Dưới tán rừng Khuôn Mánh
VNTN - Vời vợi cao xanh trời Võ Nhai. Bát ngát xanh tới tận cùng của núi rừng Tràng Xá. Một khoảng trời - đất trong veo, thơ mộng, rất đỗi hồn nhiên làm lòng người cảm mến. Rừng ấy, núi ấy lặng lẽ thẩm thấu vào tiềm thức bao thế hệ con người, sâu đậm đến mức được ví là “địa chỉ đỏ” cách mạng. Vâng! Đó là rừng Khuôn Mánh. Gần 80 Thu trước đã diễn ra một sự kiện cực kỳ trọng đại trong dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu Quốc quân II, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập.
Rừng Khuôn Mánh hôm nay
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, những chàng trai, cô gái đi cứu quốc năm nào nay đều đã về với thế giới của người hiền. Còn như cụ Nông Văn Minh tôi gặp bên rừng Khuôn Mánh hôm nay, đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ngày đó còn là đứa trẻ được mẹ địu trên lưng, đi rừng, đi núi nhưng chưa biết nhớ. Song được cha mẹ sinh, dưỡng, nuôi lớn bằng lời ru, câu chuyện ắp đầy tự hào về vùng quê cách mạng. Chuyện rằng ngày bấy giờ, giặc Pháp lập ấp, dồn dân để cán bộ Việt Minh không nhận được sự tiếp tế của nhân dân. Nhưng vượt lên mọi hiểm nguy, bất chấp sự khủng bố, kìm kẹp ngặt nghèo của giặc Pháp và tay sai, nhiều người dân vẫn bí mật mang gạo, muối, diêm, dầu vào rừng tiếp tế cho cán bộ. Nhiều người bị địch phát hiện, bắt giữ giam cầm, tra tấn đến chết, nhưng càng làm nhân rộng ý chí đòi nợ nước, trả thù nhà nung nấu, sục sôi trong lòng người.
Huyện Võ Nhai, một dải đất kể từ xã Phú Thượng vào tận Bình Long, sang Bắc Giang, hoặc về huyện Đồng Hỷ, hoặc lên Lạng Sơn núi gối núi, rừng liền rừng, hiểm trở, hoang vắng, là địa bàn thuận lợi cho cán bộ Việt Minh hoạt động. Bấy giờ, đồng chí Đặng Tùng (đảng viên ưu tú của Chi bộ ở hải ngoại được cử về nước giác ngộ cánh mạng trong tầng lớp thanh niên) đã lựa chọn địa bàn xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng xây dựng cơ sở. Sau đó các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt lựa chọn vùng rừng núi này để gây dựng cơ sở cách mạng. Trong sự đùm bọc của nhân dân địa phương, cơ sở nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhiều con em đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương được giác ngộ, đi theo cách mạng, trong đó có các đồng chí Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ, Nông Văn Cần. Từ đây, phong trào cách mạng lan rộng sang các vùng lân cận, như Tràng Xá, Lâu Thượng, Liên Minh… và trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong phong trào đấu tranh giành chính quyền.
Cũng tại thời điểm bấy giờ, giặc Pháp tăng cường các hoạt động lùng sục, khủng bố, đàn áp dã man, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, Đội Cứu Quốc quân I (Bắc Sơn) phải rút khỏi căn cứ để bảo toàn lực lượng, phong trào cách mạng gặp vô vàn khó khăn. Lúc đó đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục hoạt động của lực lượng Cứu Quốc quân để duy trì, cổ vũ phong trào cách mạng. Vào sáng ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, Trung đội Cứu Quốc quân II được thành lập, với 36 cán bộ, đội viên, trong đó có 22 đội viên là người Võ Nhai. Ban Chỉ huy Trung đội do đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ định, gồm 3 đồng chí (Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng, Nguyễn Cao Đàm là Chính trị chỉ đạo viên và Trần Văn Phấn là Chỉ huy phó). Trung đội được biên chế thành 5 tiểu đội, do các đồng chí: Chu Quốc Hưng, Lê Dục Tôn, Hứa Văn Chỉ, Trừ Văn Thòong và Hà Văn Loi làm Tiểu đội trưởng. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt trao cờ Tổ quốc và nhiệm vụ cho Trung đội phải tích cực đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ làm nguồn bổ sung cho Đội Cứu Quốc quân II.
Và chỉ sau ngày thành lập ít hôm, Trung đội có thêm 10 người tham gia, quân số tăng lên 46 người. Tuy trang bị vũ khí thô sơ, nhưng cán bộ, đội viên của Trung đội đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân. Điển hình là các trận đánh ở Đèo Bắp diệt tên Đức Phú, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp, có nhiều nợ máu với nhân dân. Rồi các trận đánh tại Khuôn Kẹn, Khuôn Ba, Khuôn Dã, Khuôn Xóm… cán bộ, đội viên Trung đội đã tiêu diệt được hàng chục lính lê dương và tay sai phản động; giải cứu được hàng trăm người già và trẻ em. Đến trung tuần tháng 10-1941, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ủy ban Quân sự - Chính trị căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai được thành lập, gồm các đồng chí: Đào Văn Trường, Nguyễn Cao Đàm, Chu Văn Tấn. Đồng chí Đào Văn Trường làm Chủ nhiệm. Đến cuối tháng 10-1941, Trung đội Cứu Quốc quân II chia thành các tổ công tác đi xây dựng cơ sở tại các vùng Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Sơn Dương (Tuyên Quang), Hữu Lũng (Bắc Giang). Nhờ đó các địa phương có điều kiện thuận lợi để xây dựng các đội tự vệ, phát triển phong trào cách mạng.
Sử sách khắc ghi, lòng người nhắc nhớ, tên tuổi và chiến công của những cán bộ, đội viên Trung đội tiên phong cứu quốc còn đây, khắc trên đá hoa cương, tạc vào đại ngàn Khuôn Mánh, vạn đại trường tồn cùng thời gian. Năm 1994, địa điểm rừng Khuôn Mánh được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Cũng từ nhiều năm nay, Di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nhiều bạn trẻ Võ Nhai vinh dự được cơ quan tổ chức lễ kết nạp vào Đoàn ở Di tích. Trước khói hương tưởng nhớ anh linh những người trong Đội quân tiên phong cách mạng, nhiều bạn trẻ đằm lòng, tự thấy cần học tập, phấn đấu, tu dưỡng để không làm hổ thẹn anh linh các Anh hùng dân tộc.
Tấm bia đá hoa cương khắc dòng tên của những người con Anh hùng dân tộc được trang trọng đặt trên đỉnh cao nhất của một ngọn núi giữa đại ngàn Khuôn Mánh. Một thuở hào hùng đã đi vào sử xanh, nhưng đại ngàn độ lượng, ấp ôm, vỗ về bởi rì rầm cây lá. Ngồi nghỉ chân bên những bậc đá, cảm nhận có gì đó thiêng liêng bởi tiếng gió thì thầm, tiếc nuối: Tấm áo đại ngàn của mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng Khuôn Mánh đã nhiều lần bị con người tàn phá tan hoang. Dù biết là xâm phạm rừng di tích, là có tội với người thiên cổ và với cộng đồng xã hội, nhưng vì chuyện áo cơm của một số người dân sống gần rừng, và vì một số cán bộ địa phương thiếu trách nhiệm, nhận thức chưa hết tầm, nên rừng Khuôn Mánh nhiều lần bị “thảm sát” cùng kiệt. Thiếu tá Đặng Quyết Thắng, người được Ban Chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai giao nhiệm vụ cắm chốt bảo vệ Di tích Khuôn Mánh kể: Mùa hè năm 2016, tôi được triệu tập đi tham dự Hội thao tỉnh, sau 2 tháng trở về… tôi cứ ngỡ mình bị lạc đường. Anh có biết không, cả một vùng tan hoang, chỉ còn tàn tro đen đúa bết lại trên mặt đất. Tôi đã khóc.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Sau vụ “thảm sát” rừng ở Di tích Khuôn Mánh, nhiều cán bộ và người dân liên quan đến vụ việc bị xử phạt theo quy định của luật pháp. Nhiều cán bộ cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện đến thực địa ngẩn người, không biết nói như thế nào cho phải đạo với các bậc hiền nhân. Mà biết nói gì khi sự thật được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật...
Rất mừng là sau những tiếng thở dài, các đồng chí lãnh đạo huyện Võ Nhai đã tìm ra được giải pháp trả món nợ cho Di tích Khuôn Mánh bằng việc trồng lại rừng. Và cán bộ, nhân dân huyện Võ Nhai đã làm được điều đó. Với cách làm khác biệt, tức là không giao khoán việc trồng rừng cho 1 cá nhân, hoặc 1 tập thể, mà với tinh thần mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động của huyện; cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội trên địa bàn và cán bộ, công chức 5 xã giáp với Khu Di tích là: Tràng Xá, Liên Minh, Dân Tiến, Bình Long, Phương Giao mỗi người có nghĩa vụ trồng từ 1 đến 2 cây, chủ yếu là cây bản địa như: lát hoa, sao đen, trám, sấu, nhội… Sau một thời gian, những mầm xanh đã được găm vào lòng đất.
Thiếu tá Đặng Quyết Thắng cho biết thêm: Đó là đợt ra quân trồng rừng vào tháng 9 năm 2016, các hố trồng cây được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện và lực lượng dân quân 2 xã Tràng Xá và Liên Minh đảm nhiệm. Cây giống do Phòng Nông nghiệp huyện cung cấp. Kỹ thuật trồng cây do đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn, giám sát. Đồng loạt xuất quân, cả Khu Di tích Khuôn Mánh như bừng tỉnh bởi từng đoàn người vào nơi ghi dấu Trung đội Cứu Quốc quân II được thành lập năm xưa, để tạ lỗi và trả lại màu xanh cho khu rừng cách mạng. Chỉ sau ít ngày, gần 5 ha diện tích đất khu lõi của Di tích đã được đặt xong bầu cây giống, hàng lối thẳng tắp, có biển gắn tên các cơ quan, đơn vị tham gia trồng cây… Thiếu tá Đặng Quyết Thắng thở phào như vừa trút khỏi vai gánh nặng: Tỷ lệ cây sống đạt 100%. Hằng năm các cơ quan, đơn vị, chính quyền nhân dân xã Tràng Xá tự tổ chức lực lượng vào làm cỏ, chăm sóc rừng.
Mới ngày nào nay đã 3 năm, cây vươn cao, khép tán, tỏa bóng mát che chở cho bao người về nguồn. Tôi không biết mình là người thứ bao nhiêu trong hàng vạn lượt trái tim thổn thức khi về đây, bước dưới tán rừng Khuôn Mánh, nhẹ đặt bàn chân trên từng bậc đá xanh để lên với đỉnh rừng, kính cẩn trước dòng tên của 36 cán bộ, đội viên Cứu quốc quân, nghe tiếng gió rừng thầm thì kể cho tôi, và cho bao người nghe về những câu chuyện của một thời cha ông đánh giặc năm xưa; chuyện xây dựng nông thôn mới ở vùng đất Tràng Xá bên chân Khuôn Mánh. Tất cả sống động như từng thước phim. Để dù theo dòng thời gian trôi, có biết bao biến động thì niềm tự hào của người dân trên quê hương cách mạng vẫn rực rỡ trên nền truyền thống. Lớp sau theo lớp trước, như mạch nguồn trong trẻo chảy mãi cùng thời gian.
Ngày 12/12/1994, rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập Trung đội Cứu Quốc II được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Đã có bao thế hệ cháu con trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam về Thái Nguyên, ngược Quốc lộ 1B - con đường đi vào thi ca của nhà thơ Tố Hữu. “Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái ung dung ta bước/ Đường ta rộng thênh thang tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên”… Con đường của bài thơ “Ta đi tới” ấy bây giờ thay đổi nhiều lắm. Đã rộng hơn, đẹp hơn rất nhiều so với thời kháng chiến. Đất nước hội nhập, đổi mới, hạ tầng cơ sở thay đổi nhanh, đường Bắc sơn, Đình Cả được trải nhựa; đường vào căn cứ Trung đội Cứu Quốc quân II năm xưa đã thênh thang cho xe ô tô ra, vào. Cây cầu treo vắt ngang dòng sông Dong còn đó, trông giống như một nét cắt ngang phân định một khoảng trời - nước. Đoạn ngầm năm xưa cô gái giao liên Triệu Mùi Pham giấu lá thư của cán bộ Việt Minh trong mái tóc băng qua, nay được thay thế bằng một cầu tràn bê tông kiên cố. Việc qua lại khúc sông này của người đôi bờ trở nên thảnh thơi, không vướng bận vì lũ xiết của dòng nước thượng nguồn.
Rừng Khuôn Mánh đại lượng như lòng mẹ, ôm lấy bao nỗi niềm riêng cùng tiếng lá rì rặt như lời ru đưa ta về bến đậu sử xanh. Mỗi một dòng tên trên phiến đá hoa cương kia, là một bản hùng ca cách mạng. Tôi tự hào nói như thế, vì khi bước dưới tán rừng Khuôn Mánh, nghe gió Thu gọi trời tháng Tám, ngẩng mặt nhìn lên đã thấy cờ đỏ, sao vàng tung bay dọc bên đường nông thôn mới hôm nay.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...