Du lịch Thái Nguyên: Sản phẩm chưa xứng với tiềm năng
VNTN - Được đánh giá là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch, song sản phẩm du lịch Thái Nguyên lại quá nghèo nàn, không đủ sức hấp dẫn, “níu chân” du khách. Ngày 18/11 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về phát triển du lịch nhằm nhận thức rõ thực trạng của du lịch Thái Nguyên và tìm hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành.
Du lịch Thái Nguyên hiện có gì?
Với tài nguyên du lịch sẵn có tại địa phương, đến nay Thái Nguyên có được một số sản phẩm du lịch như: du lịch nguồn (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa), du lịch cộng đồng (Không gian văn hóa - vùng chè đặc sản Tân Cương thành phố Thái Nguyên; hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà huyện Võ Nhai), du lịch xanh (Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải thành phố Thái Nguyên), du lịch tâm linh (Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên; Đình, đền, chùa Cầu Muối huyện Phú Bình; Đền Đuổm huyện Phú Lương...), điểm du lịch địa phương vui chơi giải trí và mua sắm (Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân thành phố Sông Công)...
Năm 2018, tổng số lượt khách du lịch đến với Thái Nguyên ước đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 12,4% so với năm 2017; tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch ước đạt 405 tỷ, tăng 30% so với năm 2017. Sang năm 2019, kết quả 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ; doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch ước đạt 391 tỷ, tăng 10% so với cùng kỳ. Dù những con số trên thể hiện sự tăng trưởng của ngành du lịch, song sự phát triển của du lịch chưa theo kịp sự phát triển chung của kinh tế Thái Nguyên, đóng góp của du lịch trong GDP của tỉnh còn thấp.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn: “Nguyên nhân là bởi tỉnh chưa có được sản phẩm du lịch thực sự chất lượng, mang bản sắc riêng của Thái Nguyên”. Dẫn chứng cho đánh giá của mình, bà Mai cho biết: Vừa qua Sở có tổ chức Hội thảo bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử và di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch. Tại đây, các chuyên gia đều đánh giá, Thái Nguyên tiềm năng du lịch rất lớn nhưng sản phẩm du lịch thì chưa có.
Sự nghèo nàn, đơn điệu, không đồng bộ, tính cạnh tranh không cao của các sản phẩm du lịch Thái Nguyên còn được thấy rõ qua cuộc tham quan, khảo sát thị trường của 15 doanh nghiệp lữ hành đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành có du lịch phát triển mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức. Trong 2 ngày (21-22/10), các doanh nghiệp lữ hành đã khảo sát các điểm du lịch: Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, khu du lịch suối Kẹm, đồi chè La Bằng, trung tâm thương mại du lịch Dũng Tân... Kết quả, các doanh nghiệp lữ hành đều trả lời: “Chúng tôi chưa tìm ra sản phẩm gì của Thái Nguyên để cung cấp cho khách hàng”.
Các doanh nghiệp lữ hành tham quan, khảo sát thị trường tại trung tâm thương mại du lịch Dũng Tân (Ảnh: Quang Khải)
Việc thiếu sản phẩm du lịch chất lượng, mang màu sắc riêng ảnh hưởng đến việc thu hút du khách đến với Thái Nguyên, kéo theo đó là các cơ sở hoạt động về du lịch (các cơ sở lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống...) của tỉnh không có cơ hội để phát triển. “Chúng tôi vừa khảo sát một lượt các khách sạn, kể cả những khách sạn 3 - 4 sao thì chủ yếu vẫn là phục vụ đám cưới, hội nghị, chứ khách du lịch đến nghỉ rất ít. Có những thời điểm công suất phòng sử dụng chỉ đạt 10 - 20%”, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết thêm.
Làm thế nào để phát triển du lịch Thái Nguyên?
Hiện Thái Nguyên đang thu hút nhiều tập đoàn kinh tế thực hiện khảo sát nghiên cứu các dự án phát triển du lịch Thái Nguyên như: Doanh nghiệp Xuân Trường nghiên cứu đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh vùng Hồ Núi Cốc; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trường An nghiên cứu đầu tư sân golf với diện tích 134ha; tập đoàn FLC khảo sát lập quy hoạch đầu tư khu đô thị mới phía Đông thành phố Thái Nguyên, dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên; tập đoàn T&T khảo sát quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Đông Tam Đảo; dự án khách sạn 5 sao - phố đi bộ của tập đoàn Vườn Thời Đại Việt Nam tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên... Nhưng để các dự án trên trở thành hiện thực không phải là chuyện một sớm một chiều. Bởi vậy thay vì trông chờ các tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, ngành du lịch tỉnh nhà cần tự tạo lối đi cho riêng mình, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch sẵn có. Ngành du lịch đã xác định ba sản phẩm du lịch trọng yếu của tỉnh, thứ nhất là du lịch về nguồn, trong đó gắn các điểm Khu di tích Lý Nam Đế (thị xã Phổ Yên), Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Đại đội 915 (thành phố Thái Nguyên) và Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa trở thành một tour du lịch lịch sử - tâm linh mang điểm nhấn của Thái Nguyên; thứ hai là du lịch sinh thái cảnh quan vùng chè và văn hóa Trà, trong đó du khách không chỉ được thưởng thức sản phẩm trà tại Thái Nguyên mà còn được sống, được hòa mình trong không gian cảnh quan trà; thứ ba là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Núi Cốc, nơi du khách vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa được trải nghiệm, giải trí và thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên.
“Tài nguyên du lịch Thái Nguyên thì nhiều, nhưng từ tài nguyên đến sản phẩm là cả một chặng đường. Bởi sản phẩm du lịch không giống như những sản phẩm khác, không thể có nguyên liệu đưa vào khuôn ép là ra sản phẩm, mà đòi hỏi một quá trình rất dài, và phải làm từng bước một”, đồng chí Hoàng Anh Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu. Tại đây đồng chí cũng đề xuất tiếp tục chủ trương phối hợp giữa ba đầu mối: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục Đào tạo trong việc đưa hoạt động trải nghiệm của học sinh trên địa bàn đến với những điểm di tích lịch sử của tỉnh. Qua đây, vừa tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, vừa đảm bảo hoạt động trải nghiệm cho học sinh, vừa giúp ngành du lịch có thêm doanh thu, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh.
Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng là vấn đề được các đại biểu bàn luận tại Hội nghị. Chia sẻ về điều này, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Trong khi gần 50 tỉnh thành trên cả nước đã có cổng thông tin du lịch thông minh - nơi doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật những thông tin cần thiết, giúp du khách truy cập, tìm kiếm thông tin về du lịch địa phương một cách dễ dàng và thuận tiện thì Thái Nguyên vẫn chưa có. Bởi vậy mà Sở đã tích cực phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên (VNPT) lập đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025 và chính thức ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên (phiên bản thử nghiệm) với tên miền: thainguyentourism.vn ngày 16/7 vừa qua. Dẫu mới chỉ là phiên bản thử nghiệm song đã đánh dấu một bước quan trọng cho việc quảng bá và xúc tiến du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó còn rất nhiều ý kiến, đề xuất mang tính gợi mở cho sự phát triển du lịch của Thái Nguyên, song thiết nghĩ, với ngành du lịch không phải là chuyện “ăn xổi ở thì”, để du lịch Thái Nguyên có thể phát triển xứng tầm với tiềm năng thì cần sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành, chính quyền địa phương, người dân và xã hội chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành du lịch.
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...