Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:40 (GMT +7)

Dự án “treo”… non!

VNTN - Vào dịp này năm ngoái (Giữa quý IV năm 2016), cánh đồng Đông Sinh chạy dài đến giáp xóm Ấm rộng gần 30 ha đã ngút ngát màu xanh. Nhiều ruộng ngô đã trổ cờ, vào mẩy. Vậy mà bây giờ cả cánh đồng trơ ra những khóm rạ cùng những vệt bánh của máy gặt oằn lên sự đau xót. Lẽ ra chỉ tháng nữa người dân Đông Sinh và xóm Ấm đã có thể thu về trên 2 triệu đồng một sào ngô - Bà Đặng Thị Sen, một nông dân cần mẫn ở xóm Đông Sinh nói. “Tính ra mất hàng trăm triệu chứ không ít. Nếu tính thành sản lượng cây lương thực có hạt thì mất chừng hơn chục tấn ngô. Đó là chưa kể, nếu người nông dân vùng này thực hiện ngay công văn của Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long thì vụ mùa vừa rồi mất đứt trên 140 tấn thóc!” - Ông Bùi Xuân Đức, Trưởng xóm Đông Sinh ca thán. Lại nữa, hôm họp bàn triển khai diễn tập phòng thủ, năm 2017, khi bàn làm tiếp “đường hoa” ở khu cửa đình đi Đồng Bát dài trên 300m thì ông Luyến bên Dự án Hồng Long gọi điện cho ông Đức bảo: “Không được trồng hoa vào đất dự án”, đã gây bức xúc cho nhiều người. Hiện nay, người dân Đông Sinh đang đứng ở ngã ba đường…!

Vì sao có tình trạng như trên?

Những ngày cuối năm 2015, khi nghe có Dự án của Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long lấy toàn bộ cánh đồng phía đông đình Đông Sinh chạy tới xóm Ấm để xây dựng nhà ở xã hội, trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp…, thì nhiều người dân ở đây lo lắm. Có gia đình sẽ sạch bách ruộng. Cây rau không có đất mà trồng. Song, vì sự đổi mới của đất nước, biến Nghị quyết của Đảng thành hiện thực nên mọi người đều ủng hộ dự án. Có điều, chỉ mong đây không phải là “dự án treo” như ở một một số nơi khác, vì như vậy chỉ làm khổ dân…

Thế rồi, đầu 2016 một cuộc vận động lớn đã nổ ra ở xóm Đông Sinh và xóm Ấm: Chi bộ họp, đầu ngành họp, những gia đình có đất nằm trong khu dự án họp… Mọi người được nghe phổ biến khá chi tiết về “Dự án Hồng Long” chắc như cua gạch này. Khi chưa điều chỉnh, dự án có diện tích là 28ha. Ngày 18/3/2016, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh lên 38 ha (Thêm 9 ha đất của xóm Ấm). Theo phổ biến thì đơn vị thực hiện dự án này là một công ty có tiềm lực lớn, có địa chỉ cụ thể ở Hà Nội (Công ty ở số nhà 112A/6A, tập thể Đại học Thủy Lợi, phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Để chiếm được lòng tin của dân, Bản sơ đồ chi tiết quy hoạch sử dụng đất được chăng lên: Sẽ có 8 tòa nhà ở xã hội, mỗi tòa 9 tầng, dạng nhà ở chung cư, với diện tích khoảng 1300 m2. Xây dựng một trung tâm thương mại tại trung tâm dự án, với diện tích 5000m2. Một khu tổ hợp nhà hàng, khách sạn 5 tầng cho nhu cầu các chuyên gia phục vụ tổ hợp Samsung Thái Nguyên. Khu dân cư, khu biệt thự liền kề khu vực xung quanh dự án, nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia, cán bộ, công nhân viên ở tổ hợp Yên Bình. Xây dựng khu ki ốt xăng dầu, bãi đỗ xe phục vụ toàn bộ hệ thống tổ hợp dự án; nhà điều hành, nhà văn hóa, nhà trẻ, hệ thống đường giao thông nội bộ (Có một tuyến đường lộ giới là 27m; 3 tuyến nhánh có lộ giới 19,5m và một tuyến lộ giới 15m); công viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước… với số kinh phí lên tới 1337 tỉ đồng. Nghĩa là Đông Sinh và xóm Ấm sẽ gắn liền với khu đô thị mới hiện đại, cải thiện môi trường tốt hơn trong tương lai cho sự phát triển với nhiều lợi ích chung cho cộng đồng dân cư.

Về tiến độ, trong Quyết định 537/QĐ-UBND tỉnh đã chỉ rõ:

Quý I/ 2016 là giai đoạn hoàn thiện thủ tục, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt dự án đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Quý II/ 2016: Công bố Quy hoạch và tiến hành các thủ tục GPMB.

Quý IV/ 2016: Khởi công xây dựng...

Quý I/ 2018: Hoàn thiện, đưa dự án vào khai thác sử dụng giai đoạn I.

Quý I/ 2020: Hoàn thành toàn bộ dự án.

Do Nhà đầu tư xin bổ sung dự án nên việc triển khai bị lùi lại, đầu năm 2017 mới thực hiện công việc của quý II, năm 2016. Nghe thấy dự án hoành tráng quá nên cả hệ thống chính trị ở thôn Đông Sinh và xóm Ấm đều có niềm tin và hăng hái vào cuộc, ủng hộ việc đổi mới của quê hương. Sau khi nghe phổ biến dự án, người dân chỉ nêu hai điều: Liệu dự án có làm thật không và cho biết rõ giá đền bù. Khi nghe được trả lời cụ thể rồi, vẫn còn 20 gia đình không nhất trí giao đất vì sợ mắc lừa, lại bị “treo” như phần đất của một số gia đình quanh khu đất Trường dạy nghề, cạnh xóm Ấm vài năm về trước, bây giờ vẫn còn mắc mớ với dân.

Ông Nguyễn Hoan ở Đông Sinh giới thiệu cánh đồng bỏ hoang trong dự án

Nhưng rồi sơ đồ lại được bày ra. Cán bộ xóm và đảng viên lại dày công thuyết phục, nói rõ lợi ích của dự án này cho các gia đình nghe: “Nơi đây sẽ tạo ra một khu nhà ở phù hợp, thân thiện môi trường với giá cả trung bình, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dân trên địa bàn Thị xã Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung, trong đó có bà con ở Đông Sinh và xóm Ấm. Từng bước thực hiện đồng bộ việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Có dự án này, sẽ có những khu nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Tổ hợp Samsung Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình”. Như vậy là người dân Đông Sinh và xóm Ấm sẽ có công góp phần vào công nghiệp hóa đất nước, vào sự đổi mới quê hương, vào việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống… Cuối cùng mọi gia đình đều thông suốt, tạo được sự đồng thuận, vui vẻ.

Chỉ trong vòng 2 tháng, gần 200 gia đình có đất và tài sản nằm trong vùng dự án đã bỏ ra ngót nghìn công để kê khai, kiểm đếm xong từng thửa ruộng, đất bãi, mảnh vườn và từng ngôi mộ… Một số trường hợp mắc mớ về diện tích thực tế giữa bản đồ và thực địa cũng được giải quyết kịp thời. Và, những ngày tháng 3/2017, mọi gia đình đã được xem thông báo công khai phần đất của mình niêm yết tại Nhà văn hóa thôn, tại trụ sở UBND xã Hồng Tiến. Theo yêu cầu của dân, từng gia đình còn được nhận tờ thông báo phần đất bị thu hồi và giá tiền được ghi rõ ràng, rành mạch. Mọi người đều phấn khởi, tin tưởng, chờ nhận tiền đền bù, hỗ trợ và xem giải phóng mặt bằng vào quý II/ 2017...

Chờ suốt tháng tư không thấy động tĩnh gì, ngày 6/5/2017, trưởng xóm Đông Sinh nhận được công văn do Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long ký. Ông trưởng xóm cho biết nội dung cụ thể như sau: “Công ty yêu cầu bà con không được cấy lúa vụ mùa 2017 vào vùng dự án; công ty sẽ đền bù sản lượng. Khi xóm có người chết không được chôn vào nghĩa địa nằm trong dự án…”. Có giấy trắng mực đen, có con dấu và chữ ký đàng hoàng nên chi bộ, các ban ngành ở xóm Đông Sinh lại tổ chức họp, động viên các gia đình: “Bà con hãy bình tâm chờ, không nên tăng gia hoặc làm thay đổi hiện trạng trên đất dự án. Riêng việc an táng, không có cách nào khác là vẫn phải đưa vào nghĩa địa cũ, vì bên dự án chưa tìm được nghĩa địa mới cho xóm”. Nhưng rồi chờ mãi vẫn không thấy ai về giải ngân, nhận đất. Nhiều lần, lãnh đạo xóm đi hỏi cấp trên nhưng đều nhận được câu trả lời là “hãy kiên trì đợi”.

Bà Nguyễn Thị Huấn và tờ Thông báo tiền đền bù, hỗ trợ của công ty

Khi thấy làng trên xã dưới đã vào mùa nhộn nhịp, tiếc đất quá nên trưởng xóm Bùi Xuân Đức bảo: “Muộn thì muộn cũng phải gỡ lấy vụ lúa mùa”. Nghĩ và nói vậy, Bùi Xuân Đức lên loa yêu cầu bà con nhanh tay xuống giống lúa vụ mùa 2017. Bà con nhất chí. “Nếu công ty lấy đất vào giữa vụ và đền sản lượng thì sẵn sàng chịu tốn công!”. Chẳng bao lâu, cánh đồng lúa đã xanh tốt bời bời, rồi… vàng rực khắp cánh đồng. Đội máy gặt giúp cả xóm thu về 140 tấn thóc có dư.

Sang vụ ngô đông 2017, có một số gia đình rủ nhau chuẩn bị giống và phân nhưng vì đã bước vào mùa khô - mùa xây dựng nên bà con bảo nhau: “Không thể để lỡ việc của công ty, chúng ta đành bỏ vụ trồng ngô này và chờ họ đền bù như lời Tổng Giám đốc hứa trong công văn, mặc dù biết đây là một sự lãng phí lớn”.

Sốt ruột quá, đã giữa quý IV/2017 rồi mà sao vẫn im như thóc trong bồ. Cũng chẳng thấy cán bộ của Công ty Hồng Long ỏ ê tới vùng dự án, lẽ ra bây giờ đang ở thời kỳ gấp rút thi công để hoàn thiện, đưa dự án vào khai thác sử dụng giai đoạn I (quý I/ 2018), như lời cán bộ về phổ biến cho dân. Lãnh đạo thôn đi hỏi cấp trên, cũng lại nhận được câu trả lời là: “Hãy chịu khó chờ”. Dân tình nao núng. Không hiểu Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long có triển khai tiếp dự án hay không. Nhiều người sinh nghi ngờ, mọi người bàn tán: “Phải chăng đây là dự án treo… non của Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Hồng Long! Họ mà bỏ dở thì chúng mình mất đứt tiền triệu, tiền tỉ mọc ra từ đất và mất không ngót nghìn công đi hầu dự án để kê khai, kiểm đếm!”.

Từ thực tế trên, người viết bài này đã đến gặp ông Dương Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Phổ Yên để trao đổi thì được biết: Đúng là Công ty Hồng Long đã có hai lần hứa sẽ giải ngân (một lần vào đầu năm 2017, một lần vào giữa năm) nhưng chưa thực hiện được. Thị xã đã nhiều lần đôn đốc và gần đây được biết công ty đã có Chứng thư vay tiền (năm trăm tỉ). Thị xã sẽ tiếp tục đôn đốc, không thể để lời hứa “quá tam ba bận”. Còn việc Tổng Giám đốc công ty có công văn cho xóm Đông Sinh bảo không được cấy và chôn cất thì lãnh đạo Thị xã đã góp ý. Làm như vậy là không hợp lòng dân.

Dân tốt thế. Xin đừng “treo…non” dự án để làm mất niềm tin của người nông dân một nắng hai sương! Nếu chưa làm được thì nên để người nông dân nơi đây tranh thủ gieo trồng, được vụ nào hay vụ ấy, kẻo lãng phí đất. Và, nếu quyết tâm thực hiện dự án thì cần sớm phối hợp xây dựng nghĩa địa mới cho dân, vì “Sinh có hạn, tử bất kì”. Vả lại, “Đã trao tiền đâu mà đòi lấy cháo?”. Với người nông dân thì tấc đất là tấc vàng!

Văn Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước