Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:15 (GMT +7)

Dư âm kỳ họp Quốc hội thứ Tư: Thông điệp mạnh mẽ từ nghị trường

Sau khi kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV bế mạc, đến thời điểm này, các vị đại biểu trên mọi miền Tổ quốc gần như cũng đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự phiên bế mạc


Trong mọi tình huống phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2023 giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... là những thông điệp mạnh mẽ được cử tri gửi gắm nhiều hy vọng.

Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống

Thông qua 6 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác; giám sát tối cao, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng... Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp thứ Tư.

Khó có thể kể hết những nội dung đã được quyết định trong 21 ngày của kỳ họp, nhưng điều dễ nhận thấy là nhiều công việc của năm 2023 đã được "chốt" với yêu cầu mạnh mẽ.

Ngay sau kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại đây Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Sau khi cân nhắc nhiều chiều, Quốc hội đã đồng ý với mức tăng GDP Chính phủ đề xuất là khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Được đặt lên hàng đầu trong mục tiêu tổng quát của năm sau là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.

Phần nhiệm vụ, giải pháp, Quốc hội yêu cầu tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống.

Yêu cầu được nêu tại nghị quyết còn là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau”. Kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.

Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên, vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bà Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) tham gia thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội

Yêu cầu cứng rắn khác được nêu tại nghị quyết là năm 2023 phải tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến trong hệ thống y tế; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế để từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí vào giá dịch vụ y tế; quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ Tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.

"Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...". Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở

Sau ba năm liên tục phải lùi tăng lương, kỳ này, Quốc hội không còn "lỡ hẹn" với người được hưởng lương từ ngân sách.

Tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (tương đương 4,42% GDP); tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.

Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở. Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị...

Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính trong lĩnh vực đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Chống tham nhũng không phải cốt xử nặng

Trong kỳ họp thứ Tư, Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng và đại biểu còn quan ngại khi mà chống đã khá nghiêm minh nhưng phòng chưa được tốt.

Nhấn mạnh yêu cầu "phòng là tốt nhất" khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, hiện nay không chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương, mà 100% các tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm cán bộ trong Ban Chỉ đạo mà tham nhũng thì “xử lý trước”. Cán bộ tham gia vào Ban Chỉ đạo mà tham nhũng là không được. "Chân mình thì lấm bê bê/lại cầm bó đuốc đi rê chân người, thì ai người ta chịu" - Tổng Bí thư trao đổi với cử tri.

Phải giữ được phẩm chất, tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch. Phải làm sao giữ cho được kỷ luật, kỷ cương, Tổng Bí thư nêu rõ và nhấn mạnh, vừa rồi đã bắt một loạt vụ tưởng như không làm được.

Ông cũng cho biết ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp đã thống kê bao nhiêu vụ đã làm và sắp tới sẽ làm vụ nào, kể tên từng vụ chứ không có gì bí mật, khiến cho “khối anh sợ”.

“Không thể không làm vì đã rõ quá”, Tổng Bí thư nêu quan điểm và nhắc lại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, đòi hỏi của cuộc sống nên không thể không làm, nên phải kiên quyết kiên trì, không ngừng không nghỉ.

Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách

Tổng Bí thư cũng cho biết, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng thì sẽ được xem xét miễn, giảm, xử nhẹ hơn. Đây là điểm mới, rất nhân văn.

“Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt”, Tổng Bí thư nói và nêu lại việc 3 ủy viên Trung ương tự giác xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật. Ông cũng nhấn mạnh, nếu cán bộ nào ngoan cố thì phải xử và hiện nay đang làm một số vụ.

Phòng là tốt nhất, đừng để xảy ra mới chống, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu. Ông cũng đề nghị cử tri tiếp tục quan tâm ủng hộ để tiếp tục chống "giặc nội xâm" đạt kết quả cao nhất.

Chỉ rõ các dự án lãng phí cần giám sát xử lý

Tại kỳ họp thứ Tư, sau giám sát tối cao, Quốc hội đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại đây, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Trong số này, Thái Nguyên có 20 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy