Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
10:05 (GMT +7)

Facebook, Google… có nghĩa vụ gì với an ninh mạng của Việt Nam?

VNTN - Có thể không phải đặt máy chủ nhưng các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Facebook, Google... vẫn sẽ phải đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.


Quan điểm này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, một dự án luật từng gây tranh cãi nảy lửa tại nghị trường, ngay từ sự cần thiết phải ban hành cho đến các quy định cụ thể.

Có lẽ vì thế mà An ninh mạng là một trong hai dự thảo luật được chọn để các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn sâu, bàn kỹ vào ngày 4 tháng Tư tới đây.

Dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm nay của Quốc hội, dự án Luật An ninh mạng đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận từ kỳ họp cuối năm 2017.

Tại đây, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật. Theo những ý kiến này thì một số nội dung của dự thảo chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng và một số nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao Chính phủ quy định là chưa phù hợp với Hiến pháp.

Một số vị đại biểu không tán thành ban hành luật và đề nghị sửa đổi Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này.

Tại báo cáo giải trình vừa mới hoàn thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng không gian mạng là môi trường đặc thù (phi truyền thống), có những yêu cầu, nội dung riêng về công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vì thế nên việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Còn đối với Luật An toàn thông tin mạng chủ yếu tập trung điều chỉnh vấn đề bảo vệ an toàn thông tin mạng, tuy có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhưng chưa quy định đầy đủ, cụ thể các hoạt động liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

Hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên không thể ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh về an ninh mạng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Với những lập luận trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng.

Đi vào nội dung cụ thể, vấn đề "nóng" qua nhiều phiên thảo luận cả trong và ngoài nghị trường vẫn là quy định liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam.

Với thực tế Việt Nam có 80 triệu tài khoản Facebook và 50 triệu thuê bao Internet, là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển Internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới, một số vị đại biểu nhấn mạnh rằng để đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, rất cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đề ra điều luật để quản lý lĩnh vực hết sức nhạy cảm này. Và quy định các doanh nghiệp ngoại phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Nhưng, theo một số vị khác thì doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Và nhiều nước đã thực hiện về quy định đặt máy chủ như ban soạn thảo luật đề xuất.

Không chỉ trái chiều quan điểm ở nghị trường, mà ngay từ khi dự thảo luật chưa được trình Quốc hội một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam (Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đại sứ Úc, Đại sứ Canada, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam) đã gửi thư chung đến Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm quan ngại về yêu cầu đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và cho rằng trái với cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam, bao gồm những cam kết với tư cách là một thành viên của WTO.

Trước nhiều chiều quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Song, yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vẫn được giữ lại trong dự thảo. Quy định này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Quy định này cũng đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay (theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1/2018, Google đã thuê 1781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam).

Sự cần thiết giữ quy định trên còn ở chỗ tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này. Đồng thời, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy