Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:56 (GMT +7)

“Gióng” – bức tranh hiện đại và dân tộc

VNTN - Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016) có tới 15 bức tranh lớn nhỏ vẽ huyền thoại Thánh Gióng bằng nhiều chất liệu, chủ yếu là bột màu. Sau năm 1982 một số tranh Gióng được chuyển sang chất liệu sơn mài. Tranh “Gióng”, với bút pháp tạo hình mạnh mẽ, giàu yếu tố trang trí, đã đưa giá trị nhân văn độc đáo của dân tộc đến với nhân loại. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, giữa thủ pháp nghệ thuật phương Đông với hàn lâm nghệ thuật phương Tây. “Gióng” còn mang một thông điệp đặc biệt về hòa bình, về sức sống mãnh liệt, về ý chí vươn lên của con người Việt Nam. Năm 2013, tác phẩm “Gióng” được trân trọng trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ và Nhân loại học của Đại học Cambridge trong Festival Idea. Đây là vinh dự lớn cho nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.

Bức sơn mài “Gióng” đoạt giải Nhất triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1990). Với bút pháp tạo hình sinh động, khỏe khoắn, hình tượng Thánh Gióng - một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam được khắc họa đã trở thành biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, sức mạnh quật cường của một dân tộc nhỏ bé dám đứng lên chống lại các thế lực ngoại xâm. Bức tranh bố cục theo hướng đóng, không gian hoàn toàn ước lệ, giàu tính trang trí. Họa sỹ đã khai thác triệt để các yếu tố đường nét, màu sắc, nhịp điệu, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn và các hoa văn đồ gốm Lý Trần, tạo nên bản sắc riêng. Trong tranh, Gióng và ngựa được tạo hình bởi những hình kỷ hà khúc chiết. Nền tranh phẳng gây hiệu quả tĩnh, đối lập với bộ vó ngựa động - được tạo bởi những đường gấp khúc, vuông góc mạch lạc, lặp lại, gợi cho người xem thấy con ngựa như đang guồng chân bay trên không trung. Lối vẽ chắc khỏe, hình đuôi khố trên mình Gióng được cách điệu tạo nhiều lớp kết hợp với hoa văn cổ hình chữ “s” và chấm tròn tạo nên sự uyển chuyển nhịp nhàng của Gióng và ngựa. Vòng tròn xoáy phía sau Gióng, nhiều người cho rằng đó là mặt trời chiếu sáng, hiểu như vậy chưa thuận ý, mà nên xem đó là vầng hào quang tỏa ra phía sau Gióng, chi tiết ấy đồng thời làm cho bố cục bức tranh cân đối, hài hòa giữa yếu tố động và tĩnh.

Hình tượng Thánh Gióng trong tranh không phải nhân vật có thật, nên mọi chi tiết trong tranh không diễn tả cái gì cụ thể mà hoàn toàn hư cấu, ẩn dụ. Về màu sắc họa sỹ sử dụng nguyên bản màu truyền thống sơn cánh gián và sơn then. Những nét nhấn của sơn then tương phản với trắng của bạc thếp và bột điệp đã tạo nhịp điệu, dẫn mắt người xem đến từng chi tiết trong tranh khiến không chán mắt. Sự thành công trong tìm tòi sáng tạo của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã khẳng định vốn văn hóa dân tộc là hành trang gắn liền với người họa sỹ. Thông qua tác phẩm Gióng, ông đã đưa văn hóa Việt Nam đến với công chúng yêu mến nghệ thuật trên thế giới và giúp họ hiểu rõ những nỗ lực, sự lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc của các họa sỹ Việt Nam.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy