Giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo Bắc Giang trong thời gian qua
Bắc Giang là một tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc, có kho tàng nghệ thuật truyền thống rất phong phú ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Vùng xuôi có hát Quan họ, hát Chầu Văn, Chèo, ở vùng cao có các loại hình hát dân ca các dân tộc thiểu số như Soong Hao, hát Then...
Trong số đó, Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ ở nhiều tỉnh khu vực Việt Bắc. Từ năm 2023, nghệ thuật Chèo Việt Nam được đưa vào chương trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, Bắc Giang có một Nhà hát Chèo với hơn 50 nghệ sĩ diễn viên, nhạc công; có 18 Câu lạc bộ hát Chèo ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, (từ năm 2013 đến nay) là giai đoạn Bắc Giang tập trung bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống. Theo thống kê báo cáo của Nhà hát Chèo Bắc Giang đã tổ chức được 1.091 buổi biểu diễn nghệ thuật Chèo, trong đó:
+ 837 đêm biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ miễn phí cán bộ và nhân dân các huyện, xã miền núi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh;
+ 254 đêm biểu diễn doanh thu;
+ Ước tính phục vụ được khoảng 545.500 lượt người xem.
- Dựng mới 15 vở diễn mới như: Bà ba Cẩn; Hận tình sơn nữ; Hậu Lưu Bình - Dương Lễ, hay Ơn trả nghĩa đền; Tấm lòng vàng; Thị Hến; Gọi đò; Người con gái Kinh Bắc; Đệ nhất thần y; Hoàng thúc Lý Long Tường; Trinh Nguyên; Hai giọt nước; Bến đợi; Đại phá thành Xương Giang; Tất cả đều nhầm.
- Dựng phục hồi 06 vở diễn: Hai mươi năm oan trái; Chiếc bóng oan khiên; Quan âm Thị Kính; Chuyện tình hoàng tử và sơn nữ; Lời ru hai người mẹ; Danh chiếm bảng vàng.
- Dựng 12 trích đoạn: Thị Mầu lên chùa, Lý trưởng - mẹ Đốp; Nô - Mầu - Phú ông (trong vở Quan Âm Thị Kính); Tuần Ty - Đào Huế (trong vở Chu Mãi Thần); Huyện tể Cu Sứt (trong vở Kim Nham); Xúy Vân, Phù thủy sợ ma (trong vở Xúy Vân); Thầy đồ dạy học (trong vở Trinh Nguyên); Nàng dâu hiếu thảo (trong vở Trương Viên); Chôn Hề, Xử án Quan huyện Tri Châu (trong bộ 3 Bài ca giữ nước); Bà Ba Cẩn (trong vở Bà Ba Cẩn).
- Dàn dựng 09 vở Chèo ngắn: Bão giữa nhà ông; Chuyện một tin buồn; Chuyện tình người lính trẻ; Người ngựa ngựa người; Đôi lứa xứng đôi; Giầu giả nghèo thật; Cuộc họp cuối năm, Quýt dày tay nhọn, Tất cả đều nhầm.
- Dựng các chương trình ca múa nhạc dân gian: Về miền yêu thương; Đảng đã cho ta mùa xuân; Ngày Tết Độc lập, Bắc Giang mảnh đất ân tình; Bắc Giang mùa xuân về; Giai điệu quê hương; Bắc Giang - Việt Nam quê hương tôi; Miền yêu thương…
- Tổ chức ghi hình vở Chèo cổ “Trương Viên” và một số trích đoạn: Thầy đồ dạy học, Súy Vân, Phù thủy sợ ma, Thị Mầu, Nữ Kiệt Bắc Giang, Chôn hề;
Có thể nói, hành trình bảo tồn Chèo của Bắc Giang thời gian qua đã rất may mắn được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư để bảo tồn. UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Chèo Bắc Giang mang đậm phong cách của “Chiếng chèo xứ Bắc”- một trong tứ “Chiếng” chèo cổ của Việt Nam (Tứ Chiếng gồm: Đông, Nam, Bắc, Đoài). Trải qua một chặng đường dài, sức sống của Chèo rất mãnh liệt, sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chèo đưa nội dung mới vào phục vụ cách mạng... nên sau này Chèo được chia thành Chèo cổ truyền và Chèo đường truyền, có cụm từ mới là “chèo cải biên”. Đội ngũ nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh như NSND Tạ Quang Lẫm, NSƯT Phạm Quỳnh Mai, Thanh Hường, Anh Tuấn, Thanh Hải và các diễn viên, nhạc công khác trong đoàn nghệ thuật... cùng nhau quyết tâm bảo tồn vốn cổ qua các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật của tỉnh.
Với định hướng đào tạo các nghệ sĩ kế cận theo lối diễn Chèo truyền thống, các nghệ sĩ thế hệ đi trước, già nghề của Nhà hát Chèo Bắc Giang trực tiếp hướng dẫn và truyền vai cho các nghệ sĩ trẻ các lối hát, diễn cổ truyền như tính dí dỏm, trào lộng... được thể hiện ở từng câu, từng đoạn trong mỗi hoàn cảnh, nhân vật cụ thể, hát phải đúng phách nhịp, rõ lời, lời ca âm điệu phải truyền cảm tới khán giả... Nhà hát thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ cho các nghệ sĩ. Mời các nghệ sĩ trung ương, các nghệ nhân nhân dân có uy tín truyền dạy lối trình diễn cổ của sân khấu Chèo. Từ năm 2013 - 2023, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo Bắc Giang có 09 lần tham gia các Kỳ thi, Hội diễn, Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đã đạt được 11 Huy chương Vàng, 22 Huy chương Bạc cá nhân; 01 Huy chương Vàng cho vở diễn “Người con gái Kinh Bắc” và nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân.
Chèo vốn xuất phát từ đời sống nông thôn, có phường chèo. Người nông dân thường đi hát vào dịp nông nhàn, hai mùa xuân thu nhị kỳ cấy cày xong xuôi. Vì vậy, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống từ trong chính cơ sở làng xã là bảo tồn bền vững. Ngành văn hóa đã khuyến khích, đầu tư, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở trong huyện thành lập Câu lạc bộ hát Chèo từ năm 2005. Các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Bắc Giang đã về cơ sở để giúp đỡ phục hồi và xây dựng phong trào hát Chèo từ năm 2005 đến nay.
Để có sân chơi và tạo động lực cho các CLB Chèo ở các huyện, thành phố, từ năm 2021, Bắc Giang đã tổ chức Liên hoan các CLB Chèo, quy tụ được hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công không chuyên thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh. Các phần thi bao gồm hát làn điệu Chèo cổ và các bài hát Chèo sáng tác đặt lời mới trên làn điệu cổ.
Việc phát triển phong trào nghệ thuật truyền thống nghiệp dư đã góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nghề đối với các nghệ sĩ chuyện nghiệp và không chuyên. Thông qua việc tổ chức các cuộc thi, các lớp truyền dạy ở cơ sở phát hiện các nhân tố là các em có tiềm năng, sẽ được khuyến khích dự thi và đào tạo tại trường Trung cấp Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang. Học xong các em sẽ được tuyển vào Nhà hát Chèo để làm việc. Đây là cách để tìm và nuôi dưỡng nguồn nghệ sĩ trẻ kế cận cho Nhà hát Chèo của tỉnh.
Thực tế, hiện nay nghệ thuật Chèo truyền thống thường khó tiếp cận với nhu cầu của người trẻ. Vì vậy, từ năm 2022, Nhà hát Chèo Bắc Giang đã thí điểm đưa một số nghệ sĩ đến truyền dạy cho hơn 60 học sinh của trường THCS Yên Lư (huyện Yên Dũng) và THCS Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) về những làn điệu Chèo, Quan Họ cổ, diễn trích đoạn Chèo “Lý trưởng, mẹ đốp”. Kết quả rất bất ngờ khi các em hào hứng đón nhận, tiếp thu nhanh những lối hát cổ truyền. Đến nay, mỗi năm Nhà hát Chèo Bắc Giang phối hợp với các đơn vị liên quan đưa nghệ thuật truyền thống vào nội dung giáo dục ngoại khóa ở 2 - 3 trường học trên địa bàn tỉnh. Học sinh tiểu học sẽ dừng ở việc biết, chơi cùng Chèo, Quan Họ. Học sinh trung học cơ sở có thể nhận thức sâu hơn thông qua việc tìm hiểu nhạc cụ, nhân vật, các làn điệu.
Những năm gần đây UBND tỉnh luôn có các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để nuôi dưỡng tài năng và sáng tạo các công trình nghệ thuật có giá trị, quan tâm đến nguồn kinh phí dựng vở mới và phục hồi các vở diễn cổ. Mỗi năm, Nhà hát Chèo Bắc Giang chọn một kịch bản Chèo mới để đầu tư tập luyện, đầu tư dàn dựng công phu, để công diễn, tuyên truyền ở trên phương tiện đại chúng… và quảng bá trên các trang mạng xã hội Facebook...
Dù đã có những bước tiến ổn định về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Chèo trong đời sống đương đại của địa phương, trong thực tiễn đời sống đương đại đang có nhiều sự lựa chọn về hưởng thụ nghệ thuật, giải trí. Vì vậy, câu hỏi: Làm thế nào để công chúng tiếp tục hào hứng đón nhận nghệ thuật Chèo trong đời sống hiện đại? Tôi nghĩ đây là những vấn đề đầy thử thách tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như các nghệ sĩ sân khấu truyền thống.
Trong khuôn khổ Hội thảo, tôi xin đưa ra một số ý kiến tham góp từ thực tiễn bảo tồn Chèo của địa phương mình để góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo truyền thống trong đời sống hôm nay:
Thứ nhất, đó là vấn đề kịch bản sân khấu Chèo. Viết kịch bản cho sân khấu kịch nói đã khó, thì viết kịch bản cho sân Chèo lại càng khó hơn vì có thêm cả tiết tấu diễn hát. Và tác giả viết kịch bản cho sân khấu Chèo đang ngày một ít đi, lại đòi hỏi đổi mới tìm tòi đề tài từ hiện thực cuộc sống và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì lại càng khó. Câu chuyện này đã từng được đặt ra trong các trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từ những năm trước đây. Như vậy trước tiên, khâu quan trọng trong sân khấu là kịch bản.
Để loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo tồn trong thời đại hiện nay thì việc nghiên cứu tâm lý công chúng để đưa ra sản phẩm nghệ thuật là điều quan trọng. Công chúng hiện nay hướng tới các loại hình giải trí, mang tính vui vẻ, nhẹ nhàng, tạo ra khí thoải mái để giảm bớt những áp lực khác trong cuộc sống. Như vậy, với loại hình nghệ thuật Chèo, thì những vai tấu hề, trích đoạn vai diễn đặc biệt mang tính chất hài sẽ được công chúng ở nhiều thế hệ đón nhận dễ dàng. Vì vậy nên tăng cường hướng tới viết kịch bản cho các vai diễn tấu hề, vai diễn trong trích đoạn Chèo cổ, Chèo lịch sử để biểu diễn phục vụ thành một show diễn ngắn vào thời điểm cụ thể hằng tuần tại nhà hát Chèo hoặc tại nhà biểu diễn sân khấu nghệ thuật ở điểm văn hóa.
Thứ hai, đó là xây dựng đội ngũ nghệ sĩ trẻ, tài năng. Đây là vấn đề lớn trong mỗi đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống hiện nay. Nhưng mỗi thời đại thì nhu cầu hay là điều kiện để thu hút người tài năng và gắn bó với sân khấu nghệ thuật truyền thống lại càng cao hơn. Việc thu hút những nhân tố tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như biểu diễn Chèo cần có có cơ chế đặc thù và đồng thời đưa ra những yêu cầu về đạo đức để một nghệ sĩ trẻ phát triển toàn diện về tài và đức. Tài năng là yếu tố cần có về năng khiếu, còn đạo đức ở đây cần có để tiếp tục rèn luyện tài năng và đã là người của công chúng thì phải xây dựng được hình ảnh đẹp về cá nhân, tập thể để xứng đáng là người thực hành, đại diện cho giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thứ ba, để giữ gìn và lan tỏa loại hình hát và biểu diễn Chèo sâu rộng ở vùng có truyền thống về Chèo, cần chú trọng và khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy hát Chèo trong cộng đồng; Các ngày lễ hội truyền thống, hoạt động du lịch ở nơi có thế mạnh về hát Chèo cần khuyến khích thể hiện loại hình biểu diễn Chèo ở các dạng hát Chèo, diễn Chèo với những đoạn tích Chèo cổ, tiểu phẩm Chèo mới để quảng bá và lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống Chèo.
Giữa làn sóng đô thị hóa và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các loại hình nghệ thuật sân khấu Chèo, các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và quốc gia đã và đang được các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang nỗ lực thực hiện. Chúng tôi cũng hi vọng rằng với những cơ chế cho phát triển văn hóa văn nghệ trong từng giai đoạn mới công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo trong thời đại hiện nay sẽ phát huy tối đa được giá trị của Chèo trong thị trường văn hóa hiện nay, khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, gắn với hoạt động du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và quảng bá hình ảnh quê hương, con người, di sản văn hóa Bắc Giang nói riêng, góp phần sinh động vào văn hóa khu vực Việt Bắc.
Nguyễn Thị Thu Hà
(Hội VHNT tỉnh Bắc Giang)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...