Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
13:13 (GMT +7)

Đường xanh đã mở

Nhân dịp Đại hội Hội Văn học nghệ thuật thành phố Phổ Yên lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng giới thiệu một số tác phẩm Văn học Nghệ thuật của Hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố Phổ Yên

Gần 18 năm ra đời và phát triển, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) thành phố Phổ Yên đã tạo nên một chặng đường xanh, hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.

Ra đời trên quê hương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, khi mới thành lập là Chi hội. Chi hội đã tổ chức đại hội 2 lần (2005 - 2012). Đến năm 2015, huyện Phổ Yên trở thành thị xã, Chi hội cũng được phát triển lên thành Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Phổ Yên và tiến hành Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 2017 - 2022). Và tới đây, Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Hội VHNT thành phố Phổ Yên dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 này.

Tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác là một trong những hoạt động thường xuyên của Hội VHNT Phổ Yên. (Trong ảnh: Đoàn văn nghệ sĩ Phổ Yên chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà Bá Kiến, trong chuyến thực tế tại quê hương cố nhà văn Nam Cao, tỉnh Hà Nam)


Quê hương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa

Tồn tại hàng ngàn năm cùng đất nước, vùng đất Phổ Yên từng được coi là “phên dậu” phía Bắc của Kinh thành Thăng Long. Phổ Yên cũng được tiếp nhận ảnh hưởng về kinh tế, văn hoá… của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Phổ Yên được các nhà sử học xác định: đây là quê hương của Vua Lý Nam Đế (503 - 548), vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta, người đã khởi binh đánh đuổi quân Lương, lập nên nước Vạn Xuân hiển hách.

Đất Phổ Yên xưa là nơi Lê Hoàn chỉ huy quân sĩ Đại Cồ Việt truy kích quân nhà Tống sang xâm lược nước ta (năm 981). Nhân dân Phổ Yên đã hưởng ứng theo hai cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú tham gia lực lượng nghĩa binh, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Mở ra một thời kỳ mới phát triển của xã hội và đất nước ta - Thời kỳ Lê Sơ.

Nhiều danh nhân sinh ra trên đất Phổ Yên mà tên tuổi còn lưu danh trên văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tiến sĩ chỉ huy Nguyễn Cấu, gần 60 năm phục vụ qua 6 đời Vua. Tiến sĩ Thượng thư Đỗ Cận, tham gia hội Tao Đàn và để lại cho đời những tác phẩm còn lưu giữ đến ngày nay.

Ôm trọn lấy Phổ Yên là 2 dòng sông, không chỉ đem lại nguồn kinh tế lớn, mà còn bồi đắp đời sống tinh thần cho các thế hệ: Sông Công huyền thoại, Sông Cầu gắn với trận tuyến Sông Cầu thế kỷ XI. Ven sông Cầu còn nhiều làn điệu dân ca lưu truyền trong nhân dân. 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, tạo nên đời sống tinh thần khá phong phú, đa diện, đa chiều trong nhiều đời, nhiều tầng lớp nhân dân.

Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

Không chỉ do sống trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, phong phú lâu đời, mà Hội VHTN thành phố Phổ Yên còn có thuận lợi rất lớn cho hoạt động sáng tạo của mình là được sống trong không khí sôi động, phát triển mạnh mẽ của địa phương.

Cách đây trên 10 năm, ít ai có thể tưởng tượng được Phổ Yên phát triển như ngày nay. Từ một huyện thuần nông, người dân bao đời vẫn ám ảnh câu thơ truyền miệng “Củ khoai cõng mấy hạt cơm/ Khoai thì phần mẹ, cơm nhường cho con”. Phổ Yên tìm hướng đi mới bắt đầu từ công nghiệp và nhanh chóng tạo được diện mạo mới. Đến năm 2015, huyện Phổ Yên đã được công nhận là thị xã Phổ Yên. Chỉ 7 năm sau, với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, năm 2022 thị xã Phổ Yên đã được nâng cấp lên thành phố trực thuộc Tỉnh và hướng tới là thành phố văn minh giàu mạnh.

Không phải tự nhiên mà có kết quả thần kỳ như vậy, đó là cả câu chuyện “Dời non lấp biển” của Đảng bộ và Nhân dân Phổ Yên, biết khai thác và phát huy các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đặc biệt là yếu tố “Nhân hòa”, đã phát huy tối đa để tạo nên điều thần kỳ ấy.

Hội VHTN thành phố Phổ Yên ra đời vào tháng 4 năm 2005, đúng thời kỳ Phổ Yên có những bước phát triển và thực sự chuyển mình qua từng năm. Được hoà mình vào không khí sôi động ấy, là môi trường vô cùng thuận lợi để động viên, thôi thúc Hội VHTN Phổ Yên xây dựng ngôi nhà chung của Hội. Từ 17 hội viên ban đầu, Hội đã tích cực phát triển, đến nay có 47 hội viên sinh hoạt tại 3 chuyên ngành: Văn xuôi, Thơ, Nhiếp ảnh - Mỹ thuật. Hội đã tích cực bồi dưỡng, giới thiệu và 1 hội viên đã được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, 8 hội viên được kết nạp Hội VHTN tỉnh. 3 hội viên được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật” của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng sáng tác, Hội đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, mời các nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh của trung ương, của tỉnh về truyền đạt kinh nghiệm sáng tác, tổ chức trại sáng tác, triển lãm ảnh nghệ thuật, đi thực tế trong và ngoài tỉnh… từ đó hội viên đã có những tác phẩm ngày càng chất lượng hơn. Mỗi năm, hàng trăm tác phẩm của hội viên đã được công bố trên các báo, tạp chí,… có một số tác phẩm được giải thưởng của cấp trung ương, khu vực và cấp tỉnh. Hội đã đặc biệt quan tâm xuất bản những tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, được độc giả đón nhận.

Gần 18 năm qua, Hội VHTN Phổ Yên đã xuất bản trên 20 đầu sách tập thể, các tập sách đều dày dặn, đủ các thể loại: Văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… Nội dung các cuốn sách phản ánh sâu sắc gắn với từng giai đoạn của thành phố Phổ Yên: Tác phẩm “Phổ Yên trên đường đổi mới”, “Phổ Yên xanh”, “Phổ Yên mùa vàng”, “Phổ Yên ngày mới”… phản ánh thời kỳ Phổ Yên xây dựng nông thôn mới. Tác phẩm “Sức xuân Phổ Yên”, “Phổ Yên - thị xã công nghiệp tương lai” gắn với thời kỳ Phổ Yên chuyển mình mạnh mẽ để trở thành thị xã công nghiệp.

Những tác phẩm: “Phổ Yên làm theo lời Bác”, “Những lần được gặp Bác”, và “Những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác”… đã tích cực hưởng ứng việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một số cuốn sách đã được giải thưởng của Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Gần đây tác phẩm “Những bông hoa đẹp”, “Văn nghệ Phổ Yên - 2022” phản ánh và chào mừng sự kiện Phổ Yên trở thành thành phố - một thành phố trẻ và tương lai sẽ là thành phố văn minh giàu mạnh. Những tác phẩm đó đã được phát hành rộng rãi đến các cấp, các ngành trong thành phố, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng thành phố Phổ Yên và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Hội đã 2 lần được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen và 25 Giấy khen của các cấp là bằng chứng sinh động cho kết quả hoạt động những năm qua.

Trách nhiệm với hiện tại và tương lai

Quãng đường gần 18 năm Hội VHTN thành phố Phổ Yên trải qua đã tạo ra một chặng đường xanh - chặng đường của hy vọng và niềm tin. Cũng như một con người, bước vào tuổi 18 tràn đầy sức trẻ với khát vọng vươn lên. Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Hội VHNT thành phố Phổ Yên trong bối cảnh Hội có nhiều thuận lợi, kinh nghiệm, kết quả hoạt động của những năm qua, lại được hoạt động trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố Phổ Yên đang tiếp tục chuyển mình lên tầm cao mới… những yếu tố đó là nguồn năng lượng động viên, khích lệ, đồng thời cũng đặt ra cho Hội VHNT Phổ Yên những yêu cầu trách nhiệm mới cao hơn.

Để có thể gánh vác trọng trách của mình, Hội cần có những chương trình kế hoạch trong từng thời gian, thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng kết nạp hội viên mới, trọng tâm là lực lượng trẻ, để xây dựng được đội ngũ hội viên có chất lượng tốt hơn. Hàng năm bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức đi thực tế cho hội viên, tạo cho hội viên niềm say mê, nhiệt tình trong sáng tạo. Nắm chắc các chủ trương, hoạt động của địa phương đang diễn ra sôi nổi hàng ngày. Đồng thời khai thác vốn văn hoá truyền thống còn tiềm tàng trong nhân dân…

Một chặng đường xanh đã được mở ra. Với những gì đã làm được trong những năm qua, chúng ta có thể tin tưởng con đường ấy sẽ được Hội VHNT thành phố Phổ Yên mở rộng và vươn xa trong thời gian tới trên hành trình sáng tạo văn học nghệ thuật của mình, xứng đáng với sự mong đợi của những người yêu văn học nghệ thuật của mảnh đất Phổ Yên cuồn cuộn sức trẻ này.

Ngọc Thị Lan Thái

Bên đài hương

Tôi về Nậm Ngặt chiều nay (*)

Đài hoa lộng gió hương bay tím trời

Khói nhang nghi ngút thay lời

Thì thầm nhẹ bước bao người, tim đau...

Nắng vàng thung lũng ngàn sâu

Cỏ lau buông rủ, mái đầu còn xanh

Chim kêu thảng thốt rừng quanh

Tìm nhau khắc khoải bên nhành hoa mua.

Các anh ơi đã thức chưa!?

Tiếng kèn tan trận cũng vừa ngưng xong!

Ba lô đã sắp thành dòng

Xếp hàng bên suối nước trong gió lùa.

Các anh ơi đã dậy chưa!?

Nồi cơm quân dụng cũng vừa đơm ra

Ăn đi, hạt gạo quê nhà

Thảo thơm tay mẹ, tay cha, tay người...

Hàm răng tươi trẻ nhoẻn cười...

Bát cơm...!

Hóa những mâm xôi trắng lòa.

Chia tay Nậm Ngặt chiều tà

Đường về mắt những lệ nhòa rưng rưng.

(*) Ngọn núi thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đài Hương trên điểm cao 468, Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Nguyễn Minh Trọng

Vẫn

(Viết cho người vừa đi)

Bóng còn thấp thoáng vào ra

bấy lâu nay vẫn như là đâu đây!

Chạm vào đâu cũng dấu tay

lịch nào bóc mới cũng ngày qua thôi…

Nấu ăn vẫn nhớ cữ nồi

bát bày hai phía

vẫn mời…

đợi nhau.

Bát mình trước, bát tôi sau

gắp chan

tâm hợp ý đầu…

mình…

tôi.

Mình ăn kẻo nguội cả rồi!

bát nào mình nhập vào tôi?

bát nào…

Buồn vui câu chuyện, lời chào

ngước về nhau

nuốt nghẹn ngào…

tháng…

năm.

Vần này ghép vậy nên chăng?

Ưng? Mình đừng khép mắt nhang nửa chừng…

Lạc trong tủi tủi mừng mừng

lệ nào chan đẫm

thắm từng nhành mơ?...

Trần Bình Dưỡng

Da diết Soọng cô

Da diết quá đành lòng con hỏi mẹ

Mẹ rằng xưa đã hát với cha rồi

Người đi hát nhớ hoài người đến hát

Ngày lại ngày năm tháng cứ chơi vơi

Da diết quá về nhà em hỏi chị

Chị có đi ví hát những ngày xưa

Giọng người hát quyện trong từng câu hát

Kết tâm tư nhung nhớ tận bây giờ

Da diết quá ta tìm ra bến nước

Nơi ngày xưa người hát hẹn hò nhau

Bước người sau đặt nơi người bước trước

Nước trong xanh in bóng một cây cầu.

Da diết thế vào rừng ta hỏi lá

Cả một vùng ngan ngát trắng hoa bay

Nơi người hát vẫn thường qua lại

Mỗi xuân sang ong bướm rợp nơi này

Da diết thế soọng cô da diết thế

Mẹ cho con để con hát với đời

Theo tiếng hát mùa xuân đang trở lại

Trong từng câu từng khúc soọng cô ơi.

Mai Thắng

Về nhà

Chỗ giường U nằm đã kê bộ bàn ghế.

Chiếc giá đựng đồ của U: Một bình nước lọc.

Bình vôi: Cạn khô.

Hộp đựng trầu: Trên bàn thờ.

Chiếc đồng hồ: Kim dừng lại 12 giờ 3 phút.

Tờ lịch còn lưu: Ngày 3 tháng 1…

Thiếp chúc mừng U trăm tuổi của Chủ tịch nước

Vẫn trong khung, treo trên cột nhà…

Mỗi lần con về

Muốn cất tiếng gọi: “U ơi! …U ơi!..”

Vắng vẻ quá thôi…

Chỉ có gió thoảng nhẹ

Tàu chuối lay khẽ

Lá bưởi vẫy trong mưa

Và hương bưởi ngạt ngào nỗi nhớ.

Hình như U ở đâu đó

Lúi húi bóc lạc, nhặt đỗ

Chặt cây sắn, tước bẹ ngô

Bên bếp lửa hồng…

Hay U ở nhà trong quét dọn?

U đang têm trầu, bổ cau…

U hỏi: “Mấy đứa chạy đâu?”

U cười, hàm răng đen nhưng nhức.

Tiếng U ấm, trong như tiếng hát.

Mắt U nâu rời rợi ánh nhìn

Đầy ắp nhà mình

Đâu đâu cũng có U…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi con sông quê hương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước