Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:55 (GMT +7)

Gặp người mang duyên nợ với Soọng cô

VNTN - Theo câu hát soọng cô, tôi tìm về Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, miền quê nổi tiếng cả nước bởi câu hát giao duyên của đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Câu hát ấy nương vào ngọn gió, cùng năm tháng thêm đậm đà, son sắt, gắn bó với bao thế hệ người Sán Dìu. Và như máu thịt, hơi thở mỗi người, bởi lời hát mộc mạc, thổ lộ cả nghĩ suy, tâm sự của người tham gia cuộc hát. Chủ tịch UBND xã, anh Trần Gia Cát trải lòng với tôi: Soọng cô, phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên. soọng cô đã có từ lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam - nữ. Lời bài hát được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt do chính đồng bào sáng tạo nên, và được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng miệng hoặc bằng chữ Hán cổ.

Hằng ngày, ông Thông tranh thủ dịch bài hát soọng cô từ bản chữ Hán sang chữ Việt.

Trần Gia Cát người dân tộc Kinh, nhưng anh được sinh ra, lớn lên trong câu hát soọng cô. Vì thế lòng Gia Cát đằm thắm với câu hát giao duyên của người đồng bào Sán Dìu. Nhiều lần đi nghe hát, Gia Cát thấy mê mẩn nhưng lòng nao nao thấy thiếu vắng gì đó bên câu ví. Ngồi trò chuyện với các bậc cao niên bên bàn trà, Gia Cát bảo: Soọng cô sẽ hay hơn khi người hát mang trang phục truyền thống của người dân tộc Sán Dìu… Theo gợi ý của anh, nhiều bà con người Sán Dìu ở Nam Hòa đã sang Bắc Giang, về Vĩnh Phúc hoặc nhờ người thân bên Tuyên Quang, Vĩnh Phúc mua hộ vải bông, nhuộm chàm về may trang phục. Vì thế bây giờ, cánh phụ nữ tham gia các cuộc hát soọng cô đều mang trang phục của người dân tộc Sán Dìu. Mỗi lần như thế, bà con Sán Dìu nhìn nhau bảo, cảm ơn Gia Cát Chủ tịch đã quan tâm và gợi ý để người Sán Dìu sống đúng với bản chất của mình. Còn Gia Cát mỉm cười khiêm tốn: Tôi chỉ có một tí ti duyên nợ với câu hát soọng cô thôi, còn người mang duyên, mắc nợ với câu hát soọng cô phải là bà con đồng bào người Sán Dìu, là ông Trịnh Ngọc Thông, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát soọng cô của xóm Na Quán.

Câu lạc bộ hát soọng cô xóm Na Quán được thành lập từ tháng 9-2012, với 31 thành viên, trong đó có nhiều cặp hát là vợ chồng, như cặp Vượng - Ngọc; Cao - Tám; Thượng - Bẩy; Vinh - Mới. Các “ca sĩ xóm” đều đã lên thiên chức ông, bà. Người trẻ tuổi nhất là chị Lưu Thị Xuân, 56 tuổi; người cao tuổi nhất là bà Nguyệt, 74 tuổi. Ông Thông nói từ tốn: Bản chất của hát soọng cô là hát đối, hát ví, hát giao duyên dành cho những người chưa lập gia đình. Nhưng lớp trẻ bây giờ không biết hát, chỉ có cánh già chúng tôi đi hát, nên phải gọi chệch hát giao duyên thành hát giao lưu. Nhưng dù hát thế nào chăng nữa thì cũng phải dựa trên nền thơ và tiết tấu của lời bài hát cổ để nhả lời. Vì thế câu hát soọng cô không bị mất đi giá trị văn hóa gốc, mà gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Sán Dìu. Lời hát ấy khi trong trẻo như mạch suối đầu nguồn, lúc ấm áp tựa ánh nắng ban mai, cứ vút lên, ngân dài qua 4 mùa lời chưa cạn.

Chợt ông Thông ngồi lặng đi, nín một hơi thật sâu rồi nhả lời:

“Khiu nen cộ leo, sin len lói

Thao va vát leo, ly va hoi

Thao va vát leo, hông sui hị

Thao va vát leo, zịn lóng loi”.

Anh Lý Mịnh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã dịch lại lời hát giúp tôi:

“Năm cũ qua đi, năm mới đến

Hoa đào nở hết, hoa mận nở

Hoa đào nở hết, gió thổi đi

Hoa đào nở hết, 

                     đợi người đến”.

Hát xong, ông Thông giải thích: Đấy là hát về mùa Xuân. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới. Ngày trước, vào ngày Tết, lễ, trai gái các làng thường rủ nhau ra nương núi hoặc bãi đất trống bên suối hát giao duyên. Cuộc hát có khi kéo dài cả tuần không cạn lời.

Chuyện ngày xưa ông Thông đi hát soọng cô làm chị em say như điếu đổ, theo về tận nhà thì trai làng trên, gái làng dưới đều biết. Nhưng để giọng hát hay như tiếng con chim họa mi trong rừng, lời hát sâu sắc mà mát lành như dòng nước dưới con suối, ông Thông đã đi nghe hát soọng cô từ lúc đầu còn để chỏm. Điều kỳ lạ là khi nghe hát, từng câu, từng chữ như có ma lực thấm vào máu thịt, vào nghĩ suy của Thông.

Thấy cháu đắm đuối với câu ví, đối của dân tộc mình, ông cụ thân sinh ra bố của Thông mừng lắm, cho Thông tập những bài hát về các mùa trong năm; vào nhà mới; chúc thọ... Nhờ có trí thông minh hơn người, nên cụ chỉ cần hát qua một lượt là Thông thuộc ngay lời và giai điệu của bài hát. Thấy đứa cháu có thể trở thành một “chân truyền”, sau này là người nối dõi tổ tông, thừa kế sản nghiệp và kế thừa những di sản tinh thần của dòng họ để lại, cụ dắt Thông đến nhà người bạn và nhờ dạy chữ Hán cho cháu.

Sau một năm mài mực, tập chữ, Thông đã đọc được những cuốn sách viết bằng chữ Hán do gia tiên để lại. Đó là những cuốn sách dạy thuật bói toán, cúng bái, giải hạn, vào nhà mới, làm ma; sách truyện cổ tích; sách dạy đạo làm người; sách dạy cách làm ăn. Cuốn sách nào của gia tiên để lại đều quý giá hơn bạc vàng, nhưng quý nhất vẫn là hai cuốn sách chép lại hơn 5.000 bài hát soọng cô. Ông Thông kể: Dòng họ Trịnh nhà tôi lấy vợ, lấy chồng đều khởi lời từ các bài hát trong hai cuốn sách chép các bài hát soọng cô bằng chữ Hán. Cứ người bậc trên mang sách ra học, đi hát lấy được vợ, được chồng thì giao lại cho bậc dưới. Lý do hai cuốn sách chép bài hát soọng cô bằng chữ Hán ở lại với tôi, vì tôi là người ăn thừa tự của cha mẹ, dòng họ.

Các thành viên Câu lạc bộ hát soọng cô của xóm Na Quán hát đối ví.

Cuộc sống trôi nhanh như dòng nước dưới con suối rìa làng. Nhưng những phút lắng lòng, nghe tiếng gió hú đuổi nhau trong khe núi, vờn vã trên tán cây, ông Thông nhớ lại ngày ông đến các bản làng có người Sán Dìu để hát soọng cô tìm vợ. Rồi một lần về Bàn Đạt (Phú Bình), ông hát liền 50 bài trong một đêm. Lời hát như giọt mật của con ong rừng, khiến cô bé Lục Thị Mói đắm chìm vào giấc mơ hạnh phúc. Để ngay năm ấy (1963), hai người vừa độ thì 18 đã nên duyên chồng vợ. Nhớ chuyện xưa mà chợt thấy lòng buồn như vừa đánh mất một gia tài quý giá. Có đêm không ngủ, ông nghĩ mãi rồi cũng ra, liền bảo với vợ: Này Mói, giá như bọn trẻ bây giờ còn biết hát giao duyên thì hay biết mấy. Bà Mói trở mình, quay mặt vào tường tiếp tục ngủ. Còn ông trở mình qua lại cả đêm, rồi bật dậy đến bên rương thờ, lấy cuốn sách chép những bài hát soọng cô để đọc và nghiền ngẫm. Ông bảo: Cái chất thơ trong bài hát soọng cô các cụ chép lại bằng chữ Hán nó nặng nghĩa mà sắc lắm. Càng đọc, càng hát, càng thấy mê.

Nói đến đây, khuôn mặt ông đăm chiêu nhìn ra cánh đồng trước nhà. Đang mùa gặt, trên cánh đồng ríu ran tiếng người cười nói. Dù không nói ra, nhưng tôi biết ông Thông đang nuối tiếc trên cánh đồng đầy thóc còn thiếu vắng lời hát soọng cô. Mà có chăng nữa thì cũng là lời của mấy ông, bà già cất lên, lạc lõng qua lỗ tai lũ trẻ. Bởi hầu hết lớp trẻ bây giờ không biết nói tiếng Sán Dìu. Ông Thông thở dài: Nguy hại đấy chứ, con cháu nhà mình không nói được tiếng mẹ đẻ, nghĩa là cái gốc cây đang bị chết rồi.

Đầu năm 2011, ông Thông quyết định mang hai cuốn sách chép các bài hát soọng cô bằng chữ Hán của các cụ đặt trên ban thờ, xin phép các cụ được dịch ra tiếng Sán Dìu để phổ biến cho mọi người cùng hát. Vừa dịch, vừa chép lại ra vở viết, lời bài hát khi mềm tựa bướm vờn hoa, lúc căng như sợi dây đàn, khi thoảng nhẹ như đám mây hờ hững trôi qua làng. Từng câu, từng chữ của lời hát như sợi dây vô hình buộc tâm hồn ông lại, rồi nới nhẹ khiến ông không dứt được mình ra khỏi bàn viết. Mỗi ngày dăm, bảy bài, ông chép miệt mài như bị giời hành. Chừng hơn một năm sau đó, khi chồng sách đặt ở góc bàn trở lên dày dặn, tâm huyết của ông đọng lại là hàng nghìn bài hát lưu lại trên trang vở. Ông vui lắm, có lúc thấy mình như một nhà thơ, rồi lặng lẽ mang từng cuốn thơ (bài hát soọng cô) ra thị trấn huyện, phô tô thành nhiều bản, về phát lại cho các thành viên trong câu lạc bộ hát soọng cô, và dạy cho mọi người cùng hát.

Ông kể: Ban đầu, mọi người rất ngượng vì cất lời hát soọng cô bằng tiếng dân tộc Sán Dìu. Sau rồi quen, ai cũng thấy tự hào là mình đã đóng góp một phần công sức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông lấy trong chiếc túi vải thổ cẩm ra cho tôi xem hai cuốn sách chép bài hát soọng cô bằng chữ Hán, tôi thấy trên nền giấy dó ố vàng là những dòng chữ ngay ngắn. Bao lời hát soọng cô nằm ở đây, nay đã được ông Thông đánh thức, và dạy lại cho mọi người cùng hát, cùng ca ngợi cuộc sống hôm nay bằng chính tiếng của người dân tộc Sán Dìu.

Lại như mạch suối đầu nguồn, lời hát cất lên trong trẻo:

“…Lống ny dịu sếnh diu sọi dọn

Mú ti hố nhít tách lói sim”.

Tạm dịch:               

“Đôi ta có tình đã từ lâu

Mỏi mong ngày gặp ở đâu 

                              hời chàng”.

Nghe xong câu hát, tôi nói vui: Chắc vì những câu hát chất chứa đầy niềm khát khao, da diết yêu đương, nên ông trở thành người mang nợ cho bao cuộc hát. Những cuộc hát cho chính ông, và cho những cuộc đời mới đơm hoa của thời đại “a còng”. Ông mỉm cười, bảo: Ừ, tôi sang tuổi “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, đã tự dịch, sưu tầm và chép lại được hơn 5.000 bài hát soọng cô; đã truyền dạy lại cho mọi người cùng hát chừng hơn 1.000 bài, gánh nợ với tổ tiên người Sán Dìu của tôi cũng vơi nhẹ. Nay những mong con, cháu người Sán Dìu tập nói tiếng dân tộc mình, hát tiếng dân tộc mình, vì lời hát soọng cô chất chứa mọi tinh hoa văn hóa của người dân tộc Sán Dìu chúng tôi... Soọng cô đằm thắm lắm

Phóng sự. Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước