Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
03:48 (GMT +7)

Giới thiệu và trọng dụng người tài gánh vác việc nước

VNTN - Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ quy định lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử để thay thế mình.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”, đó là lời bài ký bia tiến sỹ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông. Trong lịch sử Việt Nam đã từng có rất nhiều những câu chuyện đặc biệt về việc tiến cử, sử dụng người tài của cha ông. Đó là một Tô Hiến Thành đã cương quyết tiến cử người thay thế mình là một vị quan không thân cận, nhưng luôn đau đáu và có trách nhiệm với quốc gia mà không tiến cử người suốt ngày cận kề và hầu hạ mình - dù có “gợi ý” của mẫu nghi thiên hạ. Đó là Phạm Ngũ Lão, Yết Kiên, Dã Tượng… xuất thân hèn kém theo phân chia đẳng cấp khi ấy nhưng vẫn được trọng dụng và lập công lớn với quốc gia. Để kén chọn nhân tài gánh đảm đương việc nước, các triều đại xưa tổ chức thi tuyển vô cùng ngặt nghèo. Thế nhưng, một mặt vừa thi, mặt khác cũng đề cao chuyện “cử”. Trong lịch sử đã từng có những người không đỗ cao như Cao Xuân Dục, chỉ đỗ cử nhân vẫn được tín nhiệm giao giữ thượng thư bộ học, lên tới cực phẩm là phụ chính đại thần…

Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “kiến thiết cần có nhân tài” và ban hành Thông lệnh Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân (…). Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ".

Trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ, đã có rất nhiều những nhân sỹ trí thức nổi tiếng xung phong ra gánh vác việc nước. Đã xuất hiện một lớp lãnh đạo sau này được gọi là thế hệ vàng. Đó là những tên tuổi kiệt xuất như: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại… Khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, các bộ trưởng và thứ trưởng) để nghiên cứu một kế hoạch kiến thiết quốc gia. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, tiến sĩ Nho học triều Thành Thái năm 1904 đã được mời làm Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an). Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp năm 1946, Cụ Huỳnh đã được trao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước với lời căn dặn bất hủ của Bác Hồ: Xin Cụ ở nhà hãy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhiều nhân sỹ; nhiều trí thức do Pháp đào tạo đã từ bỏ Paris hoa lệ để về cùng chung gánh vác việc nước như: Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, linh mục Phạm Bá Trực, cụ Cao Triều Phát, luật sư Phan Anh v.v… Rất nhiều năm ở chiến khu Đồng Tháp Mười, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ đều là những trí thức lớn ngoài Đảng. Có giai đoạn, ông Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, tức người đại diện cao nhất của Đảng ở Nam Bộ song về chính quyền ông chỉ nhận chức Trưởng phòng dân quân Nam Bộ, còn chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ vẫn do các trí thức lớn ngoài Đảng đảm nhiệm.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, nhiều trí thức của chính quyền cũ cũng đã được trọng dụng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Thống đốc Ngân hàng, nguyên Phó Thủ tưởng và Quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn đã được mời ở lại cộng tác với chính quyền mới và tư vấn kinh tế cho các vị lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh khi ấy. Bà Ngô Bá Thành, một người thuộc “lực lượng thứ ba” trước năm 1975 ở miền Nam, sau đó nhiều năm liền được bầu là đại biểu Quốc hội và làm Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Rất nhiều các trí thức từng làm việc dưới chế độ Sài Gòn cũng được trọng dụng trở lại….

Thời gian qua, dư luận đã râm ran bàn tán về chuyện “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”. Dị bản có thể khác nhau, còn có cả “thứ năm” mới tới trí tuệ. Thông thường, những người tài đức thường có lòng tự trọng cao, có liêm sỉ và tiết tháo, họ không nịnh hót, a dua, lăng xăng, không đem ngọc bán rao, vậy nên nếu không có những người lãnh đạo thật sự tài đức sẽ không thể phát hiện và sử dụng. Nhiều khi, những người có tài thường có tư duy độc lập, phản biện và không chịu chấp nhận một tư duy cứng nhắc, xơ cứng, bảo thủ, trì trệ nên có thể bị đánh giá là lập dị. Vả chăng, với kiểu sử dụng người trong bộ máy theo kiểu “nhất hậu duệ” còn đâu chỗ cho người tài đức thi thố tài năng. Để có người tài, cần thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó vẫn rất cần có người tiến cử, thế nhưng chỉ những người có tấm lòng trong thật sự vì nước vì dân thì con mắt mới xanh; có con mắt xanh mới có thể phát hiện và tiến cử người tài.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài ngày càng phát triển, càng nhiều thêm. Người cũng khẳng định việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Người cho rằng những người “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt vào làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Người còn căn dặn có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng và chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có gần 5 triệu đảng viên, nhưng 5 triệu đảng viên ấy không phải là toàn dân tộc. Trong trên dưới 90 triệu người Việt Nam còn lại, không thể nói là không có nhân tài, vấn đề quan trọng là Đảng phải thật sự chân thành, cầu thị, không quá khắt khe mà hãy tạo điều kiện để những người tài năng thật sự tham gia gánh vác việc nước, làm được như vậy, lo gì đất nước không phát triển.

Từ Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là với vấn đề hệ trọng và nhạy cảm nêu trên, chắc hẳn việc thực hiện không thể dễ dàng. Nghị quyết đã ban hành, vấn đề còn lại là cái tâm, cái tầm của những người thực hiện.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy