Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
17:43 (GMT +7)

Giám sát đất đai: Tưởng là “nóng” nhưng….

VNTN - "Tôi suy nghĩ từ sáng đến giờ, tưởng như đây là vấn đề nóng và có nhiều đại biểu tranh luận, ta nhận định đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng tôi thấy đến giờ chưa có đại biểu nào giơ biển, có phải do vấn đề không bức xúc, nhạy cảm như ta đánh giá chăng?".

Băn khoăn này được đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội bày tỏ cuối phiên họp chiều 27/5 của Quốc hội. Đó không phải là một phiên họp bình thường mà là phiên giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động thường chỉ diễn ra một ngày trong cả một kỳ họp và rất được cử tri quan tâm.

Thông lệ, các phiên giám sát tối cao đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước có thể dễ dàng theo dõi.

Chủ đề giám sát lần này: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, có lẽ càng được cử tri mong đợi hơn. Khi mà chỉ trong 4 năm 2014 - 2018 cả nước phát sinh trong 342.710 đơn khiếu nại thì khiếu nại về đất đai chiếm trên 60%. Khi mà Đồng Tâm, Thủ Thiêm... và nhiều nhiều vụ việc nữa từng đốt nóng nghị trường cũng đều liên quan đến đất đai.

Thế nhưng, phiên thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề trên - hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội - tại kỳ họp này đã không được phát thanh, truyền hình trực tiếp, dù phiên trù bị đã có một số vị đại biểu lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình với thay đổi này. Và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích: để bảo đảm sự thận trọng trong việc chuyển tải thông tin đến cử tri và nhân dân về một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Ảnh: đại biểu Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tại phiên thảo luận.          Nguồn: quochoi.vn

Một sự thay đổi đáng chú ý khác là tài liệu phục vụ phiên giám sát (báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát) được phát cho đại biểu Quốc hội có ghi dòng chữ "tài liệu thu hồi". Trung tâm báo chí, nơi phóng viên được quyền khai thác tài liệu cũng chỉ đưa tiêu đề báo cáo, khi click vào tên báo cáo dòng chữ hiện ra cũng là "tài liệu thu hồi". Mà, như nhận xét của đại biểu Dương Trung Quốc sau khi đọc toàn bộ "tài liệu thu hồi này" thì "chả thấy cái gì nhạy cảm cả, còn thấp hơn thực tiễn đời sống nhiều".

Có một điểm mới nữa là sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát, Quốc hội còn xem video clip để minh họa thêm cho báo cáo giám sát. Nhưng phần thảo luận chẳng vì thế mà thêm "lửa".

Khác hẳn các phiên giám sát khác, số đại biểu đăng ký phát biểu không đủ kín thời gian của cả ngày. Khác với nhiều phiên thảo luận khác, gần hết ngày vẫn chưa có tấm biển tranh luận nào phát huy tác dụng.

Không khí "lạnh" của vấn đề tưởng như rất nóng đó khiến đại biểu Nguyễn Thanh Hồng băn khoăn. Và nhận xét của vị đại biểu này sau đó cũng chính là một phần "đáp án". Đó là nhiều vấn đề báo cáo chưa đề cập thoả đáng, chưa chỉ ra được các nguyên nhân.

Báo cáo kết quả giám sát có nêu một số hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực được giám sát. Như, chất lượng các quy hoạch được lập còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có lúc còn tùy tiện, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc chung, gây nên hệ lụy cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và khó khăn cho đời sống Nhân dân. Nguồn thu từ đất chưa bảo đảm tính bền vững, còn tồn tại các dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hồng đặt vấn đề, các chính sách trải thảm đỏ tại các địa phương để thu hút nhà đầu tư thì liệu có dẫn đến tồn tại trong báo cáo này không?

"Tôi biết nhiều địa phương điều chỉnh quy hoạch cấp giấy phép cho nhà đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Ví dụ, việc cấp rừng phòng hộ là sân golf", ông Hồng khẳng định.

Vấn đề nữa được đại biểu Hồng nêu là có phải do sức ép về thu ngân sách nên các địa phương tích cực khai thác nguồn ngân sách từ thu quyền sử dụng đất dẫn đến hạn chế như báo cáo nêu hay không?

Sau phát biểu của đại biểu Hồng và một số ý kiến khác, tấm biển tranh luận duy nhất đã được sử dụng. Nhưng nhìn cả một ngày giám sát với một chuyên đề rất nóng, một số vị đại biểu đã dùng đến chữ "buồn".

“Chúng ta chỉ sợ tạo ra cái nhạy cảm nhưng bản thân đời sống đã nhạy cảm rồi. Đương nhiên, trong nhân dân có nhiều nhận thức khác nhau nên càng đưa thông tin chính xác bao nhiêu, chính thống bao nhiêu thì người dân càng có cơ sở để họ có thể tiếp nhận, chứ để mù mờ càng dẫn đến sự mù mờ trong dân thì càng không có lợi", đại biểu Dương Trung Quốc khái quát về một phiên giám sát "đóng" với cử tri của Quốc hội.

Trúc Bạch

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy