Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
04:18 (GMT +7)

Giải pháp khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, qua chất vấn của đại biểu Thái Nguyên

VNTN- Quốc hội vừa hoàn thành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày với bốn vị Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ngay từ buổi đầu tiên, đạị biểu đoàn Thái Nguyên đã nêu vấn đề được cử tri rất quan tâm liên quan đến chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Quang cảnh phiên chất vấn

Chưa bao giờ quyết liệt như 2 năm qua

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận được khá nhiều chất vấn liên quan đến những vi phạm trong thực hiện bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn: Tình trạng vi phạm pháp luật trong vấn đề lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Bộ trưởng, trong năm 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và yêu cầu truy thu 9,5 tỷ đồng tiền chi sai quy định về bảo hiểm xã hội. Những vi phạm thuộc lĩnh vực này, Bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý như thế nào? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới nhằm hạn chế các tồn tại, vi phạm nêu trên?

Vấn đề thứ hai được đại biểu Lý Văn Huấn nêu, cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu đã chất vấn liên quan đến tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội. Ông Huấn nói Bộ Luật Dân sự đã quy định khởi kiện về chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Bộ luật Hình sự có quy định về vấn đề tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. “Nguyên nhân gì mà theo Bộ trưởng nói từ sáng đến giờ là chưa xử lý được hình sự trường hợp nào, do cơ chế hay do quy định của pháp luật?. Tới đây sửa Luật Bảo hiểm thì Bộ trưởng có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm vấn đề này?”, ông Huấn chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tình trạng đại biểu nêu thời gian vừa qua đã được xử lý một cách quyết liệt. Đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi, mạo danh hồ sơ thời gian vừa qua đều được thanh tra, xử lý về cơ bản, do đó tình trạng này có giảm đi. Riêng thanh tra của Bộ Lao động thời gian vừa qua đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Chưa bao giờ mà 2 năm qua làm quyết liệt thế, ông Dung khẳng định.

Vể giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng đại biểu Huấn nêu, theo Bộ trưởng phải tiến hành đồng bộ 5 giải pháp căn bản.

Thứ nhất là phải tập trung vào tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động vì đây là lợi ích.

“Báo cáo với đại biểu, chỉ cần chậm 1 tháng nộp là lợi ích nó khác, nhất là đối với những doanh nghiệp, những tập đoàn lớn”, ông Dung nhấn mạnh.

Thứ hai là phải tập trung vào sửa đổi các quy phạm pháp luật, kể cả Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định xử phạt, xử lý vi phạm.

Thứ ba là tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thứ tư là phải tập trung rất nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu dân cư.

“Đây là căn cốt, vừa qua bảo hiểm xã hội đã cố gắng rồi nhưng chưa tốt. Tôi cũng xin nói thật chưa đạt yêu cầu so với nhu cầu quản lý nhà nước về mặt bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Giải pháp thứ 5 được Bộ trưởng nêu là phải minh bạch thông tin cho người lao động biết.

“Hiện nay tại sao người lao động không được biết về bảo hiểm này của mình, chậm đóng 1 tháng không được biết, 3 tháng không được biết. Bây giờ phải làm sao để cập nhật thông tin để đến hạn mà người lao động chưa thấy đóng thì kiểm tra ngay. Chiều hôm qua tôi có nói với đồng chí Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội, phải làm được việc đó”, ông Dung nói.

Dùng quyền tranh luận tiếp tục truy trách nhiệm

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lý Văn Huấn nói “Bộ trưởng chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi của tôi”.

Câu hỏi thứ nhất, tôi có nêu vấn đề liên quan đến việc lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tôi nghĩ đây là vi phạm hình sự chứ không phải hành chính. Quan điểm của cá nhân tôi, nếu vấn đề vi phạm hình sự thì Bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý các vụ việc này như thế nào?, ông Huấn nói tiếp.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn

Câu hỏi thứ hai, đại biểu Huấn nỏi rõ là vấn đề liên quan đến trốn đóng bảo hiểm xã hội mà tại sao đến giờ chưa khởi kiện dân sự hoặc chưa xử lý theo Điều 216 Bộ luật Hình sự? Vì trong Bộ luật Hình sự đã quy định vấn đề về tội phạm liên quan đến trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì lý do gì, về cơ chế hay về quy định của pháp luật hay vì do các cơ quan bảo hiểm chưa cương quyết trong vấn đề này? Để giải quyết dứt điểm, thời gian tới Bộ trưởng có chỉ đạo cụ thể liên quan đến lĩnh vực này như thế nào?

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói hiện nay mượn hồ sơ rồi tham gia bảo hiểm cũng đang diễn ra. Đến tháng 4/2023 thì có khoảng 3.700 trường hợp mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xử lý nghiêm .

Ở đây chủ yếu là do trong gia đình người này mượn tên, mượn tuổi, mượn nghề nghiệp của người kia, sau đó tham gia bảo hiểm xã hội – ông Dung giải thích.

Khi phát hiện, ông Dung cho biết, trước đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ yếu sử dụng bằng cách cho 2 người trong gia đình đến Ủy ban nhân dân sau đó là xác nhận, điều chỉnh tên, điều chỉnh tuổi… để hưởng chính sách. Gần đây theo quy định của pháp luật thì việc này phải đưa ra Tòa án quyết định tuyên là hợp đồng này vô hiệu thì khi đó người lao động (cho mượn) mới được hưởng đúng chính sách bảo hiểm của mình.

“Chúng tôi cũng đang cùng với Bảo hiểm xã hội nghiên cứu rất nhanh vấn đề này để xử lý làm sao thấu tình đạt lý, làm sao để người lao động đóng bảo hiểm thật, hưởng thật”, ông Dung thông tin.

Về nguyên nhân chưa xử lý được tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, ông Dung bày tỏ “Chúng tôi nhức nhối chuyện này lắm”.

Bộ trưởng nói tiếp “cách đây hơn một tháng làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng nêu 84 trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Thành phố giúp chúng tôi vấn đề này, cho đến giờ này chúng ta chưa xử lý được một trường hợp nào theo Luật Hình sự. Luật Hình sự quy định rồi, Luật Bảo hiểm rõ rồi, thậm chí Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành Nghị quyết 05 rồi nhưng hiện nay chưa xử lý được. Do chưa có sự thống nhất về nội hàm, giữa trốn đóng với chậm đóng không phân biệt được. Chưa rõ nội hàm thì chưa thể khởi tố, không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố”.

Bộ trưởng cũng cho biết đã trao đổi với các cơ quan chức năng ngành công an nhưng “các đồng chí nói là không có cơ sở vững chắc, không thể khởi tố được”.

Hứa là sẽ tiếp tục bàn với cơ quan chức năng, song Bộ trưởng phân trần rằng “Đôn đốc mãi rồi, việc xử lý này thuộc các cơ quan chức năng, chúng tôi có trách nhiệm đôn đốc nhưng các đồng chí nói là không có cơ sở vững chắc; không có căn cứ vững chắc, chúng tôi không thể khởi tố được. Xin báo cáo đầy đủ, khách quan và trung thực với Quốc hội như vậy”.

Liên quan đến nội dung này, trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. “Chúng ta có cơ sở để xử lý việc này, chứ không phải chờ việc bổ sung thêm hay là hoàn thiện theo quy định nào” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đã có 99 vị đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Thúc đẩy, khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết

Trong phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn ý kiến của Nhân dân, của cử tri và của các đại biểu trong các phiên thảo luận tổ và hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm, thúc đẩy hoặc khởi động, giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Nhân dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày mùng 1 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất và hiệu quả.

Bộ Xây dựng đã rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06/2022 đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm cơ sở khoa học và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình và thực tiễn của Việt Nam.

Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực tiếp làm việc, hướng dẫn tại các địa phương có tập trung nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm 2023, là tiền đề để có thể giảm lãi suất cả về huy động và cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, đã cho phép đấu nối lưới điện quốc gia đối với một số dự án cụ thể.

Bộ Giao thông vận tải trong ngày mùng 3/6 đã quyết định cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe, theo đó khoảng 2 triệu ô tô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải được tự động lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng…

 Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục lên nghị trường

Sau các phiên chất vấn, ngày 9/6 Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án này.

Chính phủ cho biết đã có 12.107.457 lượt ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo luật trong đó: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1.227.238 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.064.464 lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với 1.035.394 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 1.008.494 lượt ý kiến và các nội dung khác.

Sau khi thảo luận ở tổ, cả ngày 21/6 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy