Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
06:53 (GMT +7)

Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri: Cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

VNTN - Số ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết còn ít; một số nội dung trả lời chưa sát với thực tiễn; có nội dung trả lời chưa rõ, chưa trọng tâm, mang tính liệt kê; một số chưa xác định rõ lộ trình, phương hướng, thời gian giải quyết… là những tồn tại, hạn chế được Thường trực HĐND tỉnh đưa ra trong báo cáo kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri tại kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII được tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn trách nhiệm công vụ của người đứng đầu mỗi sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Trong đời sống xã hội, việc nảy sinh mâu thuẫn, bất cập từ cơ chế chính sách hay từ cách xử lý, giải quyết vấn đề của một cấp ngành, cơ quan chức năng nào đó… khiến cử tri phản ánh, kiến nghị là điều tất yếu, thường thấy trong bất cứ xã hội và thời kỳ nào, nhất là trong giai đoạn hội nhập như hiện nay. Cũng chính vì thế, việc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND các cấp hay Đoàn Đại biểu Quốc hội, để lắng nghe ý kiến, kiến nghị cũng như giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm luôn được thường xuyên thực hiện. Tuy nhiên, có một thực tế mà từ nhiều năm qua vẫn tồn tại đó là chất lượng giải quyết các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, dù cũng đã có những chuyển biến nhất định.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 8-12-2018 của HĐND tỉnh, có tổng số 144 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Các nội dung ý kiến, kiến nghị tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, cán bộ cơ sở; đầu tư, nâng cao chất lượng điện; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông; việc nâng cấp, trùng tu các di tích lịch sử; nâng cấp hệ thống hồ, đập, kênh mương và một số nội dung khác.

Mặc dù đã kiến nghị nhiều năm, nhưng đến nay, việc xử lý đối với Dự án nâng cấp đường Phố Hương và đường Lưu Nhân Chú, phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên vẫn dậm chân tại chỗ, gây bức xúc trong cử tri và người dân.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Cụ thể, đã có 19 ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết xong, dứt điểm; 31 ý kiến, kiến nghị đã được giải trình, thông tin; còn lại 94 ý kiến, kiến nghị đang trong quá trình giải quyết (chiếm tỷ lệ 65,2%). Các nội dung giải quyết đã phần nào tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, được cử tri trong tỉnh đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể là việc chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm; nhiều vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm; có những vấn đề được UBND tỉnh xác định đã giải quyết xong hoặc nằm trong nhóm nội dung giải trình, thông tin với cử tri, nhưng thông qua việc giám sát, khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị xác định lại đó là nội dung đang giải quyết.

Dẫn chứng về nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh đã thẳng thắn nêu ra trong báo cáo một số trường hợp cụ thể, đó là: Việc đầu tư xây dựng bể ngăn rác thải từ kênh đào hồ Núi Cốc chảy vào hệ thống cống ngầm thuộc Khu công nghiệp Yên Bình tại khu vực tổ dân phố Đồng Tâm, phường Bãi Bông, thị xã Phổ Yên; việc khai thác cát sỏi gây sạt lở hai bên bờ sông của Công ty An Phú; việc hoàn thiện tuyến đường vào Khu di tích Khau Tý và hoàn trả tiền công, vật liệu xây dựng cho nhân công địa phương; việc Công ty than Khánh Hòa gây ô nhiễm môi trường tại xóm 13, xã Phúc Hà…

Theo ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên, cũng là đại biểu HĐND tỉnh, thì UBND tỉnh và các sở, ngành cần quan tâm hơn đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong số 2/3 ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, có những ý kiến đã kiến nghị UBND tỉnh nhiều lần. Điển hình là việc thu hồi các dự án ngoài ngân sách cho dù đã có quyết định thu hồi, khiến hiệu quả sử dụng đất bị hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, để giải quyết tốt nội dung này theo quy định của pháp luật, tôi cho rằng, các ngành của tỉnh cần phối hợp tốt với các địa phương để tập trung, làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh. Vì thời gian qua sự phối hợp của các ngành chưa được thực hiện thường xuyên.

Đồng tình với những hạn chế, bất cập mà Thường trực HĐND tỉnh đưa ra, nhiều cử tri phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên dẫn chứng: Dự án nâng cấp đường Phố Hương và đường Lưu Nhân Chú nằm trên địa bàn phường Trung Thành được khởi công từ năm 2010 và theo dự kiến ban đầu đã phải hoàn thành từ năm 2011, sau đó được gia hạn đến tháng 6-2013. Vậy nhưng, đến nay, Dự án vẫn dang dở, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và quá trình tham gia giao thông của người dân, nhất là các hộ dân sống dọc hai bên đường. Bao năm qua, lần nào tiếp xúc cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, người dân chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề này đến UBND tỉnh. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn không có tiến triển gì. Một sự việc không phải là quá to tát mà bao năm qua vẫn không được giải quyết, đâu là nguyên nhân và trách nhiệm này thuộc về ai? Tương tự ở một số nội dung khác, chúng tôi cũng nhận được những phản ứng khá bức xúc của người dân.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên? Ông Nguyễn Khắc Lâm khẳng định, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các ban, ngành, cơ quan trung ương. Vì thế, UBND tỉnh chỉ có thể tiếp thu, giải trình và tiếp tục có kiến nghị với cấp trên để giải quyết. Ngoài ra, phần lớn nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều ý kiến đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn nên cần có lộ trình, thời gian thì mới có thể giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân đó, thì cũng phải thẳng thắn chỉ ra đó là công tác tham mưu văn bản phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, địa phương và việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn chậm; có việc UBND tỉnh chưa quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra; trong khi đó, người đứng đầu một số sở, ngành, UBND cấp huyện cũng chưa thực sự quan tâm…

Trước thực trạng này, Thường trực HĐND đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh. Trong đó, đáng chú đó là chỉ đạo thực hiện tốt quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND cấp huyện trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri; chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhóm ý kiến, kiến nghị đang giải quyết, nhất là đối với những vụ việc cử tri kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết; việc xem xét, giải quyết trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri cần trọng tâm vào nội dung kiến nghị, rõ lộ trình, đúng thẩm quyền và sát với tình hình thực tiễn triển khai.

Đối với nhóm kiến nghị liên quan đến nguồn lực đầu tư lớn mà trong giai đoạn 2016-2020 chưa cân đối được nguồn lực, UBND cần xác định lộ trình, thứ tự ưu tiên, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tiếp theo để báo cáo HĐND tỉnh…

Về phía Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cùng với đó là tăng cường tổ chức các phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp đối với những vấn đề được cử tri và xã hội quan tâm…

Còn theo ý kiến của nhiều cử tri thì bên cạnh các giải pháp nêu trên, để việc giải quyết các kiến nghị của người dân được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời cần nêu cao vai trò và chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Việc phân công, giao việc phải đi đôi với kiểm tra, giám sát. Cần đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc một cách cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung, hình thức. Cùng với đó, mỗi cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cần thiết phải nâng cao hơn nữa sự tự trọng trong công việc, cũng như có ý thức tôn trọng sự phân công, phân việc của cấp trên; hình thành văn hóa từ chức nếu không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ… Có như vậy, kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri mới hy vọng đạt được kỳ vọng của người dân cũng như yêu cầu đòi hỏi của thực tế.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy