Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:30 (GMT +7)

Giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định: “Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019”. Đến nay, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng nâng lên.

Người có uy tín ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để mở rộng đường trục chính của xóm từ 3m lên 6m
Người có uy tín ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ tích cực tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để mở rộng đường trục chính của xóm từ 3m lên 6m

Thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

“Muốn hiểu được cuộc sống đồng bào dân tộc thì chỉ có cách tìm đến gặp trực tiếp nghe họ chia sẻ thôi”. Nói chuyện qua điện thoại một hồi lâu, tôi cũng đặt được lịch hẹn với anh Ma Hành Du, trưởng xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Từ cuộc hẹn của anh Du thôi thúc chúng tôi ngược núi lên với Lũng Cà. So với chục năm về trước, đường vào xóm đã thuận lợi rất nhiều khi được tỉnh quan tâm đầu tư đổ bê tông toàn bộ theo Đề án 2037, xe máy có thể chạy bon bon dù phải về số thấp do độ dốc lớn.

Căn nhà sàn của gia đình anh Du ở giữa xóm, xung quanh là rất nhiều cây ăn quả và bạt ngàn màu xanh của ngô lai đang chuẩn bị trổ cờ. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xóm, anh Du tự hào giới thiệu: Lũng Cà hiện có 43 hộ theo sổ sách. Trong tổng số này, trên 80% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là người Tày và Dao. Dù còn khó khăn nhất định nhưng nhìn chung điều kiện sống của bà con đã được cải thiện nhiều, rõ nhất là đường sá đi lại thuận lợi, nhà văn hóa xây dựng khang trang. Phần lớn các hộ đã làm được nhà ở chắc chắn, biết đầu tư trồng ngô lai, trồng cỏ để chăn bò và nuôi thêm lợn, gà.

Tác giả (bên trái) trao đổi với anh Ma Hành Du, trưởng xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, Võ Nhai
Tác giả (bên trái) trao đổi với anh Ma Hành Du, trưởng xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, Võ Nhai

Cùng trưởng xóm Ma Hành Du đến thăm các hộ dân ở xóm Lũng Cà, từ khu Piêng Luông, Nặm Lù, Lọ Muồi, Co Cam, Bo Cái tới Mu Màn, ở đâu chúng tôi cũng thấy bà con trò chuyện với anh bằng sự trìu mến và cởi mở. Sự tin tưởng của người dân chính là động lực để anh tiếp tục cố gắng.

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất vùng cao khó khăn, anh Du giống như đóa hoa tỏa hương, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự đổi thay của quê hương mình.

Cũng như xã Thượng Nung, nhiều xã của huyện Võ Nhai giờ đây đang từng ngày thay da đổi thịt. Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên với 15 đơn vị hành chính gồm 14 xã và 1 thị trấn với 9 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Trong những năm qua, huyện Võ Nhai luôn quan tâm đến công tác dân tộc, đặc biệt là việc triển khai thực hiện tốt các chính sách liên quan đến đồng bào DTTS. Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có điện lưới quốc gia; 100% đường đến trung tâm các xã, thị trấn được cứng hóa; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 97%, 152/153 xóm có nhà văn hóa, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 83,3% trường học đạt chuẩn quốc gia. Số hộ nghèo đa chiều là người DTTS còn trên 1.900 hộ, chiếm tỉ lệ 14,9%.

Anh Hoàng Văn Páo xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chăm sóc cặp bò của gia đình. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách hỗ trợ thiết thực cho DTTS nên gia đình anh và nhiều gia đình khác trong xóm hiện đang chú trọng chăn nuôi bò và lợn gà để thoát nghèo bền vững
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách hỗ trợ thiết thực cho DTTS nên gia đình anh Hoàng Văn Páo (xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, Võ Nhai) và nhiều hộ khác trong xóm tập trung chăn nuôi bò và lợn, gà để thoát nghèo bền vững

Cùng với Võ Nhai, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Định Hóa luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiểu theo chuẩn mới. Qua đó luôn giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Xác định tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, trong 5 năm qua huyện Định Hóa đã huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ xây mới 70 công trình thủy lợi; đầu tư 100 km đường liên xã, liên xóm. Sửa chữa nâng cấp 44 trạm biến áp, xây mới hơn 160 nhà văn hóa cấp xã, xóm, hơn 1.000 ngôi nhà mới được hỗ trợ xây mới đảm bảo tiêu chuẩn… cùng nhiều công trình ý nghĩa khác.

Giảm nghèo bền vững nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân tộc của huyện Định Hóa nhiệm kỳ qua. Hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay chính trên quê hương. Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như: công tác đào tạo nghề, giới thiệu thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập... đã được giải quyết kịp thời, đúng quy định.

Với việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả các chương trình dự án, chính sách, sau 1 nhiệm kỳ thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc miền núi, huyện Định Hóa đã đạt được những thành tựu khả quan. Diện mạo nông thôn miền núi có sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, an ninh chính trị ổn định, nhân dân các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, 22/22 xã của huyện Định Hóa đã đạt chuẩn xã NTM, trong đó 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Chợ Chu đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện Định Hóa đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngày 29/7/2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Hóa vui mừng phấn khởi khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 719/QĐ-TTg công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.  

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển những cây chủ lực như cây quế, cây chè, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng, gương mẫu đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện theo đúng quy định các pháp luật. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho bà con trong thực hiện chính sách dân tộc để đảm bảo đời sống cho người dân.

Rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi

Tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 3.500 km² với 9 đơn vị hành chính (6 huyện, 3 thành phố), trong đó có 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, dân số hơn 1,3 triệu người; tỷ lệ DTTS chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, tạo động lực, khơi dậy khát vọng xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc của người dân.

Các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình điện lực, thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,... Toàn tỉnh hiện có 90/98 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (91,8%); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,8% xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 96,18%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS hằng năm giảm trên 2,7%/năm.  

Múa Tắc Xình được cộng đồng người dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương gìn giữ từ đời này qua đời khác trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc
Múa Tắc Xình được cộng đồng người dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương gìn giữ từ đời này qua đời khác trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc

Toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã đặc biệt khó khăn từ 15 xã đã giảm xuống còn 8 xã, dự báo đến hết năm 2024 sẽ giảm còn 6 xã đặc biệt khó khăn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao). Trong đó, có 119 sản phẩm sản phẩm OCOP của 66 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên thuộc vùng DTTS và miền núi.

Việc đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi được quan tâm. Hiện nay, 6/6 trường nội trú đều bảo đảm đủ các điều kiện cho việc ăn ở và học tập trong các nhà trường. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh người DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục duy trì mức 8,03% (2.392/29.776 học sinh DTTS), đảm bảo theo chỉ tiêu chủ yếu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ trò chuyện với nhau trong giờ giải lao
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ trò chuyện với nhau trong giờ giải lao

Hiện nay, toàn tỉnh có 820 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những đóng góp về công sức, trí tuệ của người có uy tín không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS, mà còn củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Họ thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,…

Các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, giai đoạn 2019 - 2024 được khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc huyện Phú Bình lần thứ IV, năm 2024
Các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, giai đoạn 2019 - 2024 được khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc huyện Phú Bình lần thứ IV, năm 2024

Từ những kết quả trên cho thấy, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc. Các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương đã chủ động tích cực tham gia phối hợp có hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, thay đổi diện mạo bản làng, đồng thời khơi dậy ý thức tự lực, tự chủ của đồng bào, là “chìa khóa” giúp bà con chuyển mình trong đời sống hiện đại, rút ngắn dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi…

Khi hoàn thiện bài viết này cũng là lúc tôi nhận được điện thoại của anh Ma Hành Du, trưởng xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Anh khoe với chúng tôi, người dân trong xóm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ do cơn bão số 3 vừa rồi do đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong phòng chống thiên tai. Trước khi bão về, anh và một số người dân đã đi một vòng quanh xóm kiểm tra, trực tiếp nhắc nhở các hộ dân gia cố lại nhà cửa, ruộng vườn, lường trước mọi hiểm nguy có thể xảy ra. Nhờ vậy, sau bão, những ruộng lúa nương ngô của bà con vẫn lên xanh tốt. Anh Du cười bảo: Mấy ruộng ngô hôm nhà báo lên tác nghiệp nay được thu hoạch rồi, mời nhà báo lên thưởng thức ngô nếp luộc cùng bà con vùng cao nhé.

Nghe lời mời cùng tiếng cười giòn tan của anh Du trong điện thoại mà chúng tôi vui lây, lại muốn vượt núi, băng rừng lên với bà con ngay. Cuộc sống của đồng bào dân tộc ngày một đổi thay và điều quan trọng dù thế nào họ vẫn luôn giữ cho mình sự mộc mạc, thân thiện, mạnh mẽ như những cây rừng vững chãi trong mưa bão.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy