Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
19:50 (GMT +7)

Giáo dục giới tính: sao không thể sớm hơn?

VNTN - Suốt cả tháng qua, các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về những vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát giác, hoặc do người “trong cuộc” tố cáo, khiến các bậc phụ huynh, cộng đồng xã hội hết sức phẫn nộ. Chưa bao giờ vấn nạn này được thẳng thắn nhìn nhận và lên án một cách quyết liệt, với sự vào cuộc từ nhiều thành phần xã hội như lúc này.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, trong 5 năm (2012 - 2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục là 5.300. Trong năm 2016 và quý 1/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, gần 30 trẻ dưới 16 tuổi sinh con. Đường dây nóng của Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em trung bình mỗi tháng nhận được 20 vụ liên quan đến vấn nạn trên được người dân phản ánh tới. Năm 2016 số vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em chiếm 64,5% tổng số các cuộc gọi can thiệp tại tổng đài.

Những con số trên khiến nhiều người không khỏi hoảng hốt. Tuy nhiên đó chỉ mới là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân vì bị dọa dẫm hoặc lý do nào đó đã không được thống kê. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đang quan tâm, bảo vệ trẻ em như thế nào? Đằng sau những vụ xâm hại tình dục trẻ em là những góc khuất gì?...

Có lẽ do văn hóa phương Đông truyền thống, nên các phụ huynh, và cả giáo viên rất ngại ngùng khi nói đến chuyện giáo dục giới tính cho con/ học sinh. Người Việt vẫn quan niệm giáo dục giới tính là nói về bộ phận sinh dục, quan hệ nam nữ nên thường né tránh. Nhưng điều đáng bàn nhất, là thực trạng các bậc cha mẹ tiếp cận kiến thức về vấn đề này còn khá hời hợt. Nhiều người còn chưa hiểu rõ hành vi như thế nào được gọi là xâm hại tình dục; cần phải làm những gì để phòng chống tệ nạn trên…

Ảnh Lê Tú

Giáo dục giới tính là một phần rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục phát triển về nhân cách cho trẻ, bao gồm tâm sinh lý, quan hệ xã hội, những kỹ năng, cách thức để trẻ thích ứng với cuộc sống có nhiều cơ hội lẫn nguy cơ... Nhưng khách quan mà nói, thì việc làm này trong nhà trường hiện nay rất hạn chế. Các giáo viên không được đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực này; thời lượng và nội dung cũng rất ít ỏi, chủ yếu dạy về di truyền học, thụ thai, dậy thì…  nhìn dưới góc độ sinh học mà thôi.

Ở những nước phát triển như Nhật Bản, kiến thức về sinh sản được đưa vào học từ bậc tiểu học. Bộ giáo dục xuất bản sách giáo khoa nói về cơ thể nam giới, nữ giới, các bộ phận sinh sản và kiến thức sinh sản. Mỗi năm trẻ sẽ có từ 1-2 giờ tham dự bài giảng đặc biệt này; các em sẽ học về kinh nguyệt, nguyên tắc khi mang thai, đọc những cuốn sách tranh mô tả sơ lược quá trình "tạo ra em bé" của bố mẹ. Khi lên trung học, sẽ học về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khía cạnh đạo đức. Ngoài ra có môn học bắt buộc “Giáo dục sức khỏe”, dạy các em về giới tính, cách phòng tránh các loại xâm hại, an toàn thực phẩm, sức khỏe thể chất sức khỏe tâm hồn…

Còn ở Mỹ, ngay từ cấp tiểu học đã được thầy cô giới thiệu sơ lược về những bộ phận nhạy cảm và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà. Từ cấp trung học cơ sở, học sinh được tìm hiểu về tình dục, các bệnh truyền nhiễm, việc mang thai… Việc phổ cập giáo dục giới tính khiến các bậc cha mẹ thoải mái khi đối mặt với những thắc mắc, băn khoăn của trẻ ở độ tuổi mới lớn nhiều tò mò.

Được biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đang xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, dự kiến triển khai từ năm 2018. Theo đó nội dung sẽ chú trọng hơn đến giáo dục giới tính, với các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại, sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, kiến thức pháp luật, sinh học ở các cấp học.

Người ta nói nhiều đến việc dạy về các kỹ năng mềm, sự quan tâm từ gia đình, trang bị kiến thức từ nhà trường… Nhưng thiển nghĩ, giáo dục giới tính rất cần sự cởi mở, mạnh dạn chia sẻ. Tại sao chúng ta không “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng là chạy với một lộ trình đúng đắn và khoa học như người Nhật, người Mỹ đã làm?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy