Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Hai cuộc Cách mạng vĩ đại của thế kỷ XX

VNTN - Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là hai cuộc cách mạng có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình lịch sử nhân loại thế kỷ XX.


Hai cuộc Cách mạng vĩ đại

Về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lênin đã khẳng định rằng: “Chúng ta có quyền tự hào và thực thế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” được xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”.

V.I.Lênin và Đội Cận vệ Đỏ.

Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết trên báo Pravda (Liên Xô) rằng: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Bởi thế, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

Về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224, tác giả Thomas Hodgkin, người Anh, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Thomas Hodgkin viết: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.

Trên thực tế, đúng như Thomas Hodgkin đã nhận định, Cách mạng Tháng Tám đã chọc thủng được hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một mắc xích yếu nhất của nó, mở đầu cho một quá trình tan rã không thể cứu vãn được của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Tiếp thu ánh sáng Cách mạng Tháng Mười 

Sau khi V.I.Lênin mất, trong khi nhiều đồng chí trong Quốc tế Cộng sản cho rằng chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến vì sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, khi giai cấp vô sản Nga lên nắm chính quyền, nước Nga Xô viết đã tuyên bố về quyền tự quyết dân tộc trong lãnh thổ nước Nga Sa hoàng xưa. Trong khi trước đó, dù đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh nhưng gần 100 dân tộc không phải Nga, trong đó nhiều dân tộc là thuộc địa của nước Đế quốc Nga Sa hoàng vẫn không thể tự mình giải phóng. Nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) vào tháng 6 - 1924 tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản thì cho rằng “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước” và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Bởi theo Người, chủ nghĩa tư bản là “một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”.

Trong cương vị là thành viên Ban phương Đông, Ban của những dân tộc thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến khẩu hiệu của Lênin “Tất cả vô sản và nhân dân các thuộc địa đoàn kết lại!” thành hiện thực với “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, “Hội những người bị áp bức ở Á Đông”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Người đã viết rằng: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm cách mệnh giai cấp cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”. Chính tư tưởng sáng tạo và linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng cuộc Cách mạng Tháng Mười đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đầu tiên, Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám đều nổ ra dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng tiên tiến nhất của giai cấp vô sản. Thực tiễn cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra rằng, trong nội bộ phong trào công nhân Nga đã có phân hóa giữa những người Bônsêvích và những người Mensêvích, những kẻ đã lộ mặt sự phản bội giai cấp từ sau Cách mạng Tháng Hai 1917. Do đó, một làn sóng “Bônsêvích hóa” các Xô viết đã diễn ra. Lúc đó người Bônsêvích từ 24 nghìn người so với 200 nghìn người Mensêvích sau Cách mạng Tháng Hai 1917 đã phát triển lên thành 240 nghìn người với 162 cơ sở đảng ngay trước khi Cách mạng Tháng Mười diễn ra.

Tiếp thu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra là: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Chính từ những tiếp thu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hợp nhất các tổ chức Cộng sản lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Sau  15 năm, chỉ với 5000 đảng viên kiên trung, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến.

Thứ hai, liên minh công - nông và khối đoàn kết toàn dân là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho thắng lợi của cả hai cuộc cách mạng. Ở nước Nga, công nhân Nga chiếm 10% dân số, năm 1913 là 12 triệu, trong đó 3,1 là công nhân đại công nghiệp nhưng nông dân Nga lại chiến 4/5 dân số, 65% số hộ ở nông thôn là bần nông. Chính số công nhân đại công nghiệp và nông dân bần nông là lực lượng nòng cốt cho cách mạng. Lênin viết: “Nội dung xã hội của cuộc cách mạng sắp nổ ra ở nước Nga chỉ có thể là nền chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Cách mạng không thể thắng lợi ở nước Nga nếu không lật đổ được chế độ quân chủ và bọn địa chủ phong kiến. Song giai cấp vô sản không thể lật đổ chúng nếu không được nông dân giúp đỡ”. Do đó, đến tháng 10/1917, đội ngũ Cận vệ đỏ - lực lượng vũ trang nòng cốt của cách mạng, đa số là công nhân và nông dân giác ngộ cách mạng đã có số lượng lên tới 200 ngàn người trong các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga đã cùng nhau nổi lên giành chính quyền, đập tan chế độ tư bản.

Ở Việt Nam, vào tháng 5/1941 Đảng ta đã chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Những Hội Cứu quốc, là thành viên của Mặt trận Việt Minh ra đời như Nông dân cứu quốc; Công nhân cứu quốc các thành viên khác như Thanh niên cứu quốc; Phụ nữ cứu quốc; Phụ lão cứu quốc; Văn hóa cứu quốc... đã làm cho Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng rãi, là lực lượng quan trọng nhất để tổng khởi nghĩa toàn quốc giành chính quyền về tay nhân dân.

Thứ ba, cả hai cuộc cách mạng đều sử dụng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng để giành chính quyền và bảo vệ chính quyền.

Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, V.I.Lênin đã dạy: “Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa”, rằng “một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng tuyệt đối phải chuyển sang tấn công. Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang”. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nổ ra dưới hình thức bạo lực cách mạng vì giai cấp tư sản rất ngoan cố, chúng không dễ dàng gì giao chính quyền về tay các Xô viết.

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tức là chính trị trọng hơn quân sự, đội viên chọn lọc trong hàng ngũ du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực...”. Như vậy, cuối cùng vấn đề bạo lực cách mạng vẫn là vấn đề tối quan trọng của Cách mạng Tháng Tám. Bởi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng sẽ là tiền thân của một đội quân chủ lực trong tương lai gần nhằm giành chính quyền và bảo vệ chính quyền.

Thứ tư, cả hai cuộc cách mạng đều có nghệ thuật chọn đúng thời cơ khởi nghĩa. Chiều ngày 24/10/1917 (lịch Nga cũ là 6/11/1917), V.I.Lênin đã viết rõ: “Lịch sử sẽ không tha thứ cho các nhà cách mạng nếu chậm trễ, họ có thể thắng ngày hôm nay (và nhất định sẽ thắng ngày hôm nay) nếu chậm đến ngày mai thì sẽ mất nhiều và có thể mất hết”.

Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình thực tiễn đã chỉ ra rằng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (nguồn: www.sggp.org.vn)

Đến khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tuy thời cơ đã xuất hiện, song Đảng ta vẫn chưa quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa, bởi do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa.

Trong đêm 13/8/1945, nắm chắc quân đội Nhật sẽ đầu hàng Đồng Minh vì Liên Xô đã tham gia tấn công Nhật, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Tiếp đó, ngày 16 và 17/8/1945, khi Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ”.

Được Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi đường và cổ vũ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy