Đừng để nhập viện vì thực phẩm không an toàn
VNTN - Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 được bắt đầu từ ngày 15-4 đến ngày 15-5. Với chủ đề xuyên suốt là: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục tiêu của Tháng hành động nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời các vấn đề có liên quan đến ATTP. Đồng thời đề cao vai trò các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.
Chưa bao giờ cả xã hội lại lo lắng đến sự mất an toàn từ thực phẩm như những năm gần đây. Tôi còn nhớ tại một diễn đàn có liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nói: An toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề sống còn cho sức khỏe cộng đồng và sự tồn vong của quốc gia, được cả Chính phủ và người dân quan tâm. Và chống thực phẩm bẩn như cuộc chiến giữa kháng sinh với vi khuẩn. Theo ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế: Từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 167 người mắc, 8 trường hợp tử vong. Các vụ ngộ độc do nạn nhân sử dụng thực phẩm được xác định do độc tố tự nhiên trong thực phẩm. Điển hình năm 2014, ở xã Liên Minh và xã Phú Thượng (Võ Nhai) có 10 người nhập viện do ăn nấm, 7 người trong số này tử vong. Năm 2016, 1 cháu nhỏ ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) mới hơn 20 tháng tuổi bị tử vong do ăn trứng cóc. Tháng 3-2017, tại huyện Đại Từ có 17 người bị ngộ độc do ăn bánh dày phải nhập viện. Cũng trong năm này, tại xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên), 5 người uống rượu ngâm rễ cây bị ngộ độc phải nhập viện. Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng: Hiện toàn tỉnh có hơn 13.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống thực phẩm, 100% các cơ sở đăng ký thực hiện cam kết về ATTP, trong đó có hơn 5.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 4.600 cơ sở dịch vụ ăn uống, gần 3.500 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Năm 2018 vừa qua, các cơ quan, đơn vị chức năng đã thực hiện 250 lần kiểm tra ATTP; tiến hành thanh, kiểm tra hơn 6.700 cơ sở, phát hiện hơn 1.400 cơ sở không đạt yêu cầu về ATTP. Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Thái Nguyên đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra hơn 200 cơ sở, phát hiện 42 cơ sở vi phạm. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở là chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường vệ sinh không đảm bảo; sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Năm 2019, Chi cục tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền pháp luật về ATTP; tăng cường kiểm tra bằng hình thức test nhanh tại các địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện việc tự công bố sản phẩm thực phẩm và hậu kiểm chất lượng. Từ nhiều năm gần đây, các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc. Sở Công Thương và các đơn vị chức năng liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiên quyết không để thực phẩm mất an toàn, không đảm bảo chất lượng, có nhãn mác giả hoặc do sử dụng các loại hóa chất gây hại đến sức khỏe con người trà trộn vào thị trường, như chất: Paradimethyl; Aminobenzen dùng để nhuộm bơ nhân tạo; chất Auramine O trộn vào thức ăn cho gia cầm hoặc măng tươi, măng khô tạo màu; chất ngọt tổng hợp Saccarin, Aspartam bảo quản thực phẩm; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ những quy định về ATTP, nhất là về nhãn mác, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm.
Tại thành phố Thái Nguyên, dịp trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành đã thực hiện kiểm tra 60 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 186 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; 135 cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra phát hiện 53 cơ sở vi phạm, trong đó: 7 cơ sở vi phạm điều kiện an toàn vệ sinh, 19 cơ sở vi phạm điều kiện trang thiết bị dụng cụ, 27 cơ sở vi phạm điều kiện về con người. Trao đổi với chúng tôi về ATTP, bà Lê Na, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Sông Công cho biết: Từ năm học 2018 - 2019, Phòng phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không bán đồ ăn, hàng rong trước cổng trường. Còn bà Tô Thị Ninh, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Định Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện có 24 trường mầm non, 33 bếp ăn tập thể, gần 6.400 suất ăn bán trú. Để chủ động cho học sinh có bữa ăn an toàn, tại từng trường đều xây dựng được vườn rau xanh, do nhóm giáo viên chịu trách nhiệm phối hợp kiểm soát toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc và thu hái. Một tín hiệu vui là trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 sản phẩm thực phẩm được thực hiện tự công bố chất lượng theo quy định. Và hiện có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, hợp tác xã, tổ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng ATTP. Đặc biệt gần đây, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường được nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán hưởng ứng, như Siêu thị Minh Cầu; cửa hàng Nông trại của Vân, số 430, đường Phan Đình Phùng; cửa hàng thực phẩm nông sản số 848, đường Phan Đình Phùng… sử dụng bao bì xanh (lá chuối), giỏ tre để gói các loại rau, củ quả được người tiêu dùng đón nhận với thái độ tích cực. Để xã hội không có người phải nhập viện vì mất ATTP, tại Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” được tổ chức ngày 12 - 4 vừa qua, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP có chỉ đạo: Các cấp, ngành chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; các khu dân cư đưa nội dung ATTP vào các quy ước, hương ước; từng địa phương chủ động xây dựng vùng thực phẩm an toàn và kết nối cung - cầu; khuyến khích người dân nêu cao ý thức đấu tranh, có trách nhiệm tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng, thiếu an toàn. “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm 2019 đang khởi động. Chúng tôi mong trên toàn tỉnh sẽ không còn những vụ nhập viện vì thiếu hiểu biết của người tiêu dùng cũng như sự thiếu trách nhiệm của người sản xuất.
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...