Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:55 (GMT +7)

Giọt nước mắt rơi qua thế kỷ

VNTN - Chiến dịch mang mật danh Ranch Hand của Quân đội Mỹ được thực hiện từ năm 1961 đến 1971 tại chiến trường miền Nam. Trong 10 năm, Quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít hóa chất màu da cam, có chứa dioxin, độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến. Ranch Hand đã để lại một hậu quả khôn lường, với hàng triệu người trở thành nạn nhân, trong đó có cả cựu quân nhân Mỹ.


Bút ký. Phạm Ngọc Chuẩn

Tháng Tám, mùa cây thay lá. Nhưng cũng là mùa để nhân loại nhắc nhớ tới một niềm đau thương lặng lẽ đi qua thế kỷ. Ngày 10-8-1961, ngày đầu tiên Quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống chiến trường miền Nam. Ngày đó, ví như một chiếc đinh đóng vào huyệt tử nhân loại, làm bao cựu chiến binh ở cả 2 phía trở thành nạn nhân chất độc da cam (CĐDC).

Mươi năm trước, trong chuyến công tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tôi vô tình gặp nhóm du khách người Mỹ. Qua trò chuyện, chúng tôi biết họ là những cựu binh trở lại Việt Nam để nhặt tìm tuổi thanh xuân. Họ đã ngược dốc đường Aco lên huyện A Lưới, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt làm binh lính Quân đội Mỹ kinh sợ. Ông Steve Roger đã nói như một thú nhận: Tôi từng tham chiến tại Việt Nam, đó là những ngày tháng tồi tệ nhất trong cuộc đời, nhiều bạn của tôi đã chết ở A Sầu, A Biahay còn gọi là đồi Thịt Băm và cao điểm 935. Còn tôi may mắn thoát chết, về Mỹ lấy vợ và sinh ra con là nạn nhân CĐDC. Steve Roger ôm mặt khóc đau đớn.

Hàng trăm lượt người nghèo và nạn nhân CĐDC được Hội Đông y tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí hàng năm.

Tôi nhớ lại những chuyến đi cùng anh, chị em Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Cao Bằng và Thái Nguyên… khi về thăm một số gia đình nạn nhân CĐDC, chứng kiến giọt nước mắt đau đớn của người làm cha, làm mẹ mỗi ngày phải nhìn đứa con, đứa cháu sinh ra bị dị dạng, khuyết tật cả tâm hồn và thể xác.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), bao người con ưu tú từ mặt trận phía Nam trở về trong niềm vui chiến thắng. Những tưởng từ đây, mỗi người sẽ có một cuộc sống bình yên dưới mái nhà riêng. Nhưng không, đau đớn như dã thú vô hình cứ âm ỉ gặm nhấm xương tủy, và bùng phát thành nỗi đau đời khi đứa con họ sinh ra không được bình thường. Hàng triệu con người trên đất nước Việt Nam chung chịu nỗi đau da cam. Riêng Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn, nơi cách xa mặt trận cả ngàn cây số, có hơn 20.000 người là nạn nhân CĐDC. Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh nghẹn ngào: Chúng tôi là người lính, chẳng nề nan gian khổ, hy sinh. Nhưng nhìn các con, cháu của đồng đội mình không có tương lai, đau đớn lắm anh ạ… Trong bùi ngùi, Chủ tịch Hoàng Đức cho biết thêm: Trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 3.000 con, gần 1.000 cháu của cựu chiến binh là nạn nhân CĐDC.

Tôi nghẹn lại, bởi hình ảnh bao cựu chiến binh phải đau đớn khi nói về hạnh phúc gia đình cứ hiển hiện trong tâm trí. Giữa thời bình, song trong lòng bao cựu chiến binh chưa một ngày nguôi tiếng đạn bom. Bên người vợ bị bại liệt do tai biến mạch máu não, ông Lương Ngọc Đàm, tổ 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cho tôi xem những vết đạn thù găm vào cơ thể. Gần nửa thế kỷ trôi qua, từng vệt sẹo dài hằn sâu, nhăn nhúm, đen đúa khắc vào thân thể ông. 1 vết sẹo trên đùi trái do đạn bắn thẳng của địch trong trận đánh ở Đắc Tô (Kon Tum) đầu năm 1969; 1 vết sẹo khoét sâu vào cẳng chân phải, do đạn bắn thẳng của địch tại trận đánh cầu Dương Bình (Kon Tum) khiến ông phải vật vã mỗi khi trở giời. Nhưng trong ông, một vết thương còn đau đớn hơn rất nhiều vết thương của đạn bom, nó không để lại dấu vết trên cơ thể, mà âm thầm gặm nhấm sức khỏe, tinh thần của ông và bao người lính bước ra từ cái chết của chiến tranh. Ông phàn nàn: Từ 5 năm nay, trên bắp tay trái và bên vai phải của tôi mọc lên 2 cái khối u cứng như xăm xe bơm đầy hơi. Sức khỏe của tôi bị suy giảm rất nhiều. Tôi có 1 cháu xây dựng gia đình được 6 năm nay, nhưng chưa thấy “tín hiệu hạnh phúc”.

 

Nhiều người dân trong vùng bảo: Ông Đàm là cái máy dự báo thời tiết sống. Mỗi khi thấy ông đau nhức dữ dội là y rằng trời đang nắng đổ mưa, hoặc ngược lại. Là nói như thế, nhưng trong lòng ai cũng thấy thương cho ông hằng ngày phải chịu đựng từng cơn đau giội ra từ gan ruột.

Khổ như ông Đàm là một kiểu, ông Bế Văn Cấp, xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương) lại đau kiểu khác. Hằng ngày, ông Cấp phải chịu đựng tiếng la hét, đập phá của 3 người con điên dại. Ông đau đớn, đổ bệnh, qua đời năm 2002, để lại cho bà Hoàng Thị Hằng, vợ ông 3 người con dở dại do di chứng CDDC, cùng ngôi nhà mục nát.

Bà Hằng một thân một mình tảo tần đi làm thuê, gồng gánh trên đôi vai gầy lo cơm ăn, nước uống cho các con. Hôm tôi đến nhà, trời dịu hơn bởi trận mưa cuối tháng Bảy. Trong góc nhà, 3 người con của bà Hằng nằm yên lặng, thỉnh thoảng hé đôi mắt vô hồn nhìn người lạ, chắc chúng mệt và đói. Bà Hằng nói với chúng tôi bằng chất giọng không vui, không buồn: Chẳng biết là may hay rủi, hơn mươi năm trước, đứa con út tên Duyên phá cũi “xổng” nhà, thế là có thai, đẻ được một bé trai. Duyên sinh con, chẳng có “thằng đốn mạt” nào trong vùng dám nhận là bố đẻ của bé, nên khai sinh cho cháu lấy theo họ mẹ, tên cháu là Bế Duy Ngọc. Cháu Ngọc được lành lặn về thể xác và trí tuệ. Ngọc sẽ là trụ cột để 2 bác và người mẹ điên của mình nương thân khi tôi qua đời.

Bà Hằng ngước đôi mắt ráo hoảnh nhìn ra mông lung trước nhà. Đã có lúc bà so sánh mình với các bạn cùng trang lứa. Bà thấy thân phận mình đi làm vợ, làm mẹ sao gặp nhiều cùng cực quá. Đã có lúc bà muốn chết cho nhẹ thân xác, nhưng 3 đứa con điên kêu gào, la hét khiến bà hồi tâm, gắng sống.

Giống gia cảnh của bà Hằng, ở xóm Đồng Hoan, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), bà Trương Thị Lưu, vợ của nạn nhân CĐDC Nguyễn Văn Đức. Ông Đức qua đời vì bệnh tật hiểm nghèo từ gần 20 năm nay, thì cũng ngần ấy năm bà Lưu một thân nuôi 3 người con tàn phế. Bà Lưu kể về gia cảnh của mình trong hai nước mắt: Từ năm 1983 đến năm 1991, tôi sinh cho chồng 4 người con, lần lượt là Nguyễn Thị Luyến (1983), Nguyễn Thị Chiến (1985), Nguyễn Thị Hoàn (1988) và Nguyễn Văn Hùng (1991). Cả 4 lần tôi mang thai, rồi sinh nở đều bình thường, đứa nào cũng khoẻ mạnh, kháu khỉnh, hay ăn, mau lớn. Cháu Luyến, con gái đầu lòng, đã lấy chồng, ra ở riêng. Còn các cháu Chiến, Hoàn, Hùng cứ đến chừng 10 tuổi thì phát bệnh. Bắt đầu là đau nhức xương khớp, chân tay teo dần, các cháu lần lượt khụy xuống, bò lê lết. Nặng nhất là cháu Chiến, nhiều năm nay không còn lết lê được nữa.

Bà Lưu dừng lời, không khóc, nhưng nước mắt òa chảy làm ướt mèm khuôn mặt hàng chục năm nay không nở được nụ cười. Bà đã rơi nước mắt như bao người vợ, người mẹ trên đất nước từng chịu nhiều đau thương của chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ, đó không phải là bản năng của đàn bà, mà ai rơi vào hoàn cảnh đau đớn tinh thần đến mức không còn tha thiết gì cuộc sống đều sẽ khóc, thậm chí còn khóc bi lụy hơn rất nhiều so với những người đàn bà là vợ, là mẹ của nạn nhân CĐDC.

Tôi còn nhớ như in độ Tết Nguyên đán năm 2015, khi theo bà Ma Thị Nguyệt, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm các nạn nhân CĐDC: Vũ Đình Lai, tổ 27, phường Cam Giá; Chu Hồng Việt, tổ 25, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) và Nguyễn Hữu Lộc, xóm Đầm Ninh, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Cả 3 nạn nhân đều đang bị đau đớn do bệnh tật hành hạ. Ông Lai, 70 tuổi, bị bệnh ung thư xương. Ông Việt, 68 tuổi, bị bệnh teo não. Ông Lộc, 70 tuổi, bị tai biến mạch máu não. Chứng kiến cuộc sống nghèo khó, bệnh tật, đau đớn của các nạn nhân, bà Nguyệt đã không cầm được nước mắt vì cảm thương, xúc động.

Thôi thì đến với nhau cũng chỉ có tấm lòng, nhưng tôi nghĩ đó là hành động gần gũi, thân thiện của một người cán bộ lãnh đạo tỉnh dành cho những người đau khổ nhất, nghèo nhất có nguyên do từ chiến tranh.

Từ năm 2011 đến hết năm 2015, Hội Nạn nhân CĐDC các cấp đã thực hiện hỗ trợ cho 611 hội viên tiền làm nhà, sửa nhà ở; 1.816 hội viên được hỗ trợ tiền điều trị bệnh hiểm nghèo, với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

-Trong ảnh: Lãnh đạo Hội Nạn nhân - CĐDC tỉnh thăm, hỏi, tặng quà cho nạn nhân Phạm Đức Cuông, tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Với những người là nạn nhân CĐDC, tôi chắc chắn tình yêu thương, sự sẻ chia tình người còn quý giá hơn rất nhiều so với tiền bạc. Chuyện về nạn nhân CĐDC, ông Hoàng Trung Lương, xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại (Đại Từ) ngậm ngùi: Gia đình tôi có 4 người là nạn nhân CĐDC, gồm tôi và 3 con… Ông vừa nói, tôi thấy từ cửa buồng có 2 nam giới, 1 nữ giới ngó đầu ra cười ngây ngô. Ông Lương bảo: Các con của tôi đấy. Từ ngày sinh ra đến nay, đã mấy mươi năm cuộc đời, nhưng chưa có một ngày chúng được làm người.

Ông Lương nén lau nước mắt, lặng lẽ ra phía sau nhà, hái về lưng thúng nhãn cho tôi và các con ông cùng ăn. Nhãn đầu mùa, quả to, cùi dày, nhưng không hiểu sao tôi nhận thấy cái vị chát đắng, gợn gợn chạy dọc xuống sống lưng. Cầm chùm nhãn mọng chín, bà Xìn, vợ ông Lương tứa nước mắt, bảo: Anh thông cảm, các con tôi, thằng Thống, 46 tuổi; thằng Nhất, 43 tuổi; con Tình, 32 tuổi đều bị bệnh tâm thần. Các cháu “được nết” ăn khỏe, xác to nhưng không biết làm việc gì.

Tôi cúi mặt, miếng cùi nhãn trong miệng không sao trôi được xuống dạ dày, cứ kẹt lại ngang cổ họng. Nhất là lúc nghe ông Lương phàn nàn: Khổ nhất là bà Xìn, vợ tôi, ngoài 3 đứa con là nạn nhân của chiến tranh, thì từ lâu rồi tôi cũng đã trở thành gánh nặng của bà ấy.

Ông Hoàng Trung Lương (bên trái) cùng 3 người con là Nạn nhân CĐDC.

Chiến tranh, trên thế giới có bao nhiêu người vợ chờ chồng hóa đá. Nhưng có lẽ không ở đâu đau khổ bằng những người phụ nữ Việt Nam phải suốt cuộc đời mang gánh nặng chiến tranh. Một cuộc chiến tranh diễn ra ngay trong tổ ấm hạnh phúc, dù không có tiếng đạn bom, lửa cháy, nhưng tiếng la hét của đàn con điên dại còn mạnh hơn đạn bắn thẳng của kẻ thù, làm đau đớn bao thân phận. Bà Chu Thị Quế, xóm Giếng Mật, xã Tân Hoà (Phú Bình), vợ nạn nhân CĐDC Hoàng Văn Độ. Gần nửa thế kỷ nay, chưa một ngày bà có nụ cười trọn vẹn. Người làng bảo: Bà Quế là người “khổ tận cam lai”, vì sau lần về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mổ thanh quản (tháng 9-2007), bà trở thành người câm. Nhưng bà vẫn trao đổi được với mọi người bằng cách viết chữ vào tấm bảng. Bà viết: Ngày còn trẻ, bà tham gia làm cô giáo dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ cho dân làng. Còn chồng bà là bộ đội kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Năm 1969, bà sinh con trai, đứa trẻ chết ngay trên bàn sản. Năm 1971, bà sinh được bé Sâm.

Bà Quế đưa chúng tôi vào buồng trong, nơi Sâm nằm co quắp, mếu máo trong mùi khai thối suốt 45 năm nay. Bà vuốt tay dọc khuôn mặt để lấy lại sự bình tĩnh, viết lên tấm bảng: “Năm 2004, Sâm được Nhà nước cho hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam. Tháng 2/2007, chồng tôi qua đời. Sau này tôi chết, bé Sâm sẽ ra sao?”.

Mặt bà ướt nhoèn vì nước mắt. Mọi người có mặt trong nhà cũng không cầm được lòng. 79 tuổi đời, thì có gần 50 năm đau đớn vì bệnh tật của chồng, của con. Suốt cuộc đời bà đong đầy trong nước mắt mà chẳng có thứ thuốc nào xoa dịu được nỗi đau. Ông Ngô Văn Khoát, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Phú Bình thở dài: Một huyện nhỏ bé như Phú Bình mà có tới hơn 2.000 con người bị phơi nhiễm chất độc da cam, nhưng hiện mới có hơn 1.400 người được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, còn gần 700 nạn nhân trực tiếp và 79 nạn nhân là con, cháu cựu chiến binh bị dị tật, dị dạng chưa được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.

Không ít nạn nhân CĐDC bất lực, thất vọng và qua đời khi chưa được Nhà nước công nhận là nạn nhân của chiến tranh.

Ông Lý Văn Thuận (bên phải) cùng con trai Lý Văn Hùng (ngồi xe lăn) và con gái Lý Thị Hiền bị thiểu năng trí tuệ.

Liên quan đến chế độ hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC là trường hợp của cựu chiến binh, thương binh Lý Văn Thuận, ở xóm Lượt Một, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Năm 1979, ông Thuận nhập ngũ và đóng quân tại biên giới Việt - Lào, thuộc tỉnh Bình Trị Thiên cũ. Khi đóng quân ở đây, ông Thuận phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm chất độc hóa học do Mỹ rải xuống từ những năm chiến tranh. Đây là nguyên nhân mang lại cho ông Thuận và gia đình một niềm đau tuyệt vọng. Con trai là Lý Văn Hùng, 33 tuổi, bị bệnh não úng thủy, mắt không nhìn được, chân tay co quắp. Con gái Lý Thị Hiền, 29 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, bị khoèo 1 cánh tay. Ông Thuận nói với chúng tôi trong nước mắt: Đau lắm anh ạ, ít năm trước, 3 bố con tôi không chỉ bị cơ quan chức năng Nhà nước cắt chế độ hỗ trợ nạn nhân CĐDC, mà gia đình tôi còn phải hoàn trả lại cho Nhà nước hơn 100 triệu đồng, vì những năm trước đây bố con tôi đã hưởng. Vì theo quy định tại điều 39, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 của Chính phủ, tôi không có trong diện được hưởng chế độ là nạn nhân CĐDC. Nhà tôi quá nghèo, nay lấy đâu ra một khoản tiền lớn như vậy để trả cho Nhà nước.

Nhìn ông Thuận bế Hùng từ giường ra xe lăn, tôi thấy tim mình đau nhói... 3 bố con ông Thuận nằm trong số hơn 8.000 trường hợp nạn nhân từ chiến dịch mang mật danh Ranch Hand của quân đội Mỹ. Họ đang từng ngày mong mỏi được nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Dù không nhiều, nhưng đó là quyền lợi chính đáng, là chút bù đắp cho họ trong cuộc sống quá đau đớn, khó khăn.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước