Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
02:28 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc thi “ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI NGUYÊN LẦN THỨ XX VÀO CUỘC SỐNG”

Đồng hành cùng doanh nghiệp: Không nói suông

Là địa phương có độ mở kinh tế lớn, với nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động nên Thái Nguyên hiện là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ những biến động kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua. Chính bởi thế, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm không đạt tiến độ bình quân chung của năm. Thực tế này đã và đang đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ, nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn…

Tính đến cuối tháng 6, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31 với doanh số hơn 2.500 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng; cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cho 6 khách hàng, với dư nợ hơn 800 tỷ đồng
Tính đến cuối tháng 6, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31 với doanh số hơn 2.500 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng; cơ cấu nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cho 6 khách hàng, với dư nợ hơn 800 tỷ đồng

Nhận diện thực trạng

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục biến động, khó dự báo. Cuộc xung đột Nga - Ukraina tiếp tục diễn biến phức tạp; nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp; rủi ro của hệ thống tài chính - ngân hàng tiếp tục hiện hữu. Mặt bằng lãi suất tuy có điều chỉnh giảm nhưng còn ở mức cao, nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, nguồn cung điện thiếu hụt… Tất cả những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân.

Cũng chính vì thế, tính đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ ước đạt 5,17% so với cùng kỳ (kế hoạch là 8,5%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 405 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch (KH) năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,07 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ, bằng 39,7% KH năm; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 8.273 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ, bằng 41% dự toán năm…

Anh Nguyễn Mạnh Cường, nhân viên Công ty CP. Cán thép Thái Trung chia sẻ: Tính đến đầu tháng 7, Công ty tôi đã phải ngừng hoạt động 85 ngày. Thu nhập bình quân của người lao động từ đầu năm đến nay chỉ còn bằng hơn 60% so với năm 2022. Gia đình nào có cả vợ chồng cùng làm tại Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người để có thêm thu nhập phải tranh thủ tìm thêm việc bên ngoài, như: Phụ hồ, bốc vác… Kể từ khi Công ty bắt đầu đi vào hoạt động năm 2008 đến nay, chưa bao giờ, chúng tôi gặp khó khăn như năm nay. Chính vì thế, hàng chục lao động có tay nghề cao đã xin nghỉ để tìm việc ở chỗ mới. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho Công ty, vì để đào tạo được một lao động có tay nghề tốt không hề đơn giản. Còn theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty: Với kế hoạch sản xuất đề ra trong năm nay là 380 nghìn tấn, kết thúc quý II, đơn vị mới đạt 33% kế hoạch năm.

Cũng trong tình cảnh thu nhập bị giảm, chị Hoàng Thị Huệ, công nhân một Công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP. Phổ Yên cho biết: Trước năm 2022, bình quân thu nhập của chúng tôi đạt trên dưới 10 triệu đồng/tháng, thì từ đầu năm đến nay, chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân do hàng hóa tiêu thụ chậm, người lao động không còn được tăng ca như trước, mà chỉ làm giờ hành chính và nghỉ luân phiên, hưởng 85% lương. Với mức thu nhập hiện nay, chúng tôi buộc phải cắt giảm một số khoản chi tiêu và giảm khả năng tích lũy. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tôi thấy như thế vẫn còn may khi chưa phải đi kiếm việc làm mới.

Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà chị Huệ vẫn cho rằng bản thân còn may mắn mặc dù thu nhập giảm hơn nhiều so với trước. Bởi theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 6 năm nay, số lao động làm việc trong các DN trên địa bàn tỉnh giảm hơn so với cùng kỳ năm 2022 lên tới hơn 10 nghìn người (tương ứng với gần 10%).

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, khiến thu nhập của nhiều người giảm đáng kể
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, khiến thu nhập của nhiều người giảm đáng kể

Phân tích về nguyên nhân khiến nhiều DN gặp khó, ông Chu Phương Đông cho rằng: Hiện, DN gặp 2 “thứ bệnh”: Một là cầu toàn thị trường yếu, khiến sức tiêu thụ sản phẩm của DN đương nhiên bị giảm. Hai là lạm phát tăng, mà nguyên nhân do đứt gẫy chuỗi cung ứng khiến chi phí sản xuất, chi phí đầu vào tăng, chứ không phải tăng giá do sức cầu cao.

Để cứu DN thì chúng ta phải giảm chi phí cho DN ở nhiều góc độ như: lãi suất và các chi phí khác, trong đó có chi phí không chính thức. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ dành cho DN nhưng cần phải được triển khai nhanh và hiệu quả hơn. Khi DN còn sống thì các chính sách này mới có ý nghĩa, chứ nếu DN không còn tồn tại, thì chính sách cũng không giúp được gì.

Đồng lòng gỡ khó

Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN của trung ương, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DN. Trong đó, việc nắm bắt các khó khăn của DN để đưa ra biện pháp tháo gỡ được đặc biệt quan tâm.

Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Chúng ta phải hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng DN với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”. Chính vì thế, tại nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương của tỉnh, đồng chí yêu cầu, thay vì đợi DN đến phản ánh những khó khăn, các sở, ngành chức năng hãy chủ động gặp gỡ, hỏi han, nắm bắt xem DN khó gì, vướng gì, cần hỗ trợ gì.

Cũng từ quan điểm này nên UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Quan tâm tổ chức đối thoại, gặp mặt DN bằng nhiều hình thức nhằm lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN… Theo đó, năm 2022, 100% các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh đều tổ chức đối thoại với DN trên địa bàn. Năm nay, tính đến đầu tháng 6, cả 9/9 địa phương và nhiều sở, ngành như Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Chi cục Hải quan Thái Nguyên… đều tổ chức đối thoại với DN.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Chi cục Hải quan Thái Nguyên tổ chức
Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Chi cục Hải quan Thái Nguyên tổ chức

Gần đây nhất, ngày 10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với hơn 170 đại biểu đại diện cho các Hội, Hiệp hội và các DN trên địa bàn tỉnh. Đây lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh đồng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với các DN trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự đổi mới trong hoạt động, hướng tới mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ, kiến tạo sự phát triển.

Thông qua đối thoại, hàng trăm vấn đề đã được lắng nghe, trả lời và giải quyết. Những vấn đề cần thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến của các sở, ngành hoặc xin ý kiến của cấp trên, sẽ được tổng hợp để tiếp tục bàn giải pháp giải quyết. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương, tỉnh đã và đang tiếp tục tổng hợp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thống kê: Từ đầu năm đến nay, cơ quan Thuế đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong đó có giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các DN năm 2023; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thuế suất, thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%...

Không chỉ các DN trong nước, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay cũng gặp khó khăn, do đơn hàng sụt giảm
Không chỉ các DN trong nước, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay cũng gặp khó khăn, do đơn hàng sụt giảm

Các chính sách này làm giảm khoảng 500 tỷ đồng số thu của tỉnh trong năm nay, đồng thời cũng khiến khối lượng công việc của công chức ngành Thuế tăng đáng kể. Song, vì để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nên toàn ngành đều nỗ lực hết sức với mong muốn chính sách này được triển khai đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

Về phía ngành NH, cũng đang rất tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, NH Nhà nước và các hội sở để cùng các DN vượt qua cơn bĩ cực. Nói như ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Các NH chỉ có thể phát triển khi khách hàng hoạt động hiệu quả. Chính vì thế, việc đồng hành, hỗ trợ vừa là trách nhiệm, vừa là để NH cứu chính mình. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có trên 40 khách hàng được hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, với dư nợ trên 1.400 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 14 tỷ đồng; hơn 20 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này đang tiếp tục được các NH thương mại thực hiện. Ngoài ra, các NH cũng đã chủ động giảm lãi suất cho vay bằng nguồn lực của đơn vị.

Lãnh đạo Thanh tra tỉnh trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri, đối thoại của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức trong tháng 7/2023
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri, đối thoại của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh tổ chức trong tháng 7/2023

 Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cán thép Thái Trung - một trong số nhiều DN được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ cho rằng: Việc được gia hạn nộp thuế trên 2 tỷ đồng và được cơ cấu lại nợ trên 180 tỷ đồng vốn vay trung hạn đã giúp Công ty có điều kiện và động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Giải pháp nào cho thời gian tới?

Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư phân tích: Với dự báo bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước những tháng cuối năm 2023 còn không ít khó khăn, thách thức, khó chuyển biến nhanh theo hướng tích cực, thì nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu năm của tỉnh là rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN.

Theo đó, Sở đã tham mưu với tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của trung ương và của tỉnh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, chú trọng vào ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao. Khẩn trương thực hiện xác định giá đất, cho thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị, trong đó tập trung thực hiện xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Lãnh đạo TP. Thái Nguyên trả lời ý kiến của DN tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh
Lãnh đạo TP. Thái Nguyên trả lời ý kiến của DN tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh

Đồng tình với các vấn đề Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu, ông Nguyễn Anh Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên - Chuyên gia kinh tế - phân tích thêm: Vẫn còn tình trạng nhiều DN chỉ chú trọng xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước, trong khi nhu cầu cũng rất cao. Chính vì thế, bên cạnh sự cần thiết phải thay đổi tư duy, cách làm của chính DN, rất cần sự tiếp sức của các cấp chính quyền để trợ DN nội dung này…

Về phía chính quyền tỉnh, mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhấn mạnh: Chúng ta không thể chỉ có nỗ lực suông, những lời nói sáo rỗng, những hội nghị hình thức, mà lập tức phải thay đổi tư duy, hành động cụ thể, thiết thực. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải có tinh thần quyết liệt, sáng suốt, nắm chắc các quy định, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới. Có như thế công việc mới không bị ách tắc cản trở và người lãnh đạo phải là tấm gương về giải quyết công vụ cho cấp dưới noi theo. Đối với cộng đồng DN, cũng cần nâng cao kiến thức, am hiểu pháp luật, thực hiện tốt các quy định, trách nhiệm để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình cũng như đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tình hình thị trường trong và ngoài nước khởi sắc, đơn hàng dồi dào, tiêu thụ thuận lợi vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành thời điểm này là rất cần thiết đối với cộng đồng DN. Với những gì DN đã và đang phải trải qua, có thể sẽ cần có thêm nhiều thời gian để hồi phục, nhưng những gì cấp ủy, chính quyền tỉnh đã và đang làm cho các DN có thể ví như những “liều thuốc” trợ lực cực kỳ quan trọng giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và dần bình phục, phát triển.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy