Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:42 (GMT +7)

Giấc mơ

Truyện ngắn. Trinh Nguyên

VNTN - Trong giấc mơ tuổi lên năm, con ma là cái gì đó rất ghê gớm, rất đáng sợ, rất kinh khủng.

Trong giấc mơ tuổi mười lăm, dượng hiện ra là một con ma sống.

Trong giấc mơ tuổi ba lăm, San cố hình dung một cái kết có hậu cho câu chuyện của dì, mà bất lực. Không có gì để bấu víu, dù mỏng manh như sợi khói hay bé như phân tử, nguyên tử hy vọng. San bất lực cả với việc sắp xếp ký ức của mình. Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

***

Em với tay ra bấu chặt vai mẹ. Mẹ dứt tay Em và dứt khoát bước đi, dì ôm Em đứng lặng. Khoảng không sau lưng mẹ ướt mèm, nước mắt của Em. Khoảng không trước mặt mẹ ướt mèm, nước mắt của mẹ. Cả hai khoảng không ấy ướt mèm trước mắt của dì. Ướt mèm này, có so sánh được với ướt mèm của nhiều năm sau?

Ban ngày thì kệ em lê la được, trên giường hoặc dưới nền nhà, tùy, chơi với Chị và San. Chỉ được một chốc thôi là Em lại khóc, thèm sữa mẹ. Ban đầu còn ư ử, sau thì hét toáng lên. Đến lúc em hét, dì có dở tay việc gì thì cũng phải bỏ đấy, bế em lên rồi đút từng thìa nước cơm pha đường từ cái bát để sẵn trên nóc chạn. Bột thì quấy theo bữa chứ lúc em khát sữa chỉ có nước cơm pha đường để sẵn đó thôi, thế là quý lắm rồi. Dì làm dì, làm mẹ, nhuyễn như đã làm mẹ của ba con rồi. Vài bận, dì nạt:

- Thấy em quấy thì phải gọi dì luôn chứ cứ để em khóc rống lên thế à?

- Lúc ấy dì đang đi gánh nước tận giếng làng, cháu có gọi thì dì có về kịp không?

Dì nguýt dài, ý chừng bảo: “Biết lý sự giỏi rồi, miễn bàn cãi nữa”. Dì hơn San mười tuổi. Năm tuổi và mười lăm tuổi. Năm tuổi vẫn là trẻ con, mười lăm tuổi đã người lớn lắm rồi.

Dì đi làm. Thi thoảng Chị cõng Em sang hàng xóm chơi, San được giao việc trông nhà. San trông nhà còn nóc theo đúng nghĩa đen của câu này, giống như cách trông nhà của dì mười năm trước, khi ông bà ngoại vẫn còn. Trông nhà mà dì chỉ loanh quanh ở sân hay ngoài cổng. Không bao giờ dì dám vào nhà một mình cả. Chính gian giữa là bàn thờ, hình hoa văn rồng phượng trên bát hương khiến dì nổi da gà, nó khiến dì liên tưởng đến ma. Đến bây giờ, dì vẫn bảo San, đứa trẻ nào hư, không nghe lời người lớn sẽ bị con ma bắt đi. Con ma quả thật là rất đáng sợ.

Đấy là chuyện ban ngày, không phải những giấc mơ.

Tối, Em nhất định bám chặt lấy dì. San với Chị ngồi ngủ gật ở hè sau nhà, cách cối giã gạo chừng hơn mét. Thi thoảng hai chị em bạn nhau ra cái cối xay lấy thóc vào cho dì đổi mẻ giã. Chẳng hiểu bác thợ làm cối tính toán kiểu gì mà lại đặt cái cối xay trước nhà, cái cối giã gạo sau nhà, báo hại hai đứa trẻ sợ ma. Dì địu Em, một tay nắm lấy cái dây buộc buông từ mái nhà xuống, chân giã gạo. Nắm vào dây buộc để lấy đà giã gạo, cũng là để dì khỏi ngủ gật mà ngã nhào hai dì cháu. Chốc chốc dì lại quát:

- Đi vào giường mà ngủ, ngồi nuôi muỗi à?

- Bọn cháu đợi dì.

Quát vậy thôi chứ dì cũng mong hai đứa ngồi đó bạn dì. Em thì nhỏ, ngủ biết gì đâu. Chị với San thì dù sao cũng đã mồm ăn, chân chạy, dù lo chưa tới đầu. Ma thấy nhiều người vậy, ắt hẳn sẽ sợ.

Con ma trong những câu chuyện của người lớn ám ảnh mấy dì cháu cả ngày lẫn đêm không dứt. Cái buồng ngủ thì tối, mà đèn dầu thì không có nhiều để thắp. Buồn ngủ thế mà hôm nào cũng đợi dì giã gạo, sàng sảy xong thì bốn dì cháu mới lên giường. Con ma rồng phượng, con ma vô hình cứ thế đi vào giấc ngủ của dì. Những con ma không màu? Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Đấy là câu chuyện ngày và đêm của một tháng bố nằm viện. Em quên hẳn sữa mẹ và bện hơi dì. Trộm mụ, Em bụ bẫm như một đứa trẻ đủ sữa và thường xuyên được bổ sung Pediasure như bọn trẻ bây giờ. Dì trở thành trụ cột tự lúc nào.

Rồi bố cũng ra viện, mẹ về. Cái tai nạn hi hữu ấy cướp đi của bố nửa bàn tay trái. Nhưng nó chẳng cướp đi những cơn say kéo dài, những lời chửi rủa đau độc, những trận đòn bầm dập.

Mọi thứ quay trở lại như đã được lập trình, trừ nửa bàn tay trái của bố.

Ruộng thì nhiều mà không có giống tốt, không có phân gio, không có thuốc trừ sâu nên cấy hơn mẫu mà nhà vẫn chẳng đủ ăn. Cắm mạ xuống xong là bỏ đấy, mẹ lên rừng, rừng cách nhà chừng ba tiếng đi bộ leo núi đá. Rừng gần xóm Khuôn Vạc của người Dao. Khi thì đi mót sắn, mùa hè thì đi lấy măng nứa, mùa đông xuân thì đi lấy măng vầu, gần Tết thì đi cắt lá dong, bán lấy tiền đong gạo. Dì thay mẹ chăm lo mọi việc trong nhà. Bố chỉ ba việc luân phiên nhau lặp lại: say, chửi và đánh. Cứ nghe tiếng nói to to ở đầu ngõ thì dù đang chơi ở đâu, dù con ma rồng phượng trên bát hương có đáng sợ đến thế nào đi chăng nữa, San vẫn bất chấp tất cả mà phi vào trong buồng tối, chui thật sâu vào trong gầm giường. Còn dì sẽ lảng đi đâu đó. Góc buồng là chiếc bồ đựng thóc đan bằng nứa. Lũ mọt trong bồ ấy chắc cũng phải có đến vài tập đoàn, thi thoảng tiếng kẽo kẹt của nó lại khiến San liên tưởng tới con ma. Dù thế, con ma ấy cũng không đáng sợ bằng con ma men của bố. Cả bốn dì cháu cùng chung nỗi sợ những con ma, hữu hình và vô hình.

Căn buồng ấy tối, không màu. Tuổi mười lăm của dì không màu? Tuổi thơ của Chị, San và Em cũng không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

***

San gần như phát buồn nôn khi nhìn thấy dượng lần đầu, trong lễ cưới của dì. Sau mười năm, con ma trong tưởng tượng tuổi lên năm của San hiện lên thành một con ma sống. Đúng là một con ma sống: hai mắt lồi ra, lòng trắng chiếm hơn hai phần ba mỗi con mắt, má lệch hẳn một bên, miệng méo, nước dãi liên tục nhểu ra ngoài mép. Nếu không phải là đã mười lăm tuổi rồi thì San đã khóc thét lên. Ai đó bên đằng nhà trai nhắc:

- San, chào chú rể đi con.

San đứng chết trân khoảng một phút, câm lặng rồi bụm miệng lại, chạy vào buồng tối, San khóc nức nở. Lạ là, dì không khóc, không buồn, không đau, khuôn mặt không biểu cảm.

Con ma - dượng - thằng câm trôi tuồn tuột vào giấc mơ của San. Những giấc mơ không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Cuộc hôn nhân của dì là sự trả nợ.

Mẹ vẫn nghe kể về lời nguyền của ông Tài Thăng, người Dao xóm Khuôn Vạc: “Ai ăn trộm chanh nhà ông, chỉ cần một quả thôi mà bị bắt được thì bị chặt một ngón tay hoặc phải lấy thằng câm làm chồng, nếu không ông sẽ thả thuốc độc cho cả họ nhà người đó chết”. Nhưng cơn khát nước do mải lấy măng cả ngày khiến mẹ không cầm lòng được. Mẹ hái một quả vừa lúc ông Tài Thăng đi tới. Lời nguyền dứt khoát phải thực thi. Người Dao nói là làm. Mẹ không thể bị chặt một ngón tay. Đương nhiên mẹ cũng không thể lấy thằng câm, vì mẹ còn có chồng, có ba đứa con. Mẹ bị giữ lại cho đến khi dì được đưa vào thay thế trong buổi chiều hôm ấy. Đương nhiên là pháp luật năm chín lăm có thể can thiệp cuộc hôn nhân này nhưng nỗi sợ thuốc độc sẽ sát hại cả họ khiến dì chấp nhận tất cả.

Xót em, mẹ ngất đi rồi tỉnh lại mấy lần trong đám cưới dì. Mẹ tự cào cấu, đánh tát, sỉ vả mình: “Tại chị, tại chị nên đời em khổ”. Dì vẫn không một giọt nước mắt rơi.

Dì vào Khuôn Vạc, ở với bố mẹ chồng, ở với dượng câm, ở với rừng. Cái góc xóm Khuôn Vạc ấy xa hẳn trung tâm xóm một giờ đi bộ đường rừng, chỉ có ba nóc nhà ở đó. Hai trong số đó là nhà dì, nhà chú chồng.

Một năm dì ra ba lần, một lần vào ngày giỗ ông ngoại, một lần vào ngày giỗ bà ngoại và một lần vào dịp Tết Nguyên Đán. Từ ngày lấy chồng, không bao giờ dì được ngủ qua đêm ở nhà San.

Với mẹ, chẳng bao giờ dì kể chuyện gia đình hay kêu khổ. Một năm dì ra được có ba ngày ít ỏi, mà mẹ trăm công nghìn việc, thời gian đâu mà tâm sự với dì. Gánh nặng cơm áo gạo tiền và những cơn say, những lời chửi rủa, những trận đòn của bố đã là quá sức với mẹ rồi, dì không muốn đặt gì thêm lên đôi vai gầy ấy nữa.

Nhưng San thì biết hết.

Trong nhà, bố chồng là người quyết định tất cả. Mẹ chồng chỉ việc cun cút nghe theo. Dượng câm bị hất ra khỏi mọi quyết định trong nhà. Câm thì làm được gì, lại còn đần độn nữa. Mẹ chồng làm một cái bóng. Dì làm một cái bóng. Đi lấy măng, đi làm rẫy, đi tra mố,… hai cái bóng bầu bạn nhau trong mọi công việc. Mấy lần dì toan bỏ đi nhưng nỗi ám ảnh cả dòng họ sẽ bị chết bởi thuốc độc khiến dì khựng lại. Mà cả dòng họ thì cũng đâu có nhiều. Nhà ông ngoại có hai anh em trai, mồ côi cha mẹ từ rất sớm, quê tận Hưng Yên. Lớn lên, hai người chia hai ngả, làm dân khai hoang. Ông ngoại lên Việt Bắc. Em trai ngược Tây Bắc. Ông ngoại sinh được có hai người con gái. Ông bà ngoại mất cùng năm dì mười lăm tuổi. Bỏ đi căn nhà tạm bợ, dì về sống với chị gái. Mười năm sau khi về ở chung với gia đình San thì xảy ra việc lời nguyền với quả chanh. Gọi là họ cho to, chứ chỉ có gia đình San thôi. Cái chính là dì thương chị gái và ba đứa cháu, nhất là Em. Bị thả thuốc độc, Em sẽ sùi bọt mép ra, đau đớn, quằn quại rồi chết dần, chỉ nghĩ thôi dì đã thấy rùng mình, đứt từng khúc ruột. Nếu đã là chủ ý, người thả thuốc độc có thể thả bất kỳ lúc nào. Thế nên dì tự nguyện lấy dượng câm.

Cạnh nhà có một cái khe, thực ra là lớn hơn cái khe một chút, nhưng nếu gọi là suối thì nó hơi nhỏ. Rìa khe có một phiến đá to cỡ hơn nửa cái giường, nhô cao, mặt phiến đá bằng phẳng. Dì hay ra đó ngồi, im lặng hoặc tâm sự vui buồn với phiến đá. Tâm sự với San thì chỉ được phần nào thôi, thời gian ít ỏi quá. Chỉ có phiến đá là kiên nhẫn lắng nghe, nâng đỡ dì. Dượng và phiến đá, không bao giờ nói gì cả nhưng đều yêu thương dì vô điều kiện.

Một năm, hai năm,… mười năm thì bố chồng chết. Đêm đám ma bố chồng, chú chồng, dượng và dì thức trọn ba đêm, để cho than vào bát hương, giữ bát hương luôn đỏ. Ba giờ sáng đêm thứ ba, bố chồng được đưa lên rừng chôn.

Bố chồng chết rồi, mẹ chồng bảo:

- Con dâu ra đi.

Ra ở đây là về lại ngoài xóm của San. Cả đời mẹ chồng bị giam hãm. Mẹ chồng quen rồi. Mẹ chồng không có con gái. Mẹ chồng rất yêu dì. Mẹ chồng muốn giải thoát cho dì. Dì cũng nghĩ có lẽ đã đến lúc.

Chú chồng sang, con mắt ti hí, gườm gườm:

- Chị dâu không có quyền. Ma nhà này đã nhận nó. Nó sống làm người nhà này, chết là ma nhà này. Nếu nó mà ra, tôi sẽ thả thuốc độc cho cả họ nhà nó chết.

Dì thôi ý định ra.

Từ ngày bố chồng mất, chú chồng hay sang nhà dì. Con mắt ti hí liếc dì bao bận, dượng nhìn thấy hết. Thế nên dượng chẳng bao giờ để dì đi rừng hay đi rẫy một mình cả. Chỉ một lần sơ hở thôi, dì thành miếng mồi béo bở cho chú chồng. Chiều thu, cạnh vạt rừng, chú chồng đè dì ra ngấu nghiến. Dì kêu gào, vạt rừng ấy xa nhà quá. Dượng băng rừng lao đến khi mọi việc đã xong. Dì rũ rượi không một mảnh vải che thân, bất lực nằm thoi thóp. Bất kể thứ bậc trong gia đình, dượng lao vào chú như một con hổ dữ vừa kịp nhìn thấy con mình bị hại, đôi mắt vằn lên những tia giận dữ. Chú chồng rất khỏe. Được mấy cú đấm đá thì dượng bị hất ra. Chú chồng thản nhiên đi về. Dượng cởi áo, khoác cho dì rồi dìu dì về. Bóng hai người xiêu vẹo trong rừng chiều.

Dì có thai. Được hơn tháng thì dì bị ra huyết, đau bụng quằn quại. Chú chồng với dượng cho dì lên võng, mỗi người một đầu đòn, khiêng ra viện. Chửa ngoại dạ con. Dì bị u nang buồng trứng, để bảo toàn tính mạng, bác sĩ quyết định cắt cả hai buồng trứng. Dì mất khả năng sinh con.

Mười một năm, mười hai năm, …, mười lăm năm.

Mưa. Mưa xối cả chiều. Ngớt mưa chút thì dì ra khỏi hang trú mưa để đi về, vừa lúc chú chồng đi lấy măng về tới đó. Với sức khỏe của một con thú rừng, chú chồng lao vào dì lần nữa. Cũng như lần đầu, khi dượng tới thì mọi thứ đã xong. Dì lao như điên trong cơn mưa đã dày hạt trở lại. Ướt mèm này, có giống ướt mèm năm cũ?

Lũ bắt đầu dồn về. Còn gì để sống? Chết cho hết nợ nần, chết rồi thì chú chồng sẽ không thả thuốc độc cả họ nhà dì nữa. Dì lao xuống dòng khe đang cuồn cuộn chảy. Nhanh hơn dượng, chú chồng lao xuống, giằng co nhau một lúc trong dòng lũ, chú chồng đẩy được dì vào rìa khe cho dượng nắm lấy tay dì vừa hay dòng nước lớn khác ập xuống, xoáy hút, chới với, chú bị kéo văng đi, va vào phiến đá. Chú chồng được đưa lên bờ gần như ngay sau đó nhưng mọi người bảo chú đã tắt thở từ dưới khe, do cú va đập với phiến đá quá mạnh.

Phiến đá, đồng hành với dì, loại đi một nanh vuốt lúc nào cũng đe dọa dì.

Chú chồng cũng chết rồi. Mẹ chồng bảo:

- Con dâu ra đi.

Dượng nhìn dì rồi lấy tay chỉ chỉ, ý bảo ra đi. Dì trầm tư. Không còn gì đe dọa nữa. Dì vào buồng, với lấy cái sung treo trên vách nứa, cho quần áo vào. Nhìn căn buồng lần cuối, tối tăm, ảm đảm, không màu. Mười lăm năm với căn buồng ấy. Mười lăm năm không màu? Hay những mảng màu vỡ vụn?

Chào mẹ chồng xong, dì bước đi. Ngó quanh không thấy dượng đâu, dì ra bờ khe tìm, để chào dượng. Dượng ngồi trên phiến đá, nước mắt ròng ròng. Giá dượng không câm, chắc dượng đã gào khóc như điên dại hoặc hét lên với rừng, cho thỏa nỗi đau. Nỗi đau của một người đang nhìn thấy một phần cơ thể mình đang sắp lìa đi. Nỗi đau của yêu thương tan vỡ, không gì níu nổi nữa...  Nhưng, buồn thay, tạo hóa cướp đi của dượng ngay cả một tiếng kêu than. Dì khựng người, xưa, Em khát sữa, đòi mẹ, khóc hờn, nước mắt cũng không ròng ròng như thế. Dì quày quả trở lại nhà. Mẹ chồng vẫn ngồi ở cửa đảng, không thôi nhìn xa xăm về phía đỉnh Đèo Đất, hỏi:

- Con dâu quên gì à?

Chỉ qua đỉnh Đèo Đất, qua Đèo Bạc, rồi qua đỉnh Lân Mu thôi, trong suy nghĩ của mẹ chồng, sẽ là một cuộc sống khác, với dì. Cuộc sống đẹp. Cuộc sống đa sắc màu. Nếu một màu, cuộc sống đó chỉ màu hồng.

- Không. Con ở với mẹ.

Đỉnh Đèo Đất thấp lắm, trong mắt mẹ chồng là cả một khoảng trời trong xanh bao la.

Dì nhóm hai bếp, một đun nước tắm cho dượng, một đặt nồi cơm. Mãi chẳng thấy dượng về, dì ra khe gọi. Dượng vẫn ngồi bất động trên phiến đá. Nước mắt vẫn ròng ròng. Thấy dì, dượng ôm chầm lấy. Phiến đá là một nền tảng vững chắc. Bóng hai người in trên nền trời. Ráng chiều đỏ như một biển hoa chuối rừng.

***

Mười sáu năm, mười bảy năm, …, hai mươi năm.

Dượng mất. So với những người mắc hội chứng down khác, dượng sống thế là quá thọ rồi.

Dượng cũng chết rồi, mẹ chồng vẫn chỉ một câu:

- Con dâu ra đi.

Không băn khoăn, không lưỡng lự, không do dự, dì trả lời mẹ chồng luôn:

- Con ở với mẹ.

Dì sống với người Dao, ăn ở với người Dao, mặc quần áo của người Dao, nói tiếng của người Dao. Giờ dì đã là một người Dao chính hiệu rồi. Mẹ chồng cũng thân cô thế cô. Dì bỏ đi sao đành. Hai cái bóng, cần nương tựa vào nhau.

Tan tành giấc mơ tuổi ba lăm của San khi cố hình dung một cái kết có hậu cho câu chuyện của dì.

Giờ, với dì, cả với San, hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt in trên mỗi bát hương không còn khiến hai người sợ nữa. Nó chỉ là sự nhắc nhở về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ ngàn đời của cha ông ta, nhắc nhở dì và San, dù bận bịu nơi rừng núi hay bon chen nơi phố thị vẫn nhớ về nhà ít nhất là bốn ngày trong một năm, nhằm ngày giỗ ông bà nội, ông bà ngoại. Hình ảnh bố say rượu cũng không còn khiến hai dì cháu sợ nữa. Giờ nó gợi lên trong hai nguời nỗi thương cảm, sự tủi thân, một chút buồn, pha chút oán hờn và sự xấu hổ, ... Một cảm giác khó gọi tên. Một cảm giác không màu. Hay những mảng màu vỡ vụn?

Trước hôm giỗ ông ngoại, bố rút cây củi đang cháy dở quật vào gáy mẹ. Mẹ ngã ra nền nhà, bố bồi thêm một cú đá vào bụng mẹ. Mẹ được đưa lên viện. Dì ra, lên viện đón mẹ trốn về làm giỗ ông ngoại. Gặp dì, mẹ thở dài buột miệng: “Chẳng thà lấy người thiểu năng trí tuệ và câm”. Sau câu lỡ lời là bốn con mắt hun hút buồn. Mẹ nói thế không phải để an ủi dì. Mẹ nói thế để an ủi chính mình. Dì biết. Dì hiểu. Nhưng so sánh thế nào được chứ? Sao có thể nói măng vầu lên boóng thì đắng hơn núc nác cuối mùa? Mỗi thứ, mỗi loài. Mỗi loài, mỗi vị. Mỗi đời, mỗi đắng cay.

Nói thế chứ, mẹ không có phúc  nhờ chồng, nhưng mẹ được lộc nhờ con. Còn dì, bốn nhăm tuổi rồi, trông vào ai?

***

Mẹ gọi điện, bảo:

- Cuối tuần vợ chồng con cái sắp xếp về nhé. Dì cho em ra chơi.

- Em nào, mẹ?

- Cứ về, khắc biết.

Thì sắp xếp.

Gia đình San vừa bước xuống khỏi xe buýt, đi được mươi bước thì thấy bố đang nằm ghếch đầu lên phiến đá nhỏ cạnh lề đường ngủ. San bước nhanh hơn, đến bên cạnh bố, giục:

- Bố ơi, dậy đi về, con cho các cháu về chơi.

- Các cháu về chơi hả? Ừ. Thế bố về.

San vờ như mải mê dìu bố về nên không nghe thấy câu hỏi của hai con: “Sao ông nội lại ngủ ngoài đường?”. San gặp lại câu hỏi thơ bé của mình, với mẹ. Trả lời thế nào? Sao ư? Buổi tối nào không mây, không mưa thì bầu trời sẽ lấp lánh những vì sao.

***

Bệnh viện ngày đầu tuần tấp nập bệnh nhân. Một người phụ nữ dân tộc Dao, mặc quần áo Dao truyền thống, khoảng gần năm mươi tuổi, ngồi chờ khám. Chếch sang phía bên phải, đối diện là một cô gái trẻ, tóc hoe vàng, đeo khẩu trang kín mít. Cô gái bế con, đứa bé chỉ chừng trên dưới một tháng tuổi, dưới chân là một chiếc làn nhựa đựng quần áo, tã lót và bỉm sữa. Cuộc đối thoại của hai người đang chờ khám rất ngắn ngủi:

- Cô đi khám gì ạ?

- Trước cô bị u nang buồng trứng, phải cắt cả hai buồng trứng. Mười năm rồi. Giờ cô thấy đau nên đi khám lại.

- Thế chồng con cô đâu mà cô đi một mình ạ?

- Chồng cô mất rồi. Cô chưa kịp có con.

- Thế nhà cô ở tận đâu ạ?

- Xóm K, xã V, huyện V.

- Cô bế giúp cháu em bé với ạ, một lát thôi, cháu đi vệ sinh.

Một lát của người mẹ trẻ kéo dài đến quá trưa, sang chiều. Một lát của người mẹ trẻ kéo dài cho đến ngày có một gia đình nhỏ từ thành phố về quê, không nhằm ngày giỗ của ai cả. Một lát của người mẹ trẻ là không giới hạn.

Người phụ nữ Dao loay hoay với bình sữa đã pha sẵn để trong làn nhựa, cho em bé tóp tép bú. Bác sĩ, y tá, người đi khám bệnh, người đưa bệnh nhân đi khám… xúm quanh em bé. “Thật là xinh, đúng là một thiên thần. Thế mà mẹ nó nỡ bỏ nó đi. Nhẫn tâm quá!”. Người phụ nữ Dao được các bác sĩ tư vấn làm các xét nghiệm cho thiên thần và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để nhận thiên thần làm con nuôi.

***

Trong một giấc mơ không có tuổi, San thấy bố ôm mẹ, và khóc, rồi bảo: “Tôi thương mình với các con, nhiều”, còn dượng thì cười, và chắp cho thiên thần của dì đôi cánh, rồi thiên thần bảo dì: “Con yêu mẹ bằng trời” và cứ thế bay cao, cao mãi./.

Ninh Bình,  26/ 9 /2015

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước