Thứ tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025
02:51 (GMT +7)

Đường – điện về, thắp sáng những ước mơ

Thông tin “ô tô đã có thể lên đến Cao Biền và ở đây chuẩn bị được đóng điện lưới Quốc gia” làm tôi phấn chấn. Cái sự phấn chấn ấy của tôi hoàn toàn dễ hiểu bởi trước đó Cao Biền là xóm duy nhất của tỉnh chưa có điện và đường đi lại vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã từng đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xóm.

Là xóm khó khăn bậc nhất của xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Cao Biền có gần 50 nóc nhà, hầu hết là bà con người dân tộc Dao. Đường đi khó là lý do chính khiến trong suốt một thập niên, thế hệ 9x ở xóm chỉ có 2 người học được hết cấp 3.

Tôi cho xe chạy đến cách trung tâm xã Vũ Chấn chừng 1km là bẻ lái nhằm hướng Cao Biền. Những mét đường bê tông đầu tiên lần lượt hiện ra và kéo dài qua các xóm Khe Rạc, Cao Sơn (Vũ Chấn) càng làm tôi nhớ con đường đất đã đi cách đây vài năm. Lúc đó, mặt đường hẹp, dốc cao và trơn trượt. Lần đó tôi đã rất xúc động và hoang hoải khi nghe nhiều người lớn tuổi ở Cao Biền nói, họ chưa một lần đi đâu ra khỏi xóm. Xe tôi bon bon đến gần khu vực xóm Cao Sơn thì đường bê tông bắt đầu đứt đoạn. Thay vào đó, 2 bên đường là những đống bây (vật liệu rải làm nền đường) tập kết sẵn sàng. Mặt đường đã được mở rộng và tương đối phẳng nên xe cộ đi lại khá dễ dàng. Một nhóm thợ đang thi công công trình kè Cao Sơn, người quai búa đập đá, người trộn bê tông, người lát đá xuống bờ kè nhộn nhịp. Chốc chốc lại có người dân đi qua dừng lại trò chuyện cùng những người thợ. Hình như trong câu chuyện của họ, ai cũng có hỏi câu “kè bao giờ được xây xong?”. Tôi bắt chuyện với anh Lý Văn Phượng, người Cao Sơn: Có vẻ bà con đều rất mong ngày xây xong kè này thì phải?

- Mong chứ! Còn mong hơn khi nào con lấy vợ ấy. Anh Phượng cười thoải mái.

- Đoạn kè này có gì đặc biệt thế?

- À, mong nó nhanh xong để đi lại được dễ dàng mà, không có cứ mưa to là nước tràn qua đây, không ra cũng không vào được.

Anh Ngô Văn Đàm (Công ty Xây dựng Thương mại Cổ phần Thái Nguyên) - người phụ trách công việc thi công - tham gia vào câu chuyện của chúng tôi: Con đường này mới được cải tạo 2 năm trở lại đây thôi. Năm 2017 chúng tôi vào phá tuyến Cao Sơn, Cao Biền, vắt và rắn vẫn đầy. Với nhiều anh em công nhân ở vùng xuôi lên, cuộc sống ấy khó mà tưởng tượng ra được.

Tôi vượt qua một con dốc khá cao đến giáp địa phận xóm Cao Biền. Công trường ở đây hối hả hơn. Theo hướng tôi đang đi, bên tay trái là taluy dương, tay phải là vực sâu, trên đường máy múc, máy gạt, xe lu và hai chiếc xe tải cỡ lớn đang cần mẫn thay phiên nhau múc đất, san gạt và lu lèn mặt đường. Thấy người lái máy lu tạm nghỉ, tôi vội tiếp cận ngay. Anh cho biết quê mình ở Thanh Hóa, đã làm việc ở Công ty được hơn chục năm. Dù đã thi công rất nhiều công trình ở Thái Nguyên nhưng ít có nơi nào điều kiện khó khăn như ở đây. Một trong những vất vả đối với người thợ ở đây là việc không đảm bảo được thức ăn trong mỗi bữa cơm, trong khi đó phải làm việc nặng nhọc, ai cũng cần rất nhiều năng lượng. Tùy theo từng thời điểm, có lúc đội của các anh dựng lán ở, có lúc ở nhờ nhà dân, nhưng đường khó, nên không phải ngày nào cấp dưỡng cũng đi chợ được. Thức ăn cũng không tích trữ được vì ở đây không có điện, nếu có cũng chỉ mua vài con gà về nhốt để lâu lâu thịt ăn dần…

Tôi tiếp tục hành trình, vượt qua bên kia con dốc dài là đất Cao Biền. Do mấy ngày trước mới có mưa nên nền đường nhiều đoạn bị xói thành những hố, rãnh sâu khiến việc di chuyển của tôi có vẻ khó khăn hơn. Thấp thoáng những bóng áo vàng của công nhân ngành điện, chỗ trồng cột, chỗ đang kẻ vẽ, đánh dấu gì đó lên thân cột điện. Từng tầng dây cao thế, hạ thế đều đã được treo trên cột. Những người công nhân đang gấp rút hoàn thành công đoạn ở những cây cột điện cuối cùng.

Có tiếng nói khá to làm tôi chú ý. Tôi nghe rõ tiếng sang sảng: “Bất kể lý do gì, một ngày vào 2 khung giờ nhất định tôi phải nhận được báo nhanh bằng điện thoại để có gì vướng mắc chúng tôi còn có phương án xử lý ngay. Không tuân thủ đúng sẽ trừ trực tiếp vào lương của cậu”.

Ái chà! Chuyện gì đó có vẻ căng thẳng. Hóa ra, người vừa nói to đó là ông Nguyễn Duy Cấp, Phó Giám đốc Công ty CP Đông Đô - Bắc Ninh (đơn vị thi công công trình kéo điện lên Cao Biền). Đoán được tôi đã nghe thấy câu chuyện, ông phân bua: Nhà báo thông cảm, tớ vừa tranh thủ họp giao ban với anh em. Cánh anh em thợ chúng tớ là cứ hay ăn to nói lớn thế. Nhưng trong công việc không rốt ráo thế không thể kịp tiến độ công việc được. Chúng tớ đã cam kết với tỉnh Thái Nguyên, với huyện Võ Nhai là hoàn thành công trình trong tháng 9 này. Trong khi đó, ngày 10 tháng 5 chúng tớ mới nhận bàn giao mặt bằng. Trong sổ nhật ký, anh em ghi lại từ khi thi công đến hết tháng 8 đã mất 23 ngày mưa, chưa tính các yếu tố ngoại cảnh khác.

- Thời tiết không thuận lợi đã phải là khó khăn nhất với đơn vị khi thi công công trình này chưa? - Tôi hỏi ông Cấp.

- Chưa. Ông trả lời dứt khoát. Ban lãnh đạo Công ty mặc dù cũng thường xuyên có mặt tại công trường để nhắc nhở và đốc thúc anh em nhưng không phải ngày nào cũng có mặt được. Chính vì thế tôi phải giao cho anh em báo cáo thường xuyên qua điện thoại là thế. Nhưng khổ cái ở đây không có sóng điện thoại, muốn gọi được điện phải chạy lên tận giáp Lạng Sơn (cách đó gần chục cây số) hoặc một điểm duy nhất có sóng rơi là con dốc giao giữa 2 xã Vũ Chấn và Phú Thượng. Chúng tôi triển khai 3 đội thi công cùng lúc ở Cao Biền, bao gồm 2 đội thi công đường dây cao thế, một đội thi công đường dây hạ thế. Bình quân mỗi đội 25 người cùng trang thiết bị, máy móc. Chưa kể nhiều thời điểm phải huy động nhân lực làm các công việc thủ công khác. Tiếng là thi công ở một xóm nhưng địa bàn ở đây khá rộng, trong khi đó các đội phải trao đổi công việc với nhau hàng ngày để có phương án làm hiệu quả nhất. Không thể liên lạc được với nhau nên chúng tôi có quy ước, hàng ngày cứ từ khoảng thời gian 19h15 đến 19h30 phút cả 3 đội (có hôm có thêm cán bộ xóm) sẽ có mặt tại vị trí con dốc điểm tiếp giáp giữa 2 xã Vũ Chấn và Phú Thượng để họp tại đó. Ai trong đội không có mặt đúng giờ sẽ bị phạt.

 

Ông Cấp cho biết thêm: Nói về khó khăn thì chưa hết đâu nhà báo ạ. Địa hình ở đây nhìn chung là khó khăn, không nói ai cũng biết, nhưng còn có một nhánh dân cư gọi là Lân Luông, không có đường để vận chuyển thiết bị vào. Nhánh đó chỉ có 6 hộ. Thú thật ban đầu chúng tôi có ý định bàn bạc để không thi công tuyến đó. Nhưng khi biết được tâm tư của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện rằng đây không chỉ là một công trình kéo điện đơn thuần mà nó còn là tâm huyết, tình cảm và sự nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo dành cho người dân ở xóm duy nhất chưa có điện này. Thêm vào đó là sự mong đợi, khát khao có điện của người dân nên chúng tôi dừng không đành. Vậy là riêng với 6 hộ đó, đơn vị phải bỏ ra 60 triệu đồng để mở đường chở vật liệu vào thi công.

Quả đúng như lời ông Cấp, tâm huyết và nỗ lực là những gì chúng tôi nhìn thấy ở những người đưa dự án này về được đến Cao Biền. Trong một dịp trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên chia sẻ: Làm sao kéo được điện lên Cao Biền là điều chúng tôi đau đáu suốt bao nhiêu năm. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần hỏi tới, tôi biết bà con trên đó mong, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng mong nhưng không có đường chở vật liệu nặng vào nên không có cách gì thi công được. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến cả phương án làm điện mặt trời cho bà con nhưng qua khảo sát thì ánh nắng không đáp ứng được nhu cầu. Dự án lần này do Sở Công Thương làm chủ đầu tư, bản thân tôi đã trực tiếp lên Cao Biền nhiều lần. Dự án đã cơ bản hoàn thiện, ngoài những sự hỗ trợ thêm từ tỉnh, huyện, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã giao cho điện lực Võ Nhai phối hợp với nhà thầu giúp bà con kéo đường dây sau công tơ, lắp đặt các thiết bị điện trong từng gia đình, tại nhà văn hóa, điểm trường mà không lấy công. Xóa được xóm trắng cuối cùng về điện, đảm bảo 100% các thôn, xóm trong tỉnh được dùng điện lưới Quốc gia cũng là điều khiến chúng tôi thỏa lòng mong mỏi. Vậy là chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là xóa xóm trắng về điện đã được hoàn thành.

“Mong mỏi” cũng là tâm trạng của nhiều thế hệ người dân Cao Biền. Ông Triệu Sinh Hồng nước mắt ngân ngấn khi chiếc công tắc điện đầu tiên trong nhà được những người thợ điện lắp đặt xong. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của ông và bảo: Vậy là điện sắp làm cả nhà ta, cả bản ta bừng sáng rồi. Nghe vậy, ông không kìm lòng được nữa, giọt nước mắt nóng hổi chảy ra từ khóe mắt đục mờ của ông. Ông siết tay tôi thật chặt, xúc động: “Vậy là tôi đợi được rồi. Tôi đã đợi để nhìn thấy điện sáng. Tôi sẽ được xem ti vi và nghe đài nữa”…

Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy trưởng xóm Triệu Hữu Phong, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, dẫn những người thợ điện đi từng nhà trong xóm cũng đang xúc động không kém. Tôi hỏi Phong: Có điện việc đầu tiên Phong muốn làm là gì.

Chẳng chút đắn đo, Phong trả lời: Em sẽ mua một chiếc tủ lạnh. Vừa hôm nọ em còn mơ thấy nhà có điện, xong là em đi mua một cái tủ lạnh và 3 cân thịt lợn về để ăn dần. Giờ thì không phải mơ nữa rồi. Phong cười tươi.

Tôi xuống núi, gặp chị Triệu Thị Bình đang đuổi đàn dê về nhà. Nhà chị ở Lân Luông. Tôi khen chị có đàn dê đẹp quá, chị hồ hởi: Đàn này có 18 con, mấy hôm nữa sẽ bán bớt đi mấy con để đi mua ti vi, có điện rồi mà.

 

Đơn vị thị công đang gấp rút triển khai đổ bê tông mặt đường (đoạn tiếp giáp giữa 2 xóm Cao Sơn và Cao Biền).

Nghe chị Bình, anh Phong chia sẻ, dù không phải công dân Cao Biền mà lòng tôi vui phơi phới khi nghĩ đến cuộc sống của bà con sau khi đón dòng điện về. Càng vui hơn khi nghĩ đến chia sẻ của Bí thư Chi bộ Cao Biền Triệu Phúc Tiến: Tới đây, Chi bộ sẽ bàn về việc vận động, giúp đỡ bà con trong xóm phát triển thêm cây chè. Chè trồng ở Cao Biền hợp đất nhưng trước không làm được vì đường khó đi, chè tươi không có người đến mua, muốn làm chè khô thì không có điện để sao. Giờ thì mọi khó khăn ấy đã sắp được tháo gỡ hết rồi.

Bên tai tôi văng vẳng tiếng học sinh tại điểm trường Cao Biền đọc bài. Các em rồi sẽ được học trong những phòng học có quạt điện mát mẻ để tiếp thu bài tốt hơn. Con đường men theo núi với 7 tầng hang đá để ra được trường bán trú khi muốn học từ cấp THCS trở lên cũng đã là chuyện cũ. Điện sáng rồi, đường đến trường của học sinh Cao Biền không còn quá gian truân nữa. Chắc chắn xóm Cao Biền không chỉ có nhiều người học hết lớp 12, mà sẽ có nhiều, thật nhiều người học xong nghề, học xong cao đẳng và đại học… để giúp Cao Biền xóa nhòa được khoảng cách với miền xuôi.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những ngọn núi ký ức

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Đào Thanh Tịnh và nghiệp y võ

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Ngàn thu sự nghiệp nổi từ đây!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 tháng trước