Góc khuất quản lý đất đai (bài 2)
Lỗ hổng nào trong quản lý?
Tại cuộc giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật quản lý Nhà nước về đất đai mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, cùng với lãng phí tài nguyên đất, nhiều vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh cũng đã được chỉ ra. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đang có lỗ hổng trong công tác quản lý đất đai ở địa phương?
Kiểm tra đâu, sai phạm đó
Có một thực tế đáng quan tâm trong công tác quản lý đất đai hiện nay là cứ hễ kiểm tra đâu lại thấy ở đó có sai phạm. Ví như ở thành phố Thái Nguyên, 3 năm gần đây, khi tiến hành thanh, kiểm tra về đất đai đối với 20 đơn vị, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện tới 16 đơn vị vi phạm Luật Đất đai. Điều đáng nói là các trường hợp này đều vi phạm những lỗi không hề nhỏ: không có hồ sơ đất đai theo quy định, chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất, chưa đăng ký biến động đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính… Có thể kể ra một số trường hợp điển hình như Công ty TNHH MTV 27/7, Công ty CP Khai khoáng miền núi, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thái Nguyên sử dụng đất sai mục đích hàng chục héc ta trong thời gian dài; Doanh nghiệp tư nhân Phương Thu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng đất không đúng mục đích khoảng 0,3ha; Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Thành Hưng cho thuê đất trái pháp luật trên 5,4ha...
Công bố của Sở Tài nguyên - Môi trường mới đây cũng cho thấy, sau khi tiến hành 44 cuộc thanh, kiểm tra về đất đai tại 55 đơn vị thì đã phát hiện 42 đơn vị vi phạm với diện tích lên tới trên 11.000ha. Sở cũng đã kiến nghị truy thu hơn 4,6 tỷ đồng tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 72,5 triệu đồng, đồng thời kiến nghị thu hồi trên 2.200ha, trong đó chủ yếu là đất nông, lâm trường. Sở cũng đã kiểm tra các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn và đã phát hiện tới 132 trường hợp vi phạm với diện tích trên 109ha.
Đây mới chỉ là các trường hợp tổ chức, đơn vị sai phạm được phát hiện sau thanh, kiểm tra, còn thực tế có rất nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình vi phạm Luật Đất đai đã hoặc chưa được nhắc đến. Đó là các trường hợp tự ý làm nhà xuống đất nông nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm hành lang, vỉa hè, chiếm dụng đất công, tranh chấp khiếu kiện về đất đai… Vi phạm Luật Đất đai đã trở nên phổ biến bởi theo thống kê chưa đầy đủ từ các huyện, thành, thị trong tỉnh, tình trạng vi phạm về đất đai, nhất là tự ý làm nhà xuống đất nông nghiệp đã lên đến hàng nghìn trường hợp. Tính trung bình mỗi năm có thêm cả trăm trường hợp vi phạm, nhiều nhất phải kể đến là ở các huyện Phú Bình, Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ.
Đây là một trong rất nhiều trường hợp sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công của người dân. Ảnh chụp tại Khu dân cư số 3, 4 phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên |
Vậy, phải chăng đang có sự buông lỏng quản lý đất đai tại cơ sở? Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện pháp luật đất đai của Thường trực HĐND tỉnh mới đây đã khẳng định: Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai chưa thường xuyên, liên tục. Việc xử lý vi phạm Luật Đất đai theo kết luận thanh tra chưa dứt điểm. Công tác thanh, kiểm tra hoạt động dịch vụ về đất đai chưa thường xuyên. Còn tình trạng khiếu nại kéo dài…
Chậm trễ cấp quyền sở hữu tài sản
Từ lâu nay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (SHTSTĐ) gần như rất ít được thực hiện, cá biệt có một vài địa phương như Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ còn chưa triển khai. Đây được xem là một trong những hạn chế còn tồn tại của công tác quản lý đất đai, khiến các tổ chức, cá nhân trong tỉnh chịu thiệt thòi. Thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường cho thấy, toàn tỉnh hiện mới thực hiện cấp được 181 Giấy chứng nhận QSHTSTĐ, xác nhận bổ sung 42 Giấy chứng nhận đã cấp QSHTSTĐ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cấp 35 giấy cho các hộ gia đình, cá nhân.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thái, ở phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên có nhu cầu vay vốn ngân hàng nên muốn thế chấp bìa đỏ và tài sản trên đất. Muốn thế, cần phải có Giấy chứng nhận QSHTSTĐ. Bà Thái đã đến bộ phận trực “một cửa” của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố để làm thủ tục. Tuy nhiên, bà đã phải ra về tay không vì cán bộ giải quyết thủ tục hành chính ở đây khẳng định, trường hợp của bà không thể giải quyết được vì không có giấy phép xây dựng. Bà Thái phân trần, nhà tôi xây từ lâu nên không có giấy phép xây dựng. Tôi có nghiên cứu quy định mới nhất thì thấy trường hợp của tôi vẫn nằm trong diện được cấp. Không hiểu cán bộ có biết điều đó không hay cố tình gây phiền hà?
Trường hợp của ông Phạm Văn Bắc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuân Bắc, ở tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên cũng không được cấp Giấy chứng nhận QSHTSTĐ đối với công trình nhà nghỉ được xây trên đất của mình vì “hồ sơ không đủ điều kiện, lý do diện tích xây dựng trên bản vẽ mặt bằng định vị công trình không phù hợp với diện tích trên giấy phép xây dựng”.
Thực tế thì theo Nghị định 43 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều về Luật Đất đai cho thấy, các trường hợp trên vẫn có thể được cấp Giấy chứng nhận QSHTSTĐ. Tuy nhiên, do thủ tục còn rườm rà, phía cán bộ giải quyết thủ tục hành chính còn máy móc, đôi khi nhiêu khê khiến người dân, doanh nghiệp không mặn mà.
Theo đánh giá của các ngân hàng thì việc xin cấp Giấy chứng nhận QSHTSTĐ trên địa bàn tỉnh lâu nay quá khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong vay vốn. Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng: Lâu nay, tổ chức, cá nhân khi vay vốn ngân hàng, tài sản mà họ thường mang thế chấp là bìa đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều mảnh đất, do nằm ở sâu bên trong hoặc ở vùng nông thôn nên có giá trị không lớn, nhưng giá trị phần tài sản trên đất thì lại đáng kể. Nếu không được cấp Giấy chứng nhận QSHTSTĐ để đủ điều kiện vay vốn thì quả là thiệt thòi.
Bất hợp lý tái định cư
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 12.000 lượt hộ dân có đất bị thu hồi với tổng diện tích hàng nghìn ha. Con số này cho thấy vấn đề thu hồi đất và bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân bị mất đất phải di chuyển chỗ ở là không hề nhỏ và đơn giản. Qua thực tế chứng minh, vấn đề TĐC đang còn những bất hợp lý. Cơ quan giám sát hoạt động quản lý đất đai của tỉnh đã khẳng định, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong vùng quy hoạch ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Hầu hết các địa phương không có quỹ đất TĐC trước khi thực hiện dự án. Nhiều khu TĐC chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến việc di chuyển, ổn định đời sống người dân. Xin nêu ra đây một vài trường hợp cụ thể để minh chứng.
Dự án khu đô thị (KĐT) hồ Xương Rồng và Dự án đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu, khu dân cư (KDC) số 1 phường Hoàng Văn Thụ là hai dự án triển khai khá sớm ở khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, hai Dự án này vẫn chưa thể hoàn thành. Có nhiều nguyên do, song chủ yếu vẫn là bởi chưa bố trí được khu TĐC phù hợp. Hai dự án này vẫn đang thiếu trên 100 lô đất TĐC. Theo UBND thành phố Thái Nguyên thì không còn quỹ đất phù hợp để TĐC cho các hộ dân thuộc hai dự án trên vì địa phương thực hiện rất nhiều dự án, đặc biệt là các dự án KDC nằm ở các phường trung tâm nên việc bố trí quỹ đất TĐC gặp khó khăn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là các hộ dân khi chuyển đến khu TĐC phải có cuộc sống tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do vậy, khi các dự án triển khai lấy đất tại vị trí trung tâm thì bố trí TĐC cũng chí ít phải nằm ở khu vực nội thành. Trong khi đó, quỹ đất toàn bộ khu vực nội thành gần như đã lấp kín.
Thực tế cho thấy, một số dự án khi được cấp phép đã không tính đến quỹ đất TĐC hoặc có kế hoạch bố trí nhưng chỉ đủ một phần so với nhu cầu TĐC của dự án. Sau khi thực hiện, các dự án thiếu đất TĐC buộc thành phố phải có phương án giải quyết tức thời là lồng ghép vào một khu TĐC đã có sẵn của một dự án nào đó. Do vậy mới dẫn đến tình trạng TĐC chồng chéo. Như vậy, nhiều dự án đã không tuân thủ đúng quy định về đảm bảo TĐC trước khi đầu tư dự án. Từ đó suy ra, việc cấp phép đầu tư đã không tính đến phương án TĐC.
Một trường hợp khác, mặc dù được bố trí TĐC từ năm 2005, nhưng cho đến nay nhiều hộ dân sống tại khu TĐC hồ Viện Lao, thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên vẫn phải chịu cảnh không điện, không nước, không có nơi đăng ký cư trú chung. Anh Đỗ Trí Toàn, công dân trong khu TĐC này cho biết: Sau khi tôi chấp thuận lấy tiền đền bù để giao đất làm Quốc lộ 3 mới, được bố trí đất tái định cư tại đây để làm nhà, lúc đó khu này chỉ là một bãi đất trống, chủ dự án hứa hẹn sẽ hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, nhưng đến năm 2012 thì mới có đường. Hơn 10 năm nay gia đình tôi và các hộ dân sống tại đây phải tự kéo điện, nước về sử dụng. Một công dân khác là ông Nguyễn Thế Kỷ thì cho hay: Cách đây 6 tháng, tôi thấy công nhân đến làm đường ống nhưng mãi vẫn chưa có nước, trạm biến thế đã dựng cả năm nay nhưng chưa lắp điện, bóng điện cao áp có nhưng bỏ không, khu TĐC vẫn chịu cảnh tối tăm về đêm. Điều đáng nói nữa, khu TĐC chỉ có khoảng vài chục hộ dân nhưng phải đăng ký sinh hoạt ở nhiều tổ dân phố khác nhau vì thiếu điều kiện sinh hoạt. Dự án này do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Lãnh đạo Trung tâm giải thích là do thiếu nguồn kinh phí để đầu tư tiếp. Điều này cho thấy sự thiếu cân nhắc, tính toán về năng lực tài chính ngay từ ban đầu khi cấp phép đầu tư cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Mặc dù đã có trạm biến áp, song khu TĐC hồ Viện Lao, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên vẫn chưa được đóng điện lưới, người dân phải tự kéo điện ở nơi khác về dùng |
Như chúng ta đã biết, vấn đề quản lý đất đai luôn nóng và phức tạp. Do đó khó tránh khỏi những tồn tại, hạn chế và bất cập. Tuy nhiên, không phải vì thế mà công tác quản lý đất đai không thể cải thiện. Điều quan trọng là chính cơ quan quản lý Nhà nước phải dám nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những điểm yếu để từ đó có giải pháp quản lý tốt hơn.
Minh Quân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...