Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:33 (GMT +7)

Giải quyết kiến nghị của cử tri: Cần nhiều hơn sự quyết liệt của chính quyền

VNTN - Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri lâu nay luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của xã hội, bởi đó đều là những vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người dân. Thông qua đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước. Hoạt động này trên địa bàn tỉnh những năm qua được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì vẫn còn nhiều điều đáng nói. Ghi nhận của chúng tôi qua việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh và Nghị quyết số 70/NQ-HĐND (NQ70) ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh.


Có 162 ý kiến, kiến nghị gửi đến kỳ họp 10 và theo NQ70. Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, nhìn chung, việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh thực hiện theo quy định; nhiều nội dung trả lời đầy đủ, ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, có phương án, lộ trình, xác định cụ thể thời gian giải quyết; UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi, điều chỉnh đối với một số dự án chậm tiến độ, trước một số kiến nghị của người dân; việc phối hợp của các cơ quan chuyên môn của tỉnh với cấp huyện đã thực hiện chặt chẽ hơn. Được biết, sau khi tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nâng cao trách nhiệm, tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị này, đồng thời thực hiện thông tin các nội dung trả lời tới các địa phương nơi cử tri có ý kiến, kiến nghị… Với 162 ý kiến, kiến nghị, UBND tỉnh đã xem xét, phân loại thành 168 nội dung. Trong đó có 39 nội dung đã được giải trình, thông tin đến cử tri; 24 nội dung đã giải quyết xong; còn lại 105 nội dung đang trong quá trình giải quyết.

Việc chưa triển khai giai đoạn 2 Dự án đường Thanh niên xung phong, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những vấn đề được cử tri kiến nghị tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát thực tế và tiếp xúc với cử tri, Thường trực HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong công tác này. Đó là vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị trả lời chưa đầy đủ, chưa đúng trọng tâm vấn đề, chưa xác định rõ lộ trình, tiến độ, thời gian giải quyết; việc phân loại kết quả giải quyết đối với một số ý kiến, kiến nghị chưa sát với tiêu chí phân loại theo quy định; số ý kiến, kiến nghị giải quyết xong còn thấp… Nhiều kiến nghị của cử tri phản ánh nhiều lần nhưng chậm được giải quyết hoặc giải quyết không triệt để. Điển hình như tình trạng gây ô nhiễm môi trường suối Thác Lạc (xã Cây Thị, xã Nam Hòa, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ) do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị, thuộc Công ty cổ phần Kim Sơn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra nhưng đơn vị này vẫn chưa thực hiện các nội dung theo kết luận. Hay như đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp Sông Công I cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân trong khu vực, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã có 4 văn bản chỉ đạo nhưng việc điều chỉnh này vẫn chưa được thực hiện.

Theo ông Nguyễn Đức Giang, Bí thư Đảng ủy phường Bách Quang, T.P Sông Công: Có khoảng 240 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng 20 năm nay bởi quy hoạch treo của Khu B Khu Công nghiệp Sông Công I. Điều này khiến người dân không thể xây dựng nhà cửa, cũng không thể chia tách đất đai. Còn chính quyền thì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Khánh, tổ 6, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) thì chia sẻ: Mặc dù công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cấp, ngành ngày càng quan tâm, song so với yêu cầu thực tế vẫn chưa được đáp ứng. Vẫn còn những kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, để kéo dài. Đơn cử như tại tổ dân phố tôi đang ở, một số dự án triển khai chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND các cấp, chúng tôi nhiều lần đề đạt nguyện vọng này nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến nội dung này.

Ngoài ra, qua thực tế khảo sát còn cho thấy, một số nội dung báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa sát với kết quả giải quyết trên thực tế. Cụ thể, trong khi theo văn bản trả lời của UBND tỉnh, vấn đề mà cử tri kiến nghị đã triển khai hoặc đã xong, nhưng trên thực tế, vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết. Đơn cử như việc cử tri xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên), cử tri xã Thượng Đình (Phú Bình)… kiến nghị nâng cấp trạm biến áp để việc sử dụng điện của người dân được đảm bảo hơn, trong khi cơ quan chức năng trả lời là đã giải quyết xong nhưng thực tế là chưa giải quyết.

Nói về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, theo bà Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên chức năng quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực. Cùng với đó, nhiều vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương nên UBND tỉnh chỉ có thể tiếp thu, giải trình và kiến nghị lên cấp trên để quan tâm giải quyết. Riêng những ý kiến liên quan đến đầu tư xây dựng, sửa chữa… các công trình, cần nguồn lực để đầu tư nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nguồn vốn. Từ thực tế này, UBND tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra đối với các cơ quan chuyên môn, địa phương trong việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của người dân; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc giải quyết…

Có thể nói, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội thì một trong những vấn đề tất yếu nảy sinh đó là những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách. Âu đó cũng là lẽ thường tình, bởi nói như nhiều người, có thế mới cần đến bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này không được quan tâm, giải quyết sớm và triệt để thì nó được ví như những trái bom nổ chậm, đến một lúc nào đó sẽ bùng ra, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. Do đó, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong việc tham mưu và giải quyết. Cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát của UBND tỉnh cần được tăng cường hơn nữa, tránh tình trạng vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa xong nhưng trong báo cáo đã nêu hoàn thành, gây sự băn khoăn, thắc mắc trong nhân dân, cũng như làm giảm chất lượng báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy