của huyện đã về khảo sát, hướng dẫn và triển khai mô hình trồng nếp cái hoa vàng. Lạ là cùng một loại giống, song đem trồng ở vùng (xóm) khác trong xã, kỹ thuật như nhau nhưng không thể ngon được bằng khu vực Làng Cũ. Trưởng xóm Đỗ Văn Huyên lý giải rằng, có lẽ là nhờ thổ nhưỡng ưu ái. Gạo đậm và thơm lắm, diện tích vụ mùa bà con cấy tới 15ha, vậy mà không đủ để bán. Nhờ thế mà không cần vận động, dân cứ chủ động xuống giống, diện tích ngày càng nhân rộng.
Nút thắt trong vấn đề trồng cây gì coi như đã được mở. Việc nuôi con gì cũng đang có hướng đi mới. Dựa vào tiềm năng đất chăn thả rộng, ngoài trâu, bò thì những năm gần đây, mô hình nuôi dê cũng khá phát triển. Từ năm 2017, mô hình nuôi ngựa cái sinh sản theo dự án của khuyến nông huyện cũng đang dần thu hút bà con. Triển khai điểm ở xóm Làng Cũ, bước đầu chỉ mới có 12 con giống cho 12 hộ, vốn đối ứng mỗi hộ 5 triệu đồng/con, nay nhiều ngựa mẹ đã sinh sản lứa đầu. Chị Nông Thị Lý khoe: “Ngựa mới đẻ mà đã có người tới hỏi mua rồi đấy. Thấy chăn ngựa bán thương phẩm cũng dễ. Đất rộng nên chỉ cần dành ra một ít trồng cỏ, tận dụng ngô, lúa là được”. Nuôi dê có thâm niên, gia đình anh Đặng Hồ Oanh (xóm Kẽn), hiện có đàn dê 100 con không ngần ngại chia sẻ: nuôi dê phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nguồn thức ăn phong phú và dễ kiếm, cuộc sống nhờ dê cũng “dễ thở” hơn trước.
Nỗ lực “bước tới”…
Sau mấy năm mới có dịp trở lại, những đổi thay của Phương Giao hôm nay thực khiến chúng tôi cũng vui lây. Trước đây, hơn 200ha ruộng cấy lúa của toàn xã có không ít diện tích chỉ cấy được một vụ vì phụ thuộc nước trời, thì từ 2015 đến nay, UBND xã và Phòng Nông nghiệp huyện đã làm chủ đầu tư 4 công trình đập và kênh mương phục vụ tưới tiêu, với tổng kinh phí 320 triệu đồng. Nhờ đó, diện tích tưới tiêu tăng từ 40ha lên hơn 100ha. Nhiều nơi trước canh tác một vụ nay thành hai vụ. Hệ thống tưới tiêu đầy đủ, kịp thời nên không còn tình trạng bà con bỏ hoang đất ruộng; ở những vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế rừng, do không còn nhiều đất nông nghiệp nên người trong độ tuổi lao động có thời gian đi làm tại các công ty, doanh nghiệp. Hàng tháng có thu nhập ổn định, có tiền thuê nhân công chăm sóc cây, trồng rừng, đến mùa quả vẫn thu hoạch như thường.
Một trong những nét biến chuyển rõ rệt ở đây, là các tiêu chí về điện, đường, trường học đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tỉ lệ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%, đường giao thông nội thôn đạt 80%. Gần mười năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, Phương Giao đổi thay từng chút, từng chút một, vừa đi vừa chạy. Mặc dù tính đến nay, vẫn còn 8 tiêu chí nữa chưa đạt, nhưng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân là không thể phủ nhận bởi các nguồn vốn hỗ trợ đã được sử dụng hiệu quả.
Đường giao thông là một lợi thế lớn thúc đẩy việc giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa. Tuyến đường thuộc dự án đường giao thông cấp 5 miền núi (trải dài từ Đông Bo (Tràng Xá) qua Phủ Trì - Xuất Tác - Đồng Dong (xã Phương Giao) nối Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn)) dài gần 30km là một minh chứng. Theo lời anh Đỗ Văn Huyên (Trưởng xóm Làng Cũ) thì, có đường giao thông thuận tiện trăm thứ. Trước làm ra ngô ra gạo nhưng tiêu thụ khá ì ạch, giờ xe tải của dân buôn đến tận xóm, chỉ là chuyện của đắt - rẻ thôi chứ không có hàng thừa, hàng tồn.
Có đường giao thông, người dân giao thương thuận lợi
Nếu như cuối năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của Phương Giao còn tới 57,71%, thì hết năm 2018 giảm xuống còn 37,52%; xã đã hoàn thành 11 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Vui cũng nhiều, nhưng lo thì vẫn lo. Trong số 8 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới còn lại chưa hoàn thành, thì cái khó nhất hiện nay Phương Giao còn vướng là về đường giao thông. Được biết, nguồn vốn 135 làm đường giao thông giai đoạn II (2015-2020) chỉ còn 2 tỷ đồng, song xã còn nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, nội thôn; cấp thiết nhất nhưng cũng là khó nhất là tuyến đường từ xóm Na Bả, Nà Canh đi Đồng Dong hiện chưa biết tìm vốn ở đâu để thực hiện. Là vùng biệt lập với 100% người dân tộc Dao, trình độ dân trí còn thấp nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chậm hơn, nơi đây vẫn chưa vơi khó, một phần do thiếu hạ tầng giao thông; mãi năm 2018 Na Bả mới có điện về bản. “Huyện Võ Nhai cũng không đặt nặng đối với Phương Giao thời hạn về đích nông thôn mới vì những đặc thù khó khăn của xã. Tuy nguồn vốn xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhưng chúng tôi sẵn sàng tinh thần hành động để thay đổi thay vì kêu khó. Sẽ quyết tâm và tiếp tục cố gắng hết sức” - Chủ tịch UBND Hoàng Văn Thức bộc bạch.
Có lẽ mưu cầu hết khó là chưa thể hiện thực trong ngày một ngày hai. Nhưng điều quan trọng nhất là, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đã, đang đổi thay từ trong cách nghĩ. Chọn “hành động” để định nghĩa về sự thay đổi là cách thức mà Phương Giao đã và đang làm khá hiệu quả. Tin lắm chứ, rồi đây sẽ còn nhiều điều có thể khiến chúng tôi ngạc nhiên về miền đất này, khi trở lại lần sau.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...