Du lịch mở cửa – Doanh nghiệp vẫn ở bước “chạy đà”
VNTN- Cùng với các địa phương trên toàn quốc, Thái Nguyên chính thức “mở cửa” trở lại các hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Đây là điều mà các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh mong ngóng đã lâu. Tuy nhiên, hơn nửa tháng đã trôi qua, việc “bứt tốc” vẫn chưa thể thực hiện được, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang ở những bước “chạy đà”.
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp, cơ sở làm du lịch đang quyết tâm dồn lực trong mức có thể để “khởi động” lại các dịch vụ.
Tín hiệu tích cực còn yếu
Hoạt động du lịch chính thức được mở cửa trở lại, các dịch vụ thiết yếu cũng đang dần bắt nhịp bình thường mới. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh những ngày qua có thể thấy, chưa thực sự có nhiều tín hiệu tích cực của sự phục hồi trong ngành công nghiệp “không khói” này.
Ông Vũ Đình Tứ, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Việt Á Thái Nguyên cho biết: Hiện tại Công ty đang đưa ra những sản phẩm thu hút khách lẻ về tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn vì chất lượng các dịch vụ du lịch ở thời điểm hiện tại chưa được như lúc chưa có dịch nên không dễ để khách hàng lựa chọn. Thêm vào đó, điều khiến những đơn vị lữ hành như chúng tôi rất băn khoăn đó là giải pháp nào cho nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch có chất lượng cả trước mắt và lâu dài. Bởi ai cũng biết, qua thời gian dài dịch bệnh hoành hành, do không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định nên nhiều người đã phải chuyển đổi sang làm việc trong lĩnh vực khác dẫn đến nguồn lực này đã hao hụt khá nhiều.
Không gian văn hóa trà Tân Cương TP. Thái Nguyên không một bóng người trong ngày đầu được mở cửa “du lịch” trở lại
Đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng là tình trạng chung của phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo số liệu thống kê, năm 2021, khách đến các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng ½ so với năm 2020 khiến doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch giảm mạnh. Các sơ sở lưu trú, doanh nghiệp, điểm du lịch phải cắt giảm nhân lực, không ít doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động.
Đến nay, để có thể mở cửa lại và đảm bảo chất lượng dịch vụ buộc các doanh nghiệp phải đưa người lao động trở lại làm việc. Lương phải trả cho nhân công, trong khi khách đến trải nghiệm dịch vụ chưa có. Điều này khiến các doanh nghiệp dù muốn trở lại “nhập cuộc”, song một lần nữa buộc phải thận trọng tính đến bài toán thu, chi.
Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của tỉnh những ngày sau khi được “mở cửa”, cổng chính vẫn đóng im lìm. Hiếm hoi lắm mới có một, hai người khách vãng lai, chụp ảnh nhờ ngoài cổng.
Khu du lịch Hồ Núi Cốc cổng chính vẫn đóng im lìm, trong ngày chỉ lác đác vài du khách vào mua vé
Anh Nguyễn Tuấn, nhân viên phụ trách bán vé tại cổng ra vào không giấu được sự thất vọng: Tròn 20 năm tôi làm việc ở đây, chưa bao giờ gặp phải tình trạng vắng khách như thế này. Nếu trước đây, chúng tôi thường xuyên đón các đoàn hàng trăm, hàng nghìn người mỗi ngày thì bây giờ cho dù được mở cửa trở lại cũng chỉ có lác đác vài khách lẻ mà thôi.
Anh Tuấn chìa tập vé bán trong ngày mới có 15 cuống được xé. 15 vị khách cũng không phải đi theo đoàn mà là khách đi lẻ 2 đến 3 người một. Anh Tuấn là nhân viên thường trực tại cổng chính của khu du lịch, nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách không có, cửa chính đóng, anh xuống trực tại cổng phụ. Mỗi tháng anh Tuấn cũng chỉ đi làm khoảng 15 ngày. Tất nhiên, anh cũng chỉ được hưởng nửa lương. Ngoài anh Tuấn ra, phấn lớn nhân viên, người lao động ở đây đều phải nghỉ luân phiên chờ việc.
Mặc dù để sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại, nhiều lao động đã được gọi đi làm, nhưng bấy nhiêu vẫn là rất ít ỏi so với tổng số nhân viên, người lao động làm việc tại đây trước khi có dịch.
“Ế ẩm” lâu ngày nên với nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch dù chỉ có một vài khách lẻ cũng đã là tín hiệu mừng. Nhưng, ngay sau sự thoáng mừng đó, dường như nỗi lo so với việc phải tạm đóng cửa không ít hơn là mấy. Bởi, đã bán vé cho khách vào thăm quan, dù đón 1 khách hay 1.000 khách thì hầu hết các hệ thống sử dụng điện cũng đều phải hoạt động như nhau. Chưa tính đến các chi phí phát sinh khác. Và tất nhiên, chi phí cho việc này sẽ lớn hơn nhiều so với số tiền bán vé ở thời điểm hiện tại.
Do lượng khách trở lại còn quá ít nên nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ chưa thực sự “trở lại”
Cách Khu du lịch Hồ Núi Cốc không xa, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đìu hiu, vắng vẻ. Không có ai ngoài cán bộ trực. Được biết sự vắng vẻ này đã diễn ra suốt gần 3 năm nay và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Thực trạng này cũng đang xảy ra tại các cơ sở, doanh nghiệp có kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Từ lâu, Tân Cương đã được nhiều người yêu thích trà Thái Nguyên tìm đến để chiêm ngưỡng và trải nghiệm cuộc sống, lao động của người làm chè. Nhiều cơ sở đã đầu tư gian trưng bày, khu vực đón tiếp khách tham quan nhưng vắng lặng vẫn là tình cảnh chung.
Quyết tâm trở lại
Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương là một trong những chiến lước phát triển du lịch của tỉnh. Ảnh: Du khách trải nghiệm phong tục của đồng bào Tày tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, TP. Thái Nguyên.
Có thể thấy đã một thời gian dài các dịch vụ du lịch gần như bị “đóng băng”. Khó chồng khó là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp. Đến thời điểm này, “sức đề kháng” của nhiều doanh nghiệp bị suy giảm trầm trọng. Bởi vậy chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ tựa như một liều thuốc dù chưa thể giúp doanh nghiệp “khỏe mạnh” trở lại nhưng cũng đã được “hà hơi, thổi ngạt”.
Nắm bắt cơ hội này, các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch dù còn khó nhưng đã dồn lực trong khả năng của mình để tái khởi động.
Nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương bắt tay vào việc tu bổ, nâng cấp cảnh quan và đưa ra nhiều chương trình thăm quan hấp dẫn cũng như đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân, TP. Sông Công cho biết: Để vận hành các công việc ở khu du lịch, ngay cả khi hoạt động du lịch phải tạm dừng Công ty vẫn giữ một lượng lao động nhất định (40 người) để đảm bảo các công việc, sẵn sàng cho việc trở lại bất cứ lúc nào. Bởi vậy, Khu du lịch Dũng Tân đã sẵn sàng đón khách ngay khi được phép mở cửa trở lại ngày 15/3. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc hoạt động trở lại được ổn định, Công ty đã đảm bảo tất cả các nhân viên đều được tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 cũng như duy trì các quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo khi khách đến thăm quan.
Công ty TNHH Dũng Tân giữ một lực lượng cơ hữu, thường xuyên tôn tạo cảnh quan khu du lịch, sẵn sàng đón tiếp du khách ngay khi “mở cửa” lại
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên thông tin: Lần trở lại này, cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp về lưu trú, vận chuyển lữ hành trong Hiệp hội cam kết đảm chỉ nhận phục vụ khách hàng khi bảo đủ các điều kiện an toàn trong tình hình mới. Đặc biệt, chúng tôi còn kết nối với các doanh nghiệp làm du lịch lớn của Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đến tham gia khảo sát một số tuyến, điểm du lịch của tỉnh để họ thấy được tiềm năng du lịch trên địa bàn.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong vùng và khu vực cũng là một trong những chiến lược phát triển du lịch được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn. Qua đó để thu hút du khách đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn chế biến sản phẩm chè theo phương thức thủ công khi đến thăm quan tại HTX Chè Hảo Đạt, TP. Thái Nguyên
Để sẵn sàng cho việc khởi động lại du lịch lần này, đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã tập trung tham mưu nhiều nội dung trình UBND tỉnh về kế hoạch triển khai các biện pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; xây dựng phương án đón khách du lịch trong tình hình mới với các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời, cơ cấu, tổ chức lại các hoạt động đón khách du lịch đến Thái Nguyên. Đặc biệt, Ngành quan tâm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong làm du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp tận dụng được những ưu thế trên nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã công bố vận hành chính thức Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên với tên miền: http://mythainguyen.vn. Đây là một thành phần trong đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền, doanh nghiệp.
Cùng với đó là hàng loạt các ứng dụng trên Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh: thainguyentourism.vn; APP ThaiNguyen tourism hoạt động trên các thiết bị di động, với hàng trăm cơ sở lưu trú, nhà hàng, trạm xăng, điểm ATM, bệnh viện, nhà thuốc, các tuyến bus được update trên hệ thống. Địa điểm, thông tin du lịch đều được tích hợp với bản đồ số giúp du khách dễ dàng tìm đến các địa điểm mong muốn.
Thái Nguyên được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Hang Phượng Hoàng (Võ Nhai)
Với giải pháp du lịch thông minh, khách du lịch có thể dễ dàng tương tác trên các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh... Trong khi đó doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật những thông tin cần thiết, giúp du khách truy cập, tìm thông tin về du lịch địa phương một cách dễ dàng và thuận tiện.
Đây được xem là những công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá, cải thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên.
Bằng hàng loạt các giải pháp nêu trên, Thái Nguyên đang nỗ lực từng bước nỗ lực phục hồi du lịch, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Phú Khang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...