Đừng tạo cơ hội cho “mầm ác” nảy nở
VNTN - Những ngày qua, các diễn đàn, mạng xã hội và báo chí đã “dậy sóng” về một số ký sự, phóng sự phát trên truyền hình trung ương VTV1, như vệt phóng sự về thâm nhập cơ sở sản xuất pa - tê bẩn ở Hà Nội, vụ lâm tặc phá rừng ở Đắc Lắc, đặc biệt là về ký sự “Syria - nhìn từ phía trong cuộc chiến”, do Trung tâm tin tức VTV24 thực hiện, phát trên sóng VTV1. Nội dung ký sự xoay quanh cuộc nội chiến Syria, với mục đích mang đến cho người xem những thông tin, hình ảnh tàn khốc của chiến tranh tại Syria. Có rất nhiều luồng ý kiến bình luận của giới chuyên môn (báo chí, truyền thông) và khán giả về ký sự này khi nó mới lên sóng phần 1, và hiện vẫn đang diễn ra.
Trao đổi, tranh luận về một tác phẩm báo chí là chuyện thường ngày và rất cần thiết. Nhất là với những tác phẩm được khán giả chờ đợi, hy vọng, được sản xuất bởi những cơ quan báo chí có uy tín và được quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên, cuộc “dậy sóng” từ ký sự “Syria - nhìn từ phía trong cuộc chiến” và các phóng sự mới đây cho thấy một sự thật đáng lo lắng. Đó là: Bên cạnh những nhà báo có nghề, phân tích ký sự dưới góc độ chuyên môn, góc nhìn thời sự, chính trị, xã hội bằng những bài viết có giá trị đối với giới báo chí, thì trên các trang face book cá nhân, các diễn đàn nghề nghiệp cũng có rất nhiều nhà báo, từ những góc nhìn cá nhân phiến diện, hời hợt, nóng vội, đưa ra quan điểm thái độ thiếu xây dựng, mang tính phủ nhận sạch trơn thành quả của đồng nghiệp. Tệ hơn nữa, có nhiều nhà báo đã lợi dụng sự kiện này để dèm pha, nói xấu cá nhân và đơn vị bạn, nhất là người đứng đầu kíp làm ký sự - nhà báo L.B. Họ mặc nhiên cho mình quyền được kết tội ê kíp làm ký sự là những kẻ lợi dụng công quỹ, lợi dụng cơ hội để đánh bóng bản thân, thậm chí có người còn mạt sát họ rằng “PR bản thân trên nỗi đau của nhân loại”.
Một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng mạng xã hội đã triệt để lợi dụng tình trạng này. Họ chia sẻ những phát ngôn, bình luận của cánh báo chí làm phương tiện để từ đó bới móc đời tư, xúc phạm danh dự của kíp phóng viên, thậm chí qui chụp về quan điểm chính trị. Họ sẵn sàng - và thực tế đã làm - xông vào các trang cá nhân, nhất là trang của nhà báo L.B, để buông những ngôn từ tục tĩu, xúc phạm, nhục mạ tư cách, danh dự của kíp phóng viên, nhà báo L.B và cơ quan báo chí. Họ cũng hành xử như vậy cả với những người không đồng tình với họ.
Khán giả truyền hình và giới báo chí có quyền không thỏa mãn với các phóng sự của kíp phóng viên, họ chờ đợi những tác phẩm hay, chân thực hơn thế, đem lại nhiều thông tin hữu ích và lấy được cảm xúc của họ nhiều hơn thế. Nhưng sự thiếu hài lòng của khán giả về một/những sản phẩm báo chí chưa được như mong muốn không có nghĩa là các tác giả của sản phẩm đó đáng bị phỉ báng, lên án như tội đồ. Nhất là từ phía các đồng nghiệp, những người cùng chung sự nghiệp kiếm tìm và công khai sự thật.
Ở thời mọi cư dân mạng đều tự cho mình quyền lực như một công tố viên, thời mà những lời chê bai, chửi rủa thường trực ở… ngón tay gõ phím, không ít người đã phải ngậm ngùi thốt nhận ra rằng: người ta ngày càng dễ xúc phạm nhau thì sự sẻ chia và độ lượng lại càng hao hụt. Thật đáng buồn khi sự hao hụt đó có “đóng góp” từ một bộ phận trong giới báo chí, và đáng buồn hơn nữa khi có những “cuộc chiến” dư luận được dẫn dắt, định hướng từ chính những nhà báo thiếu Tâm và thiếu Tầm.
Hội Nhà báo Việt Nam đang tiến hành xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, Hiến pháp và Luật Báo chí (mới), trong đó ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử trên mạng xã hội cũng là hai trong những nội dung được quan tâm. Nhiều cơ quan báo chí đã có những quy định cần thiết để quản lý cán bộ, phóng viên trong việc tham gia mạng xã hội.
Tuy nhiên, không có sự quản lý hành chính nào hiệu quả bằng sự quản lý của mỗi cá nhân đối với bản thân mình. Ai đó đã nói rằng “chúng ta đều mang trong mình mầm mống của cái ác, điều quan trọng là chúng ta có ý thức để những mầm mống ấy không nảy nở”. Thiết nghĩ, mỗi nhà báo nên tự kiểm soát tốt thái độ, suy nghĩ và ngôn từ của mình trong ứng xử với sản phẩm báo chí và đồng nghiệp khi tham gia mạng xã hội, để tránh vô tình (hay cố ý) tạo cơ hội cho những “mầm mống cái ác” của bản thân và những người khác có đất đai nảy nở, sinh sôi.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...