Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:39 (GMT +7)

Giành lại vỉa hè: cuộc “ngắt ngọn” khó thành

VNTN - Mấy tháng trước, tên ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện đậm đặc trên mặt báo. Ông và các cộng sự làm nức lòng người dân cả nước, nhen lên hy vọng đô thị lớn nhất nước này sẽ có bộ mặt văn minh, sạch sẽ.

Sở dĩ người dân cổ súy việc làm của ông Hải, coi ông như “người hùng” của cuộc cách mạng “giải cứu” vỉa hè, là bởi họ đã quá ngán ngẩm và bức bối trước tình trạng diện mạo đô thị ngày càng lem nhem, lộn xộn. Dường như ở đâu có vỉa hè là ở đó có trồng cây, bày quán nước, bán hàng ăn, rửa xe, đặt bếp than tổ ong, nhốt gà nhốt chó… Người đi bộ không có chỗ len chân, đành đi xuống lòng đường chung với xe cộ, nguy cơ bị đâm va, thương tích bất cứ lúc nào. Người dân ủng hộ ông là vì họ hy vọng pháp luật được thực thi nghiêm túc và bền vững.

Nối gót ông Hải, lãnh đạo Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố khác cũng đồng loạt ra quân xuống đường dọn dẹp, giành lại vỉa hè cho đô thị, cho người đi bộ như công năng của nó đã được xác lập trong Luật Giao thông đường bộ bấy lâu nay.

Theo dõi các tỉnh, thành hành động, người dân Thái Nguyên cũng mong ngóng tỉnh nhà vào cuộc. Gì thì có thể giấu được, chứ riêng cái việc chiếm dụng khoảng không công cộng nó bày ra, rõ mồn một. Trước quán ăn, ô tô đỗ tràn hết phần đường dành cho người đi xe đạp, xe máy. Hàng phở, bún, miến đặt thùng nước sôi nghi ngút trên hè tráng bát đũa. Các quán rửa xe phụt nước bẩn vào mặt người đi đường. Ngã tư dừng đèn đỏ có người khuyết tật ngồi dưới đường xin tiền. Các cây cột điện “khoác” kín mít tờ quảng cáo. Khu vực chợ vào giờ cao điểm, mặt đường bị hàng rau hàng gà hàng quả chiếm dụng. Thỉnh thoảng, tiếng còi của đội trật tự rít lên, người ta kéo vội nhích vào phía trong. Đội trật tự đi qua lại đẩy hàng hóa về vị trí cũ. Dưới mặt đất thì thế, ngẩng lên cao thì đủ các loại dây dợ nhằng nhịt, nhiều pa-nô, áp phích rách tơ tướp lâu ngày vẫn giăng giăng…

Thái Nguyên cũng đã có nhiều cuộc ra quân lập lại trật tự đô thị. Loa đài oang oang, báo chí đăng tin, ảnh tuyên truyền, liên ngành phối hợp, học sinh sinh viên vào cuộc. Không ít người bị xử phạt hành chính, có người bị bắt lên công an vì dán, vẽ quảng cáo trái phép lên cột điện, bờ tường… Ông rửa xe vỉa hè nghỉ vài hôm; bà bánh cuốn bảo khách tạm cho xe vào ngõ, có người trông; cậu chủ quán bia hơi dẹp gọn ghế nhựa, kê bàn vào trong nhà. Dần dà, mọi việc yên ắng trở lại, lại rửa xe rào rào, hàng ăn, hàng uống lại nhao ra chiếm vỉa hè và cả lòng đường…

Giờ, người dân không quá để ý đến kết quả của các cuộc “ra quân” nữa. Ngay như ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi vỉa hè bị tái chiếm, ông Đoàn Ngọc Hải và những người có chức trách khác đang cân nhắc giải pháp cho thuê vỉa hè - một cách thỏa hiệp và đầu hàng cái sai. Rõ ràng, việc lấn chiếm vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị là sai, phải dẹp bỏ, xử lý, nhưng sao cuộc giành cái đúng khó thành công đến vậy?

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ thẳng ra: “Hầu hết các quán bia ở Hà Nội đều có một ông công an đứng sau. Thậm chí, các bến bãi trông giữ xe cũng do lãnh đạo phường, quận “bảo kê” vì đó đều là anh em, họ hàng quen thân của các vị đó "thầu". Rồi vấn đề miếng cơm cho người nghèo sống nhờ vỉa hè. Bậc thềm lên xuống cho nhà mặt đường cao hơn vỉa hè do quy hoạch. Những tiếng kêu ca oán thán, giọt nước mắt và cả sự chống đối quyết liệt của người bị ảnh hưởng khiến lực lượng thực thi cái đúng bỗng chùng tay và rồi buông.

Dường như chúng ta đang làm công việc “ngắt ngọn” chứ chưa trị từ gốc vấn đề vi phạm trật tự đô thị. Tìm ra lực lượng “bảo kê”- những ông chủ thực sự của vỉa hè - để trị đến nơi đến chốn; quy hoạch không gian công cộng; thành lập các con phố ẩm thực; quy định khu vực cho người bán hàng rong… Rất nhiều giải pháp các nước đã làm và thành công. Và thiết nghĩ, mọi giải pháp khi đưa ra thực thi phải thật công khai, nghiêm túc, thực sự vì dân. Như thế, chúng ta có thể tin vào kết quả các cuộc ra quân lập lại trật tự đô thị.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy