Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:32 (GMT +7)

Ghi ở Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 số 1

VNTN- Tính đến chiều ngày 28/11, Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 đã tiếp nhận 198 bệnh nhân mắc COVID-19 và 3 F1. Trong đó, 18 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. 22 bệnh nhân khác do có bệnh nền hoặc thai nghén đã được chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Các bệnh nhân được điều trị khỏi trước khi ra viện.

Mừng vì nhiều F0 có triệu chứng nhẹ

Kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, các bệnh nhân được xác định mắc bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được đưa về điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, diễn biến dịch thay đổi nhanh, cộng với việc cả nước thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, lượng bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và hầu hết các địa phương khác nói chung đều có sự gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong những ngày gần đây.

Để góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị COVID-19 tuyến trung ương và sẵn sàng đáp ứng tình huống ở các cấp độ dịch, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập và đưa Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 đặt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên vào hoạt động chính thức từ 8 giờ sáng ngày 6/11 vừa qua. Bệnh viện hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.

Bệnh viện có quy mô 300 giường bệnh, có nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân Covid mức độ nhẹ không triệu chứng, mức độ vừa và mức độ nặng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Bệnh viện có trách nhiệm chuyển những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch hoặc có biến chứng cần can thiệp đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hoặc bệnh viện khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Lượng bệnh nhân gia tăng nhanh trong mấy ngày gần đây khiến các y, bác sĩ phải “căng mình” làm việc để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh được tốt nhất.

Sau những ngày đầu mới vận hành, lượng bệnh nhân còn ít thì những ngày gần đây, Bệnh viện đã liên tục tiếp nhận số bệnh nhân mắc mới.

Mặc dù vậy, qua công tác điều trị và theo dõi sức khỏe bệnh nhân những ngày qua cho thấy, đa số các bệnh nhân đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh COVID-19 diễn biến bệnh ở thể nhẹ và có thể kiểm soát được.

Điều này phần nào tạo thuận lợi trong công tác điều trị nhưng trước sự biến đổi không những của vi rút trong thời gian qua, Bệnh viện luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với những cấp độ dịch cao hơn, phức tạp hơn có thể xảy ra.

Bệnh viện đã bố trí các khu cách ly để đảm bảo chủ động trong việc tiếp nhận bệnh nhân từ không triệu chứng, đến triệu chứng nhẹ, triệu chứng vừa và triệu chứng nặng hoặc nhiều bệnh nhân cùng nhập viện một thời điểm.

Ghi nhận tại khu vực Bệnh viện cho thấy, Công an tỉnh cũng đã phân công lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại khu vực trong – ngoài Bệnh viện, không để người bệnh COVID-19 tự ý rời bệnh viện khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho biết: Tính đến chiều ngày 28/11, Bệnh viện đã tiếp nhận 198 bệnh nhân mắc COVID-19 và 3 F1. Trong đó, 18 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. 22 bệnh nhân khác do có bệnh nền hoặc thai nghén đã được chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Hiện, Bệnh viện đang điều trị 158 Bệnh nhân F0 và 2 F1.

Và khi số bệnh nhân COVID-19 tăng lên con số 250 người bệnh, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi sẽ phải chuyển toàn bộ những bệnh nhân thông thường sang điều trị ở cơ sở khác.

Lo vì nhiều khó khăn còn hiện hữu

Có tìm hiểu mới thấy được những điều vô cùng khó khăn đối với các y, bác sĩ trong “trận chiến” này bởi đây là dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền trải lòng: Chúng tôi vẫn luôn xác định, khó khăn này là khó khăn chung nên mọi người đều phải cùng nhau gánh vác. Nhưng khi trực tiếp vận hành Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 thì những khó khăn mới phát sinh thực sự rất nhiều.

Bệnh viện có 6 người, gồm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng từng đi tăng cường, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đã cử 2 kíp bác sĩ gồm 6 người (mỗi kíp gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng) đi đào tạo về chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Hiện nay, các y, bác sĩ này chính là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1. Theo quy định, sau khi tham gia điều trị cho các bệnh nhân xong (theo từng đợt), các y, bác sĩ sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp đó sẽ thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày nữa.

Các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ thể dục bằng các môn thể thao phù hợp tại khu điều trị.

Lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế, Bệnh viện không có kinh phí để thuê nơi các ly, cũng là nơi nghỉ ngơi cho các y, bác sĩ sau mỗi đợt điều trị dài ngày cho bệnh nhân. Bởi vậy, các y, bác sĩ chỉ có thể nghỉ lại tại Bệnh viện. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục hồi sức lực của các y, bác sĩ sau thời gian dài làm việc.

Cùng với đó, Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 được thành lập trên cơ sở tận dụng không gian khám và điều trị sẵn có của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh nên các tiêu chí không thể nào đáp ứng một cách bài bản so với các hướng dẫn dành cho một Bệnh viện chuyên điều trị về COVID-19. Bởi vậy nên Bệnh viện đã phải rất nỗ lực, cố gắng để sắp xếp và bố trí các điều kiện trong khả năng có thể nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế cũng như giành điều kiện tốt nhất để chăm sóc người bệnh.

Kinh phí dành cho việc khám và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 chưa được cấp cũng là một khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của Bệnh viện. Bên cạnh đó, các cán bộ, y bác sĩ cũng gặp khó bởi các hướng dẫn từ Bộ Y tế có sự thay đổi liên tục cả trong điều trị lẫn các thủ tục hành chính. Sự thay đổi này là tất yếu để phù hợp với diễn biến đang biến đổi từng ngày của dịch bệnh, nhưng điều đó gây không ít khó khăn cho việc thực hiện của các đơn vị.

Hầu hết các gia đình hiện có người thân điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đều nhờ cán bộ, nhân viên y tế chuyển đồ cho người nhà khi cần thiết tại khu vực cổng Bệnh viện, tránh việc nhiều người ra, vào Bệnh viện trong thời điểm hiện nay.

Đơn cử như thủ tục để thanh quyết toán trong điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm những giấy tờ gì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ bất kỳ văn bản chính thống nào. Những người thực hiện chỉ còn cách đi hỏi các đơn vị có liên quan. Thế nhưng, nhiều khi hỏi cùng một vấn đề mà vẫn nhận về nhiều đáp án khác nhau, vì người được hỏi cũng chỉ có thể trả lời theo ý hiểu của mình từ văn bản hướng dẫn mà thôi. Trong khi đó, nếu thủ tục không được làm đúng, làm đủ sẽ dẫn đến những vướng mắc trong việc thanh quyết toán sau này.

Những thứ chưa có quy định cụ thể đã vậy, ngay cả với một số vấn đề dù đã có quy định cũng chưa hẳn đã dễ dàng. Chẳng hạn như, mặc dù Bộ Y tế đã có quy định về định mức trang thiết bị phòng hộ trong khám và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng trên thực tế định mức ấy không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng thực tế của nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Ngay cả những việc tưởng là phụ như việc xử lý rác thải, khi Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 đi vào vận hành, chi phí bị “đội” lên cũng là điều ít ai lường trước đến.

Để giảm thiểu rác thải thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí và góp phần đảm bảo sức khỏe người bệnh, từ lâu Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đều khuyến khích bệnh nhân sử dụng cặp lồng để đựng các bữa ăn trong ngày.

Thế nhưng, đối với bệnh nhân COVID-19, không thể đưa đồ vật như cặp lồng từ khu vực điều trị ra ngoài lấy cơm nên buộc phải dùng các loại hộp, túi dùng một lần. Từ đó, dẫn tới khối lượng rác thải hàng ngày tại khu điều trị tăng lên đáng kể. Số lượng nhiều, đương nhiên chi phí Bệnh viện phải trả cho đơn vị thu gom cũng tăng lên. Chưa kể, với lượng rác thải từ các khu điều trị, giá thu gom và xử lý lại cao gần gấp 5 lần rác thải thông thường trong Bệnh viện.

Vấn đề xử lý đồ vải như chăn, ga, gối của bệnh nhân cũng đang là vấn đề rất khó khăn của Bệnh viện khi hệ thống máy giặt công nghiệp đã hỏng nên hiện nay hộ lý của bệnh viện nhiều lúc phải giặt tay. Đây là mối nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ rất lớn.

Hệ thống camera giám sát của Bệnh viện đã được trang bị từ năm 2020 nhưng đến nay nhiều mắt cam đã hỏng, nhưng Bệnh viện cũng không có kinh phí để sửa chữa hoặc thay mới.

Là bác sĩ phụ trách nhóm điều trị tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1, bác sĩ Hoàng Thị Thủy Thảo thông tin thêm: Không cần nói thì ai cũng biết nguy cơ có thể lấy nhiễm bệnh trong khu điều trị bệnh nhân cao đến thế nào. Mọi vật, bề mặt tiếp xúc đều có thể là tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, tại khu vực điều trị của chúng tôi hiện nay, do thiếu các máy móc (máy tính, máy in) nên không thể ứng dụng công nghệ triệt để trao trao đổi công việc được. Chúng tôi vẫn phải dùng văn bản giấy rồi truyền tay từ người này đến người kia. Điều đó cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh…

Ngày 28/11, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có 2 văn bản số 3725/QĐ-UBND và 3726/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 2 tại Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên và Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 3 tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên.

Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Y tế điều động nhân lực y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường, hỗ trợ cho Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 số 1 khi cần thiết; chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế và kinh phí hoạt động cho bệnh viện này. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Bệnh viện còn phải thông qua kỳ họp HĐND tỉnh nên chưa cấp được.

Từ ngày 1/11 đến 27/11, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 193 ca bệnh, trong đó: 90 ca cộng đồng và công nhân các công ty (trong đó liên quan đến các công ty trong Khu công nghiệp là 80 ca); 05 ca ghi nhận trong khu cách ly người nhập cảnh; 98 ca tiếp xúc với các ca bệnh hoặc từ vùng dịch trở về đã được cách ly quản lý (trong đó có 22 ca từ tỉnh phía Nam trở về).

Điều đó cho thấy dịch bệnh đang tiếp tục cho chiều hướng phức tạp. Dự báo nguy cơ số lượng người nhiễm bệnh rất có thể sẽ tăng lên nhanh chóng. Và vì thế, những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần được tháo gỡ kịp thời.

Dù không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu, những y bác sĩ của Bệnh viện Lao và phổi tỉnh đang nỗ lực ngày đêm để chăm sóc cho người bệnh. Hơn ai hết, họ là những người mong cho các bệnh nhân sớm được mạnh khỏe, khỏi bệnh đến thế nào. Nhưng theo lẽ thường, họ cũng không tránh khỏi tâm tư, đó là Bệnh viện được giao tự chủ nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn thu không đủ. 2 tháng nay, cán bộ, viên chức của Bệnh viện chỉ được chi trả lương cơ bản (chưa bằng 60%) lương hằng tháng.

Mới đây, Bệnh viện đã được Công ty Cổ phần Nhẫn trao tặng Hệ thống cung cấp oxy y tế. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng tốt khả năng điều trị cho một số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Tuy nhiên, để có thể đi đường dài, những khó khăn kể trên rất cần được sớm tháo gỡ.

Linh Trà

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy