Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:32 (GMT +7)

Du lịch Thái Nguyên hồi phục tích cực sau “bão” dịch

VNTN - Trong mùa dịch COVID-19, Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và bị tổn thất lớn nhất của Thái Nguyên. Khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, toàn ngành Du lịch đã cùng nhau chung tay thực hiện những biện pháp, chính sách thiết thực để tái thiết, kích cầu, qua đó giúp cho Du lịch được phục hồi một cách nhanh chóng và triển vọng lạc quan.

Do ảnh hưởng của COVID-19, có thể khẳng định mục tiêu của ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên trong năm 2020 là đón trên 3,6 triệu lượt du khách và tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 460 tỷ đồng sẽ rất khó để hoàn thành. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến Thái Nguyên trong tháng 5 giảm 41%, doanh thu giảm 75%. Tuy nhiên, sau khi tái khởi động lại, ngành Du lịch Thái Nguyên vẫn đón trên 30 nghìn lượt du khách đến tham quan trong tháng 5, đây là một khởi đầu rất lạc quan.

Chiều về trên Hồ Núi Cốc. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Sau giãn cách xã hội, để khởi động lại ngành Du lịch của tỉnh, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, các khu, điểm du lịch và các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, xây dựng các chương trình, tour du lịch kích cầu, khuyến mại, giảm giá sẵn sàng phục vụ du khách, hưởng ứng tham gia chương trình.

Cũng theo bà Mai: Đối với các công ty, doanh nghiệp của ngành Du lịch Thái Nguyên thì tùy từng đặc điểm mà các đơn vị đều có nhiều động thái tích cực nhằm khôi phục thị trường như: Giảm giá một số các dịch vụ lưu trú, tour, giá vé qua cổng, giá bán hàng lưu niệm và ẩm thực... Tất cả đều hướng vào chủ đề chung, “Thái Nguyên an toàn”, tạo không khí yên tâm cho du khách.

Một trong những hoạt động thiết thực để kích cầu Du lịch đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua. Đó là Chương trình Tọa đàm Kích cầu du lịch Thái Nguyên gắn với “Vòng cung Đông Bắc”. Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng hơn 90 đại biểu đại diện cho các công ty du lịch, lữ hành có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch trong cả nước.

Các đại biểu đã được trải nghiệm tại những địa điểm du lịch tiêu biểu của Thái Nguyên, đặc biệt chúng đều được gắn kết với nhau thành tour, không còn manh mún đơn lẻ. Một vài tour du lịch có thể kể đến như: “Tour Du lịch trải nghiệm văn hóa kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng (01 ngày)” với các hoạt động Dâng hương tưởng niệm và tham quan tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia nơi tưởng niệm 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và ăn trưa, tham quan tại Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc. Hay “Tour Du lịch sinh thái kết hợp với vui chơi giải trí” (2 ngày, 1 đêm) với các hoạt động thăm và trải nghiệm không gian văn hóa trà và vùng chè Tân Cương, tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi tại Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc trong ngày thứ nhất; tham quan, trải nghiệm Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải, tham quan mua sắm tại Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân trong ngày thứ hai…

Các tour trải nghiệm du lịch trên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu. Từ đó, đã chia sẻ những kinh nghiệm làm du lịch, thẳng thắn đóng góp những ý kiến, sáng kiến để từng địa điểm du lịch cũng như toàn ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên có thể hoạt động, phát triển tốt hơn. Tại Tọa đàm đã diễn ra nội dung Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên; Ký kết hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên với Hội Du lịch cộng đồng. Đây là những tiền đề quan trọng để Du lịch Thái Nguyên có thể nhanh chóng phục hồi sau COVID-19 và phát triển hơn trong thời gian tới.

Hậu COVID-19, Nhà nước đã có chỉ đạo cho các địa phương thực hiện miễn, giảm thuế; lùi thời hạn nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội cho các đơn vị. Ông Đỗ Trọng Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên chia sẻ: “Đây là thời điểm vàng để kích cầu du lịch Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Ngành Du lịch chúng tôi đã không đơn độc trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Nhìn rộng ra, COVID-19 như một phép thử năng lực, vị trí của các doanh nghiệp du lịch trên thương trường, tự tin thể hiện được uy tín, mối quan hệ bền chặt của đơn vị khi tham gia liên kết, kích cầu du lịch. Qua đó, tình hình Du lịch đang ngày một ổn, số lượng du khách đang ngày một tăng lên”. Cũng giống như những công ty, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Khách sạn Dạ Hương của ông Hiệp cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực để kích cầu, thu hút khách như: giảm giá phòng 20%. Tổ chức ăn uống từ trên 60 người thì miễn phí phòng tổ chức sự kiện, trang bị đầy đủ và hỗ trợ về âm thanh, loa đài. Giảm chi phí cho các khách hàng đặt tour du lịch trong tỉnh cũng như trong nước từ 10% - 30%... So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách lưu trú, khách du lịch lữ hành tại công ty của ông chỉ còn bị giảm khoảng 20%.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch - Khách sạn Hồ Núi Cốc thì tâm huyết: Lúc này lợi nhuận không đặt lên hàng đầu, mà các doanh nhân cần tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, liên kết, chia sẻ khó khăn để cùng tạo dựng Thái Nguyên trở thành một điểm đến an toàn, lý tưởng. Về kích cầu du lịch, đối với từng nhóm, từng đối tượng khách hàng, đơn vị sẵn sàng giảm 30% giá vé vào cổng thậm chí là 50% và hơn nữa.

Chung tay để kích cầu lại ngành Du lịch, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Thương mại Hà Lan cho biết: “Là đơn vị làm dịch vụ vận chuyển khách, chúng tôi sẵn sàng giảm cước phí cho du khách và sẵn sàng bắt tay hợp tác với các đơn vị làm du lịch và các điểm đến, miễn sao bảo đảm được tốt nhất quyền lợi cho du khách. Hiện nay, Công ty đang giảm chi phí xe du lịch, xe hợp đồng lên đến 30%. 60 trên tổng số 96 xe hợp đồng, xe phục vụ du lịch của đơn vị đã hoạt động trở lại. Đây đều là những xe mới, xe chất lượng cao đã được chú trọng bảo dưỡng, sửa chữa trong thời gian giãn cách do dịch bệnh. Phương châm của Công ty là nâng cao chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử với khách hàng đồng thời kết hợp quảng bá những hình ảnh của địa phương”.

Ngoài việc giảm giá, tạo ra các chương trình khuyến mại thì cũng nhân dịp này một số doanh nghiệp du lịch cũng đã hướng tới những phương châm, chiến lược kinh doanh mới. Bà Lý Thị Chiên, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải bộc bạch: Sau mùa dịch, Thái Hải đã có hướng đi bền vững với việc đặc biệt chú trọng chất lượng trong kinh doanh sản xuất, bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng, nơi nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Tối 30/5, đơn vị đã tổ chức đêm giao lưu với chủ đề “Về miền di sản - Từ câu Then bản làng người Tày đến miền quan họ Bắc Ninh”, với sự có mặt của NSND Thúy Cải; các NSƯT: Thanh Quý, Bích Hồng; danh ca quan họ Thu Hiền; nhạc sĩ Nguyễn Trung, Xuân Mùi… Đây là điểm nhấn trong hoạt động khởi đầu mùa du lịch sau quá trình gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của đơn vị. Bà Chiên nhấn mạnh: Trước mắt, có thể Thái Hải sẽ không quá đông đúc, ồn ào náo nhiệt. Trước đây du khách đến với bản làng Thái Hải bất kể giờ nào, số lượng đông ra sao, nhưng hiện nay Thái Hải khuyến khích khách đăng ký trước, đặt trước các dịch vụ như tham quan, trải nghiệm văn hóa vật thể và phi vật thể... Từ đó khách hàng sẽ không bị “lỡ” thực đơn gồm các món ăn dân tộc được chế biến từ nguồn thực phẩm tự nuôi, trồng, kiểm soát chặt chẽ theo quy trình “từ đồng ruộng đến bàn ăn”, theo công thức cổ truyền, như: các món canh thang thuốc công phu quy trình làm mất từ 6 đến 9 tiếng; các món ăn độc đáo như xôi cẩm, gà hấp trà, đậu chiên trà…

Trong thời đóng cửa do giãn cách vì dịch bệnh, toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân vẫn đi làm đầy đủ và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Thời gian này, Trung tâm đã tranh thủ nâng cấp cơ sở vật chất. Nhân viên cũng được các chuyên gia ứng xử của nước ngoài trực tiếp đào tạo để nâng cao tay nghề, phục vụ khách hàng sau mùa dịch được tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc cho biết: Sau khi mở cửa trở lại, Trung tâm đã thực hiện nhiều chính sách để kích cầu như giảm giá vé, giá các loại dịch vụ và các mặt hàng từ 10 đến 30%. Trung tâm đón khách nhiều nhất vào cuối tuần, hiện nay đang duy trì khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách/ngày. Tuy mới đạt khoảng 2/3 so với cùng kỳ nhưng lượng khách hàng đến Trung tâm vẫn liên tục tăng”.

Sau đại dịch COVID-19, có thể những mục tiêu mà ngành Du lịch Thái Nguyên đặt ra trong năm 2020 sẽ khó đạt được, nhưng so với những ngành chịu ảnh hưởng bởi đại dịch thì tín hiệu phục hồi như vậy là khá lạc quan. Với các chương trình hỗ trợ và quyết tâm của lãnh đạo Ngành, sự chung tay chia sẻ, liên kết của các doanh nghiệp, tin rằng Du lịch Thái Nguyên sẽ vượt khó, tiếp tục phát triển và phát triển bền vững trong thời gian tới.

ANH THẮNG

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy