Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn học nghệ thuật

VNTN - Để nâng cao năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT); tổ chức trình bày, xuất bản tạp chí Văn nghệ, trung tuần tháng 7 vừa qua đoàn công tác của cơ quan Thường trực Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã có chuyến đi thực tế, học tập kinh nghiệm tại Hội/ Liên hiệp các Hội VHNT các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ.

Không chỉ là những tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có bề dày truyền thống về văn học nghệ thuật cũng như kinh nghiệm làm tạp chí Văn nghệ, ở ba tỉnh này có Cần Thơ và Bạc Liêu từ khá lâu đã tổ chức thành công mô hình Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh - tầm mức rộng hơn so với mô hình Hội VHNT ở Thái Nguyên. Ngoài ra cùng giống như các Hội/ Liên hiệp các Hội VHNT của 13 tỉnh ĐBSCL, các đơn vị này đều làm tốt công tác liên kết vùng, tạo mối liên hệ chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật như: tổ chức các trại sáng tác, các cuộc triển lãm ở ngoài tỉnh, từ đó hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sáng tác.

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên nêu ra các vấn đề còn trăn trở, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều nhiệt tình chia sẻ cặn kẽ những kinh nghiệm và cách làm của đơn vị mình.

Thưởng thức ca tài tử do các nghệ nhân một CLB Đờn ca tài tử thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Bạc Liêu biểu diễn tại Khu lưu niệm "Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu".

Trong 3 tỉnh, có lẽ hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu là hiệu quả nhất. Đồng chí Nguyễn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh cho biết: Qua các thời kỳ, VHNT Bạc Liêu luôn được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân quan tâm và tạo điều kiện để hoạt động. Và cũng từ sự quan tâm đó đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm của anh chị em văn nghệ sĩ và các vấn đề quan trọng trong hoạt động VHNT với sự phát triển kinh tế - chính trị ở địa phương, từ đó sẻ chia những tâm tư nguyện vọng và đời sống của anh em văn nghệ sĩ.

Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu tiền thân là tạp chí “Dạ cổ Hoài Lang” hiện in ấn, sản xuất rất hiệu quả. Với Ban biên tập khá hùng hậu (có 9 biên chế làm tạp chí), hiện tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu ra đều đặn một tháng 2 kỳ đăng tải những bài viết có chất lượng cao của các hội viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, thể hiện mảnh đất và con người Bạc Liêu. Tạp chí cũng là 1 trong 3 cơ quan báo chí quan trọng của tỉnh.

Cũng giống như Thái Nguyên, hệ thống tổ chức VHNT Bạc Liêu có các Chi hội và các Hội cơ sở. Tuy nhiên, với mô hình Liên hiệp, Bạc Liêu khá thuận lợi trong quy mô, thống nhất cách thức tổ chức các hoạt động. Đặc biệt, vốn là quê hương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, vì vậy từ lâu sân khấu luôn là một trong những chuyên ngành nổi bật của VHNT Bạc Liêu. Hiện tại, Hội Sân khấu tỉnh có gần 100 hội viên luôn hoạt động tích cực, với các mảng sáng tác, biểu diễn, góp mặt ở rất nhiều chương trình sự kiện lớn của tỉnh… Phát huy tinh thần đoàn kết, các hội viên Hội Sân khấu cũng luôn trau dồi và học hỏi từ những thế hệ đi trước để góp phần làm nên dấu ấn đờn ca tài tử, sân khấu cải lương trong lòng bạn bè. Ngoài sân khấu thì nhiếp ảnh cũng góp phần mang về không ít thành tích cho VHNT Bạc Liêu trong những năm qua. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạc Liêu đã không ngừng học hỏi, đi thực tế sáng tác, tìm khoảnh khắc để bắt trọn vào khung hình, gửi đi những thông điệp ý nghĩa, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Cũng giống như Bạc Liêu, ở Cần Thơ các chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn phát triển rất mạnh, nhất là sân khấu; tổ chức Hội cũng đã được kiện toàn chặt chẽ. Về điều này, bà Hứa Thị Anh Đào, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ chia sẻ: Với mô hình Liên hiệp các Hội VHNT, hiện Cần Thơ có 9 hội địa phương gồm: Nhà văn, Sân khấu, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian, Nghệ sĩ múa, Điện ảnh - Truyền hình, Kiến trúc sư; 6 chi hội Trung ương là Sân khấu, Nhạc sĩ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn nghệ dân gian và Nghệ sĩ múa, trong đó các hội thuộc chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn thu hút rất đông hội viên tham gia (Sân khấu có 110 hội viên, Âm nhạc có 73 hội viên, Nghệ sĩ múa có 92 hội viên). Tuy nhiên, những năm gần đây do gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nên nguồn kinh phí cấp rất eo hẹp, các hoạt động VHNT Cần Thơ gặp không ít khó khăn. Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ sản xuất cầm chừng với lượng phát hành rất hạn chế.

Mặc dù ở một tỉnh xa nhất và dù chưa hoàn thiện tổ chức, nhưng Hội VHNT tỉnh Cà Mau được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân quan tâm, tạo điều kiện cùng với bề dày truyền thống về văn học nghệ thuật (nhất là văn chương), nên VHNT của Cà Mau phát triển khá mạnh. Nhiều năm qua VHNT Cà Mau đã hòa nhập vào đời sống văn học của khu vực, quốc gia và quốc tế. Còn nhớ, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ở Cà Mau có những văn nghệ sĩ tên tuổi lớn như Trương Bỉnh Tòng, Đoàn Giỏi, Lê Chí, Nguyễn Bá, Mạc Văn Chi... Kế thừa truyền thống đó, VHNT Cà Mau hiện nay được nhiều người biết đến với những văn nghệ sĩ mang tầm vóc của quốc gia như Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trọng Tín, Lê Đình Trường, Đỗ Tuyết Mai, Lê Minh Hiền...

Là 1 trong 3 cơ quan báo chí quan trọng của tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Cà Mau luôn mở rộng thêm đối tượng độc giả, cộng tác viên, đa dạng về chủ đề của bài vở qua từng số phát hành; áp dụng chế độ nhuận bút theo Nghị định số 18 của Chính phủ, góp phần thu hút những bài viết có chất lượng từ các tỉnh, thành trong cả nước gửi về cộng tác. Trang thông tin điện tử tập trung đăng tải tin, bài tuyên truyền những sự kiện lớn trong năm, nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Ngoài ra cũng giống như Bạc Liêu, Cần Thơ, để nâng cao trình độ sáng tác của các chuyên ngành, trong những năm qua Hội VHNT Cà Mau luôn chú trọng liên kết hoạt động văn học, nghệ thuật ngoài tỉnh. Với cách làm này, luân phiên hàng năm các Hội sẽ đứng ra đăng cai tổ chức một hoạt động VHNT của khu vực ĐBSCL để nâng cao chuyên môn cho anh chị em hoạt động trong các chuyên ngành VHNT. Qua đây không chỉ tạo mối liên hệ chặt chẽ mà còn hỗ trợ rất lớn trong việc đi thực tế sáng tác ở ngoài tỉnh của các văn nghệ sĩ, từ đó khơi gợi thêm nhiều đề tài, cách tư duy nghệ thuật mới mẻ, thời sự hơn, chất lượng sáng tác các tác phẩm được nâng cao, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phản ánh, thúc đẩy phát triển kinh tế thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Với tinh thần gặp gỡ, giao lưu, qua chuyến đi thực tế lần này đã giúp cơ quan Thường trực Hội VHNT Thái Nguyên có những kinh nghiệm hay, cách làm mới để tham mưu cho BCH Hội trong việc đổi mới, phát triển mô hình hoạt động; thúc đẩy hoạt động những chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn (sân khấu, múa là những chuyên ngành biểu diễn của Thái Nguyên hiện còn đang rất khó khăn lúng túng). Đặc biệt, qua dịp này các anh chị em Báo Văn nghệ Thái Nguyên học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm sản xuất tạp chí (liên kết của tạp chí với các ngành, làm quảng cáo, theo dõi phản ảnh trên địa bàn các huyện…) để thời gian sắp tới sẽ tự tin hơn trong việc thực hiện Đề án chuyển đổi từ báo sang tạp chí theo tinh thần Quy hoạch Báo chí toàn quốc của Chính phủ.

QUANG KHẢI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy