Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
04:02 (GMT +7)

Gieo tình yêu thi ca, đón chào nhịp điệu mới

NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 21 - LỄ HỘI THƠ NGUYÊN TIÊU THÁI NGUYÊN NĂM 2023

Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Lễ hội Thơ Nguyên tiêu 2023 đã lắng đọng trong lòng công chúng những ấn tượng sâu sắc trong ngày đầu xuân, khơi gợi những cảm hứng tươi mới, đẹp đẽ, và tràn đầy hy vọng.


 Quang cảnh Lễ hội

Một chương trình văn hóa, nghệ thuật tươi mới, đa sắc màu

Chương trình được đón nhận sự hiện diện của lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh Thái Nguyên, đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp tham gia như Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 (Đài Tiếng nói Việt Nam), Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, Thư viện tỉnh, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên, các trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, cùng đông đảo các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

Dù gặp đôi chút bất lợi về điều kiện thời tiết song sự hưởng ứng nhiệt thành của hàng nghìn công chúng yêu thơ gồm các văn nghệ sĩ, các nhà thơ, hội viên Chi hội Thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và thành viên các câu lạc bộ thơ ca trên địa bàn, thầy cô giáo và các em học sinh… đã đem đến cho Lễ hội một bầu không khí hết sức rộn ràng.

Phát biểu tại chương trình Lễ hội, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhấn mạnh: “Hội Báo Xuân kết hợp với Lễ hội Thơ là hoạt động văn hóa, chính trị giàu chất trí tuệ, giàu chất văn hóa, làm sinh động, phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, cũng là dịp biểu dương lực lượng báo chí và văn nghệ cách mạng, tạo không khí thi đua giữa các nhà báo, các cơ quan báo chí, những người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh nhà”.

Lần đầu tiên tại Thái Nguyên, Lễ hội Thơ Nguyên tiêu và Hội báo Xuân được Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà báo tỉnh đồng tổ chức. Nhờ vậy, chương trình năm nay có sự mới mẻ trong cả hình thức tổ chức cũng như nội dung, trở thành một món quà tinh thần hấp dẫn, mang đến những niềm vui trọn vẹn dành tặng các đại biểu, khách mời và công chúng trong không khí ngày xuân.

Giữa không gian kiến trúc đậm sắc màu văn hóa của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các đại biểu, khách mời và công chúng vừa được thưởng thức chương trình nghệ thuật trình diễn thơ - nhạc, vừa được tham quan gian trưng bày hơn 1.000 ấn phẩm báo chí đặc sắc. Sau khi dạo bước qua con đường thơ để ngâm nga những câu thơ hay được tuyển chọn giới thiệu, người tham gia chương trình có thể thả mình thưởng lãm không gian trưng bày ảnh nghệ thuật, và thú vị hơn nữa là dự thi “đề thơ vào ảnh” nếu có cảm hứng.

Khi muốn lắng đọng và chia sẻ nhiều hơn, người tham gia có thể dừng lại ở không gian thưởng trà, đọc sách, tìm hiểu nghệ thuật thư pháp và xin chữ đầu năm. Nhiều bạn nhỏ cũng đã tìm được niềm vui phù hợp với sở thích của mình tại không gian Thi - Họa (vẽ tranh theo thơ) vô cùng lý thú.

“Tôi thấy các nội dung của chương trình thực sự rất chất lượng, không gian và các hoạt động phong phú và sinh động. Quả là một hoạt động văn chương nghệ thuật ý nghĩa và đặc sắc trong những ngày đầu năm mới. Một điều rất ấn tượng nữa là sức hấp dẫn của chương trình với các bạn trẻ, các em học sinh. Đây là một dịp, một sân chơi để khơi gợi và bồi đắp tình yêu thơ ca đối với các em” - cô giáo Nguyễn Mai Quyên, trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ những cảm nhận đầy hứng thú khi tham gia chương trình Lễ hội.

Có thể thấy, sự đa dạng phong phú trong việc bố trí các không gian và tổ chức các hoạt động đã đem đến cho công chúng một chương trình văn hóa, nghệ thuật thực sự giàu sức hút, đa sắc màu, với nhiều nét tươi mới, khơi gợi nhiều cảm hứng, đọng lại nhiều ấn tượng.

Tiết mục thơ - múa “Những dòng tên trắng” do Trường CĐVHNT Việt Bắc biểu diễn

Thi ca và cảm hứng “Nhịp điệu mới”

Khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp luôn là một mạch ngầm bền bỉ trong sâu thẳm tâm hồn, tình cảm của mỗi con người chúng ta, để rồi nguồn mạch ấy càng trở nên mãnh liệt, dạt dào và thăng hoa hơn mỗi độ xuân sang. Hơn lúc nào hết, thi ca lại nâng đỡ tâm hồn mỗi chúng ta, giúp chúng ta đến gần nhau hơn, kết nối và thấu hiểu nhau hơn.

Vượt qua những khó khăn, mất mát từ đại dịch COVID-19, chúng ta đang bước vào một hành trình mới - đó là hành trình cùng nhau vượt lên khó khăn thách thức để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trên hành trình ấy, tinh thần Việt Nam lại được hiện ra với vẻ đẹp văn hóa và ý chí sống mãnh liệt. Thi ca chính là nơi gửi gắm, lan tỏa, tôn vinh tinh thần và vẻ đẹp văn hóa ấy.

Trong ý nghĩa đó, chương trình Lễ hội thơ Nguyên tiêu - Quý Mão 2023 lấy chủ đề “Nhịp điệu mới” làm cảm hứng chủ đạo. Đó là nhịp điệu của một nguồn năng lượng sống mới, niềm hy vọng mới, nỗ lực cho hành trình sáng tạo mới.

Tâm điểm của Lễ hội năm nay hội tụ vào chương trình nghệ thuật thơ - nhạc “Nhịp điệu mới” - một khúc ca khải hoàn đón chào một đời sống mới đầy hứng khởi sau những tháng ngày gian khó, nguy nan vì dịch bệnh Covid. Với kết cấu gồm 3 chương Khúc luân vũ Thái Nguyên - Những dòng tên trắng - Hồi sinh, chương trình giống như một câu chuyện bằng thơ đầy xúc động, tái hiện đời sống con người từ những tháng ngày êm đềm, bình yên đến những khoảnh khắc cam go đối mặt với dịch bệnh hoành hành, lằn ranh giữa sự sống - cái chết; cuối cùng là giây phút hồi sinh với một hơi thở mới tràn ngập sự sống.

Mở đầu câu chuyện kể qua thơ, Khúc luân vũ Thái Nguyên đưa người xem trở về với những vỉa tầng hiện thực đời sống con người đã làm nên giá trị trầm tích văn hóa lịch sử của quê hương, bản quán yên bình, tươi đẹp:

Sông Cầu các phụ lưu chi lưu

như những động mạch tĩnh mạch

vũ điệu buồng tim

Trên khuôn ngực Thái Nguyên thùy mị

Đêm qua Táo Quân giũ bồ hóng

áo mão cân đai

lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế

Tờ sớ đượm mùi cơm lam Định Hóa,

bánh chưng Bờ Đậu, nem nướng Đại Từ

Vị nham trám Hà Châu, lá nhội, lá sung,

lá khế

Tổ quốc

Bắt đầu từ giọt sữa thiêng

Trên tao nôi thơ bé

Bắt đầu từ ấm tách nồi niêu dưới mỗi

gia đình

Củi lửa hồn nhiên thỏ thẻ

(Thơ: Nguyễn Thanh Mừng)

Trong sự biến động của đời sống, Những dòng tên trắng tái hiện những năm tháng gian nguy mà con người phải gồng mình trước dịch bệnh COVID-19. Giành giật đến từng hơi thở sự sống, những thử thách mất còn, đặc biệt trong đó là những vất vả và sự hy sinh của đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu…, tất cả không khí ngột ngạt, căng thẳng được tái hiện qua từng nhịp múa, vần thơ:

Màu trắng bao trùm, ngự trị

áo bờ lu trắng

những bức tường trắng

những chiếc xe màu trắng

lầm lũi chở những thi hài

quấn trong vải trắng

và rồi rất nhiều người

chỉ còn lại những dòng tên trắng...

(Thơ: Nguyễn Kiến Thọ)

Vượt qua thời khắc kinh hoàng, ám ảnh của đại dịch, mọi thứ quay trở lại bình thường như vốn phải thế, tất cả như hướng đến một đời sống mới trong Hồi sinh. Ở đó, con người như vững vàng hơn trước những biến cố, thấu hiểu và trân trọng hơn những yêu thương đẹp đẽ của đời sống này:

Trời sang ngày và tâm bão dịch chuyển

Thật diệu kỳ!

Dải đất nhỏ nhoi vẫn đứng vững

Người ta tò mò hỏi về đất nước của tôi

Một dải đất chưa bao giờ gục ngã

(Thơ: Quyên Gavoye)

Kết cấu 3 chương hoàn chỉnh (biểu diễn liền mạch không lời dẫn) đã kể câu chuyện tròn đầy qua thơ với sự đồng hành hòa quyện của âm nhạc và vũ đạo, để lại những suy tư chiêm nghiệm và niềm xúc động lắng sâu, qua đó truyền tải thông điệp mạnh mẽ về nỗi đau và hạnh phúc, về lòng yêu sống và niềm hy vọng về một hành trình sống mới của con người.

Đây là điểm mới nổi bật thể hiện sự đầu tư, sáng tạo về kịch bản của Ban Tổ chức chương trình năm nay, với mong muốn công chúng sẽ có được những phút giây thăng hoa bằng thi ca, cùng thi ca. Thi ca cũng vì thế mà gần hơn, đẹp hơn trong lòng công chúng.

Sự kết nối nhuần nhị hài hòa và tinh tế của thơ với các bộ môn nghệ thuật liên ngành qua những màn trình diễn nghệ thuật chuyên nghiệp theo hình thức thơ múa, ngâm thơ, đọc thơ, vẽ theo thơ hay hát xẩm từ lời thơ của các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, màn ca vũ của các bạn sinh viên Mông Cổ trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên…, đã đem đến một sắc màu và diện mạo mới mẻ cho thi ca, với những ấn tượng từ sự đón nhận của khán giả. Đây có lẽ cũng là một sự gợi ý trong việc tiếp tục tìm ra những cách làm mới trên con đường nghệ thuật đưa thơ đến với công chúng yêu thơ.

Khép lại chương trình, công chúng yêu thơ còn được chia vui với những người sáng tác khi chứng kiến lễ công bố và trao giải cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới”, với giải Nhất dành cho tác giả Khét (Trần Đức Tín) - Cà Mau. Sự hội tụ của nhiều tác giả trong và ngoài nước tại cuộc thi này một lần nữa cho thấy sự kết nối đẹp đẽ, sâu sắc của con người nhờ thi ca.

BTC tặng hoa các đơn vị tham gia Lễ hội Thơ Nguyên tiêu 2023

Gắng gỏi, nỗ lực hết mình

Một điều quan trọng góp phần làm nên thành công của chương trình là sự chung tay góp sức, sự phối hợp, ủng hộ tích cực của các đơn vị tham gia Lễ hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tập luyện, khớp nối…

Sự nhiệt tình, trách nhiệm và vất vả của tất cả những người tham gia tổ chức có thể không phải ai cũng hiểu thấu (như lịch biểu diễn đầu xuân của các đơn vị tương đối dày đặc, các trường chuyên nghiệp thì lịch nghỉ tết kéo dài, gần sát với thời gian diễn ra chương trình nên thời gian khớp nối tập luyện ít…) nhưng niềm vui và sự đón nhận của công chúng chính là sự bù đắp ý nghĩa nhất với họ.

Bên cạnh đó, để có được một hoạt động văn hóa - nghệ thuật công phu, ý nghĩa như vậy, phải nói đến sự gắng gỏi, nỗ lực dốc hết tâm sức của những người làm tổ chức, đặc biệt là từ phía cơ quan Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, trong hoàn cảnh không ít khó khăn.

“Sau 3 năm không làm “offline”, bộ phận Văn phòng chúng tôi cũng gặp phải không ít khó khăn trong vấn đề chắp nối các đơn vị cung cấp dịch vụ, rồi các điểm bố trí cho các sân chơi phụ trợ cho chương trình cũng bị ảnh hưởng do thời tiết nồm ẩm, mưa phùn nên các phương án phải thay đổi liên tục để phù hợp. Ngoài ra, cán bộ Văn phòng bị quá tải do lượng công việc từ cuối năm trước kéo sang đầu năm âm lịch khiến việc chuẩn bị cho chương trình bị gấp rút, ít thời gian dẫn đến một số việc thiếu sót, chưa chu đáo, như chưa làm được gian trưng bày sách mặc dù đã có trong kế hoạch và chuẩn bị các đầu sách…”. Là cán bộ trực tiếp phụ trách, quán xuyến mảng tài chính - hậu cần của chương trình Lễ hội Thơ trong suốt nhiều năm qua, chị Nguyễn Thái Thanh - Phó Chánh Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã có những chia sẻ.

Đây cũng là năm đầu tiên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh đồng tổ chức một sự kiện quy mô, nên mặc dù văn phòng 2 Hội đã rất cố gắng nhưng một số công việc cụ thể còn chưa phối hợp được nhuần nhuyễn, dẫn đến phát sinh kinh phí ngoài dự toán.

“Quan trọng hơn, bắt đầu từ năm nay, kinh phí được cấp cho tất cả các hoạt động của Hội chỉ là hỗ trợ nên đơn vị phải cố gắng rất nhiều trong việc phân bổ các nội dung, tiết mục phù hợp với kinh phí được giao. Đồng thời, lãnh đạo Hội cùng với phụ trách Văn phòng đã phải trực tiếp làm việc, thương thảo với các đơn vị cung cấp dịch vụ, biểu diễn để hỗ trợ Hội một phần kinh phí và con người để chương trình được diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công như mong đợi.” – chị Nguyễn Thái Thanh chia sẻ thêm.

Song vượt lên tất cả những khó khăn, trở ngại từ phía khách quan và chủ quan những người thực hiện Lễ hội năm nay đã cùng nhau làm nên một sự kiện văn hóa - nghệ thuật trang trọng, giàu cảm xúc, như tinh thần mà nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn truyền tải tới người yêu thơ một thông điệp rằng cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì thơ ca vẫn luôn là nguồn động lực, là niềm tin, là sự gửi gắm những giá trị đẹp nhất của tâm hồn con người, và như thế chúng ta sẽ sống tốt hơn”.

Minh Khuê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy