Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:54 (GMT +7)

Giao thương với Trung Quốc, “ẩn số” xăng dầu nóng nghị trường

VNTN- Không chờ đến kỳ họp thường kỳ, Quốc hội vừa giám sát trực tiếp những vấn đề thời sự nóng hổi qua hoạt động chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, trong đó có "ẩn số" xăng dầu và điệp khúc nông sản ùn ứ hàng ngàn xe trên biên giới phía Bắc trong giao thương với Trung Quốc.

Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất dễ nhưng hàng Việt sang Trung Quốc rất khó

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên),  Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nhận xét như thế khi cùng nhiều vị khác "truy" Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về giải quyết ùn ứ nông sản ở biên giới phía Bắc.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu con số: có thời điểm, tổng số phương tiện chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc là 5.365 xe.

Xuất khẩu nông sản qua hình thức giao dịch thương mại “tiểu ngạch” tại các cửa khẩu hiện nay chiếm chủ yếu trên 90% giao dịch thương mại, trong khi hình thức giao dịch thương mại “chính ngạch” chỉ chiếm dưới 10%, Ủy ban Kinh tế khái quát.

Cơ quan của Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là các cơ quan chức năng chưa có giải pháp cụ thể, triệt để, bền vững giải quyết việc ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, đưa hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản trở lại bình thường, nên hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, không bền vững.

Trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Diên cho biết đã tiến hành các hoạt động giao thiệp với phía Trung Quốc để giải quyết ùn ứ. Tuy nhiên, theo đại biểu Thành thì tình trạng những năm vừa qua là khi giao thiệp thì các cửa khẩu, cặp chợ được mở nhưng khi việc giao thiệp không được duy trì nữa thì lại đóng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Đại biểu Thành muốn Bộ trưởng Diên nói rõ hơn về những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên. Vì, Bộ trưởng có nói giải pháp quy hoạch sản xuất, nhưng quy hoạch sản xuất phải tính đến ứng phó với một quy mô thị trường đáp ứng những biện pháp từ phía Trung Quốc. Ông Thành nhấn mạnh và nêu ví dụ như vừa qua phía Trung Quốc nâng hàng rào kỹ thuật hàng hóa lên rất nhiều trong khi Việt Nam lại không nâng tương ứng, cho nên mới có tình trạng hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất dễ nhưng hàng Việt Nam sang Trung Quốc rất khó.

Hai "ẩn số" của xăng dầu

Bên cạnh giải pháp căn cơ cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, các đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng Diên về trách nhiệm trước sự biến động của nguồn cung và giá cả xăng dầu thời gian qua. Và, Bộ trưởng đã nhắc đến hai "ẩn số" khiến cả cử tri và đại biểu khá ngỡ ngàng.

Về nguyên nhân nguồn cung giảm, Bộ trưởng đề cập việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (nơi cung cấp 35 - 40% nhu cầu trong nước) gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm. Vì thế nhà máy này không chỉ không cung cấp đủ xăng dầu như cam kết mà cũng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất. Tuy nhiên, Bộ trưởng quả quyết Việt Nam sẽ không thiếu xăng dầu, do tăng nhập khẩu để bù vào phần thiếu hụt trong nước.

Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước có tác dụng như thế nào trong việc bình ổn giá xăng dầu và chủ động nguồn cung, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.

"Câu hỏi của đại biểu đặt ra là rất đúng và đây cũng chính là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước", ông Diên trả lời.

Chưa hết, vẫn còn một ẩn số thứ hai, khi từ vị trí chủ toạ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chất vấn rằng, theo quy định của Nghị định 95 thì các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có dự trữ về lưu thông, ít nhất là 20 ngày. Các đầu mối này đồng thời làm dự trữ quốc gia (được hưởng ngân sách nhà nước ở khâu bảo quản). Vậy các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi vì nếu có dự trữ quốc gia thì không thể nói 1 - 2 ngày mất nguồn cung là không có xăng để bán được.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu thực tế là lượng dự trữ quốc gia chỉ đủ cho khoảng 5 đến 7 ngày. Còn các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc hay không "thì thật sự đây là một ẩn số".

Quốc hội đầy lo lắng. Và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn đã đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh.

Vấn đề tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là cần nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.

Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về hợp tác thương mại quốc tế? 

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về hợp tác thương mại quốc tế là chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Câu hỏi này cũng đề cập đến một mảng công việc rất quan trọng của Bộ Công thương - Bộ quản lý đa ngành.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đức Cường.

"Tôi nghĩ rằng bối cảnh quốc tế hiện nay thật sự phức tạp và khó đoán định. Quan điểm của chúng tôi là cần phải tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế để trước hết bảo đảm môi trường ổn định, phát triển kinh tế, sau đó duy trì và cung ứng chuỗi để bảo đảm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh như thế chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu đó, bởi vì nếu không kinh tế mình không thể phát triển được", ông Diên trả lời.

Theo hướng trên, Bộ trưởng Diên nói tiếp, Bộ đã rất chủ động phối hợp với các nước trong khu vực, nhất là ASEAN đưa ra cam kết duy trì chuỗi cung ứng, cung ứng cả về nguyên vật liệu, cung ứng trao đổi hàng hóa. Trong mọi tình huống, dù có dịch bệnh, dù có biến động thế nào ở thế giới thì các nước trong khu vực phải vì nhau, hành động theo một nguyên tắc như vậy, duy trì chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, người đứng đầu ngành công thương cho hay, các bộ trưởng ASEAN cũng thông qua danh sách các mặt hàng cam kết nỗ lực duy trì lưu thông thông suốt và dứt khoát trong mọi tình huống không bị đứt gãy. Còn giá phải chấp nhận theo giá thị trường thế giới. Có nhiều sáng kiến được đưa ra để tạo thuận lợi tối đa cho thương mại như rà soát để cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, tăng cường thương mại điện tử để tạo thêm các kênh tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất. Các sáng kiến tương tự này đã và đang được đưa vào diễn đàn APEC, nơi quy tụ 21 nền kinh tế lớn của thế giới.

Để bảo đảm đầu ra cho hàng xuất khẩu, ông Diên nói, Bộ Công Thương đã nỗ lực để kết thúc đàm phán RCEP, bắt đầu từ đầu năm 2022 hiệp định này có hiệu lực. "Hiệp định này kết hợp với 14 hiệp định FTA mà Việt Nam đã đưa vào hoạt động, đã đóng góp quan trọng cho xuất khẩu, như năm ngoái tăng tới 19% và tiếp tục tăng hơn 10% ngay trong 2 tháng đầu năm nay. Tất cả cho thấy hướng hợp tác thương mại của chúng ta trong bối cảnh vừa qua cũng như diễn biến của tình hình thế giới tới đây hết sức đúng, trúng và phù hợp. Chúng ta tiếp tục kiên trì đi theo hướng này", Bộ trưởng Diên trả lời vị đại biểu Thái Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Làm gì để đảm bảo lưu thông hàng hoá trong bổi cảnh dịch bệnh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) về chiến lược bảo đảm và thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ xuất, nhập khẩu nhằm thích ứng với tình hình hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, giải pháp quan trọng nhất là giữ được môi trường xuất, nhập khẩu ổn định. Ngoài ra cần tranh thủ các sáng kiến đã được đưa ra tại các diễn đàn ASEAN, APEC để duy trì các chuỗi cung ứng. Ông Diên cho biết thêm là hệ thống các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã được vận hành rất thông suốt, cho nên mặc dù  gặp rất nhiều khó khăn về logictics, thiếu container rỗng, giá cước vận tải tăng rất cao xuất nhập khẩu vẫn đạt kết quả rất cao.

Vĩnh An

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy