Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:46 (GMT +7)

Giáo dục “nóng” trên diễn đàn Hội đồng nhân dân

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh diễn ra sáng 20/7 các vấn đề xoanh quanh lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo chiếm thời lượng lớn của phiên làm việc. Điều này phần nào cho thấy các cử tri còn băn khoăn trước nhiều vấn đề của ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh điều hành phiên chất vấn

Không có việc định hướng phải chọn bộ sách giáo khoa nào

Việc lựa chọn SGK là vấn đề đầu tiên được đại biểu Nguyễn Mạnh Hà, Tổ đại biểu huyện Đại Từ chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đại biểu Hà đặt câu hỏi về quy trình, quy định của việc lựa chọn các bộ SGK, theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời thẳng thắn khi chất vấn Ngành Giáo dục tỉnh nhà có “dành thời gian thỏa đáng để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu để lựa chọn bộ SGK phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng tiếp cận của học sinh tỉnh Thái Nguyên không”.

Cùng với đó, Ngành có định hướng, chỉ đạo các trường học trên địa bàn trong việc lựa chọn các bộ SGK để tạo sự thống nhất việc dạy, học trong toàn tỉnh?

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc lựa chọn SGK lớp 3, 7, 10 được thực hiện theo đúng quy trình, quy định theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu SGK cho giáo viên trong toàn ngành theo hình thức trực tuyến (tháng 2, 3/2022).

Giáo viên tại các cơ sở giáo dục có thời gian ngắn nhất 2 tuần kể từ khi các nhà xuất bản giới thiệu SGK để nghiên cứu, đánh giá, đề xuất lựa chọn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hà chất vấn

Theo kế hoạch, tỉnh đã xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK hợp lý, đúng tiến độ. Giám đốc Sở Phạm Việt Đức cũng khẳng định, ngành Giáo dục tỉnh nhà không định hướng hay chỉ đạo các trường học trên địa bàn việc lựa chọn các bộ sách SGK.

Trước lo ngại việc các trường sử dụng các bộ sách khác nhau sẽ gây ra bất cập trong trường hợp học sinh chuyển trường hay việc tận dụng và khai thác tủ SGK dùng chung không hiệu quả hoặc trong các gia đình, em có thể không dùng được bộ SGK do anh, chị để  lại gây lãng phí; công tác xã hội hóa, quyên góp, ủng hộ SGK cho học sinh nghèo gặp khó khăn, Giám đốc Sở Phạm Việt Đức lý giải:

Theo quyết định 88 của Quốc hội thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, nên các bộ sách được viết đều đảm bảo theo quy định kỹ năng kiến thức chuẩn trong chương trình.

Điểm mới trong triển khai Chương trình mới thông tin giáo dục là quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo hệ thống giáo dục chương trình trên cả nước, SGK chỉ là phương tiện dạy học, mục tiêu bảo đảm cần đạt của chương trình.

Vì thế sử dụng SGK cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều khi học chuyển đổi trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh sẽ có giải pháp tập huấn cho các giáo viên tham khảo ở các bộ SGK để lấy ngữ liệu và quan tâm bồi dưỡng thêm cho các học sinh này trong giai đoạn chuyển tiếp.

Cùng với việc thay đổi SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh năm nay vẫn đang là vấn đề khiến các bậc phụ huynh nói riêng, các cử tri nói chung không ít tâm tư, thậm chí có phần bức xúc.

Bởi, do số lượng học sinh vào lớp 10 năm học này tăng cao so với những năm trước nên số học sinh được duyệt trúng tuyển chỉ chiếm 67,8%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có 32,2% tương đương với 6.187 học sinh không theo học tại các trường THPT.

Sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga nêu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổ đại biểu huyện Phú Bình phản ảnh ý kiến và nguyện vọng của cử tri, đề nghị Ngành Giáo dục nghiên cứu để bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2022 – 2023 đối với các trường THPT đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất.

Đồng thời đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục làm rõ thêm công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn, cũng như các giải pháp để thực hiện mục tiêu đến 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Phạm Việt Đức, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Trả lời vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở cho biết, thực hiện lộ trình tuyển sinh học sinh vào lớp 10 THPT theo hướng phân luồng của Ngành cho giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng giảm dần tỷ lệ học sinh vào lớp 10 THPT, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trước thực trạng số học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng cao, căn cứ vào cơ sở vật chất của các trường và ngành giáo dục đã có giải pháp: Tuyển sinh tối đa số học sinh trên lớp của tất cả các trường trong tỉnh.

Sau khi các trường THPT thực hiện tuyển sinh xong, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, căn cứ vào các đề xuất của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho Trường THPT Thái Nguyên thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường ngoài công lập, bao gồm các trường: THPT Đào Duy Từ; THPT Lương Thế Vinh. Tổng số học sinh đề nghị bổ sung là 386 em.

Sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt hệ thống giáo dục sẽ triển khai ngay việc tuyển sinh bổ sung, khi đó tổng số học sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh sẽ là 13.423 đạt tỷ lệ 80,27% trên học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 và đạt 69,82% trên số học sinh tốt nghiệp THCS.

Số học sinh còn lại sẽ học hệ Giáo dục thường xuyên tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với tổng chỉ tiêu là 4.385 học viên.

Trước thông tin này, đông đảo cử tri đã bày tỏ sự vui mừng và mong mỏi quyết định tuyển sinh bổ sung sẽ sớm được thực hiện.

Cần giải pháp để tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường

Đại biểu Hoàng Trần Nam

Lĩnh vực Giáo dục tiếp tục “nóng” hơn trên nghị trường khi đại biểu Hoàng Trần Nam, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Phạm Việt Đức.

Đại biểu nêu, theo báo cáo của UBND tỉnh, tại thời điểm tháng 5/2022 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (trẻ dưới 36 tháng tuổi) ra lớp trên địa bàn tỉnh mới đạt 31,7%, đặc biệt là tỷ lệ ra lớp của trẻ nhà trẻ tại các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục trao đổi, làm rõ quan điểm, định hướng và các giải pháp cụ thể của Ngành trong thời gian tới nhằm đảm bảo mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường, đồng thời chia sẻ khó khăn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Một trong những giải pháp được thủ lĩnh Ngành đưa ra đó là phát triển trường/lớp mầm non ngoài công lập (hiện đã có 30 trường). Đồng thời, tăng quy mô nhóm, lớp tại các trường mầm non gần khu công nghiệp. Mặt khác tập trung nguồn lực thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn…

Với vai trò Chủ tọa, Chủ tịch HĐND tỉnh đã điều hành phiên chất vấn kỹ lưỡng, sâu sắc từng nội dung vấn đề đại biểu nêu. Đồng chí yêu cầu sớm cung cấp sách giáo khoa đến giáo viên và học sinh đáp ứng nhu cầu dạy và học; đồng thời nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ đối với học sinh là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số, hộ sinh sống tại nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với chủ trương phân luồng giáo dục Ngành cần thực hiện theo lộ trình, từng bước một, không gây “sốc” với học sinh và phụ huynh.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sử dụng sách giáo khoa, nghiêm cấm ép buộc, vận động mua sách giáo khoa, đặc biệt là sách tham khảo dưới bất cứ hình thức nào; quan tâm xây dựng tủ sách dùng chung để sớm triển khai tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết

Như vậy, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp đề ra.

Những nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

1. Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022.

2. Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND tỉnh Thái Nguyên.

4. Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh.

5. Nghị quyết về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

6. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

7. Nghị quyết quy định số lượng, mức phụ cấp đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

8. Nghị quyết Quy định mức chi hỗ trợ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

9. Nghị quyết tán thành chủ trương nhập thị trấn Quân Chu và xã Quân Chu để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

10. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Nguyên.

11. Nghị quyết ban hành Quy định nội dung chi và mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng những người không hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước tỉnh Thái Nguyên.

12. Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

13. Nghị quyết quy định mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

14. Nghị quyết về việc đặt tên 23 đường, phố, công trình công cộng mới và điều chỉnh độ dài 09 tuyến đường trên địa bàn TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

15. Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

16. Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

17. Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

18. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

19. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 207/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và thông qua quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

20. Nghị quyết thông qua phương án cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025.

21. Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trụ sở làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm dạy nghề 20-10 Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên.

22. Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng, mở rộng, tôn tạo di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1936, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy