Hàng xóm, hàng phố
VNTN - Anh tôi là giáo sư của trường Đại học Quốc gia, có nhà riêng ở Giảng Võ, Hà Nội, thỉnh thoảng tôi vẫn xuống chơi. Vài năm trước phương tiện đi cũng khá khó khăn. Xuống thăm anh lúc thì tôi đi tàu, lúc thì đi xe khách, có khi lại đi nhờ xe bạn bè tiện đường đi công tác. Lần ấy nghe tin anh ốm, tôi sốt ruột nên sang nhà người hàng xóm lái xe bên cạnh xin đi nhờ. Anh ta bảo, chuyến sáng đã hết chỗ, bác đi chuyến chiều, tối sẽ đến Hà Nội, cháu sẽ thả bác ở đầu phố rồi bác tự hỏi thăm vào. Xe đến đầu Giảng Võ, tôi xuống đi bộ. Thú thực, ban ngày còn nhận ra chỗ này chỗ nọ nhưng đi ban tối thì mù tịt, thấy tất cả đều quá lạ lẫm. Đi một đoạn áng chừng sắp đến nhà, thấy mấy quán hàng còn mở cửa, tôi vào hỏi thăm một chị, chị trả lời: - Cháu là dân làm thuê nên không biết. Sang nhà bên cạnh thấy một ông dáng ông chủ đang ngồi ghế hóng mát, tôi hỏi thăm, ông thủng thẳng: - Hùng nào nhỉ. Giáo sư à? Hà Nội lắm giáo sư vô cùng. Mà ông ấy ở đây lâu chưa? - Dạ, khoảng ba mươi năm thôi ạ! - Tôi trả lời. - Thế à! Thế thì tôi chịu. Đang ngẫm nghĩ xem nên đi hay hỏi thăm tiếp thì nhà bên cạnh mở cửa, tôi nhìn lên ngờ ngợ. Vừa lúc đó bà chị dâu đi ra, thấy tôi chị bảo: - Sao chú xuống không vào nhà luôn. Chị đi mua thuốc cho anh đã. Ông hàng xóm nhìn tôi lơ đãng như chẳng có chuyện gì. Ăn cơm xong, tôi kể chuyện hỏi thăm nhà vừa nãy. Chị cười bảo: - Dân ở đây họ sống như thế, nhà nào biết nhà nấy. Nói giáo sư, tiến sĩ họ không thích đâu. Buôn bán kiếm nhiều tiền hay học vị mà ít tiền họ cũng chẳng ai màng. Nghe chị nói, tôi thấy chạnh buồn lại nhớ chuyện hôm trước có ông mấy đời làm nông dân ở mãi Vạn Thọ, Đại Từ xuống thăm con ở gần nhà tôi. Ông sang nhà, tôi pha chè uống rồi ông mở lời vồn vã: - Cháu nhà em ở đây mấy năm, được các bác giúp đỡ trông nom, thật là quý báu. Chủ nhật này em mời hai bác và xóm ta lên nhà em chơi cho vui. Thấy ông chân tình, tôi rủ mấy ông bạn nhà liền kề liền thuê xe lên nhà ông chơi, ai cũng hưởng ứng. Xe đến thị trấn thì dừng lại hỏi thăm đường về xã. Mấy người dừng bán hàng vui vẻ chỉ đường. Đến đầu xã thấy có mấy bà, mấy chị đang làm dưới ruộng, hỏi thăm, họ tranh nhau mách: - À, bác định vào nhà ông Toàn hả? Ông Toàn con ông Bếp Dần. Các bác cứ đi thẳng qua ủy ban, có đường bê tông thứ nhất rẽ phải, đi tiếp là vào tận sân nhà. Tôi bấm điện thoại. Xe còn cách nhà mấy trăm mét đã thấy ông Toàn và mấy người ra đón. Căn nhà chính ba gian lợp ngói, nhà ngang hai gian, bếp, khu chăn nuôi, vườn tược, ao cá, sân phơi... tất cả trên diện tích chừng một nghìn mét vuông. Ông Toàn giới thiệu: - Ở đây đều là hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Nghe tin các bác lên mọi người vui lắm, cùng sang đón tiếp. Các bác ngồi chơi, ngắm cảnh, xem cá rồi ta ăn cơm, uống rượu, ở đây toàn cây nhà lá vườn. Lát nữa còn mấy chú đang đi làm đồng về sẽ sang sau. Chúng em ở nông thôn dân dã chỉ có tấm lòng chân thật, chém to kho mặn, các bác ạ. Bữa cơm hôm đấy thật vui vẻ, tôi cứ ao ước, giá có được một căn nhà ở miền quê như thế này thì thích thú biết bao. Kinh tế tự cấp tự túc, con người lương thiện, môi trường trong lành, cuộc sống đơn giản và vui vẻ. Thời đại 4.0 cuộc sống như thế này thì chả còn lo gì sự ngăn cách giữa nông thôn và thành phố. Đất nước ta đang phát triển, đang dần xóa bỏ sự ngăn cách giữa nông thôn với thành thị. Tuy vậy, dù có hiện đại nhưng mất đi cái “tình quê” thì cũng nhạt lắm thay.
Nguyễn Đình Tân0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...