Gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm mở đường Hạnh Phúc
Nhân kỷ niệm 65 năm mở đường Hạnh Phúc (tuyến đường huyền thoại từ thị xã Hà Giang đi Đồng Văn – Mèo Vạc (10/9/1959 - 10/9/2024), sáng 1/10, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP), Hội Chữ thập đỏ, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu “Sáng mãi ngọn lửa Thanh niên xung phong Thái Nguyên”.
Tham dự có đồng chí Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cùng hơn 30 đại biểu là cựu TNXP và thân nhân gia đình các liệt sĩ đã tham gia mở đường.
Tại chương trình, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống Ngày mở đường Hạnh Phúc, tuyến đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Cách đây 65 năm, ngày 10/9/1959, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Đoàn Thanh niên các tỉnh Khu tự trị Việt Bắc đã thành lập Đội TNXP và tổ chức xuất quân mở con đường chiến lược nhằm bảo vệ an ninh đất nước và phát triển kinh tế - xã hội từ thị xã Hà Giang đi Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày 16/5/1960, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Đại đội 4 TNXP gồm 147 đội viên tham gia với phiên hiệu H100.
Sau hơn 6 năm, với sự tham gia của hơn 1.200 TNXP của các tỉnh Khu Tự trị Việt Bắc và 2 tỉnh: Hải Dương, Nam Định, con đường dài 184 km đã được hoàn thành. Lực lượng TNXP đã thực hiện 2.246.321,5 ngày công; đào, xẻ 2.899.638 m3 đá, xây 42 cầu; 392 cống, chi phí toàn tuyến hết 5.549.201 đồng. Để có thành quả này, các TNXP đã phải trải qua bao gian khổ khó khăn, ác liệt, thiếu thốn và đánh đổi bằng xương máu. 14 TNXP trong đó có 5 người con ưu tú của Thái Nguyên đã vĩnh viễn nằm lại trên cung đường này và trở thành những tấm gương liệt sĩ tiêu biểu được Đảng, Nhà nước tôn vinh, trở thành tấm gương cho các thế hệ thanh niên học tập, noi theo.
Có thể kể đến tấm gương của liệt sĩ Dương Đình Sản quê xã Thượng Đình, huyện Phú Bình hy sinh ngày 25/1/1961 khi lao mình cứu dân trong lúc nguy hiểm. 2 liệt sĩ Tiểu đội trưởng của Đại đội 4 Thái Nguyên hy sinh cách nhau tròn 1 năm là liệt sĩ Vũ Cao Vân (quê Trực Ninh, Nam Định) băng qua vách đá trên đỉnh Mã Pí Lèng cứu người dân, hy sinh ngày 2/3/1964; liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm quê Mỹ Yên, Đại Từ hy sinh ngày 4/3/1965 khi đã dũng cảm cứu dân gặp nạn trên cung đường Mèo Vạc. Lúc ấy, chỉ còn ít ngày nữa là hoàn thành những mét cuối cùng của tuyến đường…
Có thể khẳng định, sự kiện mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc là một công trường làm đường phá đá kỳ vĩ nhất trong lịch sử Việt Nam. Con đường đó được Bác Hồ đặt tên là đường Hạnh Phúc. Đội TNXP mở đường Hạnh Phúc đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các TNXP đã lựa chọn cho mình mỗi người một công việc, nhiều người trong số đó trở về gắn bó với quê hương, ruộng vườn, tham gia công tác địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và 1 số tỉnh đến nay chỉ còn hơn 1/3 số người thuộc Đại đội 4 đơn vị H100 còn sống. Họ vẫn luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của TNXP đó là tinh thần khắc phục khó khăn, cần cù, chịu khó, sống nghĩa tình với quê hương, đồng đội. Chính họ đã truyền lửa, truyền tinh thần cách mạng của tuổi trẻ để bồi đắp lý tưởng, cổ vũ động viên các thế hệ sau này luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến.
Nhân dịp này, 22 cựu TNXP đã vinh dự được tặng Huy hiệu TNXP làm theo lời Bác - phần thưởng cao quý của Hội Cựu TNXP Việt Nam; trên 50 phần quà tri ân, động viên đã được Ban Tổ chức trao cho các cựu TNXP, thân nhân gia đình liệt sĩ.
A.T
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...